Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Cv 18,1-8, Ga 16,16-20
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 16,16-20)
16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”
17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau : “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’ ?” 18 Vậy các ông nói : “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì ? Chúng ta không hiểu Người nói gì !” 19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông : “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
Vui – buồn trong trần gian (09.05.2024)
“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
Trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta một thách đố và là một thực tế phải đối diện. Cuộc sống trần thế này không thể không có thử thách và đời sống đạo không thể không có những đêm tối đức tin, và một cách nào đó không thiếu những lần chúng ta cảm thấy cô đơn thất bại vì như vắng bóng Chúa.
Nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong đoạn Tin Mừng này. Chúa Giêsu nói: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy. Thầy đến cùng Chúa Cha”. Phải nghĩ gì về ẩn ngữ này? Những lời này tàng chứa một mặc khải phong phú. Hôm nay, chúng ta nghe biết sự mặc khải trọn vẹn về sinh lực của Chúa Kitô: Ngài đang chuẩn bị khởi hành về với Đấng là nguồn sự sống, nguồn sinh lực.
Đây không chỉ là lời tiên báo mà còn là một lời khẳng định thực tế cho phận người theo Chúa Giêsu: Lời này vừa ám chỉ tương lai gần khi nói đến cuộc tử nạn của Ngài và Ngài sẽ sống lại, nhưng cũng vừa ám chỉ cuộc lữ hành đức tin của người Kitô hữu chờ đợi gặp Chúa Giêsu trên cõi trời. Đồng thời cũng nói đến thực tế của mỗi con người trong cảm nghiệm cuộc đời, khi vui sướng hân hoan, lúc buồn đau thất vọng.
Để đạt tới đức tin trưởng thành, mọi tín hữu cần nếm qua cái chua xót thiếu vắng Chúa trong thời gian có thể dài hoặc ngắn. Các môn đệ Chúa Giêsu đã kinh nghiệm điều này lần đầu tiên trong cuộc khổ nạn của Ngài; sau đó họ đã thấy Ngài từ cõi chết sống lại. Điều này ứng nghiệm tỏ tường vào ngày tận thế, khi các tín hữu khám phá ra Chúa Kitô vinh hiển mà họ đã từng chờ đợi trong đức tin.
Không nên quá tự tin khi Chúa cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, chẳng hạn khi mới theo đạo, hoặc khi chúng ta đón nhận được những ân huệ nào đó, hay khi đời sống đạo gặp lúc thịnh vượng êm xuôi… Khi mọi sự có vẻ dễ dàng, chúng ta đừng coi khinh những ai có vẻ không được Chúa chiều chuộng như chúng ta. Biết đâu “ít lâu nữa” Chúa sẽ để chúng ta sống trong tăm tối. Trong cuộc lữ hành trần thế có những lúc như phải bước đi trong đêm tối, nhưng đó lại là một sự tinh luyện con người, để đạt tới sự trưởng thành đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa. Chỉ có ai kiên trì trong đường lối Chúa mới hưởng được niềm vui trọn vẹn khi Chúa xuất hiện.
Chỉ “ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”, đây là mầu nhiệm cao cả của đời sống Kitô hữu. Chúng ta sẽ không thấy được Chúa Giêsu, không thể tin nhận Ngài cho đến khi được Chúa Thánh Thần soi sáng để thấy Chúa, hiểu và tin nhận Chúa. Cần phải có sự thay đổi nội tâm, có cái nhìn mới về Chúa Giêsu, phải có niềm vui đích thực. Các tông đồ được mời gọi nâng tâm hồn lên, vượt qua được những cảm giác thường tình, để có thể khám phá ra Chúa Giêsu hiện diện một cách mới mẻ trong cuộc đời các ông, và từ đó nếm hưởng niềm vui đích thực, không phải niềm vui thế gian ban cho, nhưng là niềm vui từ Chúa, niềm vui mà không quyền lực thế gian nào có thể lấy đi được. Cần phải bước vào trong mối tương quan mới với Chúa Giêsu. Chúng ta phải thể hiện và phải sống làm sao để cho thế gian, cho anh chị em chung quanh được trông thấy những sự thật chúng ta đang có trong tâm hồn mình, do sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn mình.
Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời chúng con có những lúc hạnh phúc bình an, nhưng cũng không thiếu những lần chúng con cảm thấy cô đơn thất bại như vắng bóng Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ đến lời Chúa đã nói trong Tin Mừng hôm nay, mà vững niềm trông cậy vào Chúa, hầu ngày sau hết chúng con xứng đáng được gặp lại Chúa nhãn tiền trong nước Chúa, nơi có niềm vui trọn vẹn và vĩnh cửu. Amen.
Joston
Thầy ở bên con, con còn sợ chi? (18.05.2023)
Đối với trình thuật Tin Mừng của Thánh Mattheu, sau khi Chúa Giê su sống lại, Người đã đến Galilê trước các ông. Hôm nay là lúc các Tông Đồ được gặp lại Chúa Giêsu trước khi Người lên trời.
Cũng như Chúa Giê-su đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giê-su cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Ki-tô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng.
Cùng với các môn đệ Chúa Giê-su, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên quê hương mình.
Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt. Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mattheu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giê-su hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” .
Thầy ở lại với anh em, nghĩa là sau khi Phục Sinh, trong một cách thế hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn trong không gian hay thời gian nữa, mà ở trong niềm tin, lòng mến và sự trông cậy của các Tông Đồ: Rao giảng một niềm tin duy nhất vào Chúa Giêsu Kitô, đặt tình yêu duy nhất vào Chúa Giêsu Kitô và đặt tất cả niềm hi vọng vào Chúa Giêsu Kitô; bởi, “chính nhờ Người, với Người và trong Người, và mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Kitô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.
Ngọn cỏ ven đường.
Thầy đến cùng Chúa Cha (26.05.2022)
Ngày 26.05: Lễ Nhớ Thánh Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục
Tin Mừng hôm nay trích trong những chương cuối của Tin Mừng Gioan, nói lên những lời đàm đạo thật là tâm huyết của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi thầy trò ly biệt: “Ít lâu nữa anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy”.
Do chưa hiểu được công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, nên các môn đệ cũng chẳng hiểu được câu nói của Chúa vừa đàm đạo nên các ông đã bàn luận với nhau: “Ít lâu nữa nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì?”.Chúa Giêsu vì biết những thắc mắc của các ông nên Người đã khẳng định thêm: “Thầy bảo thật anh em, anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, niềm nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”.Lời căn dặn của Chúa đã thành lời tiên báo về sứ mệnh của Chúa, của các môn đệ và cả Hội Thánh cho đến ngày tận thế.
Lời Chúa khi ấy các môn đệ chưa hiểu, nhưng sau này nhờ Thánh Thần mở trí các ông đã nhận ra: “Ít lâu nữa” là chính đến lúc các ông tan tác mỗi người một ngả, bỏ Chúa, chối Thầy và rồi quyền lực của tội ác đã làm li biệt thầy trò. Nhưng rồi quyền năng của Thiên Chúa đã thắng quyền lực của ma quỷ để tình thầy trò được tái hợp ngày Chúa phục sinh, các ông “lại được thấy Thầy”.
“Ít lâu nữa anh em sẽ không còn trông thấy Thầy”, Hội Thánh ngày nay cũng hiểu rằng, Chúa Giêsu khi hoàn tất công cuộc, Người sẽ trở về cùng Thiên Chúa Cha mà có lúc Người đã nói: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em để Thầy ở đâu anh em cũng được ở đó với Thầy”. Một “ lúc” của Chúa nói bằng cả mấy ngàn năm nhân loại đang đợi chờ.
“Một ít lâu nữa”còn như một lời hứa, dỗ dành của người mẹ yêu thương đối với đàn con khi mình sắp phải đi xa vì công việc. Ra đi có thể chóng hay lâu song vẫn nói là chóng để chúng khỏi buồn, nhưng nhất định sẽ đem nhiều bánh, nhiều quà về cho chúng.
Quan trọng nữa là Chúa đã tiên báo cho các ông sẽ gặp phải điều mà người đời chẳng mấy ai muốn:“Anh em sẽ khóc lóc và than van còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”.
Thế gian sẽ vui mừng vì họ có quyền lực trần thế, họ lắm tiền nhiều của được thế gian yêu mến tôn thờ.
Anh em sẽ khóc lóc, than van, lo buồn… vì người theo Chúa bị thế gian ghét bỏ, khinh chê, vì họ thấp cổ bé miệng nơi trần thế, họ chẳng biết xu nịnh ai mà chỉ biết yêu mến, kính sợ và trông cậy vào trên hết một mình Thiên Chúa. Nhưng Chúa lại tiên báo “nỗi buồn của anh em sẽ thành niềm vui”. Thành niềm vui vì Chúa hứa ban sức mạnh Thánh Thần cho các ông, vì Chúa hứa ban cho các ông bình an của Người mà không ai có thể lấy đi được. Chúa rời bỏ, không ở với các ông bằng xương bằng thịt nữa, nhưng đã ban ơn, tôi luyện các ông bằng sức mạnh Thần Tính để các ông luôn được ở với Người.
Lạy Chúa xin luôn ban sức mạnh của Chúa cho con. Để dù lâu, dù chóng, dù an vui hay khổ đau nơi trần gian này, con vẫn kiên tâm vững dạ đợi chờ ngày Chúa trở lại. Ngày ấy con sẽ được về với Người mà hưởng hạnh phúc muôn đời- Amen.
Giuse Ngọc Năng
Tình Chúa cao vời (13.05.2021)
Hằng năm ngày 13 tháng 5 là ngày người tín hữu nhớ đến sự kiện Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất tại Fatima Bồ Đào Nha với ba trẻ nhỏ chăn cừu, từ năm 1916 đến năm 2021 là kỷ niệm 105 năm. Lời Đức Mẹ nhắn nhủ con cái trần gian “cầu nguyện và siêng năng lần chuỗi Mân Côi”, xin Thiên Chúa ban ơn lành cho thế giới qua cơn đại nạn, vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Đại dịch Covid -19 biến thể lây nhiễm với tốc độ nhanh làm cho nhiều nước trên toàn cầu lâm vào cảnh lo sợ khủng hoảng vì số người chết ngày một nhiều hơn. Xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, Đấng luôn bầu chữa cho kẻ tội lỗi, chữa lành cho người bệnh tật, xin Thiên Chúa thương xót chúng con. Thánh Maximiliano chia sẻ: “Ở đâu không có Mẹ, thì cũng không có Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Đâu có Mẹ thì có Chúa Ba Ngôi”.
Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên tri với các môn đệ: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em lại thấy Thầy”. Vì sao Chúa gợi mở cho các môn đệ điều này? Chúa không che dấu sự thật vì Ngài muốn các ông yên tâm, trước sự việc sẽ xảy ra, một ngày không xa, là cuộc Vượt Qua của Thầy Giêsu. Ngài không muốn các ông sợ hãi và thất vọng mà luôn đặt niềm tin tưởng vào Đấng Toàn Năng. “Không có tình yêu, mọi công việc dù có vĩ đại đến đâu cũng chỉ là hư không; Chúa Giêsu không đòi chúng ta phải làm những việc vĩ đại, Người chỉ khát mong chúng ta yêu mến” tâm tình của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Ngày ấy các môn đệ không hiểu được ý nghĩa sâu sa của Thầy Giêsu: “Ít lâu nữa, nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì?” Làm sao các ông có thể hiểu mầu nhiệm Vượt qua và sự Phục sinh mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện để nhân loại được cứu độ. “Ơn cứu độ, nghĩa là hạnh phúc trọn vẹn và sự viên mãn tột đỉnh dành cho chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô, không phải là điều chỉ vài người mới đạt được, Thiên Chúa muốn toàn thể nhân loại được cứu độ” Docat 25, 17.
Chúa Giê-su khẳng định: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” Đối với các môn đệ không có Thầy là sự mất mát lớn, nhưng với người Pharisêu thì lại là điều vui mừng vì họ cho rằng đã diệt một mối tai họa, họ sẽ không còn thấy chướng tai gai mắt nữa. Vì sao nổi buồn lại trở thành niềm vui với các môn đệ? Lời hứa của Thầy Giêsu cho dù có trở về với Chúa Cha, Ngài cũng trở lại với các ông, trong vinh quang Phục sinh, không bằng xương thịt của người trần thế nhưng với Quyền Linh Thánh Thần, Người vẫn hiện diện bên cạnh và luôn nâng đỡ chúng ta. Bài học cho mỗi người theo kinh nghiệm thánh Tôma Aquinô: “Tình yêu liên kết chúng ta với Thiên Chúa đến nỗi chúng ta không còn sống cho chúng ta nữa, mà chỉ sống cho Thiên Chúa” và theo thánh Augustino: “Không một vật nào có thể làm cho con người được hạnh phúc ngoài Đấng đã tác tạo nên trái tim con người”.
Lạy Chúa là Đấng Nhân từ và hay Thương Xót, xin giúp chúng con nhận biết cuộc sống trần thế là thời gian thử thách để đón nhận ơn bền đỗ đời sau.
Anna Anh
Vui niềm vui của Chúa (30.05.2019)
“Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Suy niệm: Có một thời những đứa trẻ tinh nghịch thích bày ra trò chơi quái ác là ném vỏ chuối ra lối đi khiến người qua đường đạp phải, trượt té để rồi vui cười với nhau. Trong thời đại “a-còng” ngày nay nhiều người thích vào mạng xã hội, tung xì-căng-đan của người khác lên “phây” để mọi người xúm vào “ném đá”… cho vui! Cái vui theo kiểu thế gian là vui trên đau khổ của người khác, cái vui thác loạn với những “cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm”…
Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ học cách vui niềm vui của Chúa. Đó là dám chấp nhận “khóc lóc than van” trong khi thế gian vui mừng. Nhưng Ngài cam đoan với họ rằng “nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
Mời Bạn: Niềm vui của Chúa là vui vì thánh ý Chúa Cha được thể hiện (Lc 10,21); vui vì người tội lỗi ăn năn hối cải (Lc 15,9); vui vì người con cái Chúa “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Để có được niềm vui ấy, Chúa đã sẵn sàng hy sinh chính thân mình, chấp nhận gánh lấy đau khổ để đền bù tội lỗi. Nếu bạn muốn được vui niềm vui của Chúa, bạn cũng hãy sẵn sàng cùng Chúa vác thập giá mình để đền bù thay cho tha nhân.
Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm về niềm vui sâu lắng khi bạn có dịp hy sinh để phục vụ người khác.
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng hy sinh chịu quấy rầy, phiền hà, hoặc thiệt thòi để phục vụ tha nhân, đặc biệt là người thân trong gia đình bạn và những người bé mọn, nghèo hèn trong xã hội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con sống quảng đại để phục vụ tha nhân.
Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui! (10.05.2018)
1. Ghi nhớ:
“Thật, Thầy bảo thật anh em; anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20).
2. Suy niệm:
Chuyện kể rằng; có một ông già nọ, nuôi được một con ngựa đẹp. Bỗng một hôm nó bỏ nhà đi mất. Thấy vậy lối xóm đến chia buồn với ông. Họ nói.
- Chúng tôi thành thật chia buồn cùng ông vì đã bị mất một con ngựa quí.
Ông trả lời:
- Mất ngựa chưa hẳn đã phải là buồn!
Ít lâu sau, tìm lại được ngựa. Lối xóm hớn hở đến chung vui với ông. Họ nói:
- Chúng tôi đến mừng cho ông vì con ngựa quí nay đã tìm thấy!
Ông thản nhiên đáp:
- Tìm lại được ngựa, chưa chắc đã phải là vui!
Thế rồi một hôm, cậu con trai của ông vì cỡi ngựa bị té gẫy chân, một lần nữa chòm xóm lại đến chia sẻ với ông.
- Chúng tôi rất buồn khi hay tin cậu nhà bị té ngựa gẫy chân!.
Cũng như mấy lần trước, ông lão vẫn điềm nhiên nói:
- Cháu nó bị què chân, việc này cũng chưa hẳn phải buồn!.
Thời gian sau, chiến tranh nổi lên. Tất cả các thanh niên đều phải nhập ngũ, tòng chinh, nhiều người ra đi đã không có ngày trở về. Riêng người con trai của lão bởi bị què chân nên không phải đi chiến đấu, vì vậy cậu được yên thân!.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su muốn nói với các môn đệ ngày xưa, cũng như nói với chúng ta ngày nay; Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì cũng hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa! Bởi chỉ có Chúa mới có thể biến đổi những sự việc mà theo suy nghĩ của thế gian là đau khổ, là khóc lóc, là than van, là thất bại… trở thành niềm vui, trở thành hạnh phúc và trở nên thành công.
Thật vậy! Khi giới cầm quyền Do Thái tìm cách giết Chúa Giê-su vì họ sợ rằng nếu cứ để mặc Ngài giảng dạy và chữa lành các bệnh nhân, thì dần dà Chúa Giê-su sẽ thu phục dân chúng tin theo Ngài hết. Thế nên họ đã tìm cách giết Người đi, và rồi họ đã “thành công” khi treo được Ngài lên Thập Giá. Và như vậy, khi giết được Chúa Giê-su rồi thì những con người này đã hả hê vui sướng và lấy làm đắc thắng vì; theo họ nghĩ đã tiêu diệt được một mối họa, một mầm mống đe dọa đến sự ảnh hưởng của họ trên đám dân chúng.
Thế nhưng họ đã lầm, vì chính khi Chúa Giê-su bị họ treo lên Cây Thập Tự, thì cũng chính là lúc Chúa chiến thắng thế gian, chiến thắng tội lỗi. Khi sống lại. Chúa đã chiến thắng kể thù cuối cùng; đó là sự chết. Và điều quan trọng nhất là Chúa đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất. Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.”(Ga12, 32).
Vì vậy chúng ta những người môn đệ của Chúa Ki-tô sẽ luôn vững tin nơi Chúa. Bởi lẽ, chỉ có Ngài mới có thể biến đổi nỗi buồn thành niềm vui, đau khổ thành hoan lạc cho chúng ta, một khi chúng ta biết hoàn toàn tín thác vào quyền năng của Ngài!.
3. Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, trước những nghịch cảnh, những khó khăn, những đau thương của cuộc sống. Xin cho chúng con luôn một lòng tín thác vào quyền phép vô biên của Chúa, để luôn được bình an vui sống dưới sự chở che, bảo bọc của Ngài. Amen.
4. Sống Lời Chúa:
Dâng lên Chúa tất cả những lo lắng ưu phiền trong cuộc sống, để Ngài định liệu mọi việc cho chúng ta.
Đaminh Trần văn Chính.
Xin vui lòng gửi suy niệm hằng ngày qua địa chỉ email. Cảm ơn rất nhiều.
BẠN BẤM VÀO ĐÂY XEM:
https://hddmvn.net/category/loi-chua/chia-se-loi-chua/