https://www.youtube.com/watch?v=0xjJxBXmr1Y&list=PLvsCHy91KvPAnlGWrPvlO9rvNw7nwqD8y
I. ĐỊNH NGHĨA
Cử chỉ: cách minh họa, một ý tưởng trừu tượng bằng bàn tay.
Dáng điệu: Vẻ bề ngoài của khuôn mặt, toàn thân mình ăn khớp với nhịp độ của âm nhạc.
Bài Hát có Cử Điệu là dạng bài hát ngắn, kèm theo các cử chỉ và dáng điệu đơn giản, để diễn tả nội dung từng câu, từng ý trong bài hát.
II. GIÁ TRỊ
Các cử điệu mang tính cách tế nhị, kín đáo, phong phú về mặt biểu hiện cảm xúc của người Đông Phương. Các cử điệu còn được ứng dụng một cách tự nhiên trong việc giáo dục nhân bản và tâm linh trong các mối tương quan với chính mình, với tha nhân, với thiên nhiên và với Thượng Đế. Cử điệu diễn tả lòng tri ân, sự kính trọng, bác ái, vui tươi … Cử điệu giúp bầy tỏ những ước nguyện nội tâm như vâng phục, khiêm tốn, hồn nhiên trong sáng… Cử điệu có thể thay cho một lời tuyên xưng về các nhân đức như xác tín, phó thác, yêu mến…
III. CHUẨN BỊ
– BHSH: chọn bài hát ngắn, cân phương, 4-8 câu, có âm vận, có ý tứ đơn giản dễ thương, trải ra trong 16 trường canh, theo nhịp 2/4 tươi tắn khỏe mạnh hoặc nhịp 3/4 duyên dáng nhẹ nhàng.
– Cử điệu kèm theo: mỗi câu hát chỉ nên chọn minh họa bằng 1hoặc 2 cử điệu đơn giản, nhịp ăn khớp với tiết tấu nhạc, thường sử dụng các ngón tay, bàn tay, cánh tay, phối hợp với động tác chân và sự di chuyển thân mình, đồng thời hài hòa với ánh mắt và nét mặt.
– Tập thể tham dự: nên chọn hình thức vòng tròn cho sinh hoạt ngoài trời, bán cung nếu nhắm đến một nghi thức như cầu nguyện, tĩnh tâm,đôi khi phải ứng biến ngay trong lớp học.
– Người hướng dẫn: nên hát mẫu kèm theo cử điệu mẫu một cách chậm rãi, làm nháp và chính thức. Có thể cho điểm số. Có thể giới thiệu ý nghĩa bài hát trước hoặc sau khi đã cùng làm.
IV. DIỄN XUẤT
– Thống nhất đầu-cuối: nhanh hay chậm, dí dỏm hay trang trọng, sôi nổi hay dịu dàng, sao cho thích hợp với nội dung và tính cách của bài hát. Có thể thay đổi nhịp độ và tiết điệu để gây ấn tượng, đồng thời kết hợp các tiếng hò, tiếng hô, tiếng gọi, băng reo để tạo bầu khí sinh động.
– Thứ tự trái-phải: tay trái làm trước tay phải, chân trái cũng bước trước chân phải, do vậy thân mình cũng quay sang trái trước rồi quay sang phải sau.
– Đối xứng trước-sau: cử điệu thường sẽ được đưa lên rồi lại đưa xuống đưa sang trái rồi lại đưa sang phải, vươn tới trước rồi lại thu về phía mình, mở rộng ra ngoài rồi lại kéo vào trong.
Các cử điệu cần phải liền lạc, không đứt quãng đột ngột, tất cả làm thành một chu kỳ diến diễn hài hòa, đẹp mắt mà lại có ý nghĩa.
V. HIỆU QUẢ
– Xáo trộn vị trí: một số bài có cử điệu sẽ khéo léo xáo trộn chỗ của mỗi người trong vòng tròn một cách tự nhiên, không gượng ép. Vd. 1 cái cười làm quen.
– Gây dựng bầu khí: tạo được sự vui tươi, hiệp nhất trong tập thể, xóa nhòa mọi cách biệt tuổi tác, phái tính…
– Góp phần giáo dục: bài hát có cử điệu chuyển tải được nội dung giáo dục hướng thượng và vị tha một cách nhẹ nhàng mà lại thấm thía.
– Minh họa sứ điệp: bài hát có cử điệu trong Giáo Lý là các bài ca ý lực, diễn ý các câu Lời Chúa, diễn tả cách đơn giản các mệnh đề tín lý và luân lý.