Tương tự như thức ăn, luật pháp quy định tất cả các loại thuốc đều phải ghi rõ ngày hết hạn trên nhãn hiệu thuốc. Nhiều người vẫn còn thắc mắc là có thể dùng thuốc quá hạn bao nhiêu ngày mà vẫn an toàn?
Câu trả lời tóm gọn: trong đa số trường hợp, ngày hết hạn ghi trên lọ thuốc không có nghĩa là thuốc trở thành vô hiệu hay biến thành thuốc độc. Phải hiểu rằng, ngày mãn hạn ghi trên lọ thuốc chỉ có nghĩa là, sau ngày ấy, hãng thuốc không bảo đảm hoàn toàn 100% công hiệu của thuốc.
Thật ra để đề phòng bị thưa kiện và để bán được nhiều thuốc, các hãng thuốc có khuynh hướng ghi ngày hết hạn rất ngắn, ngắn hơn nhiều là ngày thuốc thật sự mãn hạn. Tuy rằng thuốc càng để lâu, dược tính sẽ giảm lần vì thành phần cấu tạo nên thuốc có thể từ từ yếu đi theo thời gian. Nhưng, rất nhiều loại thuốc vẫn giữ được công hiệu nhiều năm sau ngày mãn hạn.
Ngay chính cơ quan FDA, một mặt đòi hỏi các công ty dược phòng phải thử nghiệm về độ bền và hiệu năng của thuốc theo thời gian và tùy theo tình trạng bảo quản được kể là “mạt rệp” nhất. Mặt khác, FDA lại nhân nhượng cho phép các hãng thuốc gia hạn thêm, nếu cần, như trong trường hợp thuốc bị khan hiếm, chẳng hạn. Như thế ngày hết hạn của thuốc không có nghĩa là tuyệt đối.
Rất nhiều nghiên cứu và ngay cả cơ quan FDA đã công nhận hầu hết thuốc men đều giữ được công hiệu nhiều năm sau ngày hết hạn. Thí dụ, năm 2006, một nghiên cứu đăng trên tờ báo dược khoa, Journal of Clinucal Pharmacology, cho thấy gần 90% thuốc vẫn còn hiệu nghiệm sau ngày hết hạn từ 1 đến 5 năm.
Nói chung, ngoại trừ các loại thuốc nước, hầu hết các loại thuốc viên đều an toàn và hữu hiệu. Ví dụ như thuốc trụ sinh Doxycyclin vẫn còn 80% dược tính sau hơn 20 năm, hay thuốc Cipro vẫn còn tốt sau hơn 12 năm.
Sau đây là một số ví dụ tiêu biểu khác:
- Thuốc Ibuprofen (Motrin, Advil) nếu là thuốc viên thì vẫn còn hữu hiêu tối thiểu là 5 năm và còn lâu dài hơn nữa. Nếu là thuốc nước, “sy-rô”, thì dễ bị nhiễm chất dơ vì thế nên giữ trong tủ lạnh. Cho dù vậy, thuốc vẫn an toàn cho dù ngày hết hạn không lâu bằng thuốc viên.
- Thuốc Tylenol, acetaminiphen cũng còn hiệu lực tối thiểu là 5 năm. Nên bảo quản thuốc trong chỗ mát và tránh ánh nắng mặt trời.
- Thuốc Aspirin, tương tự như các loại thuốc trên, hữu hiệu đến 5 năm và nhiều hơn. Không nên giữ thuốc trong tủ thuốc trong phòng tắm, vì hơi nước có thể làm hư thuốc mau chóng.
- Thuốc trụ sinh, nên dùng ngay và không nên để dành. Tuy nhiên hầu hết thuốc trụ sinh vẫn còn công hiệu ít nhất là sau một năm.
- Thuốc ho. Đa số các loại thuốc ho là thuốc nước, syrup, thì không nên giữ dài hạn, và nên bảo quản trong tủ lạnh.
- Thuốc xịt mũi, thuốc hít vào phổi thì không nên để lâu. Các loại thuốc nầy thường chứa các loại hoá phẫm phụ để bảo quản thuốc. Theo thời gian, các chất nầy dể biến đổi, tăng nguy cơ bị nhiễm độc.
- Thuốc nhỏ mắt. Các loại thuốc nầy phải dùng ngay và nên loại bỏ sau ngày hết hạn. Đôi mắt rất quý, không nên liều mạng và tiếc của.
- Thuốc ngủ, thuốc an thần. Hầu hết các loại thuốc ngủ bán không cần toa đều giữ được công hiệu sau nhiều năm. Tuy nhiên, hiệu năng giảm đi khá nhanh so với các loại thuốc khác. Vấn đề ở đây là khi hiệu năng giảm, người dùng thuốc có khuynh hướng sẽ dùng nhiều hơn quá liều lượng, do đó, gây ra phản ứng phụ.
- Thuốc chống dị ứng, nếu là thuốc viên, đa số có tuổi thọ trên vài chục năm. Ví dụ như thuốc Diphenhydramine (Benadryl) được biết vẫn còn công dụng sau 15 năm. Các loại thuốc nước, nên quăng bỏ sau ngày hết hạn.
- Thuốc Valium là một loại thuốc an thần có toa bác sĩ khá thông dụng. Lời khuyên của các dược sĩ là nên dùng thuốc trước một năm.
Nói chung, hầu hết thuốc men, nếu được bảo quản tốt đều có công hiệu tối thiểu từ 1 đến 5 năm. Tuy nhiên, các loại thuốc trị bệnh tim, bệnh hen suyễn dị ứng cấp kỳ thì không nên dùng lâu quá ngày hết hạn. Nói như thế cũng không có nghĩa là trong trường hợp khẩn cấp lại nhất định không dùng tạm một vài viên thuốc quá hạn. Và nếu lỡ thiếu thuốc chưa mua kịp thuốc mới thì dùng tạm một vài viên cũng không hại gì. Có còn hơn không!
(B.S Hồ Ngọc Minh)
CẨN THẬN: Việt Nam nhập cảng dược liệu chỉ toàn ‘bã rác’ của Trung Quốc
Dược liệu bị Trung Quốc chiết xuất lấy hết chất thuốc bên trong rồi lừa bán sang Việt Nam để làm thuốc.
“Thị trường dược liệu toàn là bã, chẳng còn chất gì bên trong nên mất hết công dụng bồi bổ hay phòng chống bệnh tật.” Đó là thông tin được Tiến Sĩ Hồ Bá Do, phó chủ tịch Hội Y Học Cổ Truyền Việt Nam, kiêm phó viện trưởng Viện Thực Phẩm Chức Năng Việt Nam, cho biết tại hội thảo “Gian lận thương mại – Hệ lụy và giải pháp,” do Công Ty Truyền Thông Quốc Tế Nam Hàn – Việt Nam, tổ chức ngày 16 Tháng Giêng, 2019 ở Sài Gòn.
Chẳng hạn, cây dâm dương hoắc rất quý chỉ có ở vùng cao Việt Nam, người Trung Quốc chiết xuất hết tinh chất, chỉ còn lại xác cây. Người dân đem xác cây này bán tiếp, về đến “chợ” dược liệu ở quận 5, Sài Gòn bán ra chỉ 30,000 đồng (hơn $1)/kg (trong khi loại dược liệu này có giá đến vài triệu đồng/kg).
Cũng theo ông Do, hầu hết dược liệu của Trung Quốc xuất bán sang Việt Nam cũng toàn là bã, rác vì đã bị lấy hết dược chất. Loại rác dược liệu này lại được đưa sang Việt Nam bán với giá khá rẻ nên tiêu thụ mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam xuất bán dược liệu sang Trung Quốc dưới dạng thô, nguồn hàng này cũng bị rút sạch tinh chất rồi quay ngược về Việt Nam để bán tiếp ra thị trường cho người Việt sử dụng.
Bên cạnh đó, các loại thực phẩm chức năng đang tiêu thụ trên thị trường cũng trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn,” chưa được kiểm soát và đang được quảng cáo quá mức, sai sự thật. Các sản phẩm chức năng “Made in Vietnam” chỉ mới tiêu thụ nội địa, chưa đủ điều kiện xuất cảng, thậm chí sản xuất không đúng với phẩm chất như nội dung ghi danh công bố sản phẩm.
Tin cho biết, năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với 63 sản phẩm. Đến năm 2016, có 1,872 cơ sở sản xuất với 3,447 sản phẩm và con số này hiện nay đã cao hơn rất nhiều.
Ông Do nói thêm, có quá nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng nhưng đến thời điểm này chỉ vài cơ sở được chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP). Trong khi ở các nước khác, thực phẩm chức năng được lưu hành phải đạt 4-5 chứng nhận.
Theo quy định, từ ngày 1 Tháng Bảy, 2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải áp dụng GMP. “Cơ sở muốn sản xuất theo GMP phải đầu tư 30 tỷ đến 40 tỷ đồng (hơn $1.2 triệu đến hơn $1.7 triệu). Nhiều nơi sẽ không đáp ứng được và tìm cách sản xuất lậu, tung hàng giả ra thị trường,” ông Do cảnh báo. (Tr.N)