Thư tháng 05.2022: Những cánh tay nối dài

Người kitô hữu cộng tác với Giáo hội trở nên những cánh tay nối dài của Giáo hội, đó là việc đương nhiên về phương diện tổ chức quản trị. Tuy nhiên, còn có một “lý do thần học” chính yếu hơn trong việc cộng tác ấy nằm trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.

Hai giới răn “Mến Chúa” và “yêu người”, được ghi lại trong Cựu Ước ở hai nơi “xa” nhau và chìm khuất trong 613 khoản lề luật tích cực và tiêu cực. Trong sách Đệ Nhị Luật (6,5), chúng ta thấy giới răn “Mến Chúa” : “Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)”. Còn sách Lêvi ghi lại giới răn yêu thương tha nhân như chính mình: Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”. (Lv 19,18b)

Ở một cấp độ thứ hai, chúng ta thấy Chúa Giêsu nêu bật tầm quan trọng hàng đầu của hai điều răn ấy và đặt ở vị trí trung tâm của toàn bộ lề luật và lời ngôn sứ : “Đức Giê-su đáp :“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 37-40).

Thế nhưng, chỉ khi bước vào cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa, chúng ta mới thấy hai điều răn ấy được nối kết thành một và bao hàm lẫn nhau. Sau khi loan báo về chuyến “ra đi” của mình, đức Giêsu để lại “điều răn mới” cho các môn đệ  : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.””. (Ga 13, 34-35)

Thật ra, sự gắn kết nên một này cũng là những gì đã được hàm chứa trong cội nguồn Do Thái giáo, nơi đó, tôn giáo và dân tộc là một; nơi đó, Mười Điều Răn đều gồm tóm lại trong điều răn thứ Nhất… Cũng thế, ngay trong giáo huấn của Chúa Giêsu, bài giảng trên núi, giáo huấn về việc trả cho xê-da điều thuộc về xê-da… cũng đều hàm chứa một sự thống nhất nên một giữa đạo vào đời. Tuy nhiên, chỉ với cái Chết và sự Phục Sinh của đức Giêsu, con người mới nhận được một nguồn sức sống đích thực, phong phú để có thể thực hiện được sự nối kết giữa Mến Chúa và Yêu người, cũng như thực hiện mệnh lệnh ra đi đến tận cùng trái để để thu họp mọi người thành môn đệ.

Chính trong ý nghĩa hợp nhất như thế, chúng ta mới tạm hiểu được một chút nhiệm cục cứu độ của Chúa. Thiên Chúa luôn muốn thu họp mọi người vào đàn chiên của Chúa, một đàn chiên và một chủ chiên; nhưng bằng một phương thức hàm chứa cả hai chiều kích : thờ phượng và hiệp thông. Do đó, Thiên Chúa muốn chính các môn đệ trở thành người cộng tác với Chúa, cộng tác với Giáo hội, để thu họp muôn dân trở nên môn đệ của Chúa. Tin vào Chúa thì đồng thời cũng hiệp nhất với nhau trong Giáo hội :

“Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 18-20)

Thiên Chúa có thể thu họp mọi người bằng cách chính Ngài đến với cá nhân, soi sáng cho mỗi cá nhân và chinh phục từng cá nhân…; nhưng Ngài lại chọn phương cách thông qua Giáo hội. Đó là một Giáo hội có tính tông truyền; nghĩa là người kitô hữu luôn luôn và chỉ có thể là kitô hữu khi gắn bó với một Giáo hội của Chúa, Giáo hội đã được truyền lại qua các tông đồ và dòng truyền thống từ các tông đồ.

Chính vì thế, ta hiểu rằng một ai đó chỉ có thể trở nên môn đệ của Chúa qua Giáo hội qua những cánh tay nối dài của Giáo hội; rồi đồng thời chính người ấy cũng lại phải trở nên cánh tay nối dài để Chúa và Giáo hội để đến với muôn người…

Ước mong mọi người Kitô hữu hiểu được ý nghĩa và giá trị ân huệ làm con Chúa và trở nên những cách tay nối dài tích cực của Chúa và của Giáo hội mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *