Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện, cho nên Ngài rất gớm ghét tội lỗi, nhưng Ngài lại luôn thương xót kẻ có tội. Và Ngài chỉ mong muốn cho những người tội lỗi từ bỏ con đường lầm lạc mà trở về nẻo ngay để được Ngài tha thứ. Từ ngàn xưa, trong Cựu Ước Chúa đã dùng lời tiên tri Ezekiel mà giải bày tấm lòng yêu thương, bao dung đó: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng Ta muốn nó từ bỏ đường tội lỗi quay trở lại để được sống.” (Ed 18, 23).
Chúa đối xử với kẻ tội lỗi như vậy, việc làm đó phát xuất từ một tình yêu thương bao la không bờ bến! Tình yêu ấy lớn hơn tội lỗi của con người đã phạm. Chúng ta có thể đưa ra một ví dụ để minh hoạ cho tình yêu của Thiên Chúa đối với tội nhân: Cũng là một tội xúc phạm đến người cha, nhưng đối với một ông bố nóng tính, không hết tình yêu thương con cái thì chúng sẽ bị ông cho một trận đòn hoặc có khi từ bỏ. Thế nhưng đối với một người Cha đầy lòng nhân hậu, bao dung, nhất là luôn yêu quý con mình, không muốn cho nó bị đau đớn vì đòn vọt và luôn tôn trọng sự tự do của nó thì người Cha ấy sẽ từ tốn khuyên bảo với mong muốn rằng đứa con của mình sớm nhận ra lối lầm để từ đó không còn dám xúc phạm đến Cha của nó nữa. Như vậy, tội lỗi mà con người phạm đến Thiên Chúa cho dù có to lớn, nặng nề đến mấy đi chăng nữa, nếu đem so với khối tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho họ, thì tội lỗi ấy có vẻ vẫn là nhỏ nhoi . Đó là lý do khiến cho Thiên Chúa không thể thẳng tay trừng phạt con người mỗi khi họ lầm lỗi. Trong sách Xuất hành đã diễn tả một Thiên Chúa như vậy: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi hay nén giận, giàu lòng nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6)
Chính vì cảm nhận được tình yêu sâu thẳm đó nên vua Đa-vit đã viết lên lời này: “Tội vạ dân Ngài, Ngài tha thứ, mọi lỗi lầm cũng phủ lấp đi. Ngài dẹp cơn lôi đình và nguôi cơn thịnh nộ” (Tv 85, 3). Tác giả của sách Thánh Vịnh cũng đã cảm nhận lòng bao dung của Chúa để rồi thốt ra những lời lẽ sau: “Ôi! Lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130, 3). Thật vậy, nếu như Thiên Chúa chấp nhất tội lỗi của con người, là loài thụ tạo hèn mọn mà đã dám xúc phạm đến Đấng vô cùng thánh thiện và toàn năng thì con người ấy đáng phải sa vào chốn cực hình muôn đời để mà đền tội!
Đến thời Tân Ước, Đức Chúa Cha sai Người Con xuống thế nhập thể làm người thì Đức Giê-su lại tô đậm thêm và bày tỏ cách cụ thể hơn cho nhân loại biết họ có một Thiên Chúa rất yêu thương họ luôn muốn cho nhân loại ăn năn sám hối để trở về cùng Thiên Chúa mà đón nhận được ơn tha thứ. Dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” (x. Lc 15, 11-31) Dụ ngôn “Cây vả không ra trái” (x. Lc 13, 6-9). Dụ ngôn “Con chiên bị mất” (x. Mt 18, 12-14) Dụ ngôn: “Cỏ Lùng” (x. Mt 13, 24-30) và một câu nói rõ rằng nhất để bày tỏ một Thiên Chúa không muốn lên án, không muốn xét xử, không muốn luận phạt mà chỉ muốn cho kẻ tội lỗi mau chóng thức tỉnh, mà sám hối ăn năn để được ơn cứu độ mà thôi: “Đức Giê-su nói: Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).
Nhìn vào xã hội hiện nay, chung quanh chúng ta thấy không thiếu những người sống bê bối, phạm tội cách công khai: Trộm cắp, gian dối, lừa đảo, vợ nọ con kia…Thế nhưng, nhiều khi chúng ta lại thấy họ chẳng những không bị trừng phạt mà trái lại họ còn được những điều may lành nữa chứ! Vì vậy cho nên có người nhận xét: “Chúa dung dưỡng kẻ tội lỗi”.
Nhìn vào bản thân mình, chúng ta thấy nhiều khi mình đã lỗi phạm đến Chúa và đến anh em rất nhiều và nặng nề. Theo lẽ công thẳng thì đáng lý ra chúng ta đã phải chịu sự trừng phạt của Thiên Chúa. Thế mà cho Chúa vẫn luôn thương yêu, chăm sóc bảo vệ và che chở chúng ta, Ngài còn hằng ban cho nhiều điều ơn lành hồn xác đó sao?
Cảm nhận được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình cao vời và sâu thẳm như vậy, thì bổn phận của mỗi chúng ta là phải quyết tâm sống sao cho phải đạo, sống sao cho xứng đáng với tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho mình. Biết sống khoan dung, biết thứ tha cho anh em. Đừng lạm dụng tình yêu của Chúa, nhưng nếu vì xác thịt yếu đuối có trót sa ngã phạm tội, thì ngay lập tức hãy trỗi dậy tìm đến Toà cáo giải để được lãnh nhận ơn tha thứ. Sau cùng, một điều quan trọng nữa là phải giới thiệu cho mọi người sống chung quanh chúng ta biết rằng: Có một Thiên Chúa rất nhân từ, bao dung luôn yêu thương con người, không bao giờ muốn trừng phạt, nhưng chỉ mong muốn cho kẻ lạc lối mau chóng ăn năn trở lại mà thôi.
Đaminh. Trần Văn Chính.