Thư tháng 09-2015 : Gia đình là môi trường nên thánh

 

Anh chị em Huynh đoàn thân mến,

pray8.jpgTrong tháng này, giáo hội toàn cầu hướng về Đại hội Gia đình thế giới lần thứ VIII, diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 09.2015 tại Philadelphia Hoa Kỳ. Với chủ đề “Tình yêu là sứ mạng của chúng ta, để gia đình được sống dồi dào”, giáo hội muốn cổ võ các gia đình ý thức xây dựng và vun đắp tình yêu bền chặt, để trở thành môi trường nuôi dưỡng sự sống và ân sủng. Hy vọng Đại hội, với ơn Chúa Thánh Thần và nỗ lực của mọi người, sẽ đem lại một “Lễ Hiện Xuống Mới” cho các gia đình nhân loại trước bao khó khăn đổ vỡ như hiện nay.

Nên thánh trong đời sống gia đình

Quả thật, gia đình vốn là bận tâm chính của giáo hội. Suốt năm 2015, đức thánh cha Phanxicô dành các buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần để phổ biến giáo huấn về gia đình. Đại hội Gia đình thế giới lần này là âm vang của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tháng 9.2014, và sẽ được tiếp nối bằng Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tháng 10.2015.

Gia đình cao quý vì gia đình chính là hội thánh thu nhỏ. Hội thánh tại gia tuy nhỏ về lượng, nhưng đầy đủ các đặc tính của hội thánh. Đức Giêsu khi đến trong trần gian, đã chọn sinh ra và lớn lên trong gia đình ở Nagiarét với Đức Maria và thánh Giuse. Cơ chế gia đình đã được chính Thiên Chúa lập nên, thánh hóa và bảo vệ qua bí tích hôn nhân : “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 1-12).

Trong lịch phụng vụ giáo hội, đa số các thánh qua các thế kỷ là các vị mục tử, hiển tu hay tử đạo. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn chứng tỏ các tín hữu biết họ được kêu mời nên thánh trong đời sống gia đình. Chính ngài cổ võ Bộ phong thánh tìm kiếm để ghi danh một đôi vợ chồng vào lịch phụng vụ. Kết quả là ngày 21.10.2001, ngài đã long trọng cử hành lễ suy tôn chân phước hai cụ Luigi và Maria Quattocchi, trước sự hiện diện của ba người con còn sống, gồm hai linh mục một nữ tu.

Tiếp nối lộ trình đó, vào ngày khánh nhật truyền giáo 19.10.2008, đức Biển Đức XVI chính thức ghi danh song thân thánh nữ Têrêsa Hài Đồng lên hàng chân phước. Đó là ông Louis và bà Guérin Martin. Đến tháng 10 năm nay, hai vị sẽ được giáo hội suy tôn lên bậc hiển thánh.

Cha thánh Đaminh đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình thánh thiện. Thân phụ ngài, bá tước Felix Guzman, được giáo hội nâng lên hàng đáng kính, đã cùng với bạn đời, chân phước Gioanna Aza, dâng tặng cho giáo hội ba người con làm linh mục, trong đó có thánh Đaminh và chân phước Mannes. (1)

Cuộc đời và sự nghiệp của cha Đaminh, chắc chắn đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường gia đình. Ngay từ khi chào đời và trong suốt thời thơ ấu, Đaminh đã được sống trong bầu khí thuận lợi và đã được đào tạo để phục vụ Thiên Chúa. Giấc mơ con chó cắn bó đuốc chạy khắp địa cầu chứng tỏ mẹ ngài ước mong con trai mình trở thành nhà thuyết giáo. Rồi khi Đaminh lên bảy, gia đình đã gửi đến cậu ruột là linh mục xứ Gumiel gần đó. Nhiều tác giả đã so sánh sự kiện này như tiên tri Samuel được gửi đến thày cả Hêli trong Cựu Ước. Bảy năm sau, Đaminh được theo học tại trường nhà thờ chính tòa Palencia. Nơi đây, Đaminh không màng đến văn chương nghệ thuật, chỉ miệt mài học hỏi Lời Chúa. Đến độ “nhiều đêm gần như không ngủ để học hỏi Kinh Thánh”.

hddm_tinh82015a.jpg

Tình yêu là sứ mạng của chúng ta …

Sau thượng hội đồng giám mục thế giới năm 2014, chương trình truyền hình “Muối và Ánh Sáng” phỏng vấn Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, chủ tịch HĐGMVN về “những thách đố đối với gia đình tại Việt Nam ?”. Đức Tổng Phaolô đã nói đến ba thách đố lớn là : Ảnh hưởng của xã hội về tự do luyến ái; nạn phá thai mỗi năm lên đến 1,6 triệu ca, trong đó có 300 ngàn ở tuổi dưới 20 ; và nạn bạo hành trong gia đình.

Theo thống kê chính thức của các tòa án, số các vụ ly hôn tại Việt Nam gia tăng rất nhanh. Năm 2000 có 51.361 vụ ly hôn, đến năm 2010, đã có 126.325 vụ. Tại các thành phố lớn, 40% các cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn, trong đó 33% do ngoại tình và 60% do yếu tố bạo lực gia đình. (1) Dĩ nhiên tỷ lệ thực cao hơn nhiều, do đương sự “khéo chùi mép” hoặc nạn nhân đã hàn gắn và tha thứ.

Trong hoàn cảnh đó, xin nhắc nhớ anh chị em số 33 trong Luật sống của chúng ta : “Gia đình là Hội thánh thu nhỏ, là môi trường giúp anh chị em nên thánh”.

Chớ gì mỗi gia đình chúng ta phản ảnh được những đặc tính của giáo hội, biết sống hiệp thông theo gương thánh gia thất, luôn vun đắp tình yêu giữa các phần tử, chia sẻ mọi buồn vui dự tính, hỗ trợ nhau trong chọn lựa dấn thân, cùng tìm ý Cha trên trời, và liên đới và giúp nhau nên thánh.

Chớ gì mỗi gia đình, nhờ hướng nhìn lên Chúa Giêsu, luôn có khả năng nhìn vào mắt nhau, khả năng nói chuyện với nhau, khả năng tha thứ cho nhau, và khả năng nhìn thấy giao ước yêu thương của đời sống hôn nhân được canh tân trong Thánh Thần Chúa.

Chớ gì mỗi gia đình chúng ta biết nhắc nhở nhau, suy niệm và sống Lời Chúa, đặc biệt là Tin mừng ngày chúa nhật.

Chớ gì mỗi gia đình chúng ta trở thành môi trường để mỗi thành viên ngay từ thời thơ ấu, biết học để sống cùng và sống với người khác, và học để biết phục vụ tha nhân.

Khi đó các gia đình công giáo góp phần cứu thế giới này, như lời đức thánh cha Phanxicô : “Nếu giáo hội giúp các gia đình chủ động lắng nghe và thực hành Lời Chúa, chúng ta sẽ trở thành rượu ngon của tiệc cưới Cana, sẽ làm dậy men của Thiên Chúa ! Thật vậy, giao ước của gia đình với Chúa được mời gọi chống lại sự sa mạc hóa của thành thị tân tiến. Khi các thành phố đã trở thành sa mạc vì thiếu tình yêu và thiếu nụ cuời. Biết bao nhiêu giải trí, biết bao nhiêu điều tiêu khiển mất thì giờ vì thiếu tình yêu. Nụ cười của một gia đình có khả năng chiến thắng sự sa mạc hóa các thành thị của chúng ta. Và đây là chiến thắng của tình yêu gia đình.” (2)

… Để gia đình được sống dồi dào

Vì “Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, ở đó chúng ta học cách sống với người khác bất chấp các khác biệt, và học cách thuộc về lẫn nhau”. (4) Cuộc sống gia đình chỉ thực sự dồi dào phong phú khi góp phần xây dựng gia đình giáo hội và gia đình nhân loại.

Khi “các tương quan gia đình được biến đổi và nới rộng, để thành cha mẹ thiêng liêng và anh chị em với nhau, đặc biệt đối với những người cần trợ giúp, chúng ta đem tình yêu Thiên Chúa đến cho thế giới. Như thế chúng ta trở thành một phước lành, một dấu chỉ của hy vọng góp phần canh tân các tương quan xã hội. Một gia đình yêu thương Thiên Chúa sưởi ấm cả một thành phố. Không có ngành kỹ sư kinh tế và chính trị nào có thể thay thế được sự đóng góp của các gia đình”. (5)

Nhờ lời Cha Thánh chuyển cầu, xin cho mỗi gia đình chúng ta luôn ngập tràn tình yêu, niềm vui và sự sống.

Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu op

Ghi chú

1) Chân phước Gioanna Aza, kính ngày 2/8. Chân phước Mannes, kính ngày 18/8.

(2) Xc. Vietnamnet 16.10.2014, “Quả bom ly hôn ở Châu Á”

(3) Đức Phanxicô, buổi tiếp kiến thứ tư 2.9.2015

(4) Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 66

(5) Đức Phanxicô, buổi tiếp kiến thứ tư 2.9.2015