Thư tháng 08.2022: Đồng trách nhiệm

Công đồng Vatican II đã đưa ra một nền thần học về Giáo hội, trong đó có một sự đổi mới đặc biệt về vị thế và vai trò của mọi người Kitô hữu.

“…tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của toàn thể các tín hữu trong việc xây dựng thân mình đức Kitô” (GH 32)

Tạm coi những lời ấy là sự đúc kết số 32 trong chương IV, Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội; trong đó, Công đồng khẳng định về hiệp thông bình đẳng và đa dạng của các thành phần trong Giáo hội, và đặc biệt về phẩm giá và trách nhiệm người giáo dân đối với Giáo hội.

Thật sự, điều mà Giáo hội hiện nay đang cổ võ về chiều kích hiệp hành chỉ có thể phát triển trên nền tảng của sự bình đẳng về phẩm giá và trách nhiệm của mọi thành phần trong Giáo hội mà Công đồng đã thiết định. Nền tảng ấy cũng đã thay đổi bộ mặt của Giáo hội trong nhiều thập kỷ qua, nhưng ta cũng phải nhìn nhận rằng thật sự những giá trị ấy cũng còn ít nhiều xa lạ với người Kitô hữu Việt Nam. Đã từ lâu quá rồi, người Kitô hữu giáo dân sống tách rời đời sống đức tin và đời sống hằng ngày, người Kitô hữu sống đạo như một sinh hoạt phụ thuộc bên lề cuộc sống, và do đó cũng coi trách nhiệm xây dựng Giáo hội cùng trách nhiệm loan báo Tin Mừng là chuyện riêng của các “đấng bậc” chứ không phải chuyện của mình.

Quả thật là Giáo hội tìm lại tầm quan trọng của vai trò giáo dân khi mà trào lưu thế tục hóa đang phát triển ào ạt và lệch lạc, tạo ra nhiều nguy cơ cho đời sống đức tin. Mặc dù với duyên cớ ấy, việc khám phá lại ấy không phải là chuyện cơ hội, mà là nỗ lực tìm lại được khuôn mặt đúng đắn của Giáo hội. Bí tích Rửa tội làm cho một con người trở thành con cái Thiên Chúa và là thành phần của Giáo hội. Đồng thời, với bí tích Rửa tội, mọi người Kitô hữu đều nhận lãnh trọn vẹn phẩm giá làm con cái Chúa và cũng lãnh nhận trọn vẹn sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Điều đó đương nhiên kêu mời mỗi người Kitô hữu liên đới trách nhiệm với nhau.

Điều đó cũng có nghĩa là một khi dám chấp nhận thái độ đồng trách nhiệm, thì đó không phải là việc làm thêm, nhưng người Kitô hữu đang tìm lại vị thế và phẩm tính đúng đắn của mình.

Ý thức trách nhiệm vốn là một động lực căn bản trong thân phận con người. Con người được Thiên Chúa dựng nên không phải là kẻ cô độc và cũng không phải chỉ có bổn phận lo cho bản thân mình. Mang bản chất xã hội, nên con người chỉ có thể tìm được ý nghĩa và sức sống của mình khi sống với tha nhân. Hơn nữa, ta còn nhận ra rằng, khi nhận ra trách nhiệm của mình với ai khác, con người như được lớn lên, được đi vào tiến trình trưởng thành và có thể vận dụng được hết năng lực, thận chí còn có thể làm điều những điều như vượt quá năng lực bình thường của chính mình. Một người cha hay một người mẹ có thể làm được những việc mà người khác hoặc chính bản thân, cũng không thể ngờ đã làm được. Một người anh hay một người chị cũng sẽ tìm được một dáng đứng đích thực, một hạt nhân ý nghĩa hết sức mạnh mẽ cho cuộc đời của mình. Hiến Chế Mục vụ trong Công đồng nói:

“Bản tính xã hội của con người cho thấy rõ sự thăng tiến của nhân vị và sự phát triển của xã hội lệ thuộc vào nhau. Thật vậy, nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội, bởi vì tự bản chất, nhân vị hoàn toàn cần đến đời sống xã hội. Như thế, vì đời sống xã hội đối với con người không phải là một điều gì đó được thêm vào bên ngoài, nên nhờ biết trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người mới làm thăng tiến tất cả các khả năng của mình và có thể đáp trả được ơn gọi của mình” (MV 25a)

Thực sự ta có thể bắt mạch và nhận ra sự yếu ớt, tính mỏng manh của nhiều đứa trẻ và một số thanh niên hiện nay gắn liền với tình trạng coi mình là trung tâm, chỉ biết tìm vui, tìm phát triển cho bản thân mình và giảm thiểu hoặc đánh mất ý thức trách nhiệm với ai khác. Không gì có thể mang lại cho ai đó một sức mạnh lớn lao cho bằng việc ý thức về một sứ mạng mình được lãnh nhận. Khi ai đó được trân trọng, được nhìn nhận như một người trưởng thành; khi ai đó nhận ra tiếng kêu mời khẩn thiết của người khác, thực sự nhận ra được giá trị vị thế của mình là cần thiết, người ấy sẽ tức khắc tìm thấy được một “lý do hiện hữu” và cũng tìm được mạch nguồn sức sống hết sức phong phú của chính mình.

Cũng thế, khi mọi người Kitô hữu tìm được đúng vị thế của mình, ta được quyền hy vọng vào một sức sống mới của Thánh Thần trong Giáo hội. Một khi được lãnh nhận Thần Khí Sự Thật (Ga 16,13), ta cũng để cho mọi sức sống phong phú của Thánh Thần được tuôn tràn trên Giáo hội: Thần Khí Nghĩa Tử (X. Rm 8, 14-15), Thần Khí Bảo Trợ (Ga 16, 7), Thần Khí Sự Sống (X. Ga 6,63)…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *