Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 Ga 4,19 – 5,4, Lc 4,14-22a
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca ( Lc 4,14-22a)
14 Khi ấy, được đầy quyền năng Thần Khí, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng đồn Người lan ra khắp vùng lân cận. 15 Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.
16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. 21 Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” 22a Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.
Lạy Chúa! Xin Chúa luôn hướng dẫn đời con (06.01.2022)
Sau khi chịu phép rửa bởi Gioan, Chúa Giêsu vào rừng vắng chay tịnh 40 đêm ngày để chuẩn bị cho sứ mệnh của Người. Hôm nay Chúa Giêsu đã trở về Galilê, miền quê hương của Người và bắt đầu rao giảng.
Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu trở về miền quê hương để mở đầu cho công cuộc rao giảng của Người. Tin mừng mô tả Người trở về với một uy danh, một sức mạnh của Chúa Cứu Thế bắt đầu ra mắt đến với nhân loại: “ Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh”.
Người đã đến chính ngôi làng Nagiaret nơi Người đã được sinh ra. Như đã chuẩn bị thật kỹ càng cho cuộc gặp gỡ dân chúng: “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabat, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa”.
Đây là đoạn sách thật tuyệt vời của ngôn sứ Isaia, đã viết trước Chúa Giêsu mấy trăm năm, mà mô tả về Chúa Cứu Thế đúng y hệt. Mỗi người ngày nay đọc lên là như được thấm nhập cả con người Chúa Cứu Thế vào lòng mình. Thánh ý Chúa thật là tuyệt vời khi “Người mở ra” là gặp đoạn sách đó. Chúa Giêsu như đã được Thiên Chúa Cha giới thiệu trước công chúng: “ Đây là con ta yêu dấu”. Đồng thời Chúa Giêsu đã khẳng định sứ mệnh của Người mà Chúa Cha sai đến: Vị Cứu Thế sức mạnh, quyền năng của Thánh Thần. Chúa Giêsu bước vào hội đường đọc Sách Thánh với thái độ cung kính trang nghiêm. Để rồi dẫn người ta đến một lời kết: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
Vị ngôn sứ tuyệt tài Giêsu lại có sức mạnh của Thánh Thần thúc đẩy và một sự chuẩn bị kỹ càng, Người đã đem lại bước đầu thành công: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Dù vậy nhưng không biết họ có nhận ra được rằng người vừa đọc Sách Thánh cho họ nghe đây là chính Đấng Thiên Sai, là Chúa Cứu Thế mà Thiên Chúa đã gửi đến cho họ, vì họ. Đấng mà cha ông họ đã bao ngàn năm van vỉ trông đợi.
Mỗi tín hữu hôm nay, khi lãnh bí tích rửa tội là được tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kito. Mỗi chúng ta có ý thức được rằng mình có bổn phận phải nói cho Chúa không? Mỗi khi cần nói, phải nói ta có chuẩn bị kỹ càng để Thánh Thần nói trong ta thì mới đem lại hoa trái tốt lành không?
Ngày xưa khi chuẩn bị sứ mệnh rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu đã phải vào rừng vắng chay tịnh suốt 40 đêm ngày, còn phải chịu thử thách chiến đấu với ma quỷ. Ngày nay trước mỗi công việc làm, trước mỗi gian đoạn của cuộc sống ta có tĩnh tâm, suy nghĩ , cầu nguyện để Chúa đồng hành, lo liệu cho ta chăng?
Ở một nhà thờ giáo xứ nọ, người ta thấy một thiếu nữ mấy tháng trời chuyên chăm cầu nguyện sáng tối. Người ta hy vọng cô sắp thành một nữ tu của dòng nào đấy. Nhưng một ngày người ta thấy cô gặp cha xứ xin giấy kết hôn gia đình. Cha xứ vui vẻ hỏi: Sao họ bảo cô chăm chỉ cầu nguyện lắm, cô sắp đi tu cơ mà?
– Vâng con chăm chỉ để Chúa mách bảo, hướng dẫn đời con… và hôm nay…!
Lạy Chúa! Xin Chúa luôn hướng dẫn đời con và cho con biết nhận ra những dấu hiệu thời đại mà Chúa vẫn dùng mà hướng dẫn nhân loại, trong đó có con nữa. Amen.
Giuse Ngọc Năng
Thiên Chúa ban hồng ân (07.01.2021)
Ngày 07.01: Lễ Nhớ Thánh Rây-mun-đô, linh mục
Khi còn đi học tôi rất ấn tượng giờ học ngoại ngữ tiếng Pháp, cô giáo không chỉ dạy chúng tôi cách phát âm chuẩn và cách viết bài cho đúng văn phạm, mà cô còn giải thích thêm về phong cách ứng xử lịch thiệp của đất nước có nền văn hóa Châu Âu. Nhiều học sinh tỏ ra thích thú với âm điệu trầm bổng của ngôn ngữ Pháp. Theo William A. Warrd :“Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Vậy Chúa Giêsu có phải là người thầy vĩ đại nhất không ? Chúng ta cảm nhận được “trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và ai nấy đều ca tụng người”.
Tin Mừng hôm nay thánh Isaia đã loan báo: “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Điều rất đặc biệt là chính Chúa Giêsu đã đọc sứ điệp này tại hội đường Nadarét, không người nào được biết rằng Ngài là nhân vật chính của lời tiên tri ấy. Từ xa xưa, chưa có ai được thấy Thiên Chúa, hầu hết thánh ý của Ngài đều được truyền qua giấc mơ hay lời tiên tri. “Trong dòng lịch sử đức tin của dân Israel, Thiên Chúa đã hé mở phần nào đời sống nội tâm của Ngài, và nói chuyện với Abraham, Isaac và Giacob. Ngài truyền lệnh cho ông Môsê giải phóng dân Ngài khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Hết lần này đến lần khác Ngài yêu cầu các ngôn sứ lên tiếng và hành động công khai nhân danh Ngài”. (Docat 21, 10). Chỉ khi chúng ta đặt niềm tin và lòng tôn thờ Đấng Tối Cao trong mọi sự, Người sẽ khai thông mọi ý tưởng để “Chúng ta chỉ có thể tìm thấy Chúa nếu Ngài tỏ bày hay mạc khải chính Ngài cho chúng ta. Tự bản chất chúng ta có trực giác về Thiên Chúa, qua suy tư cũng có thể nhận ra sự thật rằng Thiên Chúa hiện hữu” (Docat 20, 9).
Chúng ta nhận thấy Chúa đi đến nơi nào cũng đều mang lại sự sống cho con người, cứu con người thoát khỏi nỗi tuyệt vọng, Người luôn đặt vị trí mình vào mọi hoàn cảnh đau khổ tột cùng của con người như trường hợp người mẹ có người con trai duy nhất vừa mất nhưng được Người ban lại sự sống, hay người đàn bà đã bị bệnh suốt hai mươi năm chỉ mong được chạm tay vào vạt áo của Người xin ơn chữa lành, người mù ngồi bên vệ đường chờ Chúa đi qua để cầu xin Người chữa lành … “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”. Sức hấp dẫn từ những lời của Chúa Giêsu thốt ra mang đầy tình thương nhân ái, khiến chúng ta nhận biết được nguồn sống thiêng liêng mà Chúa ban xuống trên mỗi người, sự ban phát như không về hồng ân mà con người sẽ được lãnh nhận khi tin tưởng vào Ngài và trở nên con cái Ngài. Là điều rất mới lạ so với các lời ngôn sứ truyền đạt và mời gọi hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần, chúng ta đang sống trong thời kỳ hồng ân dành cho những ai tin vào Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa và mong đợi niềm vui được chung hưởng hạnh phúc trong vòng tay thương yêu của Người, xin giúp chúng con thoát khỏi giam cầm của sự dữ để chúng con được sống trong niềm vui Ơn Cứu Độ.
LHTH
Chúa tỏ mình là Đấng Thiên sai (09.01.2020)
Ai cũng có một quê hương, nơi ấy, mỗi người được sinh ra, được yêu thương, được nuôi dưỡng và lớn lên trở thành một người con người đúng nghĩa; nơi ấy, dù đi đâu, ta cũng mong được trở về. Chúa Giêsu cũng có một quê hương, là xóm làng Nazareth. Hôm nay, Ngài cũng trở về với thôn làng, nơi Ngài được sinh ra, được yêu thương và lớn lên.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, sau một thời gian đi rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành các bệnh tật và làm những việc lành phúc đức. Tiếng tăm tốt lành ấy đã được lan truyền khắp nơi. Sau đó, Ngài trở về quê hương. Chắc chắn khi trở về quê hương, Ngài cũng có những tâm tư, tình cảm thân thiết, yêu thương và gắn bó như chúng ta.
Với những danh tiếng lẫy lừng khắp miền Galile vì những phép lạ Ngài làm, bà con láng giềng chắc chắn cũng hào hứng và mong muốn Ngài trở về với họ. Hãnh diện và tự hào biết mấy khi một thành viên trong làng nay được tăm tiếng lẫy lừng như thế. Vì thế, ngay khi trở về, Ngài liền được trao cho cuốn Kinh Thánh để đọc trong hội đường, vì ngày hôm đó là ngày sabath.
Ngài mở sách và gặp chỗ có chép rằng: “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.
Đoạn sách ngôn sứ Isaia mà Chúa Giêsu đọc cho thấy đó là những việc Chúa Giêsu thường làm cho mọi người. Những việc làm này cũng là dấu hiệu để cho người Do Thái nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai mà họ chờ mong. Chúng ta có thể thấy điều này trong câu trả lời của Chúa Giêsu đối với câu hỏi của các môn đệ Gioan Tẩy Giả: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3).
Qua những hành động của Chúa Giêsu, nhiều người đã đã tin vào Thiên Chúa và tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đang hiện diện thật gần gũi để chia sẻ, cảm thông với những yếu hèn và đau khổ của phận người.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào Ngài và biết sống yêu thương tất cả mọi người như Chúa đã yêu thương. Amen.
Bình Minh
Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh (10.01.2019)
Ghi nhớ:
“Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).
Suy niệm:
Một vị lãnh đạo tuyên truyền rằng:
- Thời đại hôm nay, khi mà khoa học đã phát triển vượt bậc, thì con người không còn cần đến tôn giáo nữa. Thiên Chúa chỉ là một nhân vật trừu tượng, là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người tạo ra mà thôi, còn đạo hay tôn giáo thì giống như một liều thuốc phiện mê hoặc, rủ ngủ dân chúng để khi gặp khó khăn trở ngại khổ đau thì sẽ thu mình vào “cái vỏ ốc tôn giáo đó” để mà cầu nguyện van xin vậy thôi!
Trong đám quần chúng ngồi nghe, bỗng có một cánh tay giơ lên, xin phát biểu:
- Thưa lãnh đạo. Vừa rồi ông đã nói, ngày nay chúng ta không còn cần đến đạo hay tôn giáo nữa, thì tôi xin đề nghị với ông một việc này: Tôi yêu cầu ông chưng ra cho tôi chỉ cần một người mà trước đây khi theo đạo, có tôn giáo người này sống bê tha, không lành mạnh. Nhưng sau khi từ bỏ đạo hay tôn giáo người đó lại sống tốt, sống gương mẫu, hữu ích cho gia đình và xã hội? Về phần mình, tôi sẽ đưa ra hàng chục thậm chí hàng trăm nhân chứng; là trước đây họ sống trong tội lỗi, lừa lọc gian manh, rượu chè trộm cướp, thế mà sau khi theo đạo họ đã cải thiện cuộc sống và trở nên hữu ích, sống tử tế đàng hoàng và tất nhiên cũng là một công dân tốt nữa! Thưa ông, ông có chấp nhận lời đề nghị này của tôi không?
…..
Sau khi nguyên tổ phạm tôi bất trung, phản bội Thiên Chúa thì chẳng những Thiên Chúa đã không ghét bỏ, loại trừ loài người mà còn có kế hoạch để cứu độ loài người. Theo dòng lịch sử của chương trình cứu độ đó Thiên Chúa đã dùng nhiều vị tiên tri cũng như ngôn sứ để báo trước Đấng Cứu Thế sẽ đến trần gian để giải thoát cho con người khỏi cảnh lầm than, nô lệ tội lỗi.
Như vậy, sau một thời gian sống ẩn dật ở Nagiaret khoảng ba mươi năm, thì vào những ngày này Chúa Giê-su bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng công khai. Trước tiên, Ngài đến cho ông Gioan làm phép rửa, sau đó vào hoang địa và chịu Ma Quỷ cám dỗ. Rồi Ngài trở về Nagiaret, vào hội đường người ta trao cho Người sách của ngôn sứ I-sai-a. Đức Giê-su đọc một đoạn và xác định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
Đó là giải thoát cho những người bị giam cầm, cho kẻ mù được sáng mắt, trả lại tự do cho những người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa…
Chúa Giê-su đến trần gian mang Tin Mừng cho loài người. Tin Mừng đó nếu ai chấp nhận thì sẽ được sống trong bình an hạnh phúc, và được trở lại làm con Thiên Chúa.
Thật vậy thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp biết bao! Nó sẽ đầy tràn niềm vui, hạnh phúc và bình an nếu như mọi người chấp nhận và sống theo Tin Mừng của Thiên Chúa. Nhưng. Than ôi. Đã hơn hai ngàn năm Tin Mừng được Đức Giê-su rao giảng mà đến ngày nay, đây đó trên trần gian này hàng ngày vẫn còn xảy ra những cảnh bạo lực bất công, những hận thù giết chóc, những hãm hiếp cướp bóc…Tất cả cũng chỉ vì con người đã không chấp nhận Thiên Chúa và gạt bỏ Tin Mừng yêu thương của Ngài ra khỏi cuộc sống của mình!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa rất yêu thương nhân loại, vì vậy Chúa muốn loài người chúng con được sống trong an vui hạnh phúc, được sống tự do không bị quyền lực ma quỉ ràng buộc, thao túng, nên Chúa đã từ trời cao xuống thế để dạy dỗ và dẫn dắt, và cứu độ chúng con, dẫn đưa chúng con tới bến bờ của tự do thực sự để trở lại làm con cái của Ngài. Xin cho chúng con và những người đang sống trong đam mê tội lỗi biết thức tỉnh để tìm về với Chúa. Vì chỉ có Chúa mới là hạnh phúc đích thực của cuộc đời chúng con mà thôi. Amen.
Sống Lời Chúa:
Cầu nguyện nhiều cho những người chưa nhận biết Chúa.
Đaminh Trần văn Chính
Loan báo Tin Mừng cho mọi người (07.01.2016)
1- Ghi nhớ:
“Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức (Lc 4, 8).
2- Suy niệm:
Sau khi đọc sách ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, nghĩa là lời ngôn sứ Isaia đã ám chỉ về Ngài và về sứ mạng của Ngài bắt đầu được thực hiện.
Đức Giêsu được Thiên Chúa sai đến, được Thánh Thần dẫn đưa để thi hành sứ vụ. Sứ vụ của Đức Giêsu không gì khác hơn là đem hạnh phúc đến cho con người, cứu giúp họ khỏi cảnh khốn cực, giải phóng khỏi cảnh bị áp bức, để con người được sống hạnh phúc trong tình yêu thương của Chúa.
Nhìn lại cuộc đời công khai của Đức Giêsu, chúng ta có thể nhận ra tình yêu thương của Chúa dành cho con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, người tội lỗi, người bất hạnh, người bị bỏ rơi hoặc bị loại trừ. Những con người này khi gặp được Chúa đều cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc. Họ đã gặp được một Đấng luôn quan tâm và yêu thương họ thật sự. Họ đã cảm và nếm được hương vị ngọt ngào của lòng Chúa xót thương. Chính Đức Giêsu đã nên Tin Mừng, sự bình an và niềm hy vọng cho con người.
3- Cầu nguyện :
Lạy Chúa! Chúng con đang sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Xin giúp chúng con luôn cảm nhận được Chúa yêu thương chúng con biết là dường nào. Xin Chúa ban ơn giúp chúng con biết sống thánh thiện và yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con, để mỗi người chúng con sẽ là những chứng tá sống động loan báo cho con người ngày hôm nay biết được Lòng Thương Xót của Chúa để tin theo Chúa. Amen.
4- Sống Lời Chúa :
Hãy mở lòng đón nhận và quảng đại trao ban, chia sẻ để Lòng Thương Xót Chúa được trở nên như hương thơm tỏa lan trên những nẻo đường chúng ta đi, nơi từng hành động chúng ta thực hiện và trong những lời nói khi chúng ta tiếp xúc gặp gỡ những người anh chị em đang sống chung quanh chúng ta.
HOÀI THANH
Ứng nghiệm lời Kinh Thánh
Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,21).
Suy niệm: Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm khi lời ấy được thực hiện trong hiện tại như đã được tiên báo từ xưa. Khi ấy, lời Kinh Thánh không còn là những dòng chữ trong sách xưa, nhưng có sức sống nhờ được đọc lên ngay lúc này. Lời tiên báo xưa của vị ngôn sứ đã khuất, nay trở thành Lời sống động là Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế được Chúa Cha sai đến hôm nay. Chẳng những làm cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giê-su, Đấng tràn đầy Thánh Thần, là chính Tin Mừng của Thiên Chúa được loan báo cho con người. Giờ đây, cùng với Người và trong Người, thời đại mới của ân sủng được mở ra; mọi người đều được ban ơn cứu độ; tất cả đều được gọi Thiên Chúa là “Abba” (Cha ơi).
Mời Bạn: Thư chung của Hội Đồng Giám mục Viêt Nam kêu gọi: “Gia đình giáo xứ cần được Phúc-Âm-hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.” Mời bạn hãy để cho lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu tiếp tục được ứng nghiệm nơi chính bản thân, giáo xứ và cộng đoàn của bạn qua tiến trình Phúc Âm hóa.
Chia sẻ: Bạn phải làm gì để lời Tin Mừng sau đây tiếp tục được ứng nghiệm “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7)?
Sống Lời Chúa: Tha thứ cho một người làm điều gì phật ý bạn hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con, nhờ Chúa, với Chúa, và trong Chúa, biết thực hành Lời Chúa dạy để danh Chúa được rạng rỡ, Nước Chúa được hiển trị trong cuộc đời con. Amen.
Sống giây phút hiện tại
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quí vị vừa nghe.” (Lc 4,21)
Suy niệm: “Ứng nghiệm lời Kinh Thánh” là làm cho lời Kinh Thánh được trở nên hiện thực. Kinh Thánh ghi lại Lời; nhưng Lời đó không chỉ để đọc, để nghe, mà là Lời sống động, Lời ban sự sống, Lời phải được áp dụng vào đời sống, để sinh nhiều hoa trái tốt. Lời mà Chúa Giêsu làm cho nên ứng nghiệm là: “Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức…” (c. 18). Không chỉ những lời trên, mà tất cả những gì Kinh Thánh nói về Ngài đều được ứng nghiệm, dù một chấm, một phết không bị bỏ qua, không được coi thường, vì Ngài đến là để thực thi ý Chúa Cha, tức là để làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh.
Mời Bạn: Trên thánh giá, lời cuối cùng Chúa Giêsu thốt lên là “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30), điều đó có nghĩa rằng, tất cả những gì Kinh Thánh nói về Ngài, Ngài đã làm cho nên ứng nghiệm. Nhưng không phải đợi đến chết Chúa Giêsu mới hoàn tất lời Kinh Thánh, mà Ngài hoàn tất hằng ngày, để làm cho Lời trở thành “hôm nay”. Việc đem Lời Chúa ra thực hành hằng ngày, cũng là yếu tố làm cho chúng ta thuộc về Chúa Kitô, chứ không phải cứ kêu “Lạy Chúa, lạy Chúa” (Mt 7,21).
Sống Lời Chúa: Lời mà chúng ta phải sống, phải làm cho nên ứng nghiệm suốt đời là “anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ở cuối cuộc đời, chúng con biết rằng Chúa sẽ chất vấn chúng con “Có làm gì cho Chúa hôm nay hay không?” Xin nhắc chúng con về giây phút hiện tại, để chúng con biết chọn và làm theo ý Chúa mà thôi.
Lạy Chúa !Chúa là tất cả nơi con!xin Chúa ban cho con mỗi ngày sống thêm đức tin làm chứng cho Chúa Amen