Tiếng gọi giữa núi rừng Bù Đốp hoang vu

Anh Sarem, người mặc áo đỏ học với anh em

Sarem, một chàng trai Stieng, sinh ra và lớn lên ở Bình Long. Năm 23 tuổi, anh theo vợ về Phước Long, suốt 10 năm trời hai vợ chồng cùng nhau gầy dựng nhà cửa nương rẫy, và Chúa cho 2 anh chị có được 4 cậu con trai lớn khôn khỏe mạnh. Thế nhưng năm 1994 thì chị bị đổ bệnh phải tìm thầy chạy thuốc cả năm trời, vì thế nhà cửa nương rẫy cũng không cánh mà bay.

Anh chị lại bồng bế cùng với một số gia đình đi tìm đất mới ở Bù Đốp. Việc khai khẩn rừng hoang cực nhọc lắm, nhiều gia đinh bỏ về, nhưng gia đình anh chị thì đâu còn đất còn nhà để về, phải cố bám đất bám rừng mà sống.

Năm 1997 khi đang loanh quanh làm thuê làm mướn ở Phước Long, anh Sarem nghe biết ở đây có một trạm xá dành cho người nghèo. Sẵn trong làng có người bệnh nặng, anh giới thiệu người này tới trạm xá. Nhưng vì bệnh quá nặng, trạm xá chuyển người anh ấy qua bệnh viện. Và rồi bệnh không qua khỏi, anh em trạm xá lại thuê xe đến đón anh ấy về để gặp mặt con cái lần cuối.

Thế nhưng đường về làng heo hút lắm, xe không thể chạy tới nơi, anh em phải thay nhau lúc khiêng lúc cõng, và anh đã nhắm mắt từ giã cõi đời ngay khi dòng nước thanh tẩy cũng vừa kịp tuôn trào trên trán, đưa anh vào cõi sống vĩnh cửu, trong vòng tay của anh em phục vụ trạm xá, cũng là nhóm anh em đang trên đường loan báo Tin Mừng.

Đưa người bệnh về tới làng, các anh về lại nhà trong đêm, và sáng hôm sau, cùng với ông bố đã bén gót vùng này, các anh trở lại đóng hòm để anh có một cái áo quan tươm tất, rồi cả nhóm xúm lại cầu nguyện, đặt anh trong vòng tay Chúa là đấng đã hứa ban Nước Trời cho những ai nghèo khổ.

Cái chết, với những vòng tay trìu mến, đã trở thành tiếng gọi của Thiên Chúa tình yêu.

Sau đám tang, anh bạn Sarem đã tìm đến với nhóm loan báo Tin Mừng, anh được dẫn vào học giáo lý cùng với các anh em sắc tộc khác. Khóa học chỉ gói gọn trong 3 ngày, vậy mà ngay khi kết khóa, anh được sai đi tháp tùng anh em nhóm loan báo Tin Mừng, thăm lại Bình Long, quê hương anh.

Về lại làng của mình, ngôi làng này khi gia đình anh dọn tới ở đã theo Tin Lành gần hết, anh bắt đầu dẫn dắt gia đình đến bên Chúa. Gia đình anh lúc này đã có 4 cậu con trai và một bé gái rất dễ thương.

Dù mới chỉ học với nhóm loan báo Tin Mừng 3 ngày, nhưng anh cứ dựa vào sách kinh nhỏ để dạy cho vợ con, thêm cuốn giáo lý bổn đồng ấu. Từ gia đình lân la qua hàng xóm, chỉ ít tháng sau là có thêm 4 hộ. Bản thân anh cũng có thêm những cơ hội học hỏi giáo lý và Lời Chúa sau đó.

Đến ngày 3 tháng 12 Năm Thánh 2000, anh đã dẫn đưa về bên dòng suối thanh tẩy được 16 gia đình.

Thời gian này, giáo xứ không có linh mục, cha xứ kiêm nhiệm ở tận Phước Long, mỗi 3 tuần mới tới dâng lễ một lần. Bà con thường tập trung ở nhà anh chị, các cháu nhỏ thì tối thứ Tư, người lớn thì tối thứ Bảy, cùng nhau tập đọc kinh và học thêm giáo lý. Các cháu nhỏ nhờ mấy túi kẹo thi đua thuộc kinh lẹ lắm. Thật tuyệt vời, một mái nhà cho những mái nhà, hai anh chị bề ngoài chẳng có gì hơn người, nhưng từ ngày nhận được ánh sáng Tin Mừng, anh chị không chỉ biết bám đất bám rừng mà sống, mà hơn thế, bám vào Chúa mà sống, tin tưởng bước đi theo lời Thiên Chúa hứa.

Làng của anh, vì là vùng đất mới, nên cứ kẻ này đến thì người khác lại đi, số gia đình tin theo có khi lên tới trên năm chục, nay thì tròn con số 42 với 127 nhân danh.

Năm 2005, có cha về ở luôn, anh xin hiến một phần đất của gia đình để dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ, chỉ cần khung sắt tiền chế và mái tôn là bà con có nơi sinh hoạt rộng rãi, qua năm 2007, được một nhóm anh em thành phố phụ giúp, cho xây tường chung quanh, nghiễm nhiên trở thành ngôi nhà nguyện đầu tiên vùng này. Từ đó, bà con hàng tuần có nơi thờ phượng.

Nhà nguyện bên trong khu đất của anh Sarem
Nhà nguyện bên trong khu đất của anh Sarem

Cũng từ năm 2005, anh bắt đầu tìm đến những làng chung quanh. Anh đi tới làng 134, gặp ông Hoàng, Ông Lâm, khởi đầu với 2 gia đình và cũng là 2 trụ cột cho xóm đạo mới, chẳng bao lâu số người trở lại tăng thêm mãi, nay đã được 35 gia đình, nghĩa là gần như cả làng: họp nhau mỗi chiều thứ Bảy. Đi tiếp qua ấp mới, cũng được 45 gia đình và cũng đã dựng được một nhà nguyện nhỏ. Đi tiếp đến Thiện Cư gặp được ông già Hớt, vùng này gần giáo xứ Thanh Hòa, nhưng cha xứ Thanh Hòa lại không nhận vào giáo xứ của mình, vì thế con số ban đầu là 16 gia đình, nay vẫn nguyện vẹn là 16.

Từ Thiện Cư, anh muốn đi xa hơn, vì vẫn còn một làng nữa, nhưng Thiên Cư đang trong cảnh bơ vơ thì làng kế tiếp nếu có người trở lại lấy ai chăm sóc.

Thế là từ năm 1997 tới nay, từ cái chết của một người trong vòng tay thương yêu chăm sóc của nhóm bạn đường, một con người đã tìm gặp Hội Thánh. Khởi đầu với bước chân của một người lên đường tìm kiếm, hôm nay, sau 23 năm, Hội Thánh đã lan rộng, số người trở lại đã trên 500, con số đủ để thành lập một giáo xứ. Thế nhưng vì thiếu mục tử, suốt 23 năm qua chỉ có một linh mục kiêm nhiệm 3 giáo xứ, không có người đứng ra để tổ chức các sinh hoạt chung, đặc biệt các sinh hoạt thiếu nhi.

Chỉ vài tháng gần đây mới có thêm 2 linh mục về hai giáo xứ bên, cha xứ có thể dễ dàng chăm sóc cho hơn 500 bà con sắc tộc thuộc 4 làng chung quanh. Tuy nhiên mọi thứ dự định phải dừng lại và chờ đợi qua cơn đại dịch Covid, để khởi động một chương trình tân Phúc Âm hóa, để các anh chị em vẫn còn xa lạ với đức tin Công giáo có thể gặp được nguồn mạch ân sủng và sự thật.

Một cặp vợ chồng trẻ tay trắng với 4 bé trai năm nào rời Phước Long, bồng bế nhau tiến vào cánh rừng Bù Đốp, một bước đường như thể phiêu lưu vô định. Thế nhưng rồi chỉ một năm sau đó, giữa cảnh nhiều gia đình cùng quay đầu về lại làng cũ vì núi rừng nghiệp ngã, thì người không có chỗ để trở về lại nghe được tiếng gọi để tiến sâu hơn nữa, tiến vào tận cung lòng Thiên Chúa tình yêu, ở đó anh chị gặp được không chỉ đất này, mà còn là Nước Trời Thiên Chúa hứa ban cho những ai nghèo khổ.

Thấm thoát đã 23 năm, 4 cậu con trai năm nào nay đã lập gia đình, anh chị đã có cháu nội bồng ẵm. 4 cô con dâu thương nhau như chị em ruột, đỡ đần nhau trong mọi chuyện. Chỉ còn cô gái út, đứa con sinh ra trên vùng đất mới, vẫn còn bên mẹ cha. Còn anh, năm nay đã ngoài 60, nhưng bước chân vẫn miệt mài, lòng anh vẫn mở rộng, mắt vẫn không ngừng tìm kiếm, bước chân vẫn không ngừng lao tới để chỉ ra chân trời của Nước Thiên Chúa rộng mở cho những ai nghèo khổ.

Đaminh Trần Văn Tân, SJ.
Mục Vui bước Tin Mừng là sự cộng tác giữa Vatican News Tiếng Việt và Uỷ ban Loan báo Tin Mừng của Hội đồng Giám mục Việt Nam với những chia sẻ kinh nghiệm sống động của những người đặt bước chân mình trên “cánh đồng”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *