Đừng tuyệt vọng (27.03.2024 – Thứ Tư Tuần Thánh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Is 50,4-9a, Mt 26,14-25

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 26,14-25)

14 Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói : “Tôi nộp ông Giê-su cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” 18 Người bảo : “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy : “Thầy nhắn : thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” 19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói : “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người : “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?” 23 Người đáp : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !” 25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi : “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?” Người trả lời : “Chính anh nói đó !”

Đừng tuyệt vọng (27.03.2024)

 “Con  Người  ra  đi  như  đã  được  ghi  chép  sẵn  từ  trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp”.

Giu-đa,  một  môn  đệ  của  Chúa  Giê-su  thỏa  thuận  với  các thượng tế về giá bán Chúa Giê-su cho họ là 30 đồng bạc. Có lẽ nào một vị Thiên Chúa mà không có quyền phép để tránh khỏi phải bị trao bán, giao nộp trong tay người đời sao? Có lẽ nào đường đường là một vị Thiên Chúa lại có thể chấp nhận một tình cảnh bi đát, sỉ nhục, tồi tệ đến như thế sao?

Đúng là Con Thiên Chúa quyền năng, có thể làm được mọi sự, nhưng vì vâng ý Cha, cho nên, bây giờ: “Chỉ có thể là đau thôi, không làm sao khác hơn được. Chỉ có thể là chết đi, không thể làm gì hơn nữa. Chỉ có thể là yêu thôi, không thể nào mãi chấp tội. Chỉ có thể là như thế thôi, là thương xót con người”. “Chỉ có thể là đưa lưng cho kẻ đánh, đưa má cho kẻ giật râu” Vâng! “Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp”.

Gẫm chuyện Giu-đa bán  Chúa,  có  người ngộ ra nghề bán Chúa nay vẫn còn, thêm nghề bán đứng nhau cũng nhan nhãn! Làm việc nhân danh Chúa mà không vì vinh danh Chúa, lại tìm kiếm cho hư danh mình, không phải là bán Chúa đó sao? Mang danh người có đạo, lại ganh tỵ, đặt điều vu vạ, hạ thấp giá trị anh chị em mình, không phải là bán đứng nhau đó sao? Ước gì mỗi chúng ta không là phiên bản của một Giu-đa ham danh, lợi, dục trần gian, nhưng là hiện thân của Chúa Giê-su khiêm nhường, yêu thương hiến thân phục vụ mọi người. Đừng ai vỗ ngực mình không từng bán Chúa, bán đứng anh em, và cũng đừng liều mình tuyệt vọng như Giu-đa, nhưng hãy sám hối, đau đớn, và thật lòng trở về xin lỗi Chúa, xin lỗi nhau!

Lạy Chúa,  xin thương giúp  cho tất cả chúng con là những thành viên trong đại gia đình Đa Minh, luôn biết sống trung  thành  tin cậy  mến Chúa, trung thành yêu giáo hội, yêu nhau , và yêu mọi người. Amen

BCT

Ngồi bên nhau mà xa nhau (05.04.2023)

“Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phải nộp”. (Mt 26,24 )

Tin Mừng cho biết Giu Đa vẫn đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ trong bữa tiệc Vượt Qua, vẫn ngồi bên Chúa, và còn “giơ tay cùng chấm với Thầy” mình. Khung cảnh bữa tiệc rất đầm ấm, gần gũi, rất thân thiết tình Thầy trò. Thế nhưng, có ai biết, ông chỉ còn là cái xác không hồn, bởi tâm hồn ông đã thỏa hiệp thầm kín với tội ác.

Chúa Giêsu chấp nhận tất cả vì “Con Người sẽ phải ra đi như đã chép về Người” như thánh ý Cha đã định, nhưng Ngài thương Giu Đa, vì ông không nhận ra Lời Ngài đã mời gọi ông thay đổi ý định từ hôm ở nhà Matta, khi ông tiếc bình dầu thơm 300 đồng bạc. Ông cũng không nhận ra lời mời của ngày hôm nay nữa “kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy”. Chúa Giêsu tôn trọng sự tự do của ông, nhưng Ngài tiếc cho ông vì ông đã lạm dụng tự do mà đi vào chỗ chết.

Cầu mong đại gia đình Đa Minh chúng ta biết hiệp hành cùng nhau thi hành sứ vụ Chúa trao, và luôn sống đoàn kết yêu thương nhau thật chân thành, không gian ngoa, không lừa dối nhau. Đừng gần mặt mà xa lòng. Bởi nếu còn dối nhau, còn giả hình, là còn bóng dáng của ma quỉ, tội lỗi, bóng tối và sự chết!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết trung tín với nhau trong tình huynh đệ chân thành, thật lòng mến Chúa, yêu người, như Chúa đã dạy và làm gương mẫu trước để chúng con noi theo. Amen.

BCT

Đến nổi nào cần tiền hơn tình nghĩa (13.04.2022)

“Con  Người  ra  đi  như  đã  được  ghi  chép  sẵn  từ  trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp”. 

Người Do Thái mừng lễ Vượt Qua để kỷ niệm cuộc vượt qua biển đỏ thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, nhờ hồng ân Chúa. Chúa Giê-su và các môn đệ cũng mừng lễ Vượt Qua. Và vì biết Giu-đa đã ra kèo với các thượng tế rằng: sẽ nộp Chúa Giê- su cho họ, với giá 30 đồng bạc, nên Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ bỡ ngỡ, ai cũng hỏi: “Thưa Thầy, có phải con không”. Cả Giu-đa cũng hỏi vậy. Chúa Giê-su trả lời: “Ðúng như con nói”. Chúa Giê-su giải thích: chuyện phải bị bắt, bị giết đã có trong kế hoạch của Thiên Chúa như trong sách Thánh đã ghi. Chuyện đáng tiếc, không phải  chuyện các thượng tế bắt Chúa, mà là chuyện môn đệ phản thầy! Chúa nói với kẻ phản bội, kẻ cạn tình bất nghĩa rằng: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn”. Đến  nổi  nào  quá  cần  tiền  mà  phải  bán  đứng  thầy  mình?

Nhưng cũng không thể biện minh cho Giu-đa rằng ông có ý bán Thầy vì biết Thầy mình quyền năng không ai làm hại được! Chỉ biết: Giu-đa đã theo Sa-tan, nên đã phụ tình Thầy. Tội phụ tình đã là đủ nặng. Tình tiết 30 đồng bạc là tình tiết phụ, nhưng làm cho tội nặng hơn. Bởi, đã có ý phản, thì 15 đồng cũng bán. Cách sống phụ bạc ân tình của Giu-đa như vẫn còn đâu đây: Đến nổi nào quá cần nửa mét đất, mà phải bán đứng anh em? Đến nổi nào phải cần một mũi heroin, mà cháu phải giết bà? Đến nổi nào phải giữ thể diện mình mà làm sỉ nhục, làm giảm giá trị, hoặc loại trừ anh em? Đến nổi nào chỉ vì một chút lạc thú, mà giết người bằng lời chua cay, bằng lưỡi dao oan nghiệt. Lời Chúa nói với kẻ phụ tình: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn!”

Lạy Chúa, xin cho tất cả các gia đình Công giáo chúng con, đừng bao giờ phụ bạc ân tình Chúa quá yêu thương, đã hy chịu khổ nạn, chịu đóng đinh và chết trên cây thập giá, để cứu độ loài người tội lỗi chúng con. Xin Chúa cũng giúp chúng con không bao giờ phụ bạc ân tình nhau. Amen.

BCT

Mê muội phù vân là bán đứng Thiên Chúa (31.03.2021)

“Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp”. ( Mt 26,24)

“Khốn thay cho kẻ làm cho Ngài bị phản nộp”.  Chúa Giê-su chấp nhận phải ra đi theo thánh ý Chúa Cha, như có lời đã chép. Nhưng Người lấy làm tiếc cho kẻ nộp người phải rơi vào cảnh khốn đốn, vì tách lìa Chúa Giê-su, là tự đẩy mình vào chỗ chết ngàn đời.

Ôi, con người chúng ta, loài mê muội! Đến bao giờ chúng ta mới thấu hiểu rằng: Người khôn tách mình ra khỏi mọi dính bén trần tục, để tháp nhập đời mình vào Chúa Giê-su; còn kẻ dại, thì tách mình ra khỏi Chúa Giê-su, để tháp nhập mình vào với bạc tiền vật chất phù du chóng vánh. Ôi, khốn đốn thay khi nặng lòng với thế gian vật chất. Có khi đến buổi tàn vong mà chưa ngộ ra cho đi là còn, giữ lại là mất. Có khi đã cận kề bụi đất mà chưa buông được những khát khao….

Còn mê muội đồng tiền, còn để lòng yêu vật chất thế gian, còn buông mình đi tìm danh lợi dục, là còn phản nghịch Thiên Chúa, là còn bán đứng Chúa Giê-su, là còn đẩy Chúa Giê-su vào chỗ chết…Ước gì các gia đình chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, yêu mến Chúa Giê-su và yêu nhau như Chúa Giê-su đã yêu, và nhất là tách mình ra khỏi những thứ phù du chóng vánh, để tháp nhập hoàn toàn với Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ, để được sống và sống mãi muôn đời.

Lạy Chúa Giê-su xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con ra khỏi vòng xoáy danh lợi dục, để thuộc về Chúa. Amen

BCT

Ra đi (08.04.2020)

Tin Mừng hôm nay dẫn ta đến đỉnh cao công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Người sẽ phải “ra đi” vì tội lỗi nhân loại và để chịu chết chuộc tội cho họ.

Mở đầu ta thấy một con người tội lỗi đã nổi tiếng xưa nay, Giuđa Itcariôt. Ông theo Chúa cùng anh em đã mấy năm nay. Vậy mà hôm nay đã rắp tâm chỉ điểm cho người Pharisêu bắt Chúa, mà lấy 30 đồng bạc. Thật tiền bạc nó có sức cám dỗ lạ lùng, mà giờ đây chúng ta ai cũng phải cảnh giác với chúng. Cũng thương thay những con người yếu đuối, đớn hèn đã phải làm tôi cái đồng tiền nhỏ bé ấy: “Giuđa Itcariôt đi gặp các thượng tế mà nói: Tôi nộp ông ấy cho quý vị thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp đức Giêsu”. Tiếp tục Tin Mừng dẫn ta vào một biến cố đặc biệt, Chúa Giêsu và các môn đệ chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua: “Các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”.

Chúa Giêsu, là người chủ, người điều hành từ xa việc chuẩn bị mừng lễ ấy. Là Thiên Chúa, Người thấy trước mọi sự, nên công việc đã xảy đến đúng như lời Người báo trước. Lễ Vượt Qua, lễ tạ ơn trọng thể của người Do Thái. Họ cảm tạ và nhớ lại tình yêu thương đặc biệt Thiên Chúa đã dành riêng cho dân tộc họ, trước đó khoảng 1300 năm. Chúa đã cho họ đi qua Biển Đỏ để trốn thoát khỏi cảnh nô lệ  Ai Cập một cách lạ lùng. Ngày ấy trước khi vượt qua Biển Đỏ, Chúa dạy họ giết chiên ăn thịt và “lấy máu bôi lên khung cửa” nhà mình. Nhà nào có máu chiên bôi lên, nhà ấy sẽ khỏi phải “tai ương tiêu diệt”. (Xh 12).

Tin Mừng giờ đây sắp làm ứng nghiệm sự kiện “Vượt Qua” ấy. Chỉ ngày mai thôi, Chúa Giêsu là “Con Chiên” thật của Thiên Chúa sẽ  nên của ăn duy nhất trong bữa tiệc mừng lễ “Vượt Qua”. Rồi Con Chiên ấy sẽ chịu chết, sẽ đổ máu ra không phải để “bôi lên khung cửa”, mà đổ trên thập giá tẩy rửa tội lỗi cho người Do Thái và cho toàn thể nhân loại để họ khỏi bị“ tiêu diệt” muôn đời. Trước giờ phút đón nhận sự phản bội,  đau khổ biệt ly oan nghiệt ấy, Chúa Giêsu vẫn hiền hòa yêu thương: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Cũng chẳng thấy nơi Người sự oán trách, hay loại trừ ai dù là với người phản bội. Chúa chỉ thương cho họ, vì họ đã tự chọn con đường xa rời Chúa, bán Chúa thì họ sẽ phải khổ đau: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà họ đừng sinh ra thì hơn”.

Giờ đây chắc chẳng còn ai ủng hộ việc làm của người bán Chúa như Giuđa xưa. Nhưng có mấy ai dám quả quyết rằng tôi không còn phạm tội nữa. Vậy mỗi khi phạm một tội trọng là ta đã bán Chúa một lần nữa.

Giờ đây còn có ai vì tiền vì của mà lỗi phạm đức yêu thương anh em và lòng mến Chúa?

Chúa Giêsu thì nhẫn nhục yêu thương, “xin vâng” theo thánh ý Chúa Cha còn ta, ta có nhẫn nại yêu thương tha thứ khi mình bị thù ghét phản bội?

Lạy Chúa Giêsu! Xin ban cho con lòng kiên trung theo Chúa đến cùng. Để trong mọi hoàn cảnh, dù an nhàn thư thái hay tai họa khổ đau, con vẫn được bình an mà thực thi Lời Chúa cho đến trọn đời. Amen.

Gs. Lâm Ngọc Năng

Thời của Thầy đã gần tới

Tin Mừng hôm nay, phụng vụ lời Chúa đã cận kề tam nhật thánh. Chúa Giêsu sắp trải qua một biến cố trọng đại.

Mở đầu Tin Mừng đã tỏ lộ cho ta một nhân vật đặc biệt, đại diện của sự gian ác. Nó đã trở nên tấm bia xưa nay để mọi người ghi nhớ mà xa lánh tội ác đó là: Giuđa Itcariôt. Ông đã chủ động, khởi sự đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?”. Thật đáng buồn, chả lẽ tiền bạc nó có sức mạnh ghê gớm như vậy chăng? Chả lẽ ông lại ghét Chúa đến thế chăng? Hay còn những lý do nào khác mà chẳng ai xét đoán hết được. Dù sao cái chết của Chúa vẫn còn những mầu nhiệm. Nhưng rõ ràng nhất xưa nay vẫn coi đó là một trọng tội muôn đời bị nguyền rủa: “vì tiền, phản bội và giết Thầy chí thánh”.

Còn Chúa Giêsu, người đã nhìn thấy trước mọi sự mà hằng khắc khoải mong chờ để được thi hành thánh ý Chúa Cha. Hôm nay đây “thời của Thầy” đã gần tới, Đức Giêsu cùng các môn đệ thao thức chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại, để tạ ơn Chúa của cả dân tộc Do Thái. Ngày lễ Vượt Qua kỷ niệm biến cố cách đó hơn một nghìn năm, Thiên Chúa đã cứu dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập một cách lạ lùng. Khi Thầy trò chuẩn bị cho việc mừng lễ Vượt Qua xưa ấy, thì một mình Chúa Giêsu, Người đang âm thầm chờ đợi thực thi một hy lễ vô cùng cao cả mà chẳng ai ngờ tới. Ai có thể hình dung ra được tâm hồn của Chúa Giêsu lúc này. Một nỗi đau buồn khôn tả khi nhận ra những môn đệ đang ở trong vòng tay yêu thương chăm sóc dạy dỗ của mình, thế mà có người dám phản bội. “Thà nó đừng sinh ra thì hơn”. Người cũng nghĩ đến cuộc khổ hình nhục nhã, ê chề mà Người sắp phải chịu. Cùng biết bao tội lỗi nhân loại đã phạm từ xưa cho cho tới ngày tận thế. Điều đã làm cho Chúa phải não nuột thốt ra sau này trong vườn cây dầu: “Linh hồn Thầy lo buồn đến nỗi chết”.

Nhưng sức mạnh của Chúa cứu thế không phải chỉ có thế. Người đang chuẩn bị cho cuộc chia li với một đàn con con yếu đuối nhưng được Người yêu thương hơn mình, lo dặn dò chúng lần cuối, ban cho gia sản và sẽ chuộc lỗi lầm chúng bằng mạng sống mình.

Người vẫn hiền lành yêu thương, đón nhận, tha thứ kẻ phản bội tới cùng. Người vui mừng tự nguyện sẵn sàng chịu mọi khổ hình cho đến chết và chết trên thập giá để thực thi trọn vẹn thánh ý của Chúa Cha, để được nhìn thấy trước muôn triệu con cái mình được muôn đời hạnh phúc.

Giờ đây nhắc lại lỗi lầm của Giuđa, ai mà không phẫn nộ. Như có lần người ta phỏng vấn một hoa hậu Việt nam: “Điều gì làm cô ghét nhất?”. Cô đã trả lời mau mắn: “Sự phản bội”. Vâng, sự phản bội hèn hạ, trắng trợn như Giuđa giờ đây chắc không mấy ai mắc nữa. Nhưng thử hỏi có mấy ai không còn phạm tội nữa? Không còn mấy ai tham tiền kiểu Giuđa, nhưng nếu được Chúa nhắc nhở hãy sẻ chia chút ít cho kẻ khó khăn này, ốm yếu nọ ta có vui vẻ mau mắn vâng theo hay lại “xịu nét mặt buồn rầu” như anh thanh niên giàu có trong Tin Mừng? (Mt 19,16-22).

   Lạy Chúa Giêsu vì tội lỗi chúng con, Người đã chịu khổ hình nhục nhã. Xin giúp chúng con tránh xa lỗi lầm. Vì mỗi lần phạm tội trọng là con nên đồng lõa với Giuđa mà đóng đanh Chúa một lần nữa, xin giúp con.  Amen.

 Gs. Ngọc Năng.

Sự phản bội và niềm tin

Kể chuyện:

Giang là một kế toán giỏi và cũng là người quản lý giỏi.

Khi được nhận vào công ty để làm việc, Giang đã thể khả năng vượt trội của mình về quản lý và nghiệp vụ.

Vài năm sau, Giang được cất nhắc lên phó trưởng phòng kinh doanh, rồi trưởng phòng. Và cuối cùng là tổng giám đốc công ty. Uy tín của Giang không những được mọi người trong công ty biết đến, mà nhiều công ty chung quanh khu vực cũng biết đến anh. Mong được một người như anh. Vì anh đã đem lại lợi nhuận cao cho công ty.

Giang được Hội đồng quản trị đặt trọn niềm tin, và được trả lương rất cao.

Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nhiều công ty đã nhòm ngó anh.

Anh được một công ty một công ty ngầm thoả thuận với anh để mua một phần mền quan trọng của công ty anh với nhiều tỷ. Sau nhiều lần mua chuộng, anh đã nhận lời. Anh đã lợi dụng uy tín và sự tin tưởng của công ty để phản bội, anh đã rắp tâm phần mền bán ra ngoài.

Chẳng bao lâu sau công ty phá sản. Anh thất nghiệp.

Suy niệm:

Phản bội là sự thay lòng đổi dạ để làm điều bất tín. Không trung thành với lời mình đã hứa, làm mất niền tin, gây thiệt hại cho cá nhân – tập thể.

14 “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế.” (Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai).

Trong thời cựu ước, cũng đã nhiều lần dân Do Thái phản bội những giáo ước của Thiên Chúa, và họ luôn bị trừng trị đích đáng. Nếu họ không biết ăn năn hối cải.

Trong thời Tân Ước, các Thánh Tông đồ cũng nhiều lần phản bội Chúa Giêsu. Như Thánh Phêrô trong đêm Chúa bị bắt và tra tấn, ông đã ba lần chối Chúa. Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.” (Mt 26, 74)

Ông Giuđa đã bán Chúa cho các thượng tế với ba mươi đồng bạc. “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” (Mt 26, 15)

Trải qua lịch sử con người, từ Đông sang Tây, từ Cổ chí Kim. Sự phản bội của con người luôn luôn xẩy ra thường ngày.

Sự phản bội của con người tuỳ vào mức độ mà hậu quả của nó nghiêm trọng hay không. Sự phản bội nào cũng đáng lên án, vì nó sói mòn niềm tin, mất niềm tin, đánh mất chính mình, ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tập thể.

Có những sự phản bội có thể tha thứ, như sự phản bội của Phêrô. Ông Phêrô phản bội Chúa Giêsu vì nhất thời: trong cơn sợ hãi, hoảng loạn tâm trí, ông đã phản bội Chúa. Sau khi phản bội, Phêrô đã khóc lóc ăn năn thảm thiết. Và cuối cùng, chết vì cho Niềm Tin vào Chúa Giêsu.

Có những phản bội không thể tha thứ, như sự phản bội của Giuđa. Ông Giuđa phản bội có toan tính, có chuẩn bị, có thương lượng. Nhất là sau khi đã phản bội, đã không biết hối cải ăn năn. Không tin vào Tình Yêu – Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nên ông ta đáng phải chết đời đời. “Thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26, 24)

Phản bội là có tội, là phạm tội. Trong những tội thường phạm thuộc về phảm bội, có thể nói đến tội “Ngoại tình”.

Ngày nay, nhất là ở Việt Nam và các nước chậm tiến bộ, nghèo đói, tội ngoại tình được thể hiện rõ nơi những đôi vợ chồng ly dị. Ngoài việc lý dị, ngoại tình còn là một nhu cầu xác thịt hưởng thụ khoái lạc. Cũng có những ngoại tình do đời sống hôn nhân bị bạc đãi, bị xúc phạm, bị hành hạ…

Nhưng dù có phản bội như thế nào, chúng ta là người Kitô hữu, chúng ta hãy luôn luôn tin tưởng vào Tình Yêu và Lòng Xót Thương của Chúa, chúng ta hãy khóc lóc ăn năn thảm thiết như Thánh Phêrô, chắc chắn chúng ta sẽ được ơn tha thứ, ơn cứu độ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, chúng con mang thận phận yếu hèn, bụi đất, con biết mình luôn luôn phạm tội, và luôn phản bội Tình Yêu Thập giá của Chúa. Trong Tuần Thánh này, con quyết tâm ăn năn thống hối để được Chúa thứ tha.

Phản bội là mang tội vô ơn (11.04.2017)

Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là Lễ Vượt Qua cuối cùng Chúa Giêsu cử hành với các môn đệ. Mỗi năm người Do Thái thời Chúa Giêsu long trọng mừng lễ Vượt Qua để tưởng niệm biến cố Thiên thần Chúa vượt qua cửa nhà người Do Thái có bôi máu chiên để không giết con đầu lòng của họ, khởi đầu cho cuộc giải phóng họ khỏi ách nô lệ, để dẫn đưa họ vào cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa. Chúa Giêsu đã có ý định dùng môi trường và ý nghĩa của lễ Vượt Qua này để thiết lập Thánh Thể, nói lên ý nghĩa Ngài là Con Chiên mới sẽ hiến thân chịu chết và đổ máu trên Thập giá để giải phóng và cứu rỗi không những dân Do Thái, mà cho toàn thể nhân loại.

Bao năm chung sống cùng Thầy

Tình thân thắm thiết, tràn đầy yêu thương

Nhờ Thầy dẫn bước chỉ đường

Cuộc sống tốt đẹp, hiền lương thực hành

*

Anh em kết nghĩa chân thành

“Chung lưng, đấu cật” dệt thành ước mong

Buồn – vui canh cánh bên lòng

Sẻ chia: sướng khổ, ấm nồng – giá băng

 

Bài Tin Mừng hôm nay cũng gợi lại cho chúng ta tấm thảm kịch bi thương khi họa lại khung cảnh của một bữa tiệc cuối cùng của Thầy Giêsu với các môn sinh của mình, để rồi chính trong bữa ăn thân tình và huynh đệ này lại diễn ra một sự phản bội trắng trợn của môn đệ Giuđa, kẻ đã được tin tưởng trao cho trách vụ quản lý. Tệ hơn nữa, âm mưu này lại bị hắn che lấp bằng câu hỏi: “Rápbi, (thưa Thầy) chẳng lẽ con sao?” Ngay sau lời loan báo về sự phản bội của Đức Giêsu: “Thầy nói thật với các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy”.

Tưởng đâu cứ thế vĩnh hằng

Ai ngờ “phản bội”, nhùng nhằng quỷ ma

Một người trong nhóm tách ra

Thay lòng đổi dạ: Giuđa bán Thầy

Tiền tài, danh lợi bám vây

“Ba mươi đồng bạc” thế này là xong

*

“Tiệc Ly” tan nát tấm lòng 

Phản Thầy, bỏ bạn, lao vòng lụy thân

Dấu hiệu mách bảo quan quân

Tôi hôn ai đấy, đích thân người này

Chúa Giêsu đã nhấn mạnh điểm này: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”. Có nghĩa là cho dù có sự phản bội hay không, Đức Giêsu vẫn bước vào cuộc khổ nạn, vì để ứng nghiệm mọi lời tiên tri nói về Ngài. Chúa rất thương Giuđa và Chúa cũng toàn năng, nhưng Chúa không thể ngăn cản Giuđa phạm tội. Bởi thế, nếu chúng ta chỉ cầu nguyện “Xin Chúa gìn giữ chúng con khỏi phạm tội” thì chưa đủ. Thánh Augustinô, người được mệnh danh là “Tiến sĩ dạy về ơn sủng” đã viết “Khi tạo dựng con, Chúa không cần hỏi ý con. Nhưng khi muốn thánh hóa con, Chúa luôn cần đến sự cộng tác của con”.

“CÁI HÔN ĐỊNH MỆNH” chia tay

Quặn đau thắt ruột, đọa đày tâm can

Cái hôn một thuở nồng nàn

Bây giờ tê tái ngập tràn khổ đau

Cái hôn lúc trước ân sâu

Cái hôn thực tại nhuốm màu tang thương

Cái hôn chia cắt đôi đường

Thầy đi chịu chết, trò vương tội tình 

Lạy Chúa! Chúa đã luôn yêu thương chúng con, cho dù chúng con lại yếu đuối, bất toàn và tội lỗi. Chúa vẫn dang rộng vòng tay yêu thương để đón nhận chúng con. Xin cho chúng con luôn biết canh tân, sửa đổi đời sống để xứng đáng hưởng nhận tình yêu thương vô bờ bến của Chúa. Amen.

 HOÀI THANH

Người nhà phản bội (23.03.2016)

Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu”.

   Thiên Chúa ban cho con người có lý trí và được tự do. Nhưng con người đã sử dụng tự do của mình ra sao? “Đồng bạc đâm toạc tờ giấy”, vì lòng người mau đổi trắng thay đen, vì một chút lợi lộc thấp hèn, người ta có thể bán đứng lương tâm mà thỏa hiệp với sự dữ. Giu-đa cũng bỏ mọi sự theo Thầy ba năm, cùng ăn cùng ở với Thầy, chứng kiến bao nhiêu phép lạ, quyền năng của một Thiên Chúa nơi Thầy mình. Vậy mà đến giờ chót, ông lại thua lý trí của mình, hay vì tiền bạc làm mờ con mắt, mà đi hợp đồng bán Thầy mình với giá rẻ mạt ba mươi đồng bạc, (giá một người nô lệ).

Với giá ấn định, ông cố tìm dịp thuận tiện để nộp bằng được mà không bàn bạc với anh em. Có lẽ ba năm sống sát nách Thầy, thấy Thầy quyền uy xuất chúng như vậy mà cứ hiền lành chịu khổ, nên ông liều một phen, để ép Thầy vùng lên thống trị bằng quyền lực, đem chiến lợi về cho dân và các ông chăng? Thầy sẽ dùng sức mạnh mà tự giải thoát? Nếu vậy thì ông đã lầm. Bởi vì “Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Điều này sau khi Thầy phục sinh, khi Thánh Thần đến các ông mới hiểu được, mới thay đổi cái nhìn và trở nên nhân chứng như Thầy đã sống. Còn Giu-đa thì… đã muộn không thể lấy lại.

Trở lại bàn tiệc chiều hôm ấy, trước mặt cả mười hai ông đang ăn, Thầy buồn sầu thổ lộ: “Thầy bảo thật an hem, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Nghe Thầy nói thế, các môn đệ cũng buồn sầu thất vọng quá sức, vừa hoang mang lo lắng (với phận người yếu đuối của mình) nên lần lượt hỏi: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” Các ông thật khó mà tin người nhà lại là kẻ nộp Thầy. Chính Giu-đa đã phản bội Thầy mà cũng hỏi lại hòng đánh lảng, bịt mắt đồng môn: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao”. Ôi tình đời sao mà bạc bẽo,

dối gian? Người trả lời: “Chính anh nói đó!” Bị đánh trúng tim đen, liệu đương sự có giật mình thót tim trước lời Thầy? Phần Thầy dù đau đớn vì biết rõ sự phản bội của “người nhà”, trước sự dữ lộng hành, nhưng Thầy vẫn tôn trọng tự do, một mực hiền lành nhịn nhục, chịu đựng như lời ngôn sứ I-sai-a trong bài đọc I: “… còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.”

Chúa ơi! Bao lần con đã thất trung với Chúa, khi con bỏ qua tiếng lương tâm mà lỗi nghĩa với Chúa. Cả khi con đang tín trung, biết đâu con sẽ ngã quỵ vì sức hèn này mong manh? Chúa ơi xin giữ gìn con, đừng để con thất tín, lạm dụng tự do mà làm cho Chúa phải cực lòng vì con. Có khi nào con lạc chân bước sai đường, xin Chúa thương kịp dìu con quay về mà bước đi trong tình thương của Chúa. Amen.

 Én Nhỏ

Đức Giê-su, người bị phản bội

“Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (Mt 26,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su vẫn bị mang tiếng là hay giao du với những kẻ tội lỗi, với quân thu thuế. Chúa dạy chúng ta tránh xa tội lỗi chứ không tránh xa người có tội. Với tính cách đó, hôm nay Ngài cũng đồng bàn với Giu-đa, người đã có ý định phản bội nộp Ngài. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi người tội lỗi sám hối như hôm nay Ngài chờ đợi ở Giu-đa. Ngài đã dùng cử chỉ và lời nói để khơi động lòng ăn năn hối lỗi của ông – “một người trong anh em sẽ nộp Thầy” – nhưng lương tâm của Giu-đa không còn bén nhạy nữa, ông đã liều mình đi vào đêm tối của tội lỗi; tiền bạc đã chiếm chỗ trong trái tim Giu-đa, không còn chỗ đứng cho Chúa Giê-su nữa. Chúa Giê-su hoàn toàn tôn trọng sự tự do của con người, ngay cả để cứu rỗi con người, Ngài cũng muốn con người tự do cộng tác.

Mời Bạn: Hãy để ý và lắng nghe từng lời nói của Chúa trong cuộc sống bạn; có khi Ngài cảnh báo bạn đang có nguy cơ đi lạc xa Ngài. Chỉ khi lắng nghe bạn mới nhận ra Ngài muốn bạn làm gì.

Sống Lời Chúa: Dốc lòng chừa một tội mà bạn hay phạm nhất. Và khi có ai đó nhắc nhở về một khuyết điểm hay góp ý xây dựng cho bạn về một điều gì đó, bạn không bực tức, tự ái nhưng hãy lắng nghe, xét mình cho kỹ để nhận ra điều mà bạn cần sửa chữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cứu chuộc chúng con bằng một giá rất đắt là bằng chính mạng sống của Ngài. Cái chết của Chúa là hậu quả của lòng tham lam, ghen ghét, kiêu ngạo… của chúng con chứ không phải chỉ là tội của Giuđa hay của ai khác. Xin ban cho chúng con lòng thống hối ăn năn và biết chê ghét tội trên hết mọi sự. Amen.

Còn tồi tệ hơn sự chết…

Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.” (Mt 26,23).

Suy niệm: Đối với nhiều người, điều còn tồi tệ hơn cả cái chết là sự phản bội. Họ có thể hình dung ra cái chết, nhưng không thể hình dung nổi sự phản bội, nhất là sự bội phản của người thân yêu. Đức Giê-su thì khác, Ngài biết rõ sự phản bội của Giu-đa dù ông đã khôn khéo che dấu hành vi tội ác của mình. Ông có thể qua mặt các bạn đồng môn, nhưng không qua được mắt Thầy mình. Thầy của ông có thể dùng nhiều biện pháp để loại trừ ông, hoặc đích thân trừng trị, hoặc báo tin cho các môn đệ khác và chắc chắn họ sẽ không để ông yên thân. Thế nhưng, thứ “vũ khí” duy nhất mà Ngài dành cho ông là lời mời gọi của tình thương, tiếng gọi của tình nghĩa thầy trò.

Mời Bạn: Năm này qua năm khác, bạn có thể che dấu tội lỗi mình với người chung quanh, ngay cả với những người thân trong gia đình hay cộng đoàn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không thể nào che dấu trước mặt Thiên Chúa. Ngài biết rõ mọi tội lỗi kín đáo của bạn và đang âm thầm mời gọi bạn hoán cải, nhất là trong Tuần Thánh này.

Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh năm nay tôi sẽ nhìn thẳng vào một tội lỗi kín đáo lâu nay của mình, xác tín Chúa biết, đang mời tôi chừa bỏ tội ấy. Tôi sẽ cố gắng đáp lại lời mời gọi này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đau đớn trước sự bội phản của ông Giu-đa, nhưng không từ bỏ ông, trái lại luôn dùng tình yêu thương để mời gọi ông trở lại. Chúng con cảm phục sự khoan dung, nhân hậu của Chúa. Xin cho chúng con thật sự hoán cải, từ bỏ một tội lỗi đang kéo ghì mình xuống, để được thật sự sống lại với Chúa. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *