Lời Chúa: 1 Cr 15,12-20 (năm chẵn), 1 Tm 6,2c-12 (năm lẻ), Lc 8,1-3
Bài đọc 1: 1 Cr 15,12-20
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô
Thưa anh em, nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói : không có chuyện kẻ chết sống lại ? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Ki-tô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Ki-tô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy. Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.
Nhưng không phải thế ! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 8,1-3)
1 Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.
Mấy phụ nữ… (20.09.2024)
Có câu chuyện huyền thoại kể rằng:
Một hôm vị Thiền Sư già nói với đệ tử của mình:
– “Con à, thú thật là đến bây giờ ta không hiểu biết gì về phụ nữ cả. Con hãy nói cho ta biết phụ nữ là gì đi?”
Người học trò mỉm cười nói rằng:
-“Thuở mới sinh ra trái đất,Tạo Hóa chỉ dựng một mình Ađam thôi. Thấy ông cô đơn hiu quạnh, Tạo Hóa thương, bèn muốn cho Ađam một người bạn đường. Sau nhiều suy nghĩ, Ngài quyết định sẽ tập trung tất cả vạn vật lại lấy mỗi loài một thứ tốt nhất để tạo ra người phụ nữ. Ngài lấy vẻ đầy đặn của vầng trăng, sự ấm áp của mặt trời, đường cong của núi đồi, vẻ đẹp của bông hoa, màu sắc rực rỡ trên cánh bướm, sự nhẹ nhàng của đám mây, cái nhìn ngây thơ của nai tơ, sự ngọt ngào của mật ong, sức thiêu đốt của ngọn lửa, khí lạnh lẽo của băng tuyết…nói chung, tất cả mọi thứ, mỗi thứ một tí. Ngài đem hết thảy những thứ đó, nhào nặn với khúc xương sườn của Ađam để tạo thành người phụ nữ rồi tặng cho Ađam”.
Người học trò vừa kể đến đây, chưa kịp đưa ra câu kết, thì ông thầy già liền vội vàng ngăn lại: “Đừng nói gì thêm nữa…ta đã biết rồi!”
Câu chuyện trên minh hoạ phần nào cho chúng ta cũng biết về vai trò của phụ nữ trong công cuộc tạo dựng, Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh Thiên Chúa. Không phải chỉ có người nam mà cả nam lẫn nữ…
Thế nhưng nhìn vào thực tế, vai trò của người phụ nữ ngày xưa không được coi trọng. Ở nước ta, dù lịch sử đã ghi danh Bà Trưng, Bà Triệu, nhưng quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “nữ sinh ngoại tộc”.. hoặc giả: “Đàn ông nông nổi giếng khơi. Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” vẫn thống trị và vẫn còn lưu truyền mãi tận ngày nay. Xã hội Do thái thời Chúa Giêsu cũng trọng nam khinh nữ vô cùng, thậm chí người phụ nữ được xếp hạng thứ sáu, đứng sau cả vật nuôi. Người phụ nữ Do thái hầu như không có tiếng nói, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Luật truyền khẩu cấm phụ nữ đọc kinh Torah lớn tiếng, không được phép đến gần nơi chí thánh mà phải đến thờ phượng Chúa ở một khu vực dành riêng trong đền thờ …
Chúa Giêsu đến, đã phá vỡ những điều cấm kỵ về văn hóa ấy. Ngài đã khôi phục lại cho phụ nữ phẩm giá vì chính họ cũng là con cái của Chúa, là do Chúa tạo dựng và được Chúa yêu thương không khác gì người nam. Chúa cho phép các phụ nữ có mặt trong hành trình truyền giáo của Ngài. Các bà này, hoặc vì lòng cảm mến, hoặc vì mang ơn Chúa, đã đi theo để giúp đỡ Chúa và các môn đệ.
Dù cuộc sống của Chúa trên trái đất thật ngắn ngủi, chỉ hơn 33 năm và chức vụ của Ngài trên đất chỉ ba năm, tuy nhiên, gần hai nghìn năm sau, phụ nữ vẫn vui hưởng ánh sáng của ngọn lửa phúc âm mà Ngài đã thắp sáng lên. Bằng lời nói và việc làm, Chúa Giê-su đã đi ngược lại với những niềm tin và tập quán cổ xưa, vốn được cho là đã định nghĩa phụ nữ là người thấp kém về phương diện xã hội, trí tuệ và cả tâm linh so với nam giới.
Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa đã cho các phụ nữ tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Đức Giêsu và nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng: trong Giáo hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Đức Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng: họ là những người đồng hành với các Tông đồ trong việc loan báo Tin mừng của Ngài. Họ cũng có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng của nữ giới. Có lẽ thời bấy giờ chỉ có Chúa mới dám làm một chuyện táo bạo là cho các bà các cô đi theo mình như vậy.
Vì thế, không lạ gì khi người phụ nữ đầu tiên đã xuất hiện ở nơi máng cỏ và rồi cuối cùng tại thập tự giá cũng là những phụ nữ.
Vâng, Chúa Giêsu là con của Thiên Chúa đã chọn sinh ra từ người phụ nữ tuyệt vời là Đức Maria. Rồi Ngài đã từng lưu lại ở nhà của cô Mát-ta và Ma-ri-a ở Bê-ta-ni-a. Tại bờ giếng Gia-cóp, Chúa Giêsu đã thảo luận về thần học với một người phụ nữ Sa-ma-ri, Trong một bữa tiệc ở nhà của một người Pha-ri-sêu, Chúa Giêsu đã không ngại nhận được sự xức dầu từ một người phụ nữ, Ngài còn quở trách những người đàn ông khác khi họ tỏ vẻ khinh bỉ cô. Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết nhiều năm đã chạm vào tua áo của Người và Ngài đã chữa cho lành. Đây là hành động thật táo bạo vì vào thời ấy, việc làm này là một điều cấm kỵ. Quả thật, chỉ mình Chúa mới can đảm như vậy, và chỉ mình Chúa mới dám chấp nhận cho một phụ nữ tai tiếng, bị xã hội ruồng bỏ, xa tránh, đi theo mình làm môn đệ!
Vì lòng xót thương, muốn cứu vớt những mảnh đời bị vùi sâu xuống bùn đen như cô Maria Mađalêna mà Chúa không cần phải giữ thể diện như các bậc thầy Do thái; Ngài không cần phải sĩ diện hão; Ngài sẵn sàng chấp nhận bị mang tiếng là “la cà với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Đối với Chúa, dù quá khứ của người ta có bầm dập, nhầy nhụa, nhơ nhớp đến đâu chăng nữa, nhưng trong giây phút hiện tại khi họ vẫn còn khao khát muốn thoát khỏi chốn tăm tối, tội lỗi, thì Chúa vẫn sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận họ và thanh tẩy họ nên tốt lành, tinh tuyền và thánh thiện…
– Các phụ nữ đi theo Chúa đã rất trung thành với Ngài: Trong biến cố thương khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, khi tất cả các môn đệ sợ hãi bỏ trốn, chỉ trừ Gioan, còn họ thì đi theo Đức Mẹ đến đứng tận dưới chân Thập Giá để chứng kiến cái chết đau thương của Chúa, tham dự vào việc mai táng Chúa, và là những người đầu tiên ra thăm mộ vào sáng sớm, được diếm phúc lànhững người đầu tiên thấy Đấng phục sinh…
– Họ rất khiêm nhường chỉ có một ước muốn là theo Chúa, thuộc trọn về Chúa, nên không thấy tranh nhau ai là người ngồi bên tả hay bên hữu Chúa, không thấy tranh dành ai là người làm lớn, không đứng ra xin lửa từ trời xuống thiêu đốt ai…
– Họ tất hiền lành, dịu dàng. Không có người phụ nữ nào tham gia, thậm chí gián tiếp, vào việc kết án Ngài. Ngay cả người phụ nữ ngoại giáo duy nhất được đề cập trong các tường thuật về cuộc Khổ Nạn,- bà vợ của Philatô – , cũng phản đối việc lên án Ngài.
Chắc chắn Đức Giêsu cũng chết vì tội lỗi của phụ nữ nữa, nhưng trên bình diện lịch sử, chỉ họ mới có thể nói đúng câu: “Chúng tôi vô can trong vụ đổ máu người này!”…
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: dường như Giáo Hội trong một thời gian dài được mô tả quá “nam tính”, thiên về quyền lực, về sự cứng cỏi, về sự dữ dằn. Hãy trình bày Giáo Hội nữ tính hơn, đó là Giáo Hội của sự dịu dàng, hiền lành, của quyền lực mềm, một Giáo Hội như là bệnh viện dã chiến để chữa lành các bệnh nhân, như là một không gian của lòng thương xót để đón nhận ơn tha thứ.
Trong thư gởi phụ nữ , 29-06-1995, Thánh Gioan Phaolô II đã viết:
“Cám ơn người, người nữ, chỉ vì người là phụ nữ! Nhờ cách nhận thức đầy nữ tính mà người đã làm phong phú cho sự thông cảm của thế giới và góp phần vào sự chính trực của các tương quan giữa người và người. Nhưng, tôi biết rằng chỉ cám ơn mà thôi thì chưa đủ. Đau lòng là chúng ta đã kế thừa từ lịch sử nhiều yếu tố tác động khiến cho, ở mọi thời và mọi nơi, con đường của phụ nữ thật khó đi: người ta coi nhẹ phẩm giá của họ, bỏ qua quyền hạn của họ, thường gạt họ ra ngoài lề xã hội và thậm chí biến họ thành nô lệ…
Nhân loại đã mắc một món nợ khổng lồ vì cái “truyền thống” trọng nam khinh nữ ấy. Biết bao phụ nữ đã và đang bị đánh giá dựa trên ngoại hình hơn là dựa trên khả năng, trình độ nghiệp vụ, hoạt động trí thức, sự nhạy cảm phong phú của họ, và tóm lại, dựa trên chính cái phẩm giá của con người họ!” (Thư gửi phụ nữ, 29-06-1995)
Lạy Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên con người có nam, có nữ, và tất cả đều bình đẳng với nhau về phẩm giá. Dù là nam hay là nữ, chúng con cũng được dựng nên theo hình ảnh của Chúa. Dù là nam hay là nữ, chúng con cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Xin tạ ơn Chúa đã cho chúng con nhận ra phẩm giá đích thực của nữ giới trong chương trình của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết kính trọng nhau và cộng tác với nhau xây dựng Hội Thánh Chúa. Amen.
Têrêsa Hảo
Vai trò của người nữ trong Giáo Hội (22.09.2023)
Trong Huynh đoàn tôi hiện nay, các chị nữ chiếm số đông hơn các anh nam, mọi sinh hoạt như giờ nguyện kinh, công tác bác ái, hành hương … nhìn lại vẫn là các chị chiếm số đông. Sự nhiệt thành, tính kiên nhẫn và lòng nhân ái của người phụ nữ đã giúp các chị thực hiện tốt nhiệm vụ duy trì đời sống gia đình Công giáo: động viên khuyến khích các con cái tham dự thánh lễ, học giáo lý, giữ giờ kinh tối gia đình, tham gia công tác tại giáo xứ: quét dọn sạch sẽ nhà xứ, tập dượt các bài hát phục vụ thánh lễ, chưng hoa trang trí ở nhà nguyện, nhà Chầu Thánh Thể, trên cung thánh, nhiều việc cần đến bàn tay và tinh thần cộng tác của các chị em làm cho các hoạt động của nhà xứ luôn sống động.
Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca (Lc 8, 1-3) trình thuật câu chuyện cùng đi loan báo Tin Mừng với Chúa Giêsu không chỉ có Nhóm Mười Hai mà còn có cả mấy người phụ nữ, là các bà đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria Ma-đa-lê-na, bà Gioanna, bà Susanna và nhiều phụ nữ khác. Các bà cũng là những người đón nhận tin vui đầu tiên của Chúa Giêsu phục sinh và loan báo cho các tông đồ. Ngày nay người phụ nữ cũng góp phần không nhỏ trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, nhiều nhà dòng nữ tu đã đưa các tu sĩ trẻ đi đến những nơi sâu, xa để phục vụ tha nhân, đưa tha nhân về với Chúa. Cũng có các nhóm thiện nguyện, nhóm bác ái theo chân các tu sĩ đến vùng xa trao học bổng, giúp đỡ đời sống các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Huynh đoàn tôi có chị tự nguyện dâng các bình hoa trên cung thánh suốt cả mấy năm nay để cảm tạ ơn lành của Chúa đã ban cho gia đình chị. Thánh Têrêxa Calcutta từng chia sẻ: “Chúa yêu kẻ trao tặng trong niềm vui. Người trao tặng trong hân hoan, thì trao tặng nhiều hơn. Phương pháp tốt nhất để chứng tỏ lòng biết ơn của ta đối với Chúa và với tha nhân là vui vẻ chấp nhận mọi sự. Một tâm hồn vui vẻ là kết quả của một tâm hồn nồng cháy yêu thương. Một chị khác trong Huynh đoàn tôi cũng rất vui mừng vì chồng chị đã có chuyển biến về đời sống của người Kitô hữu, sau nhiều năm anh không thiết tha với việc dự các thánh lễ kể cả thánh lễ Chúa Nhật, thì bây giờ anh cùng chị đều đặn dự lễ mỗi sáng lúc 5 giờ, chị tạ ơn Chúa, đã nhận lời cầu nguyện của chị.
Trong giáo xứ cũng có những chị đã trải qua những cơn bạo bệnh tưởng rằng không qua khỏi nhưng điều kỳ diệu vẫn diễn ra, các chị đã bình phục, đó là những thành viên nhiệt thành nhất, là những chứng nhân trong cộng đoàn, các chị hàng ngày dâng lễ với tấm lòng sốt sắng vì cảm nhận được tình yêu thương của mọi người và thêm lòng tin tưởng vào Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn vững lòng trông cậy vào Ngài, “ Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con” Lc 17,5 để mỗi người chúng con, không ngần ngại khi chia sẻ với mọi người về tình yêu thương của Thiên Chúa, lan tỏa tình yêu thương của Chúa đến với những người cô đơn, bệnh tật. Xin giúp chúng con luôn biết cộng tác với Chúa để đem Lời Chúa đến với mọi người trong mọi hoàn cảnh.
Anna Anh
Người phụ nữ trong Hội Thánh (16.09.2022)
Ngày 16.09: Lễ Thánh Co-nê-li-ô, giáo hoàng, tử đạo và thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo
Chị là trưởng chi 3 của Huynh đoàn tôi, chị thường tham gia các chuyến bác ái ở vùng cao nguyên, và quan tâm nhiều đến các trẻ nhỏ người dân tộc, hàng năm vào dịp Trung Thu, ngày Thiếu Nhi 1.6, lễ Giáng Sinh, chị gởi cả mấy ngàn ly bắp rang bơ đến các giáo xứ ở KonTum, Ka đơ… làm quà cho thiếu nhi. Mặc dù nhà chị không kinh doanh mặt hàng này, chị tâm tình rất muốn đem niềm vui cho các em, chị đã thấy được sự thiếu thốn của các trẻ em vùng cao nguyên, vùng sâu, vùng xa, chị góp phần cho các em được hưởng ngày vui của thiếu nhi. Những nơi các dì Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đang công tác, chị tặng cả máy rang bắp và nguyên liệu để các dì chủ động làm cho thiếu nhi các ly bắp vào chủ nhật hàng tuần khi đến dự lễ. Chị vẫn âm thầm gởi quà, và tạ ơn Chúa đã trao ban cho chị có nguồn tài lực để làm việc ấy, thánh Maria Mađalêna Pazzi từng chia sẻ: “Người tôi tớ thật của Chúa Giêsu lãnh nhận mọi sự và làm nhiều nói ít”.
Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca “Chúa giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật” Lc 8,1. Dù những người biệt phái không tin Chúa Giêsu, thì cũng có một số ít đã tin theo Chúa. Đó là những Kitô hữu đầu tiên đã đón nhận đức tin, họ là những người nghe Lời Chúa, đã được Chúa chữa lành bệnh tật, được Chúa trừ quỷ và họ đã trung thành với Người, đóng góp tích cực vào việc loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu đã chọn Mười Hai tông đồ tiếp tục sứ vụ của Chúa, Kinh Thánh cũng đề cập đến những người phụ nữ trong đó có bà Maria Mađalêna được Chúa chữa khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna, bà Susanna và nhiều bà khác, các bà đi theo Chúa vì tin tưởng và yêu mến Thầy Giêsu với tất cả tấm lòng.
Trong thư thánh Phaolo tông đồ gửi tín hữu Êphêsô: “Đức Kitô đã ban ơn cho kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, người khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ….. để xây dựng thân thể Đức Ki tô…” Ep 4,11-13. Ngày nay tùy theo ơn gọi, nhiều chị em phụ nữ vào nhà Dòng sống đời tận hiến như Dòng kín Cát Minh, Tu hội Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Mẹ Nhân Ái…, trong giáo xứ các hội đoàn không chỉ có người nam mà cũng có nhiều phụ nữ tham gia sinh hoạt như Hội các Bà Mẹ Công giáo, Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh, Lòng Chúa Thương Xót … là những nơi mà các người phụ nữ tin Chúa thực hiện tinh thần phục vụ cộng đoàn. Với đời sống gia đình, vai trò người phụ nữ là bà mẹ Công giáo có trách nhiệm về giáo dục con cái, mẹ là người đầu tiên gieo vào lòng con trẻ những bài giáo lý căn bản, đưa con trẻ đến nhà Chúa, giữ nếp sống đạo đức trong nhà, lan tỏa ra ngoài xã hội. Mỗi bà mẹ Công giáo ý thức việc làm của mình như sách Huấn Ca nhắc nhở: “Có con cái ư? Hãy dạy dỗ và uốn nắn chúng ngay thuở còn thơ” Hc 7,23. Mỗi gia đình Công giáo cũng được mời gọi góp phần vào việc loan báo Tin Mừng bằng lời cầu nguyện, bằng đời sống mẫu mực, và bằng cả những đóng góp của cải vật chất.
Lạy Chúa, chúng con vui mừng vì được Chúa yêu thương gọi và chọn để tin theo Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn giữ lòng trung thành với đức tin và trở thành những chứng nhân của Nước Trời.
Anna Anh
Cộng tác vào sứ vụ của Hội Thánh (17.09.2021)
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy toàn bộ lớp người trụ cột ban đầu đã theo Chúa Giêsu, phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng với Người. Lớp người ấy, không phải chỉ có mười hai tông đồ, các môn đệ…mà Tin Mừng đã chỉ cho ta rõ tên tuổi của những người phụ nữ nữa, đã tháp nhập vào đội quân đặc biệt phục vụ Chúa: “Đó là bà Maria gọi là Maria Macđala…bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Herode, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà gúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ”.
Trước hết qua Tin Mừng hôm nay cho ta Thấy Chúa Giêsu cứu thế đến trần gian, Người đã làm một cuộc cách mạng ban ơn trời biển cho những người phụ nữ, mà ngày nay những người không có đức tin, không yêu mến Giáo Hội Chúa, họ sẽ không thấy được. Thời Chúa Giêsu, giới phụ nữ họ không có quyền gì trong gia đình cũng như xã hội, họ chỉ biết sinh đẻ và hầu hạ người đàn ông, quyền của họ không hơn các con trẻ. Đến như trong Tin Mừng kể chuyện Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều các thánh ký đã thuật lại mà những con số đàn bà con trẻ cũng không cần nêu lên: “ Số người ăn có tới năm nghìn đàn ông không kể đàn bà và trẻ con (Mt 14,21).
Còn Chúa Giêsu, Người đã thu phục những người phụ nữ đến với Chúa thuộc mọi tầng lớp, giai cấp. Họ là những người tội lỗi, những người bình dân và còn có cả vợ của quan cận thần nhà vua nữa.
Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người đã không ngại làm con một Phụ Nữ- Đức Trinh Nữ Maria. Để rồi từ đây Mẹ đã kéo theo cả một nửa loài người xưa nay bị khinh thường vùi dập được vươn mình lên: vì họ cùng là con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, cùng được làm con Thiên Chúa như tất cả moi người trên thế gian. Sau khi lãnh bí tích rửa tội, họ đều được tham dự vào ba chức vị của Chúa Kitô là: Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế. Đây là giáo lý căn bản, mà Giáo Hội Chúa đã góp phần quyết định vào việc nâng cao và bảo vệ quyền của người phụ nữ trên khắp thế giới xưa nay.
Được mời gọi theo Chúa hôm nay, chắc chắn có cả Mẹ Maria. Mở màn nhóm người phụ nữ tiên phong phục vụ Chúa và Giáo Hội, mở ra một kỷ nguyên mới: Hội Thánh hiện diện ở đâu là ở đó có những người nữ nhiệt thành phục vụ. Thật vậy nếu dõi theo bước chân từ thánh Phao Lô, ngài đi đến đâu là đều có những phụ nữ hết lòng giúp đỡ : Bà Đamari, bà Lydia buôn bán vải điều… (Cv 16,13.và Cv17,34). Tinh thần phục vụ này đã thể hiện mạnh mẽ xuyên suốt hai nghìn năm qua nơi Giáo Hội Chúa.
Nhớ lại câu chuyện cảm động của Pauline một thiếu nữ người Pháp ở thế kỷ 17. Khi thấy anh mình là Philéas và các linh mục tu sĩ thi nhau đi truyền giáo ở Á đông, cô đã đòi đi. Người anh đã trả lời: “Chỉ có đàn ông mới làm thừa sai được, em không biết La Văn, vả lại phải đi xa lắm”- “Nhưng anh đi anh đưa em đi với anh”- “Con gái không đi được! Vì người ta đi đâu phải cưỡi ngựa, voi, thiên nga, sư tử…”.Pauline đã không được đi, nhưng ở nhà cô đã lập ra một tổ chức quyên góp tiền gửi đi cho các xứ truyền giáo. Hội này qua bao đời Giáo Hoàng khuyến khích đã trở nên hội lớn trên khắp châu Âu rồi của cả Giáo Hội. Thế kỷ 17 lịch sử đã ghi nhận dòng thánh Vinh Sơn Phao Lô đã sai các chị em nữ tử Bác ái ra đi truyền giáo. Rồi đến thế kỷ 19 ở nước Pháp, có tới 30 Dòng nữ được thành lập với mục đích truyền bá đức tin ở phương trời xa lạ.( Trích LSGHCG Bùi Đức Sinh 267).
Lạy Chúa Giêsu! Con cảm ta Chúa vì tình yêu thương Chúa dành cho chúng con, cách riêng Chúa đã chọn gọi, thu nạp những phụ nữ được đồng hành với Chúa và các môn đệ. Xin cho phụ nữ ngày nay ý thức, nhận ra ân huệ ấy mà tích cực cộng tác vào sứ mệnh của Hội Thánh hôm nay- Amen.
Giuse Ngọc Năng.
Rao Truyền Tin Mừng (18.09.2020)
1. Ghi nhớ:
“Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa”. (Lc 8, 1).
2. Suy niệm:
Chuyện kể rằng: “ Có một bé gái tiều tụy, đói rách và mang trong người bệnh phong cùi!. Em bị dân làng ghê tởm, xua đuổi em đi! Họ dùng gậy gộc, thậm chí lấy cả gạch đá ném khiến em khiếp sợ mà phải bỏ làng mà đi. Ngay lúc ấy, có một nhà truyền giáo xông đến ẵm em trên tay bảo vệ và đem em đi khỏi. Thấy có kẻ đến mang em đi, dân làng mới chịu tháo lui, nhưng vẫn còn gào thét:
– Đồ phong cùi! Cút khỏi đây đi.
Em bé khóc rất nhiều, những giọt nước mắt vui mừng. Sau đó em hỏi “vị cứu tinh” của mình;
– Tại sao ông lại đến cứu con?.
Nhà truyền giáo trả lời:
– Vì Thượng Đế đã tạo dựng cả hai chúng ta, vì thế con sẽ là em gái của ta, còn ta ta sẽ là anh trai của con.
Suy nghĩ hồi lâu, em bé lại hỏi:
– Vậy thì con phải làm gì để đền đáp công ơn của ngài.
Nhà truyền giáo mỉm cười đáp.
– Con hãy trao lại cho những người khác tình yêu này. Càng nhiều càng tốt.
Kể từ ngày đó cho đến khi em trút hơi thở cuối cùng. Em đã hy sinh phục vụ mọi người, vui vẻ băng bó những vết thương, đút cơm cho nhưng người không thể tự mình ăn được, và nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu quý mọi người trong trại.
Khi em qua đời em mới chỉ được 11 tuổi. Mọi người thương tiếc em, họ nói trong nghẹn ngào:
– Bầu trời bé nhỏ của chúng ta đã ra đi về trời!
Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Luca tường thuật về việc Chúa Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc mà rao giảng và loan báo Tin Mừng có các môn đệ và mấy người phụ nữ nhiệt thành cùng đi theo người, Thánh Luca còn ghi lại việc các bà đã lấy của cải của mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ nữa.
Bổn phận của mỗi Ki-tô hữu là phải giới thiệu Thiên Chúa đến cho mọi người Đó là căn tính của người Công Giáo. Ngày xưa trước khi về trời chính Chúa Giê-su đã ra lệnh truyền. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Ngày nay, chúng ta cũng được Chúa Giê-su mời gọi đi loan báo Tin Mưng, trong đia vị là một giáo dân thì chúng ta sẽ loan báo Tin Mừng của Chúa bằng nhiều cách thức; như bằng lời thiết tha cầu nguyện bằng việc hy sinh hãm mình, bằng đời sống yêu thương bác ái và bằng cả việc đóng góp của cải vật chất cho công cuộc truyền giáo được tiến triển tốt đẹp. Để qua đó nhiều người nhận biết Thiên Chúa là Cha nhân từ đã tạo dựng trời đất và cùng muôn loài, muôn vật. Thiên Chúa còn yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một của Ngài đến thế gian chịu khổ hình để cứu chuộc loài người. Tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa đó là lẽ sống, đó là điều hệ trọng để con người cứu độ và cuộc sống trên trần gian này mới có ý nghĩa.
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa, trong thời đại ngày nay còn biết bao người chưa nhận biết Chúa. Xin Chúa ban cho Giáo Hội có những vị mục tử thánh thiện, giỏi giang để có thể đem Chúa đến cho nhiều người, Xin cho chúng con cũng biết tích cực đem tất cả khả năng và ân lộc Chúa ban để đóng góp cho công cuộc loan báo Tin Mừng được tiến triển tốt đẹp, hầu có nhiều người trở về cùng gia nhập Hội Thánh Chúa. Amen.
4. Sống Lời Chúa:
Làm việc thiện để Danh Cha được cả sáng
Đaminh Trần Văn Chính.
Cộng tác với Chúa (20.09.2019)
Ngày 20.09: Lễ Nhớ Thánh Thánh An-rê Kim Tê-gon, thánh Phao-lô Chung Ha-san và các bạn, tử đạo
Những người vây quanh Đức Giê-su trong hành trình sứ vụ của người xem ra là những người không được thế giá lắm trong thế giới Do-thái. Các môn đệ người thì quê mùa, dốt nát, kẻ thì lý lịch bất hảo. Các bà cũng thế, Maria Madalena thì đã từng bị bảy quỉ ám, bà Gioanna thì lại là vợ của viên quản lý của vua Hê-rô-đê…. Nhưng những con người xem ra kém cỏi về tri thức, thể chất hoặc tinh thần ấy đã giống nhau ở một điểm chung là họ đã gặp được Đức Giê-su, đặt niềm tin vào Người và sẵn sàng quảng đại để đi theo Người, phục vụ Người.
Những con người, môn đệ của Đức Giê-su ấy đã cảm nhận được nơi Người sự hiện diện của Tin mừng – Tin mừng của tình thương, của niềm vui, của sự giải thoát, đặc biệt là giải thoát tâm linh – Tin mừng có sức cứu độ con người. Trong một thế giới còn đầy dẫy những khổ đau, bất công, nghèo.
Một thế giới mà nền văn hóa sự chết ngày càng lan tràn, thì hình ảnh một Đức Giê-su là trung tâm hiện diện giữa những phần tử bất hảo để gieo Tin mừng vào lòng đời vẫn là niềm tin tưởng và hy vọng cho chúng ta vào một trời mới, đất mới. Nếu cuộc đời của ta có tăm tối và nhiều bất hảo, nếu cuộc đời này ta thấy quá ít những người sống tin mừng của Chúa, hãy cứ tin và hy vọng, cứ can đảm cậy trông, đặt tất cả vào trong tình yêu và lòng thương xót của Chúa – Người sẽ chữa lành. Đồng thời từ những nhóm nhỏ sống tin mừng, Người sẽ thực hiện những chuyện lớn lao. Phần ta, hãy để Người sử dụng ta như khí cụ loan báo tin vui nước trời.
Tuy nhiên, trong hành trình đức tin, để gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Ki-tô Đấng cứu độ, Đấng cho chúng ta hưởng niềm hạnh phúc, niềm vui của nước trời, chúng ta cần có lòng kiên nhẫn, tỉnh thức đợi chờ, như các cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn sáng trong tay chờ chàng rể đến để vào dự tiệc cưới (x. Mt 25, 1 – 13), như người quản lý tỉnh thức chờ đợi chủ về .
Ngày nay, nếu để ý ta thấy có nhiều sản phẩm “xài liền”, như mì ăn liền, cà phê uống liền, chụp hình lấy liền…. Dù biết phẩm chất của những sản phẩm đó không được tốt, nhưng chúng ta vẫn thích, bởi vì đỡ tốn công và đỡ mất giờ.” Tuy nhiên có những vấn đề người ta không thể muốn liền mà có được, những vấn đề thuộc về tiến trình và qui luật cuộc sống như sự phát triển tâm sinh lý và đào tạo một con người…không phải cứ muốn như thế nào thì được ngay như vậy. Do đó, dù cuộc sống có thế nào, chúng ta cũng hãy cứ trung thành với Đức Ki-tô và tin vào Tin Mừng.
Một điểm son khác chúng ta tìm thấy trong bài tin mừng hôm nay là sự kiện các người phụ nữ đi theo Chúa. Có thể gọi đây là những “Nữ Tông đồ” đầu tiên, và đây là điểm rất đặc biệt. Đặc biệt vì giữa một thế giới (Do-thái) còn nặng óc phân biệt giới tính, người phụ nữ chỉ là con số không so với đàn ông, thì việc các chị em đi theo Đức Giê-su để hỗ trợ Người trong sứ vụ loan báo Tin mừng là một việc “cách mạng”. Chúa Giê-su không hề chê bỏ bất cứ ai, dù họ thuộc thành phần nào trong xã hội. Tất cả mọi người đều là những nhân vị cần được quí trọng và yêu mến vì họ đều được Chúa dựng nên, đều được mời gọi hưởng hạnh phúc nước trời, đều được mời gọi cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Chúa.
Vì thế chúng ta hãnh diện vì chúng ta là một nhân vị độc đáo của Chúa, chúng ta có thế giá vì Con Thiên Chúa đã đổ máu để cứu chuộc chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng tôn trọng nhân vị của mỗi con người, vì họ cũng là tác phẩm độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Do đó, không ai có mặc cảm vì mình vô dụng hoặc kém cỏi, nhưng chúng ta phải không ngừng cảm tạ tình yêu và lòng thương xót Chúa đã dành cho chúng ta bằng cách mỗi ngày cố gắng sống xứng đáng hơn, mỗi ngày sống yêu thương hơn để cộng tác với Người trong công trình cứu độ.
Chúa luôn mời gọi tất cả mọi người trở thành môn đệ Chúa. Những ai được Chúa chọn sẽ đi sâu vào sứ mệnh của Chúa là tiếp tục rao giảng Tin Mừng, cử hành những việc Thánh mà Chúa đã cách đặc riêng cho những người này, đó chính là các linh mục, tu sĩ nam nữ. Những người khác được Chúa gọi, con số đông hơn, họ cũng cộng tác một phần vào công trình cứu độ của Chúa. Họ là những nhóm Caritas, những ông trùm, ông biện, các ban ngành đoàn thể trong Giáo Xứ. số đông hơn nữa đó chính là tất cả những người giáo dân Kitô Hữu, với ơn gọi giáo dân họ cũng được phúc Chúa gọi trở nên người Kitô hữu làm con Thiên Chúa. Như thế cho dù được Chúa chọn hay Chúa gọi, tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, là môn đệ của Chúa. Tất cả chúng ta hãy chung tay góp công, góp sức, góp của, góp lời cầu nguyện để làm cho nước Chúa ngày càng lớn mạnh, cùng đem Tin Mừng của Chúa đến cho tất cả mọi người chưa được biết Chúa.
Những người theo Chúa Giêsu trong công cuộc loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa, ngoài nhóm Mười Hai, còn có các phụ nữ. Họ là những người đã được Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật và trừ khỏi tà thần. Khi nhận biết, tin tưởng và yêu mến Chúa Giêsu, các người phụ nữ này đã dùng của cải mình có mà giúp Chúa, đồng thời bước theo Người trong công cuộc truyền giáo. Chúa Giêsu muốn kêu gọi tất cả mọi người cộng tác với Chúa trong sứ vụ của Ngài.
Thiên Chúa cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta dấn bước theo Người trong việc loan báo ơn cứu độ cho nhân loại. Để ra đi làm chứng cho Chúa, Chúa Giêsu muốn chúng ta có một cảm nghiệm thật sâu xa về Chúa, nhận biết Thánh ý Chúa và trung thành thi hành. Bước theo Chúa là biết tận dụng những khả năng và hoàn cảnh Chúa ban để phục vụ Chúa và anh chị em mình, mang bình an và tình yêu của Chúa đến cho mọi người.
Huệ Minh
Dấn thân cùng Chúa Ki-tô (22.09.2017)
Suy niệm: Đồng hành với Đức Giê-su, không chỉ có Nhóm Mười Hai, mà còn có các phụ nữ – là những người đã được Ngài trừ cho khỏi quỷ và chữa lành bệnh. Tác giả Lu-ca còn cho biết thêm, họ “lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.” Tuy nhiên, không phải chỉ có vậy, đi theo ông thầy Giê-su, họ còn bị đòi hỏi nhiều hơn nữa: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Như vậy, tất cả mọi người, không phân biệt nam hay nữ, giàu hay nghèo, kể cả hạng người tội lỗi, thu thuế hay chài lưới… đều có cơ hội như nhau trong việc bước theo Đức Giê-su. Chỉ cần họ dám sẵn sàng từ bỏ mọi sự để cùng đi với Ngài.
Mời Bạn: Khi cảm nhận được vinh dự làm môn đệ Chúa Ki-tô, thánh Phao-lô đã sung sướng kêu lên: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35). Với thánh Phao-lô, không một sức mạnh nào có thể cản bước ngài trong việc dấn thân cùng Chúa Ki-tô để phục vụ Tin Mừng. Thế còn bạn, liệu có lý do nào quan trọng hơn khiến bạn chùn bước không?
Sống Lời Chúa: Dành trọn Chúa Nhật cho các hoạt động phục vụ Tin Mừng: thăm viếng người đau yếu, cao tuổi…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa tin tưởng kêu gọi con đi theo Chúa. Xin đừng để một sức mạnh nào có thể cản bước chân con bước đi theo Chúa.
Sự bình đẳng của phụ nữ (16.09.2016)
Vào thế kỷ 14, người ta vẫn còn xem người phụ nữ như một thứ nguy hiểm, một cám dỗ triền miên, một tạo vật thấp hèn, hay cùng lắm chỉ là phương tiện để bảo tồn nòi giống. Một quan niệm và đối xử như thế với phụ nữ vẫn còn rơi rớt trong thời đại chúng ta: trong biết bao xã hội, người phụ nữ vẫn còn bị đối xử như chưa bình đẳng với nam giới. Thời Chúa Giêsu, dĩ nhiên cách đối xử với nữ giới còn tệ hơn. Chúa Giêsu quả thực đã làm một cuộc cách mạng khi đảo lộn quan niệm về nữ giới nơi những người đồng thời với Ngài.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cách đối xử của Chúa đối với nữ giới. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám, bởi vì họ là đối tượng của những sức mạnh huyền bí gây xáo trộn trong cuộc sống và chức năng của họ: không những họ phải mang nặng đẻ đau mà còn bị nguyền rủa khi son sẻ. Mối quan tâm của Chúa Giêsu đối với nữ giới, nhất là việc Ngài chữa lành cho họ, là dấu chỉ cho thấy họ đã được tự do, không những được giải phóng khỏi sức mạnh tăm tối, mà còn trở nên bình đẳng trước mặt mọi người.
Ðể nói sự bình đẳng ấy, Chúa Giêsu cho các phụ nữ được tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng trong Giáo Hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng họ là những người đồng hàng với các Tông Ðồ trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài. Có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin Mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng của nữ giới.
Chúa Giêsu đã đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài tái lập con người trong tước phẩm cao trọng của con cái Chúa. Chính tước phẩm ấy là nền tảng sự bình đẳng của con người: nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, tất cả đều có một phẩm giá cao trọng như nhau. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: “Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất cả là một trong Chúa Giêsu Kitô”.
Chúa Giêsu đã khẳng định sự bình đẳng của nữ giới không bằng tuyên bố suông, Ngài đã chứng minh điều đó khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Sự bình đẳng, hay đúng hơn, phẩm giá của con người được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Thật ra, đây cũng chính là nghịch lý chạy xuyên suốt Tin Mừng: càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất bản thân; trái lại, càng quên mình phục vụ, con người càng tìm lại bản thân và chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.
Xin Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá nơi mỗi người, nhất là biết cố gắng thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại phục vụ và yêu thương.
Tất cả cùng chung sứ mạng (18.09.2015)
Những môn đệ tin theo Chúa Giê-su đều được mời gọi nhập cuộc. Không một ai bị loại ra ngoài sứ mạng này. Ngài không chỉ gọi Nhóm Mười Hai, mà còn có nhóm 72 môn đệ và đặc biệt còn gọi nhóm các bà: mỗi người một phận vụ, nhưng tất cả cùng chung một sứ mạng. Giáo hội tiên khởi gắn bó với ý muốn này của Chúa Giê-su. Mọi tín hữu nam nữ đều tham dự vào sứ mạng truyền giáo. Thánh Phao-lô đã kể tên một số phụ nữ như A-qui-la, Pơ-rít-ca, Pho-tu-na-tô, A-khai-cô, và đặc biệt là Phê-bê, phụ trách Giáo hội tại Ken-khơ-rê.
Trong một xã hội mà vị trí của phụ nữ bị đánh giá thấp như thời Chúa Giê-su và Thánh Phao-lô, sự hiện diện và tham dự của phụ nữ trong sứ mạng truyền giáo chất vấn mỗi tín hữu và các giáo hội địa phương hôm nay về sự tham dự và chỗ đứng của mọi thành phần giáo dân trong cộng đoàn nhằm phục vụ sứ mạng. Tôi có tự đặt mình ra ngoài sứ mạng truyền giáo tại giáo xứ? Tại sao chúng ta không mời gọi, thúc giục và tôn trọng vị trí của mọi thành phần giáo dân, để họ có điều kiện cống hiến cho sứ mạng truyền giáo?
Lạy Chúa, mặc dù con là phận nữ nhi hèn mọn, chẳng có tài cao chức trọng gì, nhưng nhờ ơn huệ Chúa ban, cho con được hiểu biết về Tin Mừng Cứu Độ của Chúa, bằng tất cả tâm hồn kính mến Chúa và yêu người đồng loại, con sẽ cố gắng phát huy khả năng bé nhỏ Chúa trao, để loan truyền Lời Chúa đến mọi nơi, cụ thể nhất bằng chính đời sống tốt đẹp hằng ngày với những ai con được gặp gỡ, thêm tí nữa… là góp chung ngòi bút chia sẻ Tin Mừng, cho cánh đồng truyền giáo của Huynh Đoàn giáo dân Đa Minh VN phần nào phong phú hơn.
Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con cho sứ mạng của Chúa. Xin giúp chúng con nhiệt thành, kiên trì và cộng tác với nhau vì sứ mạng này “ cho đến hết hơi, đến trọn đời theo Thánh ý Chúa.”Amen.
BCT
Cùng vác thập giá với Chúa Giêsu (18.09.2015)
1. Ghi nhớ: “ Cùng đi với Người có nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ đã được Người trừ qủy và chữa bệnh ” . (Lc 8,2)
2. Suy niệm: Lời Chúa hôm nay dành một chỗ đặc biệt cho các phụ nữ trong việc đồng hành với Chúa Giêsu trong suốt thời gian Người đi rao giảng, một vị trí ngang hàng với nhóm Mười Hai. Không phải thời Chúa Giêsu giảng đạo, nước Do Thái chỉ có vỏn vẹn mấy phụ nư như Tin mừng vừa kể tên. Nhưng tại sao chỉ có mấy phụ nữ này theo Chúa? Câu trả lời nằm ngay trong chúng ta. Ngày nay, người Công Giáo có hơn tỉ người, nhưng được bao nhiêu người cùng vác thập giá với Chúa Giêsu trong đời sống đức tin của mình. Từ bỏ sở thích cá nhân, đam mê hưởng thụ … là điều kiện đầu tiên để theo Chúa.
3. Sống Lời Chúa: Ai muốn theo Chúa, từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con can đảm như những phụ nữ hôm nay dám từ bỏ những thú vui thấp kém để được gần gũi an vui bên Chúa. Amen.