Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Kn 2,1a.12-22, Ga 7,1-2.10.25-30
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 7,1-2.10.25-30)
1 Khi ấy, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê ; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.
2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới. 10 khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.
25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói : “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao ? 26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô ? 27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi ; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” 28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng : “Các ông biết tôi ư ? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. 29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”
30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người ; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.
Đừng trông mặt mà bắt hình dong (15.04.2024)
“Ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu.”Não trạng con người chúng ta thường hay đánh giá người khác qua vẻ ngoài, hoặc qua thành kiến để rồi xầm xì, phê bình hay chỉ trích họ một cách vô tôi vạ và hết sức bất công, chẳng hạn như:
“Những người ti hí mắt lươn
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người…
Trong sử sách nước ta, chỉ vì tướng mạo xấu xí, ông Mạc Đĩnh Chi, tuy thi đỗ Trạng nguyên nhưng vua Trần không muốn trọng dụng.
Còn trong Tân Ước, ông Giakêu, một người có chiều cao khá khiêm tốn, lại là trưởng ty Thuế, nên ông bị khinh thường, bị liệt kê vào hạng tội lỗi nặng, bị loại trừ và không được xã hội chấp nhận…
Thế nhưng sự thật thì sao? Qua bài Ngọc tỉnh liên phú, Vua đã nhận được chân tài thực sự của Mạc Đĩnh Chi và ông đã làm quan trải 3 triều vua: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiếu Tông, đến chức Đại Liêu ban Tả bộc xạ (Tể tướng). Trong 49 vị trạng nguyên của Việt Nam, ông là một trong ba người được xưng tặng là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.
Còn ông Giakêu, sau khi bắt gặp ánh nhìn và thái độ của Chúa, ông đã tỉnh ngộ hối cải và được Chúa ban cho một đặc ân hết sức lớn lao, một hồng ân vô biên, bất ngờ là cho Ông và cả gia đình của Ông được ơn cứu độ: “Hôm nay, ơn cứu rỗi đã đến với gia đình ông, vì ông cũng là con cái của Abraham…”
Trở lại bài Phúc Âm hôm nay, mối căng thẳng giữa người Biệt Phái và luật sĩ với Chúa càng ngày càng gia tăng có lẽ do bới 2 lý do sau:
1)Họ tưởng họ biết quá rõ về Thiên Chúa và Đấng Messia của Thiên Chúa: họ nghĩ biết Thiên Chúa là ai, Đấng Messia từ đâu đến, họ rành rẽThánh Kinh, biết rõ luật Môisê, cho nên một người như Giêsu có nguồn gốc lai lịch là con bà Maria và ông thợ mộc Giuse, quê ở làng Nazareth bé nhỏ, nghèo hèn, thì bản thân Ngài cũng chỉ là một anh thợ mộc tầm thường mà thôi.
2)Họ cảm thấy khó chịu vì Chúa như một cái gai đâm vào bản tính tự kiêu của của họ, thẳng thừng chê trách vào lối sống giả hình của họ, khiến họ mất hết uy thế, mất miếng ăn…
Còn chúng ta ngày nay thì sao?
Trong mùa chay thánh này, chúng ta cũng cần nhìn lại chính mình, tự vấn lương tâm của mình….Đức Giêsu đã đến trần gian hơn 2000 năm, và thực hiện công trình cứu chuộc nhân loại. Thử hỏi, chúng ta là những Kitô hữu đã thực sự biết Chúa, tin vào Chúa, và yêu mến Chúa hay chưa?
Chúng ta đã được chịu phép thánh tẩy, đã là Kitô hữu, đã nhiều lần được đón nghe Lời Chúa, được học hỏi giáo lý về Thiên Chúa. Chúng ta tự hào là người theo đạo lâu năm, là con cái theo đạo dòng. Chúng ta hằng ngày đến nhà thờ tham dự cử hành phụng vụ, đặc biệt được dâng thánh lễ, nghe Lời Chúa, nghe Giáo Hội hướng dẫn cách thức sống đạo, và được rước Mình Thánh Chúa.
Những việc chúng ta đã và đang làm là rất tốt, rất đáng trân trọng, rất đáng khen. Tuy nhiên, thử hỏi chúng ta đã thực sự đi sâu vào mối tương giao thân tình với Chúa Giêsu, khám phá ra tình yêu, và lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa hay chưa? Hay chỉ dừng lại ở việc đọc kinh cho nhiều, đi lễ cho đông, hoặc phấn khởi vui mừng vì được tham dự những cuộc rước cho lớn, rầm rộ kèn trống? Thử hỏi, chúng ta đã nhận biết Chúa qua tha nhân, nơi những người nghèo khổ, người bị bỏ rơi,…hay chưa?
Bởi vì, người Do Thái cũng biết rất rõ về nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu sinh ra ở đâu, con cháu ai và làm nghề gì, và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin và không yêu mến… Ma quỷ cũng biết Chúa Giêsu, thậm chí biết rõ hơn chúng ta nhiều, nhưng ma quỷ đâu có yêu mến Người?
Vấn đề là Giới luật Mến Chúa , yêu người chúng ta đã thực hành ra sao kìa!
ĐTC Phanxicô nói: Mùa Chay là thời gian để điều chỉnh lại đời sống của các bạn để đến gần Chúa hơn. Điều chỉnh tức là thay đổi, là canh tân, là đổi mới.”
Trong tâm tình của Mùa Chay, chúng ta hãy suy xét lại về niềm tin, về lòng yêu mến Chúa, hoặc về cách thức sống đạo của chúng ta.
Niềm tin của chúng ta cần phải đi sâu vào tâm tình bên trong, hơn là chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài. Niềm tin cần được củng cố và gia tăng, qua việc học hỏi Lời Chúa và giáo lý Chúa dạy để xác tín niềm tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại.
Nếu chưa có tâm tình thiêng liêng đó, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần thanh tẩy đời sống chúng ta và xin Ngài thánh hóa bản thân chúng ta, để chúng ta sống sao cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa, sống đạo yêu thương, là cái cốt lõi của đạo: yêu Chúa và yêu người.
Lạy Chúa Giêsu, có thể chúng con đã từng tự hào biết Chúa qua những nghiên cứu, nhưng lại không yêu mến Chúa cho đủ. Xin Chúa cho chúng con biết Chúa là một Thiên Chúa đích thực là Đấng đã chịu đau khổ và chết vì chúng con, chứ không phải đi tìm một Thiên Chúa thỏa mãn ý mình. Để từ đó, chúng con không ngại bước theo con đường khổ giá mà Chúa đã đi, hầu đạt tới vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.
Sự hiểu biết mù quáng (24.04.2023)
“Họ tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng giờ của Người chưa đến.”
Trong sự tự mãn về vốn hiểu biết của mình, dân Do-thái nói chung, cách riêng là những người Pha-ri-sêu đã trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến, do đó họ đã không tin nhận Ngài và ra sức chống đối quyết liệt. Dù ngày nay chúng ta dễ dàng tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, nhưng nhiều lúc đức tin chúng ta cũng bị chao đảo.
Nhiều người Do-thái không bao giờ nhìn nhận Chúa Giêsu là sứ giả từ Thiên Chúa mà đến, một phần vì lai lịch nghèo nàn của Ngài, phần khác vì giáo lý Ngài giảng dạy trái với truyền thống, ngược với những gì họ rao giảng, đề cao. Vì lý do ấy, Ngài bị họ bắt bẻ, làm khó dễ, coi thường, thậm chí tìm cách loại trừ. Chuyện đương nhiên ấy sẽ phải xảy ra, là cái giá phải trả cho việc Ngài biết và làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Là sứ giả, làm chứng nhân cho Chúa thật sự là vinh dự, hạnh phúc và vinh quang, nhưng cũng kèm theo đau khổ, tủi nhục, lắm lúc cả mạng sống. Chúa Giêsu biết rõ sự thật ấy, nhưng không hề nao núng, sờn lòng. Với Ngài, sứ mệnh Chúa Cha ủy thác là trên hết; cứu độ con người là mục đích, là lẽ sống của Ngài khi sinh xuống trần gian.
Suốt ba năm rao giảng, căn tính của Chúa Giêsu vẫn là một dấu chấm hỏi không thể giải đáp đối với người Do-thái. Họ tưởng mình biết Ngài “xuất thân từ đâu”. Nhưng Chúa Giêsu chất vấn ngược lại họ: “Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư?” Quả thật, với cái nhìn thế gian, họ tự phụ cho rằng họ biết Ngài cách tường tận nhưng thực ra họ chỉ nhìn thấy Ngài với gốc gác nhân loại. Lời giảng dạy uy quyền của Ngài cùng với những dấu lạ Ngài làm không giúp họ nhận ra căn tính Đấng Mêsia nơi Ngài mà chỉ làm cho họ thêm thù ghét, quy kết cho Ngài tội phạm thượng và “tìm cách bắt Người” để giết đi. Họ luôn tự đắc về việc biết nơi sinh, chỗ ở và còn biết cả cha mẹ, bà con họ hàng của Chúa Giêsu, “từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Còn những người có chức quyền thì ghen tức vì thấy Ngài được dân chúng ái mộ. Nhất là họ không thể chịu nổi những lời tuyên bố về nguồn gốc xuất thân từ Thiên Chúa của Ngài. Nên đã quyết tâm trừ khử Ngài.
Thiên Chúa là nguồn mạch sự lành, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế được Chúa Cha sai đến để giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của ma quỷ, nên một cuộc đối đầu là không thể tránh khỏi. Cuộc chiến thật quyết liệt vì ma quỷ cảm thấy bị lâm nguy nên càng gia tăng sự độc ác. Nhiều phe nhóm toa rập với nhau để giết chết Chúa Giêsu. Tuy nhiên đó lại là ý định của Thiên Chúa. Chúa Giêsu tự nộp mình chịu chết để chuộc tội nhân loại, Ngài vào âm phủ để chiến thắng tử thần, Ngài chết đi để tiêu diệt cái chết. Vì là do ý định của Thiên Chúa, nên dù kẻ ác mạnh thế và muốn giết Chúa, nhưng bao lâu Chúa chưa cho phép, chưa đến giờ thì họ chưa làm gì được: “Bấy giờ họ tìm cách bắt Người; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.”
Rõ ràng: vì kiêu căng-tự mãn, không muốn đón nhận lời chân lý Chúa dạy nên đã có cái nhìn lầm lạc về Chúa. Và vì tự ái-tự phụ, không muốn người khác hơn mình, họ đã ghen ghét và tìm cách giết hại Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con hết lòng tin kính Chúa là Đấng Cứu Độ mà Chúa Cha gởi đến cho chúng con, và xin cho chúng con biết khiêm tốn ăn năn sám hối quay về với Chúa, để đón nhận tình thương ơn chữa lành những bệnh tật tâm hồn trong Mùa Chay thánh này. Amen.
Joston
Mù quáng vì kiêu ngạo, mờ mắt vì vẻ ngoài tầm thường (01.04.2022)
“Họ tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng giờ của Người chưa đến.”
Tại sao lại phải “tìm cách” để bắt Chúa Giêsu? Vì chưng bắt Chúa không phải là điều dễ dàng, nhưng phải có lý do chính đáng, đúng luật và thuận với mong muốn của đám đông dân chúng, chứ không phải muốn bắt là bắt, hay “nhìn thấy ghét” thì bắt.
Vậy người Do-thái muốn bắt Chúa Giêsu vì lý do gì? Theo thánh Gioan, giữa những người Do-thái đã nổ ra cuộc tranh luận về Chúa Giêsu. Có người thì cho Ngài là Đấng Kitô vì căn cứ vào những lời Ngài nói và việc Ngài làm. Nhưng người khác thì lại cho Ngài không phải Đấng Kitô vì dựa trên gốc tích của Ngài. Khi Chúa Giêsu giới thiệu Ngài là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến, đây là điều mà giới lãnh đạo Do-thái không thể chấp nhận, họ cho rằng ông Giêsu này nói lộng ngôn phạm thượng, là phàm nhân xuất thân từ vùng quê nghèo khó, nghề nghiệp thấp hèn mà đòi ngang hàng với Thiên Chúa.
Theo họ, nếu là Đấng Kitô thì khi Đấng ấy đến sẽ không ai biết, có nghĩa: Đấng Kitô phải là Đấng được Thiên Chúa sai đến và sẽ xuất hiện bất ngờ như từ trên trời rơi xuống ngay giữa họ, xuất hiện với vẻ vinh quang của Thiên Chúa, giữa sấm chớp oai hùng, uy nghi lẫm liệt. Còn Chúa Giêsu thì họ đã biết rất rõ.
Điều sai lầm trước tiên của người Do-thái là họ quá quan tâm đến nguồn gốc con người mà quên đi nguồn gốc Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Lời tuyên bố của một số người hôm nay chứng tỏ họ không rành rẽ Kinh Thánh: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” Họ đã quên, chính ngôn sứ Mi-kha đã loan báo chính xác nơi sinh của Đấng Cứu Thế: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1). Bê-lem ấy chẳng phải là nơi Chúa Giêsu được sinh ra hay sao?
Quay trở lại bối cảnh bài Tin Mừng, thánh Gioan cho ta thấy, Chúa Giêsu đang giảng dạy trong Đền Thờ, lúc này có rất đông người Do-thái đang ở Giêrusalem dự lễ. Đây là cơ hội để Chúa mạc khải căn tính của Ngài cho người Do-thái biết.
Tuy nhiên, người Do-thái tự phụ, cho mình là biết rõ gốc tích Chúa Giêsu, nhưng thực sự họ không biết gì, vì tinh thần họ đã trở nên mù quáng trước những phép lạ, trước những dấu chỉ Chúa đã thực hiện trước mắt họ. Họ làm ngơ giả điếc trước mạc khải vô cùng quan trọng của Chúa Giêsu, về nguồn gốc thần linh của Ngài.
Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái kéo dài dai dẳng nhưng Ngài cũng chẳng làm cho họ tin Ngài được, trái lại họ càng muốn giết Ngài.
Thái độ Chúa nói công khai trong Đền Thờ làm cho nhiều người thắc mắc: “Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Kitô?” Thực ra các nhà hữu trách không những không nhận ra mà còn đang suy tính làm sao để bắt Chúa.
Kỳ lạ thay, Chúa đang hiện diện trước mặt họ, họ muốn bắt lúc nào cũng được, thế mà họ cứ phải loay hoay mãi chuyện “tìm cách”. Vì chưng họ không có lý do chính đáng, không có bằng chứng đủ mạnh để bắt Chúa nên không ai dám ra tay.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng thấy không ít người có tâm tưởng như những người Do-thái, họ học hỏi Kinh Thánh, giáo lý không phải vì lòng yêu mến và mong muốn được biến đổi; nhưng là học để biết rồi sinh ra chê bai, trách móc và tự kiêu…, hoặc đôi khi học để rồi tìm cách bách hại lại những người tin Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con khỏi sự mù quáng tinh thần, nhất là đừng để chúng con vì những lợi lộc ích kỷ mà xa lìa Chúa, hay tệ hại hơn chống đối và từ bỏ Chúa. Xin thương mở rộng tâm hồn và đôi mắt cho chúng con được nhìn ra Chúa. Xin Chúa thay đổi cái nhìn của chúng con để chúng con biết tôn trọng và lắng nghe tiếng Chúa nơi tất cả mọi người mà chúng con gặp gỡ hàng ngày.
Joston
Các ông biết tôi ư? (27.03.2020)
Ghi nhớ:
“Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người”. (Ga 7, 28).
Suy niệm:
Sinh thời. Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn Thuận có kể một câu chuyện vui sau:
Ở Huế có vị Linh mục rất cá tính, bởi thấy bà cố hay cằn nhằn về việc những người nghèo đến xin. Vì vậy có lần ngài góp ý với mẹ rằng:
– Mẹ ơi. Khi mẹ làm phước mà mẹ lại la rầy người ta như vậy thì còn chi là công đức nữa? Mẹ biết không, khi mẹ cho người nghèo dù chỉ là một ly nước lã thôi thì mẹ cũng có công như là mẹ cho Chúa đấy!
Bà cố trả lời.
– Con coi đấy. Họ khỏe mạnh như vậy không chịu đi làm mà nuôi thân, lại cứ đi ăn xin, cho họ mãi thì họ sẽ lợi dụng lòng tốt của mình và rồi vô tình làm cho họ trở nên biếng nhác, chỉ sống nhờ vào người khác thôi. Vả lại, họ đâu có phải là Chúa. Nếu mà Chúa đến xin thì mẹ sẽ cho ngay!
– Nhưng họ là hiện thân của Chúa đấy.
– Không phải. Bà cố nói. Nếu Chúa đến xin mẹ biết liền.
Hôm ấy, vào lúc nhá nhem tối, trời lại có mưa. Vị linh mục mặc chiếc áo tơi, đội cái nón lá sụy xuống, ghé nhà bà cố. Cha gõ cửa, khi bà cố mở cửa ra, cha đổi giọng nói:
– Bà cụ ơi, con bị nhỡ đường nên đói quá, xin cho con bữa cơm tối!
– Tôi nấu cơm chỉ đủ cho cả nhà thôi! Lấy đâu có phần cho ông? Cha vẫn nài nỉ.
– Xin bà cụ làm ơn làm phước giúp con.
– Đã bảo là không có nấu dư cơm mà.
Lúc này vị linh mục mới bỏ nón ra, và nói giọng bình thường trở lại:
– Đấy nhé! Đây là con của mẹ mà mẹ còn chẳng nhận ra. Thế thì làm sao mẹ nhận ra Chúa được.Như lời mẹ đã nói bữa hổm!
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc những người ở Giê-ru-sa-lem nói chuyện với nhau về Đức Giê-su, nội dung câu chuyện mà họ trao đổi với nhau là để xác định thân thế Đức Giê-su. Trong cuộc đối thoại có câu “ Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả”. Nói như vậy những người này chỉ nhận biết Đức Giê-su xuất thân từ một gia đình bác thợ mộc Giu-se ở Nazaret, thế thôi. Mặc dù Đức Giê-su đã giảng dạy như Đấng có thẩm quyền thêm vào đó Người còn làm nhiều phép lạ nữa. Thế nhưng những người Do Thái vẫn không nhận biết Ngài là Đấng đã được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc nhân loại. Thế thì tại sao những người đương thời không nhận biết được Đức Giê-su là Đấng Thánh con Chúa Cha sai đến để cứu chuộc họ?. Đó là tâm địa ganh ghét, hẹp hòi, chỉ nhìn Đức Giê-su theo con mắt trần tục. Nhất là đối với giới lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ. Với tâm địa gạnh tỵ, sợ mất quyền thế, mất ảnh hưởng trên dân chúng và cuối cùng là mật lợi lộc trần thế nên họ đang tâm tìm cách giết hại Đức Giê-su.
Khi tâm hồn người ta bị che phủ bởi biết bao nhiều những mây mù lợi lộc, danh vọng, tính mê đắm dục vọng thì làm sao có thể nhìn nhận ra Đức Giê-su và đón Ngài vào trong tâm hồn mình được và một khi không nhận biết và đón rước Đức Giê-su thì mãi mãi cũng sẽ không nhận biết được Thiên Chúa Cha. Đấng tạo dựng và rất xót thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian được sống. Bởi vì “ Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người Con”.( Ga 14,6)
Thời đại ngày nay cũng vậy. Thử hỏi có mấy kẻ mà không biết đến Ông Giê-su là ai? Có mấy ai mà không một lần nhìn thấy Người đang dang tay chịu khổ hình trên cây thập giá. Có mấy ai mà không biết Đức Giê-su là vị sáng lập đạo Thiên Chúa, Đạo tình thương, thế nhưng có mấy ai để cho Ngài được đi vào cuộc đời của mình! Đức Giê-su đã bị chặn lại bởi cái rào cản là sự nham hiểm của lòng người, sự ham mê tiền bạc, tìm kiếm danh vọng, say sưa chiều theo lạc thú xác thịt…
Bao lâu con người chưa mở lòng mình ra, nghĩa là dẹp đi tính tự phụ, kiêu căng, lòng ham mê dục vọng, lợi lộc phù vân… thì bấy lâu người ta chưa thể nhìn ra và đón nhận Chúa Cứu Thế vào tâm hồn của mình và dĩ nhiên sẽ không bao giờ nhận biết được một sự thật. Đó là tình thương yêu bao la của Chúa Cha, Đấng đã tác tạo nên mình và vì thế mà có thể kêu lên với Ngài trong thân tình và yêu thương rằng: “Abba, Cha ơi”!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Cha trong tâm tình con thảo chúng con xin thưa lên rằng: Cha ơi! Chúng con xin tôn vinh và cảm tạ Cha vì tình thương bao la mà Cha đã dành cho chúng con. Chỉ vì tình yêu thương đó, Cha đã ban cho chúng con Người Con Một Chí Thánh của Cha đến trần gian để cứu chuộc chúng con và cũng chính bởi Người Con này mà chúng con được mặc khải để biết rằng chúng con có một Người Cha vô cùng từ bi nhân hậu, thánh thiện đang ngự ở trên trời. Xin Cha ban Thánh Thần của Cha xuống trên chúng con và những y bác sỹ hiện nay đang ngày đêm xả thân chống chọi với cơn đại dịch Corona để cứu sống những bệnh nhân, nhờ ơn Chúa Thánh Thần chúng con mới có thể giữ được một lòng tôn thờ, phụng sự và làm sáng danh Cha trong cuộc sống của chúng con hôm nay và mãi mãi. Amen.
Sống Lời Chúa:
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 lan tràn. Luôn chịu khó mang khẩu trang để bảo vệ mình cũng như cho mọi người khi ở nơi đông người.
Đaminh Trần Văn Chính.
Nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống (16.03.2018)
Trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: Người Do Thái chỉ biết Ðức Giêsu xuất thân từ gia đình Nazarét, nhưng họ không biết Chúa Cha nên không tin nhận Ngài là Ðức Kitô. Còn Ðức Giêsu, Ngài biết Thiên Chúa, và thực sự Ngài là Ðấng Thiên Sai. Biết Thiên Chúa và sống trong Thiên Chúa, đó là đích điểm cuộc đời mỗi người Kitô hữu. Ðể nhận biết được Thiên Chúa, chúng ta phải qua trung gian là Ðức Giêsu, cũng chính là con đường dẫn đến ơn cứu độ.
Nhìn xem trời đất quanh ta
Mênh mông bát ngát, bao la ngút ngàn
Thiên nhiên rộng lớn vô vàn
Núi đồi, sông biển, đầy tràn cỏ cây
*
Nắng mưa, bão gió, sương mây
Hiện tượng, thời tiết, tháng ngày luân phiên
Bàn tay Chúa đã dựng nên
An bài sắp đặt triền miên mọi thời
Những người Do Thái họ tự phụ, cho mình là biết rõ ngọn nguồn của Chúa Giêsu. Nhưng thực sự họ không biết gì cả, vì tinh thần họ đã trở nên mù quáng trước những phép lạ, trước những dấu chỉ Chúa đã thực hiện trước mắt họ. Họ làm ngơ, giả điếc trước mạc khải vô cùng quan trọng của Chúa Giêsu, về nguồn gốc thần linh của Ngài: “Ta bởi Chúa Cha mà đến, và chính Ngài là Ðấng đã sai Ta”.
Chúa thương ngự xuống trần đời
Cứu chuộc nhân thế, giảng lời yêu thương
Dạy cho đúng nẻo ngay đường
Tìm về chính lộ, tìm phương sáng ngời
*
Nhận ra lẽ sống cao vời
Nước Trời vinh phúc cho người lòng ngay
Chúa luôn hiện diện từng ngày
Giúp con vững bước tràn đầy hân hoan
Chúa Giêsu chính là Đấng công chính đã bị quân gian ác bách hại. Để khỏi mang tội giết Đấng Messia, họ lý luận rằng Đấng Messia phải có nguồn ngốc lai lịch rõ ràng, còn Chúa Giêsu thì không biết xuất phát từ đâu. Nhân đó Chúa Giêsu nói cho họ biết nguồn gốc lai lịch của Ngài là Chúa Cha “Ta bởi Ngài và chính Ngài đã sai Ta”. Nhưng khi Chúa Giêsu nói như thế càng khiến họ muốn giết Ngài hơn. Tuy nhiên hiện giờ “họ chưa làm gì được Ngài vì chưa tới giờ Ngài”.
Đôi khi gặp cảnh khó khăn
Chớ đừng thất vọng phàn nàn trách than
Hoặc là khốn khó nghèo nàn
Hãy luôn cố gắng tìm đàng vươn lên
*
Tình thương của Chúa vững bền
Trông cậy nơi Chúa, đáp đền niềm tin
Ngài luôn nâng đỡ giữ gìn
Suốt đời, trọn kiếp con xin theo Ngài.
Lạy Chúa! Xin giải thoát chúng con khỏi sự mù quáng tinh thần, nhất là đừng để chúng con vì những lợi lộc ích kỷ mà xa Chúa, hoặc chống đối và từ bỏ Chúa. Xin thương mở rộng tâm hồn và đôi mắt chúng con để chúng con được nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong cuộc sống của chúng con. Amen.
HOÀI THANH
Các ông biết tôi ư? (31.03.2017)
Suy niệm:
Con tàu khổng lồ Titanic đi vào lịch sử và nổi tiếng kể từ khi bị chìm vào năm 1912. Trước đó Titanic được vinh danh khắp thế giới là con tàu lớn nhất lúc bấy giờ. Sự kiện được xem là thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại. Mặc dù Titanic bị chìm hơn 100 năm nhưng những câu chuyện bí ẩn xoay quanh con tàu này vẫn là đề tài nóng hổi, thu hút nhiều độc giả trên khắp thế giới.
“Không thể chìm”. Đó là câu nói về con tàu Titanic khi đang đóng và ngay cả lúc khởi hành.
Con tàu Titanic được đánh giá là một con tàu hiện đại và lớn nhất thời bấy giờ. Được sử dụng chạy bằng động cơ hơi nước và được trang bị đầy đủ mọi tiện nghi nhất trần gian thời điểm đó. “Lịch sử trở thành huyền thoại chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ và chắc chắn là nhiều ngày sau khi tàu chìm”, ông Howells nói.
Nhưng con tàu đã chìm vào đáy đại dương chỉ sau chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Nó chìm xuống đại dương và mang theo hàng ngàn con người ham thích sự kiêu căng cùng chìm xuống mãi mãi với nó. Con tàu Titanic chìm xuống đại dương thật đáng cho mọi người suy nghĩ: nó chìm khi “Thời tiết tĩnh lặng”. Nhưng sự thật là thời tiết vô cùng tĩnh lặng khi thảm họa xảy ra, không một gợn sóng, không một cơn gió. Đó là một sự tĩnh lặng đáng sợ.
Người ta đã đổ lỗi cho “Lỗi của tự nhiên”. Thật là chua xót cho những con người tưởng mình là khôn ngoan, thông thái. Họ đã tự lầm tưởng đến nỗi hoang tưởng về chính mình. Cho rằng mình là vô hạn, là trên hết, là quyền năng. Để rồi chỉ cần va vào một tảng băng trôi thì con tàu đã bị nhấn chìm và gãy ra làm đôi. Chìm mất rồi thì lại đổ lỗi cho tự nhiên?!!! Vì họ đã không nhận biết Thiên Chúa, hoặc họ đã cố tình không nhận biết Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa hỏi những người ở Giêrusalem: Các ông biết tôi ư?
Một câu hỏi Chúa đặt ra cho họ, vừa để trách họ còn quá ngu muội để hiểu biết về Thiên Chúa, vừa trách họ đang sống trong lầm tưởng của của sự ngu muội và kiêu căng.
Cái ngu muội bởi tính kiêu căng là họ cứ lầm tưởng rằng họ đã hiểu biết rất rõ kinh thánh, hiểu biết về Thiên Chúa là ai, Đấng Messia phải đến từ đâu. Từ trời, chứ không đến từ làng nghèo khổ Nazazet.
Cho nên họ không nhận ra Chúa Giêsu Nazaret là Đấng Messia, là Con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc phải đến. Họ đã vấp phạm và phản bội. Họ chỉ biết cái xuất thân phàm trần của Chúa Giêsu, chứ họ không nhận ra Thiên Tính của Người. Vì họ đã định kiến sự hiểu biết của họ, họ uốn nắn sự hiểu biết kinh thánh và những lời nói của các Ngôn Sứ, để xây dựng nên một hình ảnh Đấng Messia phải đến như họ tưởng tượng, họ xây dựng một Đấng Messia theo ý riêng của họ, cho nên họ đã không nhận ra Chúa Giêsu.
Sự ngu muội của con người là luôn tự hào vào sự khôn ngoan và sức mạnh của mình làm lý tưởng, mà không nhận biết quyền năng của Đấng Tối Cao đã dựng nên tất cả là Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin cho con nhận ra sự khôn ngoan của con chỉ là những dại khờ trước mặt Chúa. Xin cho con đừng ngu muội mà cậy nhờ vào sức mạnh của trần gian, nhưng luôn biết cậy nhờ và phó thác vào quyền năng, tình yêu của Thiên Chúa để con sống xứng đáng làm con cái Chúa, chỉ có Thiên Chúa là tuyệt đối. Chúa là gia nghiệp và là hạnh phúc đời con.
Thánh Augustinô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết chính mình con và biết Chúa.”
Gã Đầu Bạc
Công cụ đức tin (11.03.2016)
Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông đã không biết Người. Còn tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7,28-29)
Ngày nay, một em học sinh tiểu học cũng biết muốn thấy được vi trùng, vi khuẩn thì phải dùng một công cụ đặc biệt là kính hiển vi. Cũng thế, muốn dự báo động đất, sóng thần phải có những dụng cụ thăm dò tinh vi và mắc tiền mà những nước nghèo, chậm tiến không dễ gì sắm được. Người Do thái ‘bị trật đường rầy’ ở chỗ này vì họ tưởng rằng chỉ cần biết lý lịch Đức Giê-su là con bác thợ mộc làng Na-da-rét là đã nắm rõ được gốc gác của Ngài. Chúa Giê-su chỉnh lại cái nhìn đó: Ngài từ Thiên Chúa mà đến; mà muốn lãnh hội được những gì thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là những mầu nhiệm, thì phải có công cụ thích hợp đó là cặp mắt đức tin.
Sự hiểu biết về Đức Ki-tô không phải là quá trình cân đong đo đếm trong phòng thí nghiệm, mà là một cảm nghiệm trong sự hiệp thông, là mở lòng đón nhận Ngài với niềm tin và tình yêu mến, để sẵn sàng chia sẻ với Ngài, đi theo Ngài trên con đường khổ giá. Lời Chúa hôm nay là dịp để chúng ta kiểm tra mình đã có công cụ đức tin để nhìn thấy mầu nhiệm Thiên Chúa chưa.
Mỗi lần gặp biến cố gì trong cuộc sống, tôi vẫn thầm kêu lên:
“Giêsu, Maria, Giuse, xin thương cứu giúp con”, và tôi cảm thấy tâm hồn mình được bình an, bằng cặp mắt đức tin, tôi thấy như được ơn Chúa ban cách đặc biệt để mình có đủ nghị lực mà vượt qua những cú sốc ấy, có khi gặp phải tai nạn đột xuất khó lường…, cũng nhờ ơn Chúa giúp một cách thật nhiệm màu…, nên tôi vẫn còn được an lành đến giờ phút này, và giả như ngày mai ngày mốt…lỡ có chuyện gì không hay bất chợt ập tới…, tôi vẫn luôn tin vào sự quan phòng yêu thương của Chúa. Chính nhờ công cụ đức tin ấy, nên tôi cảm thấy lạc quan yêu đời, yêu người, dù lắm khi bị đời “ bạc đãi như vôi”.
Lạy Chúa Giê-su chịu khổ nạn và bị đóng đinh thập giá vì tội chúng con. Xin ban ơn cho con được hiểu Chúa hơn và yêu Chúa hơn, để cố gắng chừa bỏ mọi tính hư tật xấu mỗi ngày, vì mang thân phận yếu đuối mỏng dòn của kiếp người, nên rất cần được ơn Chúa giúp, mới có thể sống trọn tình con thảo trong lòng Chúa xót thương muôn đời. Amen.
BCT