Tinh thần đổi mới theo ý Chúa (02.09.2016 – Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXII Thường Niên năm C)

Lời Chúa: Lc 5,33-39

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.”5 Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! “9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.”11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

 

 

“Rượu mới đổ vào bầu da mới.” (Lc 5,38)

Đức Hồng Y Lustiger, tổng giám mục Paris (+2007), được ca ngợi như là “người của truyền thống và của canh tân… Ngài đã thành công lớn trong việc tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 1997, biểu tượng cho sự đổi mới không mặc cảm trong Giáo Hội…” (x. Vietcatholic 8.8.2007). Những nhận xét trên về Đức Hồng Y Lustiger như một minh hoạ cho sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Đổi mới để thích nghi và đáp ứng cho hoàn cảnh mới là qui luật tất yếu của cuộc sống và mọi cơ chế, nếu ta không muốn phá hư cả ‘rượu’ lẫn ‘bầu da’. Đức Giê-su xuất hiện trong tôn giáo và xã hội Do Thái như một nhà canh tân triệt để; và theo cha A. de Mello: “Người đã bị từ khước không phải vì Người mang đến tin mừng mà vì Người mang đến tin mới mẻ”.

Khẩu hiệu “đổi mới” có thể dễ bị lạm dụng và gây ra những xáo trộn không cần thiết. ‘Nhân đức đứng giữa’, tức trung dung, có vai trò quan trọng ở đây, như câu ngạn ngữ La-tinh: “Virtus in medio stat.” Là Ki-tô hữu, ta không đứng bên lề, nhưng trong lòng xã hội. Ta cố gắng thích nghi với những dấu chỉ mới của thời đại, nhưng đồng thời cũng không tối mặt ‘vơ’ hết những trào lưu mà xã hội hôm nay ‘tọng’ cho mình (x. Thư gởi Đi-ô-nhê-tê).

Tinh thần đổi mới trong Chúa của  Huynh Đoàn giáo dân Đa-Minh bé nhỏ nơi góc phố Sài Gòn của tôi là: “Thực thi bác ái và sống tình huynh đệ chân thành theo bước chân Cha Thánh Tổ Phụ Đa Minh”.

Lạy Chúa, xin biến đổi tâm hồn chúng con nên mới đẹp hơn mỗi ngày, để chúng con có thể góp phần biến đổi thế giới xung quanh mình trong Ánh Sáng Tin Mừng của Chúa. Amen.

                                                                       BCT