Xin Chúa cứu chúng con (10.05.2023 – Thứ Tư tuần V Mùa Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 15,1-6, Ga 15,1-8

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 15,1-8)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

Xin Chúa cứu chúng con (10.05.2023)

“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.

Trong Cựu Ước, dân riêng của Thiên Chúa được ví như cây nho mà Thiên Chúa đã ươm trồng, để cây nho trổ sinh hoa trái cứu độ. Hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, các con là cành, cành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn cành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ Lời Thầy đã nói với các con.”

Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta gắn liềnđời mình với Người, với Lời Người. Ai ở trong Người thì trổ sinh hoa trái. Không gắn liền với Người, chúng ta chẳng làm được gì, như cành nho khô héo, chỉ để đốt cháy tiêu tan mà thôi!

Nhiều phụ huynh đã lo ngại tuổi trẻ hôm nay chẳng nhớ tới Chúa, họ xem như Chúa Giêsu không ăn nhập gì với cuộc đời họ. Ngược lại, họ chạy đua kiếm tiền, họ theo nhau tiêu khiển giải trí, họ tranh hơn nhau về đẳng cấp sự nghiệp và hưởng thụ. Các mục tử, phụ huynh phải luôn cầu nguyện cho họ, và nhất là luôn tìm phương án mục vụ thích hợp để mời gọi họ gắn liền đời mình với Chúa Giêsu. Các cha mẹ công giáo rất buồn, khi thấy con mình cứ sa vào chỗ hư ảo, mà quên Chúa Giêsu đang chờ đợi họ. Có cậu thanh niên thất bại vì mê muội số đề, cá độ bóng đá, sinh nợ nần rồi bỏ nhà ra đi trốn nợ. Ba mẹ anh sầu buồn vô tận và suy sụp vì hơn bốn năm anh chưa về nhà. Biết tin anh còn lang thang ở thành phố, ông bố ở quê đã nhắn tin cho anh, vừa khóc: “Con ơi hãy nhớ đến Chúa. Không có Chúa, con không làm được gì đâu. Ba mẹ già rồi chẳng thể làm gì được, chỉ biết cầu nguyện cho con thôi. Hãy xin Chúa Giêsu cứu con”.

      Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, xin cho mọi gia đình công giáo luôn nhắc nhau nhớ đến Chúa Giêsu, sống theo Lời Chúa dạy, kết hiệp với Thánh Thể Người, tín thác vào tình yêu của Chúa, để cả nhà được vui sống bình an. Amen.

BCT

Hoa trái của sự kết hiệp với Chúa Giê-su (18.05.2022)

“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.

Ông Hai Dung, bệnh, nằm một chỗ. Có mấy người đến thăm. Ông vui mừng lắm, và nằm hát cho mọi người nghe: “Chúa ơi, xin cho lòng con luôn khao khát: được thuộc về Chúa, khi còn sống trên đời này. Vì ngoài Chúa ra có nơi nào hạnh phúc. Vì ngoài Chúa ra có nơi nào bình yên. Xin cho con yêu, như Chúa đã yêu. Xin cho con nói những lời Chúa nói. Cho con nghĩ suy, như Chúa nghĩ suy. Cho con bước đi đường Chúa đi”. Ông nói bài hát này ông thuộc lòng từ hồi còn sinh hoạt trong Phan Sinh Tại Thế, và đến bây giờ, thì rõ là, chỉ có thuộc về Chúa là hạnh phúc bình an mà thôi. Vì thế, cứ nằm nghêu ngao vậy, không buồn giận ai, chẳng tiếc gì, chỉ mong Chúa đến.

Thật cảm động. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trong Chúa, hãy liên kết mật thiết với Chúa, luôn nhớ đến Chúa, luôn khát khao thuộc về Chúa, không tách rời Chúa, không để nặng lòng với danh lợi dục trần gian mà quên sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, quên ân sủng của Chúa đang tuôn tràn. Mỗi người, mỗi ngày có trăm ngàn nỗi nhớ…người nhớ bạc tiền, người nhớ công việc, người nhớ người mình yêu, người nhớ sự nghiệp công danh….và những nỗi nhớ ấy chiếm hết thời gian không còn một phút giây để nhớ đến Chúa. Ước gì các gia đình chúng ta biết nhắc nhớ nhau “nhớ đến Chúa từng phút giây”, nhớ đến Chúa trong mọi sinh hoạt thường ngày, để nghĩ suy điều Chúa nghĩ suy, nói lời Chúa nói, làm việc Chúa làm là yêu thương dâng hiến. Ấy chính là hoa trái của sự kết hiệp liên lỉ với Chúa Giê-su. Ấy chính là ngành nho kết hiệp với thân nho.

Lạy Chúa Giê-su, xin ban ơn cho các gia đình chúng con luôn biết yêu mến Chúa, sống Lời Chúa và Thánh Thể Chúa, để Lời Chúa giúp tất cả chúng con nên công chính, và Thánh Thể Chúa thôi thúc chúng con sẻ chia. Amen.

BCT

Hoa trái của Tin Mừng (05.05.2021) 

“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”. (Ga 15, 5)

Có rất nhiều lương dân đang nhìn vào đời sống của các Ki-tô hữu để tìm hiểu, để so sánh, để đánh giá và cả việc để phẩm bình, phê phán. Và cũng có những phê phán đáng cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ. Ví dụ: “Chúng tôi không thấy tinh thần của Chúa Giê-su, giáo lý của Chúa Giê-su nơi cách sống của bạn, nơi cách hành xử của bạn”. Xin đừng ai nổi giận khi nghe lời phê phán này, nhưng ước gì, hãy khiêm nhượng mà cảm ơn họ, vì đây chính là lời nhắc nhở đáng quý cho mỗi chúng ta. Bởi, người tin vào Chúa Giê-su, phải là người yêu mến Chúa  Giê-su,  thấm  nhuần  Tin  Mừng  của  Người,  và  hoa  trái Tin Mừng phải được thể hiện trong nghĩ suy, ngôn từ, trong lời ăn tiếng nói, và cả cử chỉ hành động, cách đối nhân xử thế.

Nhân cách Ki-tô giáo không phải là sự đạo mạo bên ngoài mà chính  là  sống  tinh  thần  Chúa  Giê-su  đã  sống,  là  vui  mừng, khiêm nhượng, yêu thương, khoan dung, tha thứ, quảng đại…. Không ai muốn nhìn thấy một người nói tin vào Chúa Giê-su mà lúc nào vẻ mặt cũng u buồn, chán nản, hoặc hống hách cao ngạo, lố lăng thô bỉ… mất lịch sự, hay ta thán, trách móc, giận hờn, bất an, bất hòa, thất chí….Không ai muốn nhìn thấy một gia đình có đạo mà lúc nào cũng bất nhất,  cãi  vả,  vũ phu,  đay  nghiến,  buồn  chán,  để  bỏ nhau,  ly thân ly dị…Không ai muốn nhìn thấy một cộng đoàn tín hữu bất nhất, bất an, chẳng nghe nhau, chẳng nhịn nhau, chia rẽ… Không  ai  muốn  nhìn  thấy  một  Ki-tô  hữu  Công  Giáo  không sống tinh thần của Tin Mừng, không sống giáo lý Chúa Ki-tô.

Lạy  Chúa,  xin  cho  các  gia  đình  chúng con luôn  biết hướng lòng về Chúa, yêu  mến  Chúa Giê-su, thấm nhuần và thể hiện tinh thần của Tin Mừng trong cuộc sống vui mừng, bình an, yêu thương, hạnh phúc. Amen.

BCT

 Thầy là cây nho, anh em là cành (13.05.2020)

Trong Kinh Thánh cựu ước, cây nho, vườn nho diễn tả tình yêu thương của Thiên Chúa đối với dân Do Thái, dân riêng của Người. Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là người trồng nho”, cho ta thấy: ngày xưa Thiên Chúa đã chọn một dân tộc dành riêng cho Người để chuẩn bị đón nhận Chúa cứu thế. Còn hôm nay Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai đến, lập nên Giáo Hội là dân riêng mới của Người. “Dân riêng” này đã vượt xa cái dân riêng Chúa chọn ngày xưa, vì được tình yêu thương, dẫn dắt đặc biệt Thiên Chúa đã dành cho họ. Tình yêu thương được tính bằng giá máu của Con Thiên Chúa cứu chuộc để họ được hạnh phúc đời đời.

Tình yêu ấy hôm nay Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành nho”. Sự sánh ví sâu sắc nhưng rất đơn sơ mà ai ai cũng hiểu được. Chúa đã khẳng định một tình nghĩa gắn kết thâm sâu, không phải là lời ví von, bóng bẩy nhưng là lời xác tín chân thật. Tình yêu thương này đã vượt lên trên tình cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn ở đời. Vì thân nho, cành nho là hai thực thể mà đã nên một, được cùng một sự sống nuôi dưỡng và phát triển: “Thầy là cây nho anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được”.

Thật vậy nếu cành nho mà tách khỏi thân nho thì chỉ nên “khô héo” và “Người ta nhặt lấy quăng vào lửa cho nó cháy đi”. Giáo Hội Chúa xưa nay đã ý thức bổn phận phải “ở lại trong Thầy” để được sống và để “sinh nhiều hoa trái”. Giáo Hội luôn lấy lời Chúa dạy làm kim chỉ nam cho đời sống mình. Trước khi làm một việc gì đều hết lòng cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn. Nhớ lại công đồng Vatican II (1961-1965) có đến trên 2000 giám mục cùng đại diện mọi thành phần dân Chúa đã về họp để xác tín lại mọi lãnh vực của Giáo Hội. Các ủy ban được bầu ra. Ủy ban về sự sống, các vị đã soạn ra một văn bản dự thảo, cho phép đôi vợ chồng sử dụng mọi phương pháp để hạn chế sinh sản. Khi ký phê duyệt, Đức Giáo Hoàng đã phải suy nghĩ và cầu nguyện suốt 9 tháng, rồi bác bỏ văn bản đó. Sau này chỉ có 3 phương pháp tự nhiên được phép áp dụng.

Lời Chúa nói với các tông đồ xưa, cũng là nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Lời dạy ấy xác tín đối với đời sống linh hồn và cả đời sống thân xác tôi. Nhìn đất trời tay Chúa sáng tạo tôi thầm cảm tạ vì từng phút giây tôi sống được là nhờ những thứ ấy. Còn linh hồn tôi, là hơi thở thần thiêng của Người. Nó quý hơn vạn lần cái xác, đã được Chúa thổi vào cục đất mà nên người tôi. Vậy thì làm sao nó còn sống được nếu mà rời Chúa?

Vụ động đất ở Acmênia gần đây đã kể lại: Có hai mẹ con bị vùi sâu trong đống gạch đổ. Đã mấy ngày, mẹ không còn một giọt sữa để con bú. Người mẹ bèn xẻ ngón tay mình ra để có một chút máu cho con mút, hòng kéo dài sự sống cho con, mong người ta sẽ đến cứu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với ta còn gắn kết hơn tình mẹ con ấy.

Lạy Chúa! Con hết lòng cảm tạ tình yêu thương Chúa đã tác tạo con và được sống gắn kết với Người Con của Chúa như cành nho với thân nho. Xin cho con được ở lại mãi trong tình yêu ấy mà sinh hoa kết trái dồi dào trên cả xác hồn, mà tôn vinh Thiên Chúa trong suốt đời con. Amen.   

Giuse Lâm Ngọc Năng

Thầy là cây nho, anh em là cành (22.05.2019)

Hình ảnh cây nho đã được Thánh Kinh cựu ước nhiều lần nhắc tới: “Gốc nho này Chúa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng”.(Tv 80,9). Đó là hình ảnh dân Do Thái, Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn. Hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là người trồng nho”. Chúa Giêsu dạy ta Người là thủ lãnh một dân mới, dân riêng của Thiên Chúa, Hội Thánh do Người thiết lập. Đây là một dụ ngôn đặc biệt nhất trong Tin Mừng: Gọn gàng, đơn sơ, thực tế mà ai cũng dễ dàng hiểu được. Nhưng nó lại rất sâu sắc uyên thâm tình yêu thương máu thịt giữa Thiên Chúa với Chúa Kitô và Hội Thánh Người.

Xưa Thiên Chúa đã tuyển chọn, tôi luyện dân Do Thái hàng ngàn năm lịch sử, nhất là trong hành trình Sa Mạc về Đất Hứa. Ngày nay trong Hội Thánh Người, Thiên Chúa vẫn chương trình yêu thương, tôi luyện, “cắt tỉa” bằng những giáo huấn mà Chúa Giêsu đã rao giảng, để dân Người được “sinh hoa trái”, được đến bến bờ vinh quang. Đó là con đường khổ giá mà Chúa Giêsu là người dẫn đầu. Chúa Giêsu chỉ cho ta một nguồn năng lượng của Thiên Chúa để ta tháp nhập vào mà sống, mà đi trên con đường khổ giá ấy mà tới quê trời: “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Thật là mầu nhiệm và rõ ràng. Cây nho và cành nho cùng được lưu truyền và được sống bởi dòng nhựa sống được tạo nên từ đất trời. Cây nho, cành nho đã nên như một thân thể không thể tách rời nhau mà thánh Phaolô sau này đã dạy: “Hội Thánh là chi thể mầu nhiệm của Đức Kitô” (1Cr 12,12).

Vậy rõ ràng chẳng có cái cành nào lìa khỏi thân cây mà nó còn sống, còn ra trái được. Nhưng Chúa Giêsu muốn nói những cành nho kia là chính các tông đồ, chính chúng ta: “Ai ở lại trong Thầy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em không thể làm gì được”. Lời vừa mời gọi vừa cảnh báo của Chúa nay đã thành hiện thực. Người không muốn các ông trở thành những nhà khoa học, nhà kinh tế, những nhà cầm quyền. Nhưng muốn các ông đi “chài lưới người”, “đi giảng dạy muôn dân… Cho danh Cha được cả sáng…”. Dù tài hèn trí mọn các tông đồ và bao con cái Chúa đã “ở lại trong Người”, tháp nhập với Người. Hai nghìn năm nay đã trồng nên vườn nho tuyệt vời đó là Hội Thánh Chúa.

Đọc cuốn “Sinh nguyên truyền giáo vụ” của hội truyền giáo Paris. Người ta bàn về để truyền giáo có hiệu quả, thì cái điều cốt lõi trong người truyền giáo phải có là cái “sinh nguyên”. Cái dòng nhựa sống nguyên tuyền chảy từ Chúa Kitô là cây nho hằng sống. Sách ca ngợi một vị thánh đơn nghèo – Têrêsa hài đồng. Chị chỉ có 24 tuổi đời, 9 năm làm bổn phận thường nhật của dòng kín. Chị cầu nguyện chuyên chăm, tín thác nơi Chúa, yêu thương, vâng lời… Vậy mà được phong là tiến sĩ của Hội Thánh, làm bổn mạng các nơi truyền giáo.

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con luôn được sống trong Ngài, bởi Ngài như cành nho sống bởi thân nho, thì hồn xác con mới được sống dồi dào, mới sinh được nhiều hoa trái. A men.

Gs. Ngọc Năng

Nhân đức là những hoa trái trổ sinh trong đời thường (02.05.2018)

Kể truyện:

GIÁM MỤC JEAN CASSAIGNE

Cha Jean Cassaigne là người Pháp, tự nguyện xin sang Việt Nam để truyền giáo. Ngài có tên Việt Nam là Gioan Sanh. Đức Giám Mục Địa Phận Sàigòn Dumortier cử cha đến vùng rừng núi Di Linh, nơi có nhiều người K’Ho. Lúc này bệnh phong đang hoành hành nơi đây.

Một lần, cha Gioan đi tìm thăm bệnh nhân, gặp rất nhiều người bệnh nặng, thân xác héo tàn; từ đó cha quyết tâm dựng một mái nhà để chăm sóc những người bất hạnh này. Cha kêu gọi các bệnh nhân từ trong rừng đến đây cùng chung sống. Với sự hỗ trợ của nhiều người quen, Cha mở được một nhà phát thuốc, băng bó, chữa trị cho các bệnh nhân. Lần ấy, cha cũng bị bệnh sốt rét rừng hành hạ, phải về Pháp chữa trị trong 9 tháng.

Lần khác, một bệnh nhân bị một Nữ Tu quở trách nặng lời vì đã phạm lỗi. Cha Cassaigne nghe thấy, liền lên tiếng trách sơ trước mặt bệnh nhân. Sau đó ông đi tìm xin lỗi sơ và nói: “Hôm qua cha trách con, cốt ý để cho bệnh nhân đừng tủi, mặc dầu con đã làm phải. Cha đến xin con đừng buồn. Chúng ta không thể làm Chúa Giêsu buồn thì cũng đừng làm cho người cùi buồn. Vì họ là con Chúa, là hình ảnh Chúa Cứu Thế đau khổ trên thập giá”.

Ngày 24.12.1945, cha Cassaigne đột ngột được tin Tòa Thánh Roma bổ nhiệm ông làm Giám Mục Giáo Phận Sàigòn nên đành phải từ biệt những con người bệnh tật và mảnh đất cha yêu thương nhất.

Đức Cha Gioan Sanh đọc phiếu kết quả xét nghiệm xác nhận bị nhiễm vi trùng Hansen (bệnh phong). Đức Cha cười nói: “Đây là quà mừng lễ quan thầy của tôi”. Đức Cha nói với những người đang lo lắng ở xung quanh: “Không phải bị mà là được về Di Linh với đoàn con! Có đau mới hiểu người đau và biết thương họ nhiều hơn”. Và ngày 13-12-1955, Đức Cha Gioan Sanh đã từ chức Giám Mục Sài Gòn trở lại Di Linh với những ngừoi bệnh cùi.

Suy niệm:

“Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15, 2). Hoa trái chính là những việc lành phúc đức mà con người cố gắng thực hành nhờ ơn Chúa giúp.

Để sinh được nhiều hoa trái con người cần phải tập luyện các nhân đức. Nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa ban. Nhân đức tự nhiên do con người tự tập luyện mà có. Những nhân đức ấy có từ Tư tưởng – Lời nói – Hành động.

Mỗi ngày, hãy luôn tập suy nghĩ về Thiên Chúa, lấy Lời Chúa ra suy niệm hằng ngày, mọi nơi mọi lúc ta đều cầu nguyện, ta sẽ có nhân đức về tư tưởng, lý trí. Tư tưởng và lý trí của ta luôn thuộc về Chúa, có Chúa soi dẫn, ta luôn suy nghĩ trong ơn Chúa Thánh Thần. Ta luôn suy nghĩ thánh thiện, sợ tội, sợ điều gian ác.

Mỗi khi nói, chúng ta hãy tập nói những lời yêu thương, những lời của chân lý sự thật. Có một câu danh ngôn: “Người ta có thể mất hai năm để tập nói, nhưng mất cả đời để tập im lặng.” Khẩu nghiệp làm cho người ta bị tổn thương nhiều nhất trên đời này. Khẩu nghiệp dẫn đến hận thù, chia rẽ, giết hại lẫn nhau.

Ngày nào cũng tập nói những lời hay, những lời tốt cho nhau. Miệng lưỡi ta sẽ sợ hãi khi thốt lên những lời thô tục, ác độc. Những lời nói xúc phạm đến người khác tức là ta đã xúc phạm đến đức yêu thương. Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Vừa lòng nhau là vừa lòng Thiên Chúa. Ngày nào cũng tập luyện cho lời mình nói luôn tốt đẹp, hướng thiện, chúng ta có nhân đức của Lời.

Mỗi việc chúng ta làm, chúng ta hãy làm vì đức yêu thương. Khi chúng ta suy nghĩ, những suy nghĩ thánh thiện, những ước muốn tốt lành, tư tưởng của ta thuộc về Thiên Chúa. Và, mỗi khi ta nói, nói những lời yêu thương, nói những lời của Thiên Chúa trên môi trên miệng. Tất cả những tư tưởng, lời nói đều có Chúa, đều thuộc về Chúa, và luôn kết hiệp với Chúa, thì chắc chắn hành động của chúng ta sẽ tốt đẹp, lành thánh.

Nhân đức là thói quen tốt do tập luyện. Mỗi khi chúng ta tập luyện các nhân đức, chính là ta đã để cho Lời Chúa cắt tỉa những thói hư, tật xấu, những ước muốn đam mê yếu hèn.

Như Đức Mẹ Maria, người ta thường nhắc đến 12 nhân đức:

1) Ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến.

2) Bốn nhân đức trụ: Khôn ngoan, Công bằng, Can đảm, Tiết độ.

3) Ba nhân đức theo lời khuyên Phúc âm: Khiết tịnh, Khó nghèo, Vâng phục.

4) Hai nhân đức theo Chúa Giêsu: Hiền lành và Khiêm nhường.

Hoa trái chính là những nhân đức. Nhân đức càng nhiều, càng trở nên như một thói quen không thể thiếu hàng ngày sẽ luôn trổ sinh hoa trái bằng những ảnh hưởng trực tiếp cho những người xung quanh. Bằng những lời nói lôi cuốn những người tội lỗi trở về đường ngay nẻo chính. Bằng những hành động bác ái yêu thương đối với hết thảy tha nhân. Nếu không có nhân đức sẽ không sinh được hoa trái.

Đó chính là cành nho được cắt tỉa và sinh nhiều hoa trái. Vì đã nghe và thực thi Lời Chúa.

Khi chúng ta tập luyện được các nhân đức, chúng ta sẽ nhớ thời gian dành cho Chúa, mỗi sáng nhớ thức giấc đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Chúng ta sẽ luôn lắng nghe và đọc Lời Chúa, mỗi ngày chúng ta sẽ mở miệng đọc một câu kinh thánh để suy niệm. Cuối cùng, chúng ta luôn hành động có Chúa, trong Chúa và thuộc về Chúa. Kết hiệp mật thiết với Thánh Thể và hành động bác ái phục vụ nơi tha nhân.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết tập luyện các nhân đức, để con trở nên một cành nho trong thân nho chính là Chúa. Chúa sẽ cắt tỉa con mỗi ngày, cho con sinh nhiều hoa trái cho Chúa và cho tha nhân. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Sự liên kết mật thiết với Chúa (17.05.2017)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu nói chính Ngài à hình ảnh cây nho thật mà Chúa Cha ưng ý. Cây nho trổ sinh nhiều hoa trái cho Thiên Chúa. Ðức Giêsu là cây, các môn đệ là cành. Cành nho chỉ sinh nhiều hoa trái khi gắn liền với cây và được cắt tỉa. Môn đệ Ðức Giêsu cũng chỉ trưởng thành trong ân sủng khi được kết hiệp với Ngài và được thanh luyện trong giáo huấn của Ngài. Ðời sống thiêng liêng của chúng ta cũng lớn lên và sinh hoa trái khi chúng ta chấp nhận loại bỏ, cắt tỉa những gai góc, những chướng ngại trong chúng ta và biết gắn kết với Ðức Giêsu.

Thầy là đích thực Cây Nho

Các con là nhánh phải cho trái nhiều

Nhành nào khô héo tiêu điều

Liền bị cắt bỏ hỏa thiêu cháy tàn

*

Cha Thầy tình nghĩa vô vàn

Trông nom, săn sóc, lo toan vun trồng

Nhành nào hoa trái chín nồng

Là do cắt tỉa, trái càng nhiều thêm

Chúa Giêsu đã ví Ngài như cây nho và tất cả chúng ta là những cành nho. Quả thật nếu cành nào không gắn liền với thân cây chắc chắn nó sẽ bị khô héo và tàn lụi. Thiên Chúa chính là nguồn mạch ban muôn ơn lành cho tất cả mọi người. Nếu chúng ta không gắn chặt vào Ngài như cành nho gắn liền với thân cây nho, thì chúng ta sẽ cảm thấy vô vọng, cuộc đời này có vẻ như quá buồn tẻ và chúng ta sẽ không bao giờ tìm được nguồn bình an và hạnh phúc đích thực. Chỉ khi tìm được đến Thiên Chúa, chúng ta mới cảm nhận được nguồn hạnh phúc chứa chan đó. 

Cây cành gắn kết chắc bền

Truyền thông nhựa sống êm đềm cho nhau

Cành sai trĩu quả trước sau

Cây càng tươi tốt trổ mau nhánh nhành

*

Các con nguyện ước đạt thành

Thầy thương chúc phúc ơn lành gởi trao

“Hoa trái” đầy ắp dồi dào

Lời Thầy chân thật chuyển vào các con

Cốt lõi của Đạo Chúa là gắn bó, có tương quan thân thiết với Chúa Giêsu như cành nho gắn liền với thân nho. Để có được mối tương quan thân thiết ấy, chúng ta cần gặp gỡ Ngài thường xuyên mỗi ngày qua cầu nguyện, tham dự thánh lễ, đọc Lời Chúa, viếng Thánh Thể… Bởi vì gắn bó với Lời Chúa và Thánh Thể chính là lẽ sống của người Kitô hữu chúng ta.

Các con muốn được trường tồn

Hãy luôn ở lại tâm hồn Thầy đây

Ai không ở lại trong Thầy

Sẽ bị ly cách, phanh thây tàn đời

*

Các con muốn sống muôn đời

Phải luôn tuân giữ những lời Thầy khuyên

Thực hành gắn bó kết liên

Cùng Thầy nên một, nối liền anh em

Lạy Chúa! Xin cho chúng con là cành luôn gắn chặt với Chúa là thân cây. Chúng con chỉ có thể sống, lớn lên và sinh nhiều hoa trái trong đức tin và ân sủng nhờ sức sống của Chúa. Xin cho chúng con can đảm để Chúa cắt tỉa chúng con. Dù khi bị cắt tỉa chắc chắn là đau xót, nhưng thà chúng con chịu đau để được sống đời đời bên Chúa. Amen.

HOÀI THANH

Chúa là cây nho – con là cành nho (27.04.2016)

“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.  Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi”. Đức Giêsu khẳng định Người là cây nho thật và Chúa Cha là người trồng nho. Người là thân cây, dù là thân cây gầy guộc sần sùi, nhưng lại chứa đầy nhựa sống tình yêu để chuyển thông cho chúng con là cành. “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”

Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với thân cây là chính Chúa. Chúng con phải liên kết, “ở lại” với Người để sức sống của Thiên Chúa được chuyển thông đến chúng con. Chúng con phải “gắn liền” với thân cây trong thinh lặng, cầu nguyện, với Lời Chúa và Thánh Thể. Xin đừng để bất cứ thứ gì ngăn cản sự chuyển thông làm chúng con bị khô héo đi.

Hoa trái ở đây là lòng mến yêu Thầy, yêu anh em nhờ được chuyển thông nhựa sống tình yêu, nhờ gắn liền, kết hợp với Thầy. Nhờ ở trong Thầy, “nghe” Lời Thầy thì đời sống chúng con sẽ lộ rõ những hoa quả của Thần Khí là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22-23).

Hoa trái sẽ tỏ lộ trên nét mặt vui tươi hiếu hòa, tỏ ra đôi tay sẵn sàng thực thi bác ái yêu thương, phục vụ chăm sóc mọi người, từng người cách cụ thể. Ngành nào sinh hoa trái sẽ làm đẹp lòng Chúa, đây cũng là điều kiện cho ngành được tồn tại.

Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”Cành nào sinh trái thì phải chịu cắt tỉa, để càng sinh nhiều hoa trái hơn. Nhưng khi chúng con “được” cắt tỉa thì ắt là đau đớn vì phải từ bỏ bao nhiêu cản trở, những thói hư tật xấu, mà nó trái ngược ý muốn của chúng con. Người trồng nho cũng xót xa khi phải tỉa bỏ đi những phần không sinh lợi, nhưng vì lợi ích là hoa trái nên không thể làm khác được.

Nhưng nếu con thực sự ở trong tình yêu của Người, từ từ tình yêu Người cho con nhựa sống để con được sống và sống dồi dào, thì những uế tạp sẽ bị loại trừ vì nó không còn thích hợp với “sức sống mới” của Người đang luân chuyển trong con. Khi những bụi bặm uế tạp bị loại trừ, thì hoa trái tốt lành càng có cơ hội nảy nở, phát triển phong phú dồi dào trong con.

Có sức sống của Chúa cùng làm trong chúng con, việc loan báo sẽ trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả vượt quá ước mong. Ông Phaolô và Banaba trong bài đọc I đã tường thuật những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông: “Khi đi qua miền Phênixi và miền Samari, các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng. Tới Giêrusalem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông… Có những người thuộc phái Pharisêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê”.

Lạy Chúa Giêsu là cây nho đích thực, xin cho chúng con luôn hiệp thông gắn chặt với Chúa, để được hưởng nguồn sức sống dồi dào từ Chúa. Chúng con biết rằng, một khi gắn chặt với Chúa, chúng con phải đón nhận sự cắt tỉa, hy sinh. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng cần phải có hy sinh để mang lại hoa trái dồi dào.

Chúa là cây nho, con là cành nho, cũng như muôn cành kết hiệp, kết hiệp cùng cây. Chúa muốn con hằng trổ sinh hoa trái thơm lành… Chúa muốn con hằng ở lại trong tình yêu Chúa. Con muốn con là từ đây như người bạn thân.

Én Nhỏ  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *