Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 V 18,41-46 (năm chẵn), 2 Cr 3,15 – 4,1.3-6 (Năm Lẻ), Mt 5,20-26
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,20-26)
20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”
Sự công chính đích thực (13.06.2024)
Lễ Nhớ Thánh An-tôn Pa-đô-va, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
“Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.”
Mở đầu bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ phải công chính hơn các kinh sư, không phải xét theo tiêu chí luân lý đạo đức, nhưng đòi hỏi phải gắn bó với Chúa và đặt sự công chính trên nền tảng là chính Người, thay vì chỉ hài lòng với sự công chính theo kiểu các kinh sư tự mãn vào việc tuân giữ Luật Môsê.
Tiếp tục việc kiện toàn lề luật, Chúa Giêsu giải thích sự kiện toàn giới răn thứ năm trong Thập Điều: “chớ giết người”: Luật Môsê quy định kẻ giết người phải bị đem ra toà xử, và tuỳ nghi luật lấy lại sự công bằng đúng sai xét về mặt xã hội và được áp dụng “mắt đền mắt, răng đền răng” khi phạm nhân đã hành động sai.
Sự kiện toàn của luật Tin Mừng không chỉ dừng lại ở hành động cụ thể tay chân mới là tội, mà ngay cả việc giận hờn mắng nhiếc nhau đã xứng bị đem ra hội đồng và đáng phải sa hoả ngục rồi. Thật vậy, giết nhau không chỉ dừng lại ở thể xác, nhưng bằng lời lẽ và hiểm kế thâm độc còn đáng sợ hơn biết chừng nào. Sự kiện toàn không chỉ dừng lại ở tính tương quan con người, mà là thành tương quan đối với Thiên Chúa, xúc phạm đến nhau tức là xúc phạm đến Thiên Chúa và xứng đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
Hãy giải quyết với nhau khi còn đang đi dọc đường, đừng để khi đến toà rồi thì đã muộn. Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta, bao lâu chúng ta còn thời giờ (trong thời đại chúng ta đang sống), hãy lo giao hoà với Chúa, với anh chị em và lo canh tân đời sống, đừng để khi phải ra trước toà chung thẩm, chúng ta không còn cơ hội để sửa sai nữa, và chúng ta sẽ phải đền trả nơi luyện tội cho tới khi đủ số đủ ngày.
Hôm nay Giáo Hội cũng mừng lễ thánh Antôn Pađôva, chúng ta hãy chạy đến cùng ngài, ngài là vị thánh hay làm phép lạ, nếu những ước nguyện của chúng ta đẹp lòng Chúa thì chắc chắn ta sẽ nhận được điều ta xin nhờ lời cầu bầu đắc lực của ngài; đồng thời chúng ta cũng học nhân đức của ngài như khiêm nhường, thăng tiến trên đường nhân đức; siêng năng đọc, suy gẫm và truyền đạt Lời Chúa; mến Chúa và yêu người. Sống trong một xã hội đầy dẫy những bất công như hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa ban Thánh Thần biến đổi để người Kitô hữu luôn biết đem yêu thương xóa tan bất công, nghèo khó, yêu người không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những việc làm cụ thể, yêu người không chỉ yêu phần xác mà còn yêu cả phần hồn nữa, hầu nhờ đó xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời cầu bầu của thánh Antôn, xin cho chúng con biết sống công chính theo lề luật Chúa dạy, là không làm hại tha nhân cả trong tư tưởng, lời nói và việc làm, để mỗi lần đến trước nhan Chúa và dâng hy lễ, tâm hồn chúng con thanh thản vì được Chúa yêu thương tha thứ, như chúng con đã từng tha thứ cho tha nhân. Amen.
Joston
Ăn ở công chính (15.06.2023)
Cuốn sách: “Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin Công Giáo tại Việt Nam”, ở phần dẫn nhập, tác giả kể một câu chuyện đại khái thế này: có một người giàu có, cuộc sống sung túc, và ông ta có rất nhiều vợ. Mỗi người đều có cơ ngơi riêng. Khi gần qua đời, ông ta tin vào Chúa, theo đạo Công Giáo và được Rửa tội…
Khi nghe câu chuyện ấy, một người Công Giáo đã thốt lên ngay: “Ông này hên thật, được cả đời này lẫn đời sau!”
Điều ấy cho thấy khá rõ hiện trạng đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam: đạo không phải là một hồng phúc, nhưng là một sự may rủi, đôi khi trở thành gánh nặng!
Hôm nay, Đức Giêsu muốn giúp cho các môn đệ đi một bước xa hơn trong việc giữ Luật. Ngài nói: “Nếu các con không công chính hơn các Luật Sĩ và Kinh Sư, các con sẽ chẳng thể vào được Nước Trời” (Mt 5,20).
Nước Trời không thể có cho những người “bắc nước trực gạo người” hay “há miệng chờ sung rụng”. Nước Trời cũng không dành cho những người vụ Luật và chỉ biết sống cho chính mình mà không cần quan tâm đến anh chị em đồng loại.
Vậy, để như điều kiện cần cho được vào Nước Trời, đó chính là phải sống thật tâm, sống hết mình với Chúa và với nhau. Tức là tất cả phải được xây dựng trên tình yêu. Nếu có tình yêu, thì đâu còn chuyện giết hại lẫn nhau; đâu còn mắng chửi nhau là ngu là ngốc; và làm sao đến dâng lễ vật mà trong lòng còn căm ghét anh chị em mình… Hãy sống với giây phút hiện tại và thánh hóa chúng, vì đối với Thiên Chúa, Người không tính thời gian hay công việc, mà Người nhìn tận sâu thẳm của tâm hồn con người nơi công việc hay suy nghĩ của họ.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã chỉ ra cho chúng con con đường để được cứu độ, đó là con đường yêu thương. Xin cho chúng con biết đi trên con đường đó cho đến hết đời. Amen.
Sẵn sàng hạ mình làm hòa (09.06.2022)
Tin Mừng hôm nay là những bài Chúa Giêsu giảng dạy cho dân chúng “ở trên núi”. Bắt đầu là “tám mối phúc thật”, sau đó là những điều Chúa muốn con người phải sửa đổi những hủ tục trong đời sống xã hội, gia đình, tôn giáo… và hôm nay là thái độ đối với kẻ thù.
Chúa Giêsu đến trần gian cứu chuộc nhân loại, Người muốn con người phải thay đổi ngay từ trong lòng: sự hiểu biết, sự nhìn nhận để mà đổi mới việc cư xử với nhau. Người đã dạy: “Anh em phải trở nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
Trước hết Chúa Giêsu đã đưa ra cái mẫu rất chung chung và cũng rất cụ thể đó là đời sống các ông Pharisêu, cho mọi người nhìn vào mà đổi mới, sửa mình. Dứt khoát phải sửa mình, phải hơn các ông Pharisêu, nếu muốn vào Nước Chúa: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng vào được Nước Trời”. Chúa Giêsu, thầy dạy uyên bác khôn ngoan đã đưa ra mẫu ấy. vì các ông Pharisêu đang mang danh có học thức, đang nắm quyền lực, đang là thầy dạy dân về đạo, về đời. Người đã bác bỏ mẫu đời sống lớp người ấy, để ai muốn theo Chúa thì bắt tay ngay vào việc thực thi lời dạy của Người.
Chúa nói về điều răn 5: Cấm giết người: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”.
Chúa Giêsu kiện toàn Lề Luật, dạy ta đề cao phẩm giá, mạng sống con người biết chừng nào. Thời cũ, người ta chỉ hiểu “cấm giết người” bằng cách đổ máu thôi, còn xúc phạm khác thì cho là chẳng có lỗi gì. Ở đây Chúa dạy ta chỉ mới “giận anh em” thôi cũng đã bị “đưa ra toà”. Rồi mắng chửi anh em…đáng bị “lửa hoả ngục thiêu đốt”. Chúa đề cao tình yêu thương nhân loại vì cùng là anh em con một Cha trên trời, cùng chung sống trong một ngôi nhà chung là trái đất, lẽ nào lại không yêu thương nhau, mà ít nữa là không sống giao hảo thân thiện? Chúa còn đòi ta phải tìm đến anh em trước mà làm hoà khi nghe họ đang có gì bất bình với mình, dù chưa rõ mình có lỗi gì. Chúa coi việc làm hoà với anh em còn cần thiết trước việc dâng của lễ cho Chúa: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.
Cuối cùng Chúa dạy ta làm hoà với “ đối phương”, những người có thể ta đang “nợ họ” bằng vật chất hay tinh thần thì hãy “mau mau dàn xếp…khi đang còn trên đường đi…tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà…anh sẽ bị tống ngục… Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả đồng xu cuối cùng”.
Lạy Chúa Giêsu! Lời Chúa dạy ngày nay đã trở thành nền tảng, mực thước cho luật pháp các quốc gia. Xin cho con luôn yêu mến và thực thi Lời Chúa. Vì Lời Chúa giúp con và mọi người được sống yên vui ngay ở thế gian này. Xin cho con biết lo đáp trả những hồng ân Chúa ban ngay ở đời này, để đời sau được hạnh phúc muôn đời. Amen.
Giuse Ngọc Năng
Sự công chính trổi vượt (10.06.2021)
“Hỉ, nộ, ái, ố” là những cung bậc cảm xúc của mỗi con người thể hiện tâm trạng vui, giận, yêu, ghét. Con người từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành không biết bao lần ta vui cười, bao lần khóc vì bị bố mẹ la mắng khi phạm lỗi, bao lần ta lớn tiếng xỉ vả bạn bè vì không vừa lòng ta, bao lần ta giận dỗi, căm tức không thèm nhìn hoặc nghỉ chơi với bạn, đến khi trưởng thành tham gia hoạt động ngoài xã hội vì muốn vượt trội hơn người khác ta lại nói xấu, bêu xấu … Những hành vi trên chỉ làm xúc phạm đến nhân phẩm con người chứ không gây ra thiệt hại nghiêm trọng về mạng người. Như vậy, ta vẫn chưa phạm trọng tội?
Tin Mừng hôm nay là lời Chúa Giê-su giáo huấn các môn đệ: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Ăn ở công chính là thế nào? Giáo Hội từng khen ngợi thánh Cả Giuse – đấng công chính vì đặc tính hoàn toàn vâng phục Thánh ý Chúa, sự vâng phục ấy không như các kinh sư và người Pha-ri sêu, vì họ nỗ lực để tuân giữ luật lệ một cách máy móc, nặng về hình thức. Điều Chúa muốn chúng ta là sự trổi vượt hẳn chính là biết kiềm hãm ngay hành vi có ý thức xúc phạm nhân phẩm người khác:“ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa”, “ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng”, “ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt”.
Có phải Chúa đang dạy chúng ta phải luôn nhớ là con cái Ngài, là người làm chứng nhân cho Ngài thì những suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ tấm lòng nhân ái như Chúa. Bài học về tình yêu của người Kitô hữu luôn mang tính kết nối với tha nhân, vì “đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật, đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 4-7).
Lòng yêu thương chân thật, thương cảm đối với anh em thể hiện qua hành động quan tâm, an ủi, lời động viện xoa dịu sự đau khổ, biết cách khơi dậy niềm vui, mang tâm tình của Chúa đến với mọi người, vì lời nói và hành động yêu thương hóa giải sự hận thù. Theo thánh Cyprien chia sẻ: “Đối với Thiên Chúa, lễ dâng đẹp nhất là chúng ta sống an bình, hòa thuận, và toàn dân thánh hiệp nhất trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”
Để lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa, chúng ta phải làm theo hướng dẫn của Ngài: “khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, sực nhớ có chuyện bất hòa với anh em, đi làm hòa rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. Chúa mong muốn chúng ta phải yêu người lân cận như chính mình, không ngừng biến đổi để hoàn thiện con người mình theo Lời Chúa dạy và nhất là biết hối cải – làm hòa khi có lỗi với anh em và với Chúa. .
Xin Chúa giúp chúng con bình tâm, khiêm nhường, chân thành, biết chấp nhận sự yếu kém của mình để phó thác và trông cậy vào Chúa.
Anna Anh
Yêu thương và tha thứ (11.06.2020)
11.06: Lễ Nhớ Thánh Ba-na-ba tông đồ
Thiên Chúa là Tình Yêu. Con người là hình ảnh Thiên Chúa, bản tính con người cũng là tình yêu. Vì thế, chỉ khi sống đúng với bản chất của mình, tức là sống trong tình yêu thì lúc đó, con người mới có được hạnh phúc. Nếu một khi để cho sự đố kị, giận hờn, ghen ghét, hận thù xâm chiếm tâm hồn mình, thì chúng ta sẽ bất an, mất hạnh phúc và diệt vong.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án mọi hình thức tức giận, khinh thường và kết tội tha nhân. Thay vào đó, các môn đệ phải luôn có lòng tha thứ, yêu thương và hòa thuận với nhau. Và Ngài dạy rằng: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải ăn ở tốt lành và công chính hơn các kinh sư. Ngài tiếp tục dạy các môn đệ cách cụ thể để sống công chính hơn các các kinh sư và người Pharisêu trong hai lãnh vực: phải tôn trọng phẩm giá của tha nhân và cần phải tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình:
Thứ nhất, Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải tôn trọng phẩm giá của tha nhân. Ngài dạy rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân vô đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.”
Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho các môn đệ biết có nhiều cách giết người, chứ không phải chỉ giết người về phương diện thể lý. Chúng ta có thể giết tha nhân bằng việc: Giận dữ, khinh thường và mắng chửi anh em mình.
Thứ hai, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải biết tha thứ. Ngài khuyên các môn đệ: “Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”
Qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy, lời dạy của Chúa Giêsu không phải cứ chỉ sống theo luật nhưng là sống luật theo ân sủng và tình yêu vì con người. Chúa mời gọi chúng ta không dừng lại ở những việc làm vụ hình thức, nhưng phải “công chính hơn”, tới mức hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
Sống được như thế, chúng ta sẽ hưởng được niềm vui đích thực trọn vẹn. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã có lần nói về niềm vui của người biết tha thứ và xin tha thứ rằng: “Trong một tâm hồn đầy giận dữ và hiềm thù không có chỗ cho hạnh phúc. Ai không biết tha thứ, thì làm cho chính mình bị tổn thương trước. Oán giận nảy sinh sầu khổ. Cội nguồn của niềm vui này là ở chỗ hiểu được rằng chúng ta được Thiên Chúa tha thứ.”
Xin Chúa thổi tình yêu vào cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta mau mắn làm hòa, để khi tuân giữ giới luật yêu thương, chúng ta không làm vì sợ nhưng thực thi với tinh thần của tình yêu tha thứ, như Thánh Augustino tâm niệm sống luật yêu thương của Chúa là: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Amen.
Bình Minh
Hãy ăn ở công chính (13.06.2019)
Ghi nhớ:
“ Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc. thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng”. (Mt 5, 23)
Suy niệm:
Mọi bệnh tật, nếu muốn chữa trị được mau lành, thì ngoài thuốc thang ra, bệnh nhân cần phải giữ gìn cho mình có được một tâm hồn thanh thản, lạc quan, yêu đời không để cho những lo âu, phiền muộn làm tâm tư mình bị căng thẳng. Đặc biệt là bệnh đau bao tử. Có một câu chuyện được sách vở ghi lại như sau: Tuy mang bệnh nặng , nhưng Chu Du vẫn đố kỵ, giận ghét và luôn tìm cách để triệt hạ Khổng Minh.
Sau nhiều lần giăng bẫy để cho Khổng Minh sa vào, nhưng vì đã biết trước và đề phòng nên Gia Cát Lượng đều thoát nạn.
Nhưng có một lần nọ, Chu Du lên kế hoạch; nói là sẽ mượn đường đem binh đi qua đất Kinh Châu để xuống chiếm đất Tây Xuyên mà Tào Tháo đang trấn giữ để khi lấy được rồi sẽ đổi lấy đất Kinh Châu mà Lưu Bị đang ở. Nhưng thực ra đây chỉ là một chiêu bài nhằm đánh lừa Lưu Bị để thừa cơ chiếm lấy Kinh Châu của Lưu Bị mà thôi.
Do biết được ý đồ đem tối của Chu Du, Khổng Minh đã chuẩn bị và đề phòng cẩn thận , do vậy Chu Du đã khỗng những không đạt được mưu kế mà còn hao quân tổn sức, cho nên tức giận mà than rằng:
Trời ơi! Ông đã sinh Chu, sao còn sinh Lượng?
Sự uất hận đã là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chu Du!( xuất huyết bao tử)Hưởng dương ba mươi sáu tuổi!
Lời Chúa hôm nay kêu gọi mỗi người chúng ta phải trở nên công chính. Vì chỉ có sống đời công chính mới có thể được vào nước trời. Để nên công chính trước hết chúng ta phải là một người tốt giữa anh em, trong cuộc sống hàng ngày, một người tốt đầu tiên phải là người biết sống hiền hòa, đại lượng và bao dung. Luôn biết dẹp bỏ đi “ cái tôi” của mình mà hành xử một cách có bác ái nhã nhặn và khiêm nhường, dùng những lời lẽ nhẹ nhàng mà nói chuyện với anh em. Mỗi khi có xích mích thì hãy vị tha; “ chín bỏ làm mười”. Không chấp nhắt, không giữ lòng oán thù, không sỉ nhục, xúc phạm đến người khác!
Ai trong chúng ta cũng đều ước muốn rằng; cuộc sống của mình sẽ chan chứa niềm vui, hạnh phúc và sự bình an. Nhưng chúng ta lại không buông bỏ đi những thù hằn ghen ghét, bực tức mà những người sống chung quanh chúng ta vô tình hay cố ý gây ra. Hãy sông theo Lời Chúa dạy hôm nay. Chúng ta sẽ tìm được sự thư thái và bình an trong tâm hồn, lại nữa nếu chúng ta sống như Lời Chúa dạy thì mọi người sống bên cạnh chúng ta sẽ cảm phục và yêu mến chúng ta hơn.
Khi thành tâm mà xét lại mình, chắc chắn chúng ta phải nhận rằng; trong cuộc sống này đã bao lần mình gây thù chuốc oán với rất nhiều người. Đã bao lần mình đã xúc phạm đên Thiên Chúa. Vì vậy, Để được Thiên Chúa thứ tha thì chính tôi cũng phải biết đi làm hòa với những người mà tôi đã gây thù chuốc oán đó, đồng thời sãn sàng bỏ qua những lỗi phạm của người anh em gây ra cho mình.
Sống được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được sự thảnh thơi, thư thái và bình an trong tâm hồn ở ngày cuộc sống nơi trần thế này và mai sau sẽ xứng đáng trở thành công dân của Nước Trời
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, vì muốn cho chúng con có một cuộc sống tốt lành Chúa đã chỉ dạy cho chúng con phải biết sống yêu thương, thuận hòa với anh em. Xin cho chúng con biết nhìn lên Chúa, sống noi gương Ngài để sãn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, và không bao giừ làm phiền lòng anh em, sống như vậy chúng con sẽ tìm được niềm vui và sự bình an ngay ở đời này và mai sau được Chúa thưởng công Nước Trời. Amen.
Sống Lời Chúa:
Cố gắng làm chủ lời nói của mình. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” (Ca dao Việt Nam).
Đaminh Trần văn Chính
Yêu thương và tôn trọng mọi người (14.06.2018)
1. Ghi nhớ:
“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ tại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”(Mt 5, 23-25).
2. Suy niệm:
Vì gia cảnh gặp khó khăn, nên ông Năm phải sang nhà ông Ba lối xóm để mong được sự giúp đỡ. Sau khi nghe ông Năm ngỏ lời xin vay mượn xong, thì ông Ba vào nhà và khi trở ra đưa cho ông Năm một cái hộp và nói:
– Đây là thứ mà tôi có thể giúp ông! Về nhà mở hộp ra ông Năm nhìn thấy đó chỉ là một cục đá, ông bực tức nhiều lắm! Ông than thởi:
– Sao trên đời này lại có loại người vô tâm, độc ác và đểu cáng đến thế? Đã không cho người ta vay mượn thì thôi, cớ sao lại còn cố tình làm cho kể khác đau khổ như vậy?. Vì nỗi nhục nhã này, ông Năm luôn giữ cục đá bên mình với ý định rằng sẽ có một ngày nào đó dùng chính cục đá này để ném vào mặt kể đã làm nhục mình.
Thời gian thoi đưa, dòng đời biến đổi, hai người lối xóm chia lìa nhau, mỗi người sinh sống một nơi.
Bỗng một hôm, ông Năm thấy có người hành khất đến nhà để xin. Tuy người hành khất dáng vể gầy còm tiều tụy, nhưng ông Năm vẫn nhận ra được đây chính là người mà nhiều năm về trước đã khứa vày tận xương tủy ông một vết thương, một nỗi nhục làm ông tê tái trong lòng. Thời cơ đã đên, ông vào nhà định lây cục đá năm xưa ra để “ném vào mặt” cho con người độc ác này. Thế nhưng trong ông lòng thương xót tự nhiên trỗi dậy. Ông nghĩ; người ta đã cùng cực đến độ này, thì làm sao mình có thể nhẫn tâm với ông như vậy, mình có thể hả hê đôi chút nhưng sẽ rất tội nghiệp cho ông. Thế rồi ông lấy một số gạo, một số tiền đem ra đưa cho người hành khất và nói:
– Tôi có chút đỉnh giúp bác, nếu mai mốt có cần nữa, bác cứ đến tôi sẽ giúp thêm!
Khi người ăn xin đi rồi, ông Năm đem cục đá ra và ném nó xuống sông, cục đá mà đã bao năm ông phải mang theo bên mình, ông buồn vì nghĩ rằng tại sao bao năm qua mình cứ phải mang cục đá mãi bên mình như vậy khiến cho cuộc sống không được nhẹ nhàng, thư thái và bình yên?
Bài Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su chỉ dạy cho chúng ta cách cư xử với mọi người là phải tôn trọng họ. Chúng ta phải tôn trọng mọi người, bởi vì tất cả đều là anh em của nhau và nhất là tất cả đều được Thiên Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Bởi thế nên chúng ta không được quyền coi thường, giận ghét, chửi rủa anh em. Lại nữa, khi Chúa hiện diện trong người anh em như nhiều lần Người đã xác nhận. thì việc chúng ta làm hại, ghen ghét và chửi rủa anh em thì có khác nào chúng ta đã xúc phạm đến chính Chúa. Đấng đã tạo dựng nên mình!
Khi chúng ta thực hành lời Chúa dạy nôm nay, thì chúng ta sẽ được một mối lợi là sẽ gìn giữ cho mình có được một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thoát, cao thượng và bình an!
Khi hiện diện trên trần gian này, chính Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta, khi mà Ngài bị quân dữ phỉ nhổ, chửi rủa và hành hạ mà Ngài vẫn thương yêu tha thứ cho họ thì chúng ta là gì mà lại có lòng oán hận thù ghét enh em?.
3. Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn cho chúng con phải có lòng tôn trọng, hòa thuận và thương yêu anh em, nếu có chuyện gì bất hòa thì hãy mau chóng làm làm hòa, vì nếu cứ giữ lòng giận ghét anh em thì mọi của lễ sẽ không được chấp nhận và tất nhiện mọi lỗi lầm cũng chẳng được thứ tha. Xin cho chúng con có được một tấm lòng quảng đại vị tha mà luôn sống trong yêu thương và tôn trọng anh em vì họ là hiện thân của Chúa. Amen.
4. Sống Lời Chúa:
Sống tôn trọng, yêu thương và giúp đỡ mọi người.
Đaminh Trần văn Chính.
Luật yêu thương (15.06.2017)
Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Để được vào Nước Trời thì phải “công chính hơn” những người Pharisêu, nhưng làm sao để nhận ra điều đó? Nếu ta đọc lại dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện sẽ thấy sự “công chính hơn” ấy: người Pharisêu đứng thẳng (ngẩng cao đầu) kể ra một loạt công đức, thành tích của mình với Chúa; còn người thu thuế đứng xa xa thưa với Chúa về tội lỗi, về những điểm yếu của mình và xin được thứ tha.
Người Pharisêu coi mình là công chính, khi thấy mình tuân thủ lề luật cách nghiêm túc. Nhưng Đức Giêsu khen người thu thuế vì ông khiêm nhường nhìn nhận mình, không cậy gì nơi mình, mà chỉ biết tin tưởng cậy trông nơi tình thương của Chúa. Vì thế hôm nay chúng con phải hết lòng tin cậy nơi Chúa, sống gắn bó với Chúa và “ăn ở theo đường lối của Ngài”. Một khi sống trong đường lối của Chúa sẽ giữ luật yêu thương mà Đức Giêsu đã kiện toàn: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (Mt 5, 21-22).
Giết người có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều khi không phải là giết thân xác, nhưng có thể giết chết danh dự, phẩm giá người ta bằng miệng lưỡi… Luật Môsê cấm giết người, nhưng Đức Giêsu đã kiện toàn, tiến xa hơn nữa, phải loại bỏ thái độ giận ghét anh em, mắng chửi… vì đó là những nguyên nhân sâu xa, mầm mống đưa đến tội giết người. Người xét đến tận gốc rễ vấn đề, những gốc rễ ấy cần được loại bỏ.
Chúa muốn chúng con thi hành luật yêu thương cùng với sự tha thứ để có thể yêu thương triệt để: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,20-26). Môn đệ của Chúa không chỉ dừng lại ở lệnh truyền “chớ giết người”, mà còn phải lấy tình yêu thương, sự hòa giải mà cư xử với nhau. Điều này thật cấp bách, là điều kiện để của lễ dâng lên đẹp lòng Chúa và xứng đáng.
Lạy Chúa! Theo sự công chính và luật yêu thương Chúa dạy, tự sức chúng con không thi hành được. Nhưng nếu chúng con cậy dựa nơi Chúa và đón Chúa ngự vào, chính Chúa sẽ thực hiện, kiện toàn con người chúng con mỗi ngày, cho đến khi chúng con được thực sự trở nên công chính hóa. Amen.
Én Nhỏ
Yêu thương và hòa giải với anh em (09.06.2016)
1- Ghi nhớ:
“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23 – 24)
2- Suy niệm:
Lời Chúa hôm nay là một bài học của sự tha thứ. Chúa bảo rằng tha thứ quan trọng hơn lễ vật. Tha thứ hòa giải là cách sống đạo mà Chúa đòi buộc người tín hữu phải tuân giữ. Tình thương tha thứ đó đòi hỏi chúng ta không chỉ chớ giết người mà còn không giận dỗi nhau, không chửi rủa nhau, không mắng nhiếc nhau. Tình thương tha thứ đó đòi hỏi chúng ta phải thu xếp làm hòa với nhau trước khi đến bàn thờ và trước khi thời gian không còn nữa.
Có một cách để giúp cho chúng ta sống tha thứ là hãy cầu nguyện cho người làm tổn thương chúng ta. Cầu xin ơn Chúa giúp họ thay đổi đời sống. Qua đó, chúng ta cũng có được một đời sống không có cay đắng và buồn giận. Sự buồn giận làm tổn hại cho chúng ta và gia đình chúng ta nhiều hơn là cho người mà chúng ta giận ghét. Tha thứ giúp chúng ta hết mệt mỏi khi cứ luôn mang trong mình cái bao nặng những cay đắng hận thù.
Trong cuộc sống thường ngày, chắc chắn chúng ta không có dịp để tha thứ cho những xúc phạm nặng, nhưng những phiền lòng nho nhỏ thì không thiếu, do đó chúng ta luôn được mời gọi để tha thứ. Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã ghi lại kinh nghiệm như sau: “Đừng tức tối vì người ta chỉ trích con, hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tồi tệ khác nơi con mà người ta chưa nói tới. Thật ra, tha thứ không phải là điều dễ. Nhưng đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng. “Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ.” Tha thứ không có nghĩa là một sự cắt đứt, nhưng là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người chúng ta.
Chính Chúa Giê-su đã luôn tha thứ cho các tội nhân. Ngài không trừng phạt họ, nhưng luôn tạo cơ hội để họ sửa đổi canh tân. Ngài còn tha thứ cho cả kẻ đã làm hại mình. Trên thập giá Ngài đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã hãm hại Ngài bởi vì “ họ không biết việc họ làm”. Hôm nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy học cùng Ngài vì Ngài luôn hiền lành và khiêm nhường. Xin Chúa cho chúng ta luôn mặc lấy tâm tình của Chúa để sống với nhau trong tha thứ và bình an.
Tóm lại, để sự tha thứ được thể hiện, chúng ta hãy nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn và rõ ràng, sẵn sàng xin lỗi phần sai lỗi của mình, sẵn sàng tha thứ để chúng ta có thể sống vui vẻ, thoải mái với nhau hơn.
3- Cầu nguyện :
Lạy Cha, xin dạy chúng con biết sống yêu thương tha nhân. Nếu khi vì lỡ lầm khiến tình liên hệ giữa chúng con bị sứt mẻ. Xin cho mỗi người chúng con biết khiêm hạ, dẹp tự ái đến hòa giải với nhau. Xin cho chúng con biết trân trọng, giữ gìn và làm phát triển tình yêu thương tha nhân. Vì đó là dấu chứng tình yêu của chúng con dâng lên Cha. Chúng con xin Cha chúc lành cho chúng con nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.
4- Sống Lời Chúa :
Chúa dùng tình yêu và lòng tha thứ để hoán cải lòng người, để xây dựng tình người. Để noi theo gương của Chúa, Chúng ta cũng phải mang trong mình tình yêu thương để xoá bỏ hận thù, và xây dựng tình hiệp nhất bình an.
HOÀI THANH
Theo Chúa giữ luật Chúa
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa.” (Mt 5,22)
Suy niệm: “Bài Giảng Trên Núi” hay cũng là kim chỉ nam cho lối sống người Ki-tô hữu đặt ra cho các tín hữu những chuẩn mực xem ra thật khắt khe so với quan niệm thông thường người đời: không đợi đến lúc có hành vi cố sát mới bị ra tòa mà chỉ mới giận ghét anh em mình, mắng họ ‘đồ ngốc’, chửi họ ‘quân phản đạo’ thì kể là có tội rồi. Bởi vì đối với Chúa Giê-su, mỗi con người cho dù họ là gì đi nữa, họ đều là con của Thiên Chúa, họ có một nhân phẩm cao quí mà người khác phải kính trọng. Chúa Giê-su là gương mẫu cho ta về sự yêu thương và tôn trọng con người, nhất là những người bé nhỏ, tội lỗi, nghèo khổ. Ngài chết để phục hồi cho con người phẩm giá làm con cái Chúa. Ngài đổ tràn Thánh Thần tình yêu vào lòng chúng ta để chúng ta yêu thương mọi người như Chúa đã yêu.
Mời Bạn: Người đời chạy theo những lối sống bất chấp giới răn của Chúa. Họ đề cao quyền con người nhưng lại chủ trương giết hại thai nhi trong lòng mẹ. Nếu người đời coi khinh Thiên Chúa, gạt bỏ Ngài ra khỏi đời sống của họ, thì Ki-tô hữu yêu mến tôn thờ Chúa và trung thành tuân giữ giới răn Chúa, lấy đó làm niềm vui và hạnh phúc cho tâm hồn mình.
Sống Lời Chúa: Tôi siêng năng đọc, suy gẫm Lời Chúa và trung thành tuân giữ Lời Ngài dù có phải đi ngược với trào lưu của thế gian.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương chúng con, Chúa đã dạy chúng con tuân giữ các giới răn của Chúa. Xin cho chúng con an tâm bước đi theo Chúa, tin tưởng rằng Chúa là ánh sáng chân lý soi đường cho chúng con.