Thư tháng 11.2017 : Đạo hiếu và thờ kính tổ tiên

Lá Thư Đặc Trách Tháng 11 / 2017

Đạo hiếu và thờ kính tổ tiên

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Tháng 11 là tháng đặc biệt để sống mầu nhiệm các thánh thông công và cầu nguyện cho những người đã khuất, xin chia sẻ với anh chị em một chủ đề rất thiết thân với người tín hữu Việt Nam, đó là đạo hiếu và việc thờ kính tổ tiên.

 

Bia tưởng niệm
Bốn Tử đạo Hải Dương

 

Trước các dư luận sai lầm, từng khiến một số người nghĩ rằng theo đạo là từ bỏ ông bà, chúng ta cần phải tìm hiểu cặn kẽ và sẵn sàng giải thích cho những ai còn thắc mắc : về đạo hiếu theo Kinh Thánh và giáo lý; về việc áp dụng các nghi thức thờ kính tổ tiên, và về tâm tình phải có khi tưởng nhớ các vị tiền nhân đã được Chúa gọi về.

Kinh Thánh dạy phải thảo hiếu

Thảo kính cha mẹ, tôn kính và tưởng nhớ ông bà tổ tiên là giáo huấn có nền tảng vững chắc trong Thánh Kinh, với rất nhiều chỉ thị rõ ràng và những lời khuyên sâu sắc.

Cụ thể như lời trong sách Huấn Ca : “Của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi” (Hc 3,14). Hoặc “Hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các vị là những người đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. (Hc 44, 1-14)

Thánh Phaolô thì khẳng định “tôn kính cha mẹ là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Êphêsô 6,2-3). Hơn nữa, ngài còn mở rộng bổn phận ấy đến với thân bằng quyến thuộc : “Ai không biết lo lắng đến người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn là người không tin” (1 Timôthêo 5,8).

Viếng thăm các Giám mục Hải phòng

Hiếu thảo là giới luật của Thiên Chúa

Chúng ta đều đã biết : Thảo kính cha mẹ là giới răn thứ bốn trong mười điều răn, chiếm vị trí quan trọng nhất sau ba giới răn hướng về Thiên Chúa, đã được công bố từ thời ông Môisen, và được chính Đức Giêsu xác nhận : “Ngươi phải thờ cha kính mẹ” (Mt 19,19). Mà đã là giới răn thì buộc phải giữ. Kẻ không chu toàn ắt là có tội, tội bất hiếu.

Đó cũng là nội dung cha Đắc Lộ từng nhấn mạnh, khi đề cập đến bổn phận thảo hiếu, trong cuốn “Phép giảng Tám ngày”, sách giáo lý đầu tiên tại Việt Nam : “Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải, ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng…”  (1)

Các sách giáo lý xưa như cuốn bổn “Chân đạo yếu lý”  (2) xác định bảy điều phải thực hành để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, gồm năm điều trùng hợp với văn hóa dân tộc là yêu mến, vâng lời, phụng dưỡng, chăm sóc khi đau ốm, và an táng mồ yên mả đẹp. Ngoài ra, các tín hữu còn có hai nghĩa vụ với cha mẹ đã khuất, là tổ chức lễ tang, lễ giỗ theo phép đạo, là tưởng nhớ và làm việc lành phúc đức để cầu cho các ngài.

Thảo hiếu với tiền nhân

Truyền thống cầu nguyện cho người đã khuất có từ thời Cựu Ước. Ông Macabê xin lễ cầu nguyện cho người đã chết, vì “nghĩ đến phần thưởng tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức (Mcb 13,45). Đức tin dạy cho chúng ta biết rằng : linh hồn thì bất tử, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về mọi việc tốt xấu mình đã làm, và xác loài người sẽ sống lại để sống muôn đời.

Thể hiện niềm tin đó, giáo hội cổ võ chúng ta siêng năng đọc kinh dâng lễ cầu nguyện cho các bậc tiền nhân, nhất là trong ngày giỗ chạp; dành riêng ngày mùng 2 và trọn tháng 11 để nhắc nhở tín hữu tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Riêng giáo hội Việt Nam còn quy định dành ngày mùng 2 tết để kính nhớ tổ tiên, và thêm vào trong tất cả các thánh lễ, sau lời nguyện cho mọi người đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, một lời cầu đặc biệt cho “các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và thân bằng quyến thuộc…”.

Với huynh đoàn, chúng ta liên đới với những người đã khuất qua kinh vực sâu mỗi ngày, qua kinh mân côi và thánh lễ mỗi tuần, và dành riêng ba ngày để cầu nguyện cho cha mẹ, thân nhân và ân nhân (Luật sống số 21).

Viếng các cha anh Đa Minh tại giáo xứ Cát Đàm

Về nghi thức thờ kính tổ tiên

Cũng phải ghi nhận trước đây, từng có những khó khăn nhất định về các nghi thức thờ kính tổ tiên. Nhưng đến nay, cuộc tranh luận ấy đã đi vào quá khứ. Theo hướng dẫn của Hội đồng Giám mục (3), tất cả mọi hình thức như treo ảnh, hình, dựng tượng, bái kính, dâng hoa trái, hương đèn, chỉ trừ thực phẩm …. Người tín hữu được thi hành và tham gia cách chủ động.

Trong tâm tình kính nhớ tổ tiên, xin đề nghị với anh chị em một vài gợi ý thực hành :

+ Ngoài việc xin lễ và đọc kinh giỗ, mỗi gia đình nên có bàn thờ gia tiên, trưng bày hình ảnh ông bà cha mẹ đã qua đời ngay dưới bàn thờ Chúa và Đức Mẹ, cùng với tủ thờ hoặc kệ nhỏ để trưng bày hương hoa nến …

+ Giáo dục giới trẻ về lòng thảo hiếu, tổ chức nghi thức cáo gia tiên trong các ngày lễ tết và hôn lễ.

+ Tổ chức mừng và chúc thọ ông bà cha mẹ vào ngày sinh nhật của các ngài hoặc dịp đầu xuân.

+ Hiệp dâng thánh lễ với giáo xứ tại nghĩa trang trong tháng 11 và ngày mùng 2 tết. Khi có thể, nên đến nghĩa trang viếng thăm, sửa mộ và thắp nhang cho người thân.

Tâm tình hiếu thảo theo đức tin

Theo chiều kích luân lý, các tín hữu cử hành các lễ nghi thờ kính tổ tiên với lòng thảo hiếu, cũng là để chu toàn giới răn của Chúa, nghĩa là một bó buộc lương tâm. Còn theo chiều kích đức tin, khi chúng ta tiến hành nghi thức trên, lòng vẫn luôn hướng về Thiên Chúa là nguồn cội của các bậc tiên tổ. Trong tâm tình hiếu thảo, chúng ta cầu xin Chúa cho ông bà tổ tiên được hạnh phúc vĩnh cửu, và xin các ngài chuyển cầu cho con cháu, hướng đến ngày đoàn tụ với các ngài trên thiên quốc.

Cuối cùng lòng hiếu thảo của chúng ta được củng cố đặc biệt nhờ niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã phán “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Ngoài việc ghi nhớ công ơn và cố gắng thực hiện ước nguyện của các ngài, chúng ta còn làm các việc lành phúc đức để đền bù những thiếu sót nếu có. Và trong mầu nhiệm hội thánh thông công, chúng ta xin các ngài độ trì qua lời chuyển cầu trước nhan Thiên Chúa (4).

Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

1. Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, Tinh Việt Văn Đoàn 1961, tr 14.

2. Chân đạo yếu lý, sách bổn giáo lý thời đức cha François Puginier Phước, Ninh-Phú-Đường, 1882, tr 47-52.

3. HĐGMVN, thông cáo 14-6-1965 và hướng dẫn 14-11-1974.

4. Xin coi Hiến chế Giáo hội số 49-50

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *