Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Đnl 4,32-40 (năm lẻ), Nk 2,1.3 ; 3,1-3.6-7 (năm chẵn), Mt 16,24-28
Bài đọc 1 (năm lẻ): Đnl 4,32-40
Đức Chúa đã yêu thương cha ông anh em, và đã chọn dòng dõi các ngài
Bài trích sách Đệ nhị luật.
Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất ; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia : có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng ? Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không ? Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không ?
“Chính anh em đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng Đức Chúa là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa. Từ trời, Người đã cho anh em nghe tiếng Người, để dạy dỗ anh em ; dưới đất, Người đã cho anh em thấy ngọn lửa lớn của Người, và anh em đã nghe các lời Người phán ra từ trong đám lửa. Bởi vì Người đã yêu thương cha ông anh em, nên sau các ngài, Người đã chọn dòng dõi các ngài, và đã đích thân dùng sức mạnh lớn lao của Người đưa anh em ra khỏi Ai-cập. Người đã đuổi những dân lớn và mạnh hơn anh em cho khuất mắt anh em, để đưa anh em vào đất của chúng và ban cho anh em đất ấy làm gia nghiệp, như anh em thấy hôm nay.
“Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này : trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em ; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 16,24-28)
24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?
27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. 28 Thầy bảo thật anh em : trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.”
Từ bỏ (09.08.2024)
Những người thợ săn ở Phi-Châu có một cách thức thật là thông minh để bẫy khỉ. Họ chẻ một trái dừa ra làm hai, khoét ruột ra khỏi vỏ. Ở một nửa trái dừa họ khoét một lỗ nhỏ chỉ bằng bàn tay của chú khỉ có thể xỏ qua lọt được. Còn nửa bên kia của trái dừa họ bỏ vào một trái cam lớn rồi buộc chặt hai mảnh vỏ dừa lại vào với nhau. Cuối cùng họ treo quả dừa này trên cành cây bằng một sợi dây thừng dài rồi rút vào rừng chờ đợi. Đánh hơi thấy mùi cam, khỉ tiến lại gần và thò tay vào nắm lấy trái cam. Nhưng chú không thể lấy trái cam ra được; đơn giản vì trái cam lớn hơn cái lỗ trên vỏ dừa… Một khi khỉ còn nắm chặt trái cam trong tay thì lúc đó chú còn bị mắc bẫy. Muốn thoát thân, khỉ chỉ cần chỉ cần buông trái cam ra, là rút tay ra được ngay..
Bài học trong câu chuyện này là: Không thể nào vừa có cam lại vừa được tự do, ung dung tự tại được. Cũng như nếu không chịu buông bỏ trái cam ngọt ngào đó, sẽ lọt vào bẫy, tự đánh mất chính mình…
Con người ngày nay đang tôn thờ những thành tựu của tiến bộ khoa học kỹ thuật, tôn thờ chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng và hưởng thụ. Người ta tôn thờ quyền lực, sắc đẹp và thế lực của đồng tiền. Tất cả rất quyến rũ, rất ngọt ngào và được che đậy, được ngụy trang rất kỹ, nhưng tự trong thâm tâm, mầm thiện lành vẫn âm thầm phát triển… Nhiều tôn giáo nói đến từ bỏ. lão Tử trong Đạo Đức Kinh có viết: “Ngoại kỳ thân nhi thân tồn” có nghĩa bỏ cái thân ra ngoài thì thân mới còn, ý nói đừng quá lo cho bản thân mà nên sống vô ngã vị tha, hy sinh quên mình để phục vụ thì sống mới thật sự có ý nghĩa. Còn ở Phật giáo thì đề cao “phá chấp ngã”. Câu chuyện của Thầy Minh Tuệ với 13 hạnh đàu đà vừa đánh động lòng người trên mạng xã hội. Thầy đột ngột nổi tiếng, rồi đột ngột biến mất nhưng thầy cũng đã để lại cho hàng triệu người yêu quí thầy ở Việt Nam cũng như trên thế giới một nguồn cảm hứng về tu tập chánh pháp, nhất là về việc buông bỏ.
Thật ra, từ bỏ là điều rất bình thường và cần thiết. Từ bỏ là quy luật để phát triển, để trưởng thành của sinh vât và con người. Con sâu phải thoát khỏi cái kén chật hẹp mới trờ thành con bướm. Hạt lúa phải mục thối đi mới chui ra khỏi vó trấu để nảy mầm xanh tốt. Gà con phải vẫy vùng khẻ mỏ cho vỡ cái vỏ trứng mới có thể nhìn đời miệng kêu chiêm chiếp. Và thai nhi không thể ở mãi trong bụng mẹ, mặc dù đó là chỗ an toàn, êm ấm…
Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy theo Chúa, hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình để theo. Chúa không kêu gọi suông, mà đã đi trước, làm trước để dẫn đường cho chúng ta. Và để bước theo Chúa, chúng ta phải từ bỏ cái tôi cồng kềnh với bao đam mê trần thế thì mới có thể theo sát và theo kịp Người được. Khi lòng chúng ta đã ra trống rỗng, vì trút bỏ được nhiều thứ hỗn độn của thế trần, lúc ấy chỉ còn mình với… Chúa mà thôi. Chính Chúa sẽ lấp đầy mọi sự trong ta và làm cho trong ta tràn chảy một Sự Sống mới, làm ta vui vẻ đón nhận mọi sự với sức chịu đựng dẻo dai, làm cho nên nhẹ nhàng mọi thập giá đời mình. Thập giá có Chúa cùng đi, cùng vác sẽ biến đổi trở nên Thánh Giá nhẹ nhàng trên đường rộng mở thênh thang. Như vậy, khi chọn con đường theo Chúa, làm môn đệ Chúa, chúng ta phải chấp nhận từ bỏ mình để vác thập giá mình, hằng ngày mà theo Chúa. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói: “không thể là môn đệ của Chúa Ki-tô mà không có thập giá, chúng ta có thể là Giáo Hoàng, Giám Mục hay Linh Mục nhưng nếu không có thập giá thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa Ki-tô.”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ con và biết cả những thập giá mà con đang phải gánh vác. Con không xin Ngài cất khỏi con những thập giá ấy, nhưng xin Ngài thêm ơn can đảm và sức mạnh, để con tiếp tục vác thập giá theo Ngài, để một khi có Chúa cùng đồng hành, con sẽ vui vẻ, hăng hái lên đường với Chúa, nhờ đó thập giá sẽ trở thành Thánh Giá, có giá trị cứu rỗi cho linh hồn con và các linh hồn khác nữa. Amen.
Têrêsa Hảo
Từ bỏ nết xấu (11.08.2023)
Ngày 11.08: Lễ Nhớ Cơ-la-ra, trinh nữ
Sáng sớm chị đã có mặt ở nhà thờ dự lễ 5h00, phụ quét sân nhà thờ, trưa thì nguyện kinh Lòng Thương Xót với Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, tiếp là nguyện kinh với Huynh đoàn, chị là thành viên của hai hội đoàn, mỗi ngày chị dành nhiều thời gian đến với Chúa. Sau khi chồng qua đời, chị sống một mình trong căn hộ chung cư, con gái duy nhất lập gia đình ở quê chồng. Tuổi đời trên 70, tính tình chị vẫn thế, rất nóng nảy, gặp chuyện bực mình là chị lớn tiếng tranh cãi, và chị phải thắng cho được, có lần Huynh đoàn vừa nguyện kinh xong, ra ngoài sân đã nghe tiếng chị đôi co với chị khác rất ồn ào cả tiền sảnh giáo xứ. Mặc dù rất nhiều người khuyên can nhưng chị vẫn không dừng lại, mọi người trách chị không biết kiềm chế bản thân, Huynh đoàn bị mang tiếng là không nhắc nhở về đời sống của người đoàn viên, chị ít bạn bè vì tính khí của mình. Như Thánh Bênađô từng chia sẻ: “Kẻ thù đáng sợ hơn cả, chính là kẻ thù ở trong mình ta”.
Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Matthêu (Mt 16,24-28) Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy?” Thập giá mà Thầy Giêsu muốn nói với các môn đệ không chỉ dừng lại ở sự khó nghèo vất vả gian nan trong cuộc sống, mà cả về tính cách của một người trong đó sự ganh ghét, ích kỷ, đam mê vật chất, danh vọng, quyền lợi … mọi tật xấu của con người, rất cần được biến đổi để trở thành môn đệ của Chúa đúng với danh nghĩa. Điều đó có dễ thực hiện không? Thực tế chúng ta vẫn tò mò, thích nghe chuyện về người khác nhất là những chuyện bêu xấu, và khi biết những người mình không ưa xảy ra chuyện buồn, chúng ta cảm thấy lòng hả hê. Thậm chí còn lan truyền cho bạn bè điều không hay của người khác mà mình nghe được, chúng ta đang nuông chiều thể xác mình theo dục vọng và sống với bản tính thiên nhiên của con người.
“Nếu được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Cuộc đời là một chuỗi những lựa chọn, có người chỉ muốn sống an nhàn thảnh thơi, không muốn bận rộn và cũng không muốn ai làm phiền mình, không muốn hy sinh cho ai khác. Bạn tôi có bệnh thích mua sắm, rảnh là shopping, đó là đam mê để làm cho bản thân sung sướng với vẻ đẹp bề ngoài trong mắt bạn bè và là niềm vui những khi rảnh rỗi, hai từ hy sinh hay chia sẻ đối với bạn ấy rất mới lạ. Nhưng cũng có người cảm nhận được sự từ bỏ lối sống hưởng thụ vật chất, ích kỷ và sống nghèo khó, hiền lành, nhân ái theo chuẩn mực Tám Mối phúc của Tin Mừng là hạnh phúc của cuộc sống, là được đẹp lòng Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con là những đoàn viên Huynh đoàn ý thức rằng: theo Chúa là chấp nhận những khổ đau, có thể phải hy sinh những hưởng thụ vật chất đời thường, phải biết hoán cải tâm hồn để dám từ bỏ đam mê vật chất, để sống theo tinh thần khó nghèo của Thánh Tổ Phụ Đa Minh. Xin cho chúng con nhận ra những hy sinh đời này sẽ là con đường đưa chúng con đến hạnh phúc đời sau và mãi mãi.
Anna Anh
Từ bỏ chính mình để đổi lấy sự sống đời đời (05.08.2022)
“Người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?”
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Người: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Người. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, đều nói lên cái cốt yếu của đời sống người Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận khổ hình thập giá.
Liên hệ với Tin Mừng ngày thứ năm, sau khi Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn, ông Phê-rô đã can ngăn Chúa và bị Chúa quở mắng là “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy…”, điều này cho thấy những ai muốn làm môn đệ Chúa, kể cả Phê-rô và các môn đệ khác, hãy lui lại đàng sau và đi theo. Vì khi tầm sư học đạo một ai thì đòi hỏi phải ở phía sau, chứ không được bon chen đứng phía trước để cản đường, “học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.”
Dưới ánh sáng của Tin Mừng, sự đòi hỏi các môn đệ “vác thập giá mình mà theo” của Chúa Giêsu mang tính tự do cho người đón nhận chứ không phải ép buộc. Từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo, tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Chúa Giêsu đã đi. Con đường đó là một con đường hẹp, con đường của hy sinh, thiệt thòi, con đường của tự hủy, con đường khiêm tốn và là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn.
Bên cạnh đó, Lời Chúa một lần nữa xác định cho chúng ta thấy thực tại trần gian này có giá trị thế nào trong đời sống của người Kitô hữu. Của cải vật chất cũng như đời sống trần thế hôm nay là điều đáng quý mà ai cũng phải biết nâng niu giữ gìn. Trong tất cả những cái quý đó, thì mạng sống của mình là quý nhất. Vàng bạc châu báu, của cải, danh vọng chức quyền không thể so sánh với mạng sống. Mất mạng sống mình là mất tất cả, cho dù ta có tất cả những cái kia cũng bằng thừa. Vì mất tất cả những thứ đó, ta cũng có thể kiếm lại được. Nhưng khi mất mạng sống mình, thì không thể dùng tất cả giá trị trần gian để kiếm lại được. Vì thế trong trần gian này, mạng sống mình, sức khỏe là cái quý nhất.
Nhưng còn một thực tại khác nữa mà không ai trong chúng ta được đánh mất, đó là linh hồn của mình và sự sống đời sau. Vì mạng sống mình cho dù có quý nhất nó vẫn chỉ là tương đối, nay còn mai mất. Còn sự sống đời đời mới chính là tuyệt đối và vĩnh cửu. Như thế, việc phân định thật quan trọng để nhờ đó, chúng ta biết chọn lựa giữa điều quan trọng và phụ thuộc, điều gì chính yếu và không chính yếu trong cuộc sống hôm nay.
Tất cả mọi thứ chúng ta có đều là do ơn Chúa ban, chúng ta chỉ là người đang quản lý những tài sản ân sủng mà Chúa trao cho để sinh lợi cho bản thân mình và mưu ích cho tha nhân. Chúng ta nợ Ngài tất cả mọi thứ, kể cả mạng sống của chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng trao lại cho Chúa những gì chúng ta có hay không: tiền của, thời gian và cả chính con người mình nữa? Người môn đệ chân chính là người sẵn lòng từ bỏ tất cả những gì mình có để đổi lấy sự sống bất tận và niềm hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa.
Ở phần cuối Tin Mừng, Chúa Giêsu mạc khải cho biết: Người sẽ đến trần gian lần thứ hai trong vinh quang để phán xét tất cả mọi người. Người sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc họ đã làm khi còn sống ở đời này. Lời mạc khải này đem lại cho người Kitô hữu một niềm phấn khởi, hy vọng tột độ để họ mạnh dạn vác thập giá đi theo Chúa, để họ hiên ngang dám hy sinh mạng sống mình cho những đòi hỏi của Tin mừng và dám làm chứng cho công lý ngay trong một xã hội bát nháo và bất công này.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết an vui khi chọn Chúa làm gia nghiệp. Xin cũng cho chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.
Joston
Được cả thế giới mất linh hồn nào được ích gì? (07.08.2020)
Ghi nhớ:
“Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26)
Suy niệm:
Chuyện kể rằng: “ Có một thương gia nọ, ông có một con tàu để đi buôn bán đường dài, ông buôn từ quốc gia này đến các quốc gia khác trên khắp thế giới. Một lần kia con tầu ông đến một hòn đảo. Ở đấy nhà thương gia khám phá ra trên đảo là một kho tàng. Có rất nhiều kim cương, đá quý và vàng bạc…Ông hớn hở, vui mừng cho các gia nhân khuôn các vật quý giá xuống chất đầy con tầu.
Nhưng khổ thay! Khi con tầu của ông ra khơi để trở về quê quán thì cái la bàn trên con tầu của ông mất tác dụng. Ông biết rằng sở dĩ cái la bàn kia mất phương hướng là do những châu báu mà ông đã lấy trên đảo đem xuống chất đầy con tầu, vì thế ông và đoàn tùy tùng không thể xác định được phương hướng đi để có thể trở về nhà an toàn được. Khi hoàn cảnh xảy ra như vậy. Ông đã dũng cảm cho ném tất cả vàng bạc, kim cương xuống biển. Đúng lúc đó thì cái la bàn phục hồi chức năng. Cuối cùng ông và đoàn người tùy tùng đã tìm về đến quê nhà an toàn”.
Bài Tin Mừng hôm này Đức Giê su nói với các môn đệ về điều kiện để có thể trở nên một người môn đệ đích thực của Chúa; là phải “từ bỏ mình và vác thập giá mình mà theo Ngài ”. Ngày xưa. Chúa Giê su muốn thanh luyện các môn đệ. Ngày nay cũng vậy. Chúa Giê-su muốn cho chúng ta sống cái giá trị đích thực của cuộc đời. Bởi lẽ chúng ta được Chúa sinh ra là để tìm kiếm một nền hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu. Đó là Nước Trời. Và để chiếm hữu được Nước Trời đó đòi hỏi chúng ta phải biết từ bỏ; từ bỏ đi cái tôi của mình, từ bỏ đi tính ích kỷ, tính tham lam, tóm lại là từ bỏ tội lỗi…Song song với việc từ bỏ đó thì chúng ta còn phải biết mang vào mình mà vác cây thập tự; đó là biết yêu thương, biết đón nhận và chu toàn những bổn phận và trách nhiệm của mình.
Tất cả mọi sự trên thế gian này chỉ là tạm bợ chóng qua, chỉ có niềm vui đích thực là hạnh phúc Nước Trời đời sau là trường tồn, vĩnh cửu mà mỗi chúng ta phải tìm kiếm, phải chinh phục mà thôi.
Con người chỉ có giá trị thực sự trước mặt Thiên Chúa khi họ biết kiểm soát và chế ngự bản thân, biết khử trừ những đam mê bất chính, những tính hư nết xấu, biết vượt thắng chính mình trước những cám dỗ của thế gian; tiền tài danh vọng và thỏa mãn dục vọng xác thịt.
Câu nói của Đức Giê-su: “Được lời lãi cả và thế giới mà thiệt mất linh hồn thì có ích lợi gì?”. Phải là châm ngôn sống, phải là kim chỉ nam cho cuộc đời của chúng ta. Thật vậy. Tất cả chỉ là phù vân, chóng qua, nay còn mai mất. Sức khỏe, tiền bạc, danh vọng…Điều tồn tại mãi là sự sống vĩnh cửu của linh hồn . Bởi vậy, chúng ta hãy nghe lời dạy khôn ngoan của Đức Giê-su, với quyết tâm ra sức thực thi lời Ngài dạy đó để được trở thành người môn đệ đích thực của Ngài và để xứng đáng lãnh nhận phần thưởng Nước Trời mai sau.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa xin ban ơn trợ lực để chúng con luôn biết sống thế nào cho xứng đáng là người môn đệ của Chúa. Xin giúp chúng con vượt qua mọi cơn thử thách ở đời này và xin cho chúng con có khả năng hoàn thành tốt bổn phận và trách nhiệm của chúng con trong cuộc sống đời này của chúng con để mai sau chúng con xứng đáng được chung hưởng hạnh phúc Nước Trời muôn đời cùng với các thánh. Amen.
Sống Lời Chúa:
Thà chịu thiệt đến bản thân chứ không làm điều gì mất lòng Chúa.
Đaminh Trần Văn Chính.
Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất (09.08.2019)
1. Ghi nhớ:
“Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26).
2. Suy niệm:
Có một câu chuyện hư cấu như sau: “ Tướng Quỷ triệu tập tất cả các đồng đảng lại để họp bàn nhằm tìm ra phương cách nào hữu hiệu và khả thi nhất để lôi kéo con người sa đọa vào vòng tội lỗi, hầu cướp đi linh hồn của họ. Một tên Quỷ đưa ra ý kiến:
-Theo suy tính của tao, thì chúng ta cứ đi nói với con người rằng: Chẳng có Thiên Chúa nào cả, cũng chẳng có thiên đàng hỏa ngục nào đâu. Chúng mày cứ ăn chơi hưởng lạc chè chén say sưa cho đã đi, đừng sợ chi cả!
Một tên khác góp ý:
-Tao không nghĩ như vậy là hay, vì nói như thế loài người sẽ biết là tụi mình dối lừa họ. Phải nói với chúng nó là: Thiên Chúa rất hiền từ và nhân lành nên chúng mày cứ phạm tội đi, Chúa sẽ tha thứ cho chúng mày mọi tội. Không đánh phạt đâu!
Có cánh tay đen đúa giơ lên:
-Tao có kế sách: Khi đi cám dỗ con người tụi bay phải nói với họ rằng: Có Thiên Chúa lòng lành luôn yêu thương chúng mày. Có thiên đàng và hỏa ngục rõ ràng. Thiên Đàng để thưởng công kẻ lành còn hỏa ngục để giam cầm, đọa đây kẻ tội lỗi. Nhưng giờ chết của các ngươi còn lâu mới đến vì vậy cứ thoải mái ăn chơi đàng điếm đi. Khi nào gần chết thì ăn năn sám hối cũng đâu có muộn!? Như vậy chúng nó sẽ nghe theo cám dỗ của bọn mình mà không hề chuẩn bị. Như thế khi tử thần ập đến chúng không kịp trở tay! Và tất nhiên linh hồn chúng sẽ thuộc về tay bọn mình!.
Cả hội trường vỗ ầm ầm tay tán thưởng. Tên tướng Quỷ đúc kết:
– Tư tưởng này quá hay, chúng ta cứ theo đó mà làm”.
Con người được Thiên Chúa sinh ra. Ngài đặt họ vào trong một thế giới có biết bao điều tốt đẹp, lạ lùng và kỳ diệu. Trong thế giới đó con người phải làm một cuộc hành trình để trở về với Ngài. Cuộc hành trình đó có thể ngăn, có thể dài khác nhau, song chắc chăn trên con đường lữ hành đó người ta phải vượt qua những chặng đường gồ ghề, khúc khuỷu gian truân. Bởi vậy muôn cho cuộc hành trình đó trở nên nhẹ nhàng, suôn sẻ và bình an con người ta phải buông bỏ đi những gì cồng kềnh vướng víu, cản trở. Để rồi mới có thể về được tới bên bờ vinh quang.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê- su khẳng định rằng những ai muốn trở thành môn đệ của Người thì phải biết từ bỏ mình mà vác thập giá đi theo Người. Thành môn đệ của Chúa là sãn sàng hy sinh, từ bỏ tất cả, có khi ngay cả mạng sống của mình nữa. Để có thể tìm cho mình nước thiên đang mai sau. Vì thế, Chúa nói: “Khi Con Người ngự đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thiên thần của Người , và bấy giờ. Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng với việc họ làm”.
Như vậy nước thiên đàng chỉ dành cho những ai sống theo lời Chúa, thi hành ý muốn của Ngài; đó là biết sống quảng đại, biết cho đi, biết hy sinh hãm mình. Làm theo lời Ngài dạy dù có thiệt thòi hay đau khổ.
Người đi theo Chúa phải xác quyết rằng: Sự sống ở đời này chỉ là tiền đề cho cuộc sống vĩnh hằng mai sau. Cứu cánh của người Ky-tô hữu là thiên đàng. Nhưng để được vào thiên đàng vinh phúc đó, chúng ta phải biết đặt mình vào một cuộc chiến đấu liên lỉ; Đó là chiến đấu với ma quỷ để vượt qua mọi cạm bẫy, mọi cám dỗ, chiến đấu với chính bản thân mình, khử trừ đi những thói xấu, tật hư, thắng vượt được những ích kỷ, hẹp hòi, những thụ hưởng bất chính, những lười biếng và chiến đấu với thế gian để xóa bỏ những tệ nạn, những điều xấu xa… Thực hiện được như vậy thì chúng ta mới có thể trở thành những môn đệ trung kiên của Chúa, và khi cuộc sông tạm ở trần gian này chấm dứt chúng ta mới xứng đáng được lãnh nhận sự sống thiên đàng.
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Ngài đã yêu thương mà tạo dựng chúng con nên người. Xin cho chúng con nhận thức rằng; Cuộc đời nơi trần gian này chỉ để đi tìm hạnh phúc Nước Trời, Vì vậy chúng con phải ra công gắng sức, sống theo ý Chúa đó là phải luôn làm việc lành, khử trừ điều dữ. Dù có phải đánh đổi ngay cả mạng sống đời này. Để mai sau chúng con xứng đáng được Chúa cho hưởng hạnh phúc nước trời. Amen.
4. Sống Lời Chúa:
Làm việc lành, tránh xa những điều dữ.
Đaminh Trần văn Chính
Hạnh phúc chính là Thập giá đời mình (11.08.2017)
Kể truyện
Ông Năm, ai cũng bảo ông thật hạnh phúc.
Gia đình ông Năm có tám người con, đứa lớn nhất cũng vừa đủ sức vác cầy ra ruộng cùng với con trâu đi cầy. Cuộc sống gia đình ông chẳng khấm khá hơn người hàng xóm.
Ông Năm làm nghề lái đò đưa khách qua sông. Con đò bé tí, mỗi chuyến chở được không đến mười người khách. Gà chưa kịp gáy canh ba (chưa đến 4 giờ sáng), thì ông đã đưa đò. Những người khách trong kênh đi chợ, họ bán mấy mớ rau, vài con ngan con gà… Bà Năm cũng thức giấc theo ông để đem mấy củ khoai, củ sắn ra chợ bán. Cuộc sống của gia đình ông Năm cũng vừa đủ chi tiêu cho gạo nước. Còn việc học hành của các thì chật vật. Nhưng ông cũng không để đứa nào mù chữ.
Chẳng bao giờ có ai thấy ông Năm lại không tươi cười. Khi chèo đò nắng cháy lưng, ông vẫn cười. Khi mưa dầm ướt cả mình ông vẫn cười tươi. Trước nhà ông có cái lu nước dành cho khách bộ hành khi khát thì uống. Ông chào hỏi mọi người thân thiện. Đêm đến, chín mười giờ khuya ông vẫn chèo đò.
Mấy đứa con theo bà chăm sóc vài luống rau, cây cà… đứa thì trông em, đứa đi câu cá, đứa ra ruộng cấy cầy…
Mân cơm nhà ông ngồi chật quanh chiếc chiếu đã cũ nhàu. Bữa cơm thanh đạm mà đầy tình thân. Cá câu dưới sông dưới ao, rau lấy trong vườn… Tiếng đũa khua lách cách suốt bữa, tiếng cười nói lúc ồn ào, lúc râm ran. Tối nào gia đình ông Năm cũng xum vầy bên bàn thờ để đọc kinh. Có ai hạnh phúc bằng gia đình ông Năm.
Suy niệm:
Thập giá đời mình chính là những lao công khó nhọc, những vui buồn – sướng khổ, những thất bại – thành công, những nụ cười – nước mắt, những lúc nắng – lúc mưa, những lúc xum vầy – chia xa…
Thập giá làm nên hạnh phúc, vinh quang của con người.
Sinh ra trên trần gian, ai cũng như ai: ăn để sống, lao động để phát triển. Người giàu hay kẻ nghèo, không ai cho ai hạnh phúc, cũng không ai lấy hạnh phúc của người cho chính mình. Hạnh phúc phải được tôi luyện, trả giá bằng chính đời sống của mình.
Vác thập giá mình, chính là chu toàn bổn phận, trách nhiệm của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng phải vui tươi, tín thác vào Chúa. Chúng ta phải nhìn nhận cuộc sống của chúng ta chính là món quà quý giá mà chính Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người, tuỳ theo khả năng. “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí” (1 Cr 12,4). “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người” (Rm 12,6).
Như vậy, chúng ta mỗi người ai cũng có một thập giá cho riêng mình, thập giá ấy Chúa ban cho mỗi người vừa đủ với sức của mình.
Bất kỳ một biểu hiện thất vọng, u buồn, buông thả, chán chường, tức giận, buồn tủi, cô đơn, sa đoạ, so sánh hơn thua, tự mãn, kiêu căng… đều là dấu hiệu của vấp ngã trên đường vác thập giá mình.
Chính lúc chúng ta không vác thập giá đời mình là lúc chúng ta đang đau khổ, bất hạnh.
Sự tin tưởng, vui tươi, phó thác vào Thiên Chúa chính là động lực mãnh liệt để ta vác thập giá đời mình. Thập giá tôi luyện mỗi cuộc đời con người.
Trong chúng ta, có mấy người đã vác thập giá mình một cách trọn vẹn! với bổn phận làm con, làm cha, làm mẹ, làm ông bà… đã chẳng một lần muốn buông bỏ thập giá đời mình.
Dấu hiệu của sự buông bỏ thập giá mình luôn kèm theo một câu “NẾU”. nếu như chồng tôi, nếu như vợ tôi, nếu như hoàn cảnh đời tôi, nếu tôi được như thế này, thế kia… câu nếu này đã chối bỏ ân ban thập giá của Chúa.
Nhiều người muốn đi tìm thập giá đời mình bằng những hội đoàn đạo đức: họ xme hội đoàn đạo đức là nơi họ sẽ nên thánh, nhưng khi họ tham gia vào rồi thì một thời gian lại chán bỏ; bỏ hết hội đoàn này rồi tham gia hội đoàn khác. Chẳng có hội đoàn nào chu toàn được bổn phận. Đó chỉ là đi kiểm niềm vui theo sở thích, hết niềm vui thì hết hội đoàn.
Có những người chẳng cần hội đoàn nào, họ lo tìm kiếm làm việc bác ái. Nhưng rồi khả năng tiền bạc, thời gian chẳng có, việc làm bác ái cũng chẳng đâu vào đâu. Họ trở nên người nhàn rỗi mà không biết làm gì.
Như vậy, thập giá đời mình chính là ân sủng Chúa ban cho mỗi người tuỳ theo khả năng. Chúng ta chỉ cần chu toàn khả năng Chúa ban là đã vác thập giá mình mọi ngày theo Chúa. Khả năng ấy như những nén bạc Chúa trạo cho mỗi người. Kẻ năm nén, kẻ ba nén và kẻ một nén. Hãy sinh lợi cho Chúa bằng chính đời sống Tin Mừng của mình, chúng ta sẽ được sự sống vĩnh hằng, hạnh phúc viên mãn trong Nước Chúa.
Cầu nguyện:
Lay Chúa, xin cho con vác thập giá mình bằng những chu toàn bổn phận trong tin yêu và phó thác nơi Thiên Chúa của con. Xin cho con nhận ra những ân sủng Chúa ban cho con trong suốt cuộc đời. Amen./.
Gã Đầu Bạc
Được và mất (05.08.2016)
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16,25).
Được và mất là mối trăn trở của biết bao người. Chẳng ai muốn mất mà chỉ muốn được; được rồi lại muốn được thêm. Thế mà oái oăm thay, được chẳng bao nhiêu mà mất thì trắng tay:
“Trăm năm nào có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”
Trong ngõ cụt chết chóc của thân phận con người đó, Chúa Giê-su cho thấy cái nghịch lý “mất-được, được-mất” lại là cánh cửa mở ra cho sự sống đời đời khi người ta dám bước theo làm môn đệ của Ngài: Ai dám liều mất mạng sống mình vì Đức Ki-tô thì sẽ được lại sự sống. Nghịch lý ấy đã được giải mã và hiện thực khi chính Ngài từ cõi chết trỗi dậy. Vì thế, những ai từ bỏ mọi sự và vác thập giá mình theo Chúa sẽ được sống với Ngài: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6,8).
Đâu là mục tiêu mà ta đang theo đuổi trong đời? Thử nhìn lại, ta đã được gì, mất gì? Ta lắng nghe thánh Âu-tinh nói lên cảm nghiệm về sự trăn trở của Ngài: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.” Ước mong rằng ta cũng có được cảm nghiệm như ngài khi ta sẵn sàng từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Ki-tô trên con đường Ngài đã đi.
Mỗi ngày làm một hy sinh để tập từ bỏ mình và làm một việc phuc vụ để nên giống Chúa Giê-su và được Ngài làm gia nghiệp.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con xác tín rằng: được lời cả thế gian mà mất phần linh hồn thì nào có lợi ích gì. Amen.
BCT
Muốn theo Thầy (07.08.2015)
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24)
Là một người giáo dân Huynh Đoàn Đa Minh, chúng ta bước đi theo đường lối của Thánh Tổ Phụ Đa Minh, Ngài đã để lại gương sáng cho chúng ta, là : Luôn từ bỏ chính mình để theo Thầy Giêsu, bước sau Thầy, họa lại con đường Thầy đi, và thi hành thánh ý Chúa Cha như Thầy. Ước muốn theo Thầy không phải là ước muốn hời hợt, nông nổi, nhưng là hành trình tiệm tiến của việc “từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo.” Theo Thầy Giê-su là bước vào trong tương quan tình yêu thân thiết với Thầy. Là môn đệ nghĩa là phải từ bỏ mình, không còn lấy cái tôi, lấy ý riêng nhưng là ý muốn của Thầy làm trung tâm, làm qui tắc cho đời sống của mình.
Từ bỏ chính mình là “quăng mình” cho tiếng gọi của Thiên Chúa, là dám lội ngược dòng trước những cám dỗ, những dễ dãi, ích kỉ, nhỏ nhen, thói hư tật xấu đang có trong chúng ta. Chính khi từ bỏ mình, chúng ta cũng đồng thời vác lấy thập giá mình một cách phi thường, để sống các giá trị Tin Mừng trong tình yêu mến và noi gương Thầy Giê-su.
Lạy Chúa, những lúc con chùn bước trên con đường theo Chúa, xin thêm sức mạnh để con tái khám phá vẻ đẹp, giá trị của người môn đệ. Xin cho con biết kết hiệp những khó khăn, yếu đuối của mình với tình yêu trao hiến của Chúa. Nhờ động lực tình yêu trong Chúa, con mới vượt qua được chính mình, để luôn bước đi theo Chúa giữa cuộc đời đầy sóng gió hôm nay.
BCT
Hy sinh từ bỏ vì lòng mến Chúa (07.08.2015)
1. Ghi nhớ: Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ “ Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ” (Mt 16,24).
2. Suy niệm: Điều kiện để được làm môn đệ của Chúa Giêsu là “ bỏ mình ” và “ vác thập giá ” của mình để bước theo Ngài. Đức Giêsu không ép buộc ai phải theo Ngài, nhưng là một sự chọn lựa rất tự do. “ Ai muốn theo Thầy ” thì theo. Và phần thưởng Ngài dành cho những ai trung thành bước theo Ngài thì không gì có thể sánh được. Đó là được sự sống đời đời, là được Nước Trời làm gia nghiệp. Ta hãy lưu tâm đến lời mời gọi làm môn đệ của Đức Giêsu, và hãy tận dụng mọi khả năng để đáp trả lời mời gọi yêu thương của Ngài. Nếu ta có con tim yêu mến Đức Giêsu cách dạt dào thì việc “ bỏ mình ” hay “ vác thập giá ” không còn là gánh nặng nữa, mà sẽ trở thành quà tặng tình yêu của Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta.
3. Sống Lời Chúa: Hy sinh từ bỏ vì lòng mến Chúa.
4. Cầu nguyện:Lạy Chúa, Xin cho con biết quảng đại đáp lại lời mời gọi yêu thương ấy bằng việc sống tốt và hết mình trong việc bổn phận của con. Amen.