Thư tháng 02 / 2019 : Chân lý trong Kinh Thánh

Lá Thư Đặc Trách Tháng 02 / 2019

Chân lý trong Kinh Thánh

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Trong chủ đề chân lý, và theo nghị quyết của Huynh đoàn Việt Nam năm nay, xin chia sẻ về tầm quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống cá nhân và hội thánh, dựa trên giáo huấn của giáo hội và mẫu gương của cha thánh Đa Minh.

Vaticanô II nói về Lời Chúa

Hiến chế Mạc Khải của công đồng Vaticanô II, số 21 đã khẳng định rất rõ về tầm quan trọng của Thánh Kinh đối với đời sống của hội thánh và của mỗi Kitô hữu :

“Hội thánh luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, hội thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được giáo hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời, Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch Lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng với các Tông Ðồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong giáo hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (Hc DV số 21).

Công đồng nhắc lại lời của thánh Giêrônimô : “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”, và tha thiết khuyến khích mọi kitô hữu năng đọc Thánh Kinh để học biết khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô.

“Ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ phụng vụ thánh dồi dào lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các chủ chăn trong hội thánh chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi. Nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sâm ngôn thần linh”. (Hc Mạc Khải số 24).

Thượng hội đồng giám mục về Lời Chúa

Năm 2008, Thượng hội đồng giám mục thế giới với chủ đề “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ hội thánh” đã nêu lên những dấu hiệu đáng mừng về việc đọc và học hỏi Lời Chúa trong giáo hội. Đặc biệt là việc suy niệm Lời Chúa (lectio divina) được thực hành nhiều hơn và đa dạng hơn; Kinh Thánh được phổ biến sâu rộng hơn; các phương tiện truyền thông hiện đại cũng góp phần cho Lời Chúa được vang xa.

Nội dung Thượng hội đồng đã được đức Biển Đức XVI đúc kết trong tông huấn Lời Chúa năm 2010 :

“Hội thánh phải nâng đỡ và giúp đỡ người tín hữu phát huy việc cầu nguyện trong gia đình, chăm chú lắng nghe Lời Chúa và hiểu biết Kinh Thánh. Nhằm mục đích này, Thượng hội đồng mong ước mỗi một mái ấm gia đình phải có sách Kinh Thánh. Sách phải được đặt ở nơi xứng hợp và được dùng để đọc và cầu nguyện. Thượng hội đồng cũng khuyến cáo cần thiết lập các cộng đoàn những gia đình, cùng nhau cầu nguyện và suy niệm các đoạn Kinh Thánh được chọn. Ngoài ra, vợ chồng phải nhắc nhở nhau rằng “Lời Thiên Chúa cũng là một sự nâng đỡ quí báu giữa các khó khăn của cuộc sống lứa đôi và gia đình” (TH Lời Chúa, 85).

Thực hành đọc lời Chúa (lectio divina)

Tông huấn Lời Chúa số 87 nhắc các tín hữu thực hành việc đọc Lời Chúa như một phương pháp trổi vượt : “Có khả năng mở các kho tàng Lời Thiên Chúa ra cho tín hữu, và như thế cũng tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời hằng sống của Thiên Chúa”. Thượng hội đồng coi đọc Lời Chúa là yếu tố căn bản cho đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu, để có thể tiếp cận bản văn thánh trong tư thế cầu nguyện. Đức Biển Đức XVI đã tóm tắt 4 bước căn bản của lectio divina :

Trước tiên là đọc (lectio), để hiểu biết trung thực nội dung của bản văn Kinh Thánh muốn nói gì ?

Kế đó là suy niệm (meditatio) xem bản văn Kinh Thánh muốn nói gì với ta hôm nay ? Sẵn sàng để Lời Chúa chạm tới và đặt vấn đề cho mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn,.

Tiếp đến là cầu nguyện (oratio): Đáp lại Lời Chúa, bạn muốn thân thưa điều gì ? Việc khẩn xin, chuyển cầu, tạ ơn và ngợi khen, cũng là cách để Lời Chúa biến đổi chúng  ta.

Và kết thúc bằng chiêm ngưỡng (contemplatio), khi dùng cái nhìn của Chúa để phán đoán thực tại. Chúa muốn ta hoán cải tinh thần, con tim và  đời sống như thế nào ?

Đức thánh cha trưng dẫn lời thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma : “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Bởi vì Lời Chúa “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).

Việc đọc Lời Chúa là một phương pháp năng động vì nó dẫn đến thực hành, thúc đẩy người tín hữu dấn thân phục vụ tha nhân trong tình bác ái.

Truyền thống cha Đa Minh

Tông huấn Lời Chúa số 48 nói thánh Đa Minh là người “ở mọi nơi, trong lời nói cũng như việc làm, đều tỏ ra là con người của Tin Mừng”. Ngài muốn các anh em thuyết giáo của người đều phải như thế, là “những con người của Tin Mừng”.

Chân phước Fra Angelico, một hoạ sỹ thiên tài dòng Đa Minh, đã vẽ thánh Đa Minh ngồi đọc sách trong một bức tranh tuyệt đẹp tại tu viện thánh Máccô ở Florence. Người ta có cảm tưởng ngài tập trung vào bản văn, chìm đắm vào đó. Khuôn mặt ngài trẻ trung như phản ảnh sự trẻ trung vĩnh cửu của bản văn ngài đang suy niệm.

Theo lời chứng trong hồ sơ tuyên thánh Đa Minh : “Qua lời nói hay bản văn, thánh Đa Minh khuyến khích anh em trong Dòng chuyên chăm học Tân và Cựu Ước… Ngài luôn mang theo mình tin mừng thánh Mátthêu và các thư thánh Phaolô. Ngài dành nhiều thời giờ học hỏi sách Tin Mừng cũng như các thư này đến nỗi hầu như thuộc lòng” (1)

Theo gương và giáo huấn của Cha Thánh, ước mong anh chị em dành vị trí trọng yếu cho Lời Chúa trong giờ cầu nguyện và các việc đạo đức; chăm chỉ đọc và lắng nghe Chúa nói qua Kinh Thánh. Ước mong mỗi gia đình có đều có Sách Thánh, ít là Tân Ước; đọc và suy niệm Lời Chúa hàng ngày, đọc riêng cá nhân, trong gia đình và huynh đoàn. Nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi, xin gửi đến anh chị em câu đối sau :

Đón Xuân, Lời Chúa đến mọi nhà
Mừng Tết, phúc thiêng tràn muôn hướng.

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

 

(1) Gerald Frachet : Đời sống Anh em (Vitae Fratrum), trang 55

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *