Tôi yêu mến Huynh Đoàn Đa Minh

Huynh đoàn giáo dân Đa Minh là hiệp hội của các Kitô hữu giáo dân sống giữa đời, thông dự vào đoàn sủng của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, dưới sự lãnh đạo của Tổng hội và Bề trên Tổng quyền (Qc 64). Sứ vụ của người Đa Minh là chuyên tâm Loan Báo Tin Mừng cho mọi người. Để có thể chu toàn được sứ vụ này, anh chị em phải có đời sống cầu nguyện, học hành, hiệp thông huynh đệ và kháo khát dấn thân làm tông đồ.

Tôi rất yêu mến Huynh đoàn Đa Minh, vì khi vào Huynh đoàn tôi thấy mình tốt lên từng ngày. Trước đây tôi là một người rất cá tính, thích gì làm nấy, đời sống Đạo thì khô khan, nguội lạnh, những kiến thức về Chúa không được bao nhiêu, nhưng khi vào Huynh đoàn, tôi được trải qua những giai đoạn huấn luyện căn bản và thường xuyên. Các anh chị giảng viên dạy rất tâm huyết với những ví dụ mang tính thực tiễn cao, nhưng thú thật lúc đó tôi chẳng hứng thú với việc học, vô Huynh đoàn để vui chơi là chính, đã thế lại còn ngang bướng. Khi nghe những lời góp ý, tôi rất khó chịu và mang tâm lý bị phê bình, chỉ trích nên vội vàng phản bác, tỏ thái độ gay gắt ngay, điều đó đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội được nghe những lời nhận xét thật lòng mà sửa đổi. Vì không có đời sống kết hiệp với Chúa nên lúc ấy tôi thấy vô Huynh đoàn không có niềm vui mà chỉ thấy bị chèn ép, không có tiếng nói, là công dân bậc hai…Ý nghĩ rời bỏ Huynh đoàn nhiều lúc đã xuất hiện trong đầu tôi.

Thấy em mình như vậy, các anh chị đi trước không những không loại trừ ra khỏi Huynh đoàn, trái lại họ coi tôi như một trường hợp đặc biệt cần lưu tâm, luôn theo sát, chỉ bảo, hướng dẫn với thái độ lúc “rắn” lúc “mềm”. Tuy nhiên chỉ khi đứng trên cương vị của người có trách nhiệm, tôi mới nhận ra nỗi khổ tâm, thao thức của họ đối với giới trẻ, luôn mong muốn các em mỗi ngày một tốt đẹp hơn, sống có ích cho Giáo hội và xã hội chứ không để tuổi trẻ trôi qua một cách lãng phí. Khi làm việc, tôi mới nhận thức rõ bản thân khiếm khuyết rất nhiều chỗ, trong tâm trí bắt đầu xuất hiện nhiều câu hỏi: Với sứ vụ giảng thuyết, làm sao mình có thể giới thiệu về một Chúa Kitô đang sống giữa mọi người và vì mọi người khi mình không cảm nhận được điều đó? Làm sao có thể nói về một Thiên Chúa giàu Lòng thương xót khi cứ sống loại trừ anh chị em? Làm sao có thể thuyết phục người khác về tình yêu của Chúa Giêsu hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể khi mình không tha thiết đến tham dự Thánh lễ?…

Khi đã hiểu ra được vấn đề, tôi quyết tâm phải thay đổi bắt đầu từ việc chuyên chăm tham dự Thánh lễ và cầu nguyện, tuy nhiên để thay đổi một thói quen không phải việc có thể làm trong một sớm một chiều. Có những hôm tôi đã thức dậy đọc kinh dâng ngày, nhưng buồn ngủ quá nên lại tiếp tục lăn ra ngủ, đi lễ thì tâm trí cứ lang thang đâu đó nên không cảm nhận được gì. Mặc dù vậy nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng vì như lời trong bài hát của Linh mục Nguyễn Đức Dũng: “Việc nhỏ đừng khinh, hãy luôn trunh thành…mệt mỏi của ta, hoá nên kinh cầu”. Có những lúc khi đối diện với Chúa, tôi thấy mình tội lỗi quá, chẳng xứng đáng với ơn gọi vô Dòng, nhưng nhớ đến lòng thương xót của Chúa khi Người kêu gọi một Phêrô chối Chúa, một Phaolo bách hại Đạo, một Augustinô ăn chơi trác táng…nhưng Chúa vẫn chọn gọi nên tôi cố gắng nương náu vào lòng từ ái của Người. Nhờ đời sống cầu nguyện, tôi thấy mình được Thiên Chúa nâng đỡ, hướng dẫn để có thể vượt qua những thời khắc đen tối của cuộc đời và trung thành với ơn gọi mà mình đã lãnh nhận.

Khi được giao làm Phụ trách giới trẻ, có nhiều em đến tâm sự với tôi về cuộc sống, về hôn nhân gia đình, về những vướng mắc trong ơn gọi…Vì kiến thức không đủ nên tôi không biết khuyên các em như thế nào cho đúng và đẹp ý Chúa, lúc ấy mới hiểu được tầm quan trọng của việc học. Ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng vàng thau lẫn lộn của thời đại kinh tế mở cửa, những giá trị đạo đức ngày càng xuống cấp, trước thực trạng đó đòi hỏi người Kitô hữu phải có một tâm trí sáng suốt để nhận định tốt-xấu, đúng-sai mà sống sao cho phù hợp với Tin Mừng. Hơn nữa, người Đa Minh phải chuyên chăm học hành để mỗi ngày một trưởng thành hơn trong đời sống nhân bản lẫn Đức tin, biết mở mang những hoạt động mang tính sáng tạo và hiệu quả để thực thi sứ vụ mà mình đã lãnh nhận. Hiểu được như vậy nên tôi đã tích cực tham gia những khoá học do Giáo phận tổ chức.

Trong quá trình làm việc, tôi phải tập cho quen với nếp sống cộng đoàn: cùng bàn, cùng làm và đồng trách nhiệm. Tuy nhiên muốn làm được điều này thì phải biết bỏ đi cái “tôi” của mình để đón nhận ý kiến từ người khác, biết đồng tâm nhất trí trong Chúa và đón nhận nhau trong đức ái thì làm việc mới thấy niềm vui và bình an. Điều này đến bây giờ tôi vẫn phải tập vì “huỷ” mình đi không phải là chuyện dễ dàng, nhưng tôi nhớ đến lời Chúa Giêsu: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga12,24). Chính Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu khổ hình, vác thập giá rồi chết treo trên Thập tự để cứu độ con người, thì người môn đệ của Chúa cũng phải biết chấp nhận hy sinh quên mình như vậy.

Ngoài đời sống cầu nguyện, học hành và hiệp thông huynh đệ thì những hoạt động tông đồ của Huynh đoàn cũng rất đa dạng và có chiều sâu như: hàng ngày đọc kinh cầu nguyện cho anh chị em trong Dòng, các ân nhân và thân nhân còn sống cũng như đã qua đời, cử hành giờ kinh Phụng vụ bên giường bệnh những thành viên đau yếu, viếng xác và cầu nguyện cho những người trong Giáo xứ mới qua đời, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà những người đau yếu… Việc tông đồ còn được mở rộng ra Giáo hạt, Giáo phận và Giáo hội toàn cầu.

Khi nhìn lại ơn gọi của mình, tôi cảm nhận ơn gọi người giáo dân Đa Minh đã bao trùm toàn bộ cuộc sống và làm cho cuộc đời của tôi trở nên có ý nghĩa. Chúa mời gọi tôi không phải vì tôi giàu có, tốt lành, thánh thiện hơn người mà vì Chúa muốn sử dụng tôi để cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa theo cách thức rất riêng. Khi đọc những dòng tâm sự này, có lẽ một số quý anh chị sẽ đồng cảm với tôi. Nếu mọi người nhận ra mình vào Huynh đoàn để mỗi ngày một yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân nhiều hơn, mưu ích cho phần rỗi các linh hồn, đồng thời được rèn luyện chính mình để mỗi ngày một tốt hơn thì cho dù có gặp khó khăn, thử thách, quý anh chị sẽ không bao giờ rời bỏ Huynh đoàn. Tôi xin mượn lời của Thánh Phêrô tông đồ để khép lại bài viết này: “Anh chị em đã được tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình để làm cho các ơn đó nên vững mạnh” (2Pr 1, 10-11).

KimMary

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *