Tổng hợp thông tin Hội Thánh Hoàn Vũ (17.02.2017)

1. Đại hội Thánh mẫu ở Cebu, Philippines

Cebu – Đại hội Thánh mẫu được tổ chức vào Năm Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu giúp được khai mạc ngày hôm nay, 16/02/2017, ở thành phố Cebu, tại đền thánh do các cha Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc. Có hơn 700 người tham dự Hội nghị ngày khai mạc hôm nay.

Đại hội không chỉ nói đến các đề tài tu đức nhưng còn nói đến các đề tại xã hội như chiến dịch chống ma túy của chính quyền quốc gia.

Cha Cris Mostajo nói về các hoạt động của đại hội nhân dịp kỷ niệm 150 năm bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu giúp đến nước này. Cha cho biết: “Chúng tôi buồn lòng bởi thực tế là dù đức tin của người Philippines và lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, nền văn hóa của sự chết và sự dửng dưng ảnh hưởng nơi nhiều người.” Cha giải thích: “Ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với thực tế đáng buồn của đất nước, nơi mà sự thánh thiêng của sự sống con người bị vi phạm bởi một kiểu ‘làm sạch’ các thành viên không được mong muốn của xã hội giải. Cần có đức tin ảnh hưởng đến đời sống của người tín hữu.”

Các đề tài về sự hiện diện và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, lịch sử của lòng sùng kính Đức Mẹ tại Philippines cung được thảo luận tại đại hội. Cũng sẽ có phần trình bày chứng từ của các nhà truyền giáo, các giáo viên và các đôi vợ chồng và cử hành phụng vụ với sự tham dự của các tín hữu.

Các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế giải thích với hãng tin Fides: “Bí tích giải tội cũng có thể là suối nguồn cứu độ cho con người. Nếu người nghiện rượu và nghiện ma túy đến với  bí tích, đây có thể là sự khởi đầu của một con đường chữa lành và cải tạo.” Các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế thúc đẩy các cuộc gặp gỡ và các cuộc đồng hành dành cho những người đang chiến đấu để thoát ra khỏi cơn nghiện ma túy, rượu chè và cờ bạc. (Agenzia Fides 16/2/2017)

Hồng Thủy

2. Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm giáo xứ Các Thánh của Anh giáo ở Roma

Roma – Ngày 26/02 tới đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm giáo xứ Các Thánh của Giáo hội Anh giáo ở Roma.

Từ năm 2013, giáo xứ này đã 3 lần viết thư mời Đức Thánh Cha và nhân thời gian “mùa xuân đại kết”, họ đã lập lại lời mời và Đức Giáo hoàng đã nhận lời mời. Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm giáo xứ vào chiều ngày 26/02, nhân kỷ niệm 200 năm thành lập giáo xứ. Đây sẽ là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng thăm một giáo xứ Anh giáo.

Tin tức này chưa được Tòa thánh xác nhận nhưng đã được mục sư chánh sở của giáo xứ xác nhận. Mục sư Jonathan Boardman nói về chương trình kỷ niệm: “Cuộc viếng thăm sẽ vào ban chiều. Đức Giáo hoàng sẽ đến nơi vào lúc 16 giờ và gặp giáo xứ trong buổi chiều đó. Việc cử hành Kinh Chiều không được dự tính trong chương trình. Đức Giáo hoàng sẽ được mời tham dự vào việc chúc lành và thánh hiến một bức ảnh kỷ niệm 200 năm thành lập của giáo xứ. Sẽ có nghi thức tuyên lại lời hứa Rửa tội do Đức Giáo hoàng và các Giám mục Anh giáo chủ sự.”

Mục sư Boardman cũng cho biết thêm là vào cuối buổi cử hành, Đức Giáo hoàng sẽ chứng kiến một cuộc kết nghĩa biểu tượng, được ký kết giữa giáo xứ Anh giáo này và nhà thờ Các Thánh của Công giáo, nằm trên đường Appia Nuova – nhà thờ duy nhất ở Roma dâng kính Các Thánh. Chính tại nhà thờ này, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã cử hành Thánh lễ đầu tiên với nghi lễ hậu Công đồng, bằng tiếng Italia.

Mục sư Boardman nói: “Hai cộng đoàn chúng tôi đã có nhiều hoạt động chung, tình bạn trong công việc, ví dụ trong việc phục vụ chung cho người nghèo. Bây giờ chúng tôi ghi dấu tất cả những điều này với một sự kết nghĩa biểu tượng, với sự hiện diện của Đức Giáo hoàng.”

Giáo xứ Các Thánh của Anh giáo tọa lạc tại đường Babuino, được thành lập ngày 27/10/1816, và đã mừng kỷ niệm 200 năm vào ngày 27/10/2016, có khoảng 250 giáo dân.

Đức Giám mục Anh giáo David Moxon, phụ trách trung tâm Anh giáo ở Roma và là “đại sứ” của Giáo hội Anh giáo ở Roma nhận định: “Hành động này là một phần của các mối quan hệ đại kết tốt đẹp. Đức Tổng Giám mục Welby (Giáo chủ Anh giáo) đã gặp Đức Giáo hoàng 4 lần trong năm ngoái. Tôi vui thích nhắc lại rằng cuộc gặp gỡ ở nhà thờ thánh Gregorio al Celio ngày 5/10 năm ngoài không chỉ kỷ niệm 50 năm Đức Phaolô VI tặng cho Đức giáo chủ Anh giáo bấy giờ là Đức Ramsey chiếc nhẫn giám mục của ngài, nhưng cũng kỷ niệm 50 năm của Trung tâm Anh giáo, nơi phụ trách các mối quan hệ đại kết. Tóm lại, có một sự đối thoại phát triển và một sự gia tăng hiểu biết nhau.” (ACI 16/02/2017)

Hồng Thủy

3. Đức Hồng Y Bo (Myanmar): Chỉ có Mẹ Maria hợp nhất các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ

Yangon – Tại Myanmar đang bị khuấy động bởi các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đẫm máu, Đức Mẹ là đấng duy nhất hiệp nhất con người của mọi sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Đó là lời khẳng định của Đức Hồng Y Bo, Tổng Giám mục Yangon, với 100 ngàn khách hành hương thuộc các tôn giáo khác nhau, trong cuộc hành hương hàng năm tại đền thánh Đức Maria ở Nyaunglebin, miền Bago, Myanmar.

Đối với Đức Hồng Y, sự liên kết – đặc tính của cuộc hành hương kính Đức Mẹ – là “một sự kiện hiếm hoi” và hòa bình mà “anh chị em đang cảm nghiệm” không phải là một yếu tố chung cho cả nước Myanmar. Đức Hồng y nhấn mạnh đến các cuộc xung đột làm cho hơn 200 ngàn người trở thành tị nạn tại chính đất nước mình. Ngài nói: “Không phải chính phủ hay Liên hiệp quốc có thể là nguồn hiệp nhất như Mẹ Maria làm hôm nay cho tất cả chúng ta.”

Đức Hồng Y mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt với Mẹ Maria, là Nữ vương hòa bình, để xin Mẹ ban bình an cho quốc gia. Ngài nhắc đến các nước láng giềng như Việt nam, Campuchia đang sống hòa bình, trong khi Myanmar, một nước giàu tài nguyên, từ 60 năm sống trong chiến tranh kéo dài, không phải chiến tranh với ngoại bang nhưng giữa anh em với nhau.

Phản ứng lại bầu khí chiến tranh, Giáo hội Công giáo ở Myanmar đã tuyên bố năm 2017 là “Năm hòa bình” và Đức Hồng Ymời gọi các tín hữu bỏ qua những lo âu sợ hãi, đe dọa không chỉ sự yên hàn của gia đình mà cả xã hội. Ngài nói: “Chúng ta cầu nguyện để Nữ vương hòa bình có thể xóa đi lo âu khỏi tâm trí của các lực lượng quân đội, của chính quyền và các nhóm sắc tộc.”

Cuối cùng Đức Hồng Y liệt kê 6 “chiếc bình” của Myanmar, những chiếc bình có thể chữa lành các vết thương của quốc gia và trả lại bình an và sự sống chung: đó là bình tinh thần, bình công lý, bình dân chủ, bình phát triển, bình hòa giải – nền tảng của việc tái thiết đất nước và bình gia đình – liên kết trong tình yêu theo gương mẫu của Thánh gia. Ngài kết luận: “Hòa bình là con đường duy nhất và hòa bình đến bởi công lý là đều có thể hôm nay. Hãy gõ cánh cửa thiên đàng. Hãy để cho Nữ vương hòa bình, Mẹ của chúng ta, cầu khẩn Chúa Giêsu Con Mẹ, để cho khoảng trống của hy vọng có thể được lấp đầy với rượu của hòa bình.” (Asia News 14/02/2017)

Hồng Thủy

4. Tình hình việc cải tổ hệ thống truyền thông của Tòa Thánh

Việc cải tổ hệ thống truyền thông của Vatican đang diễn tiến tốt đẹp nhờ diễn trình tái tổ chức, hợp lý hóa và hiện đại hóa. Theo Đức Ông Dario Edoardo Viganò, Văn Phòng Trưởng Văn Phòng Thư Ký Truyền Thông, nó sẽ đạt đến một mốc quan trọng vào năm 2018, khi đơn vị cuối cùng của các đơn vị truyền thông khác nhau của Vatican được hội nhập vào văn phòng thư ký.

Đức Ông người Ý, 54 tuổi, người thân thiện và năng động, sinh ra và sống 10 năm đầu đời ở Rio de Janeiro này đã thảo luận việc cải tổ trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ America. Nhu cầu suy xét lại toàn bộ hệ thống truyền thông của Vatican và phát triển một cách tiếp cận có tính chiến lược hơn đã được nhận diện trong thập niên 1990, nhưng việc này không bao giờ diễn ra vì Đại Năm Thánh vào năm 2000, bệnh tình của Đức Gioan Phaolô II và “mối liên hệ khá phức tạp của đức Bênêđíctô XVI với giới truyền thông, mà đỉnh điểm là các vụ rì rỏ Vatileaks “.

Đức ông thừa nhận rằng “việc hiện đại hóa này diễn ra hơi muộn. Chúng tôi không xây dựng một nghiệp vụ lý tưởng; chúng tôi khởi đầu từ các cơ cấu hiện có, từng hoạt động dựa trên các mô hình có niên đại ít nhất 30 năm trước, và chúng tôi đang nhắm các kết quả có thể có, chứ không phải các kết quả tối ưu”.

Đức Ông Viganò nói rằng “Đó là việc bắt đầu từ đầu; một điều nữa là tái cơ cấu những gì đã có”. Kế hoạch hiện đại hóa của ngài dành cho việc hiện đại hóa ngành truyền thông Vatican sẽ “giảm số lượng các cơ cấu nhưng duy trì các dịch vụ.” Một phương thức cải tổ tiệm tiến đã được chấp nhận vì số lượng các đơn vị cần được hội nhập vào cơ cấu truyền thông hồi sinh này.

Đức Ông Viganò đã là C.E.O. (tổng giám đốc) của Trung Tâm Truyền Hình Vatican (CTV) trong ba năm khi Đức Phanxicô chọn ngài đứng đầu văn phòng thư ký mới hồi tháng Sáu năm 2015.

Đứng đầu văn phòng thư ký, ngài chịu trách nhiệm đối với 650 nhân viên làm việc trong các cơ cấu khác nhau của hệ thống truyền thông đang trong diễn trình hợp nhất hóa vào văn phòng thư ký. Hơn một nửa các nhân viên này không phải là người Ý nhưng đến từ 40 quốc gia khác. Nhiều người đã kết hôn, có gia đình. Phần lớn làm việc ở Đài Phát Thanh Vatican. Vì việc tái tổ chức và thống nhất với Trung Tâm Truyền Hình Vatican, việc huấn luyện lại để đảm nhiệm các vai trò mới và việc huấn luyện để nâng cao chất lượng việc làm đã bắt đầu.

Ngài cho biết “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo con đường này vì con người là điều thiện vĩ đại nhất, là các tài nguyên lớn lao nhất chúng tôi có. Việc huấn luyện họ rất quan trọng.”

Đức Ông coi là một dấu hiệu tích cực khi nhiều nhân viên đang yêu cầu có các khóa đào tạo, nhưng thừa nhận “không phải ai cũng nhiệt tình. Có một số lo lắng về các thay đổi, và cũng có một số đề kháng, mặc dù đã có hàng trăm giờ dành cho các cuộc họp để cố gắng giải thích những gì đang xảy ra”. Một số lo lắng này nên được lắng dịu vì sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng cho biết: sẽ không có nhân viên nào bị sa thải trong diễn trình tái tổ chức.

Văn phòng thư ký mới được phát động hồi tháng Sáu năm 2015. Trong sáu tháng tới, Phòng báo chí Vatican, Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội và Vụ Thông Tin Vatican sẽ được hội nhập vào nó.

Đài Phát Thanh Vatican và Trung tâm Truyền Hình Vatican kế đó sẽ được hội nhập vào Văn phòng thư ký, và tới năm 2018 bốn đơn vị truyền thông còn lại của Tòa Thánh sẽ được đưa vào: L’Osservatore Romano và sở nhiếp ảnh của Vatican, nhà in và nhà xuất bản. Văn phòng thư ký cũng chịu trách nhiệm đối với trang mạng của Tòa Thánh và chương mục Twitter của Đức Giáo Hoàng, @Pontifex.

Những thay đổi nói trên là kết quả cuối cùng của một thời gian dài nghiên cứu nhằm mục đích hiện đại hóa cơ cấu và chiến lược truyền thông của Vatican.

Ngay sau khi được bầu lãnh đạo Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tìm các nhập lượng bên trong và bên ngoài từ các bộ sở của Vatican, từ các tham vấn truyền thông và từ một ủy ban do Ngài Christopher Patten (cựu thống đốc của BBC) để bắt đầu diễn trình cải tổ ngành truyền thông của Vatican. Sau đó, ngài đã thành lập một nhóm khác trực thuộc Đức Ông Viganò để đưa ra một kế hoạch thi hành dựa vào các nhập lượng này, được Hội đồng chín Hồng Y cố vấn chấp thuận.

Đức Ông cho biết: các cải tổ đang diễn ra dựa trên kế hoạch trên và được hướng dẫn bởi ba nguyên tắc. Đầu tiên, là nguyên tắc “thần học mục vụ”: “Kitô giáo không phải là một ý niệm”, Đức Ông Viganò nói thế. “Đây là một kinh nghiệm của một dân tộc tại một lãnh thổ nhất định và có liên quan đến bối cảnh văn hóa, xã hội và truyền thông, trong đó nó hiện hữu. Và vì ngày nay, hệ thống truyền thông mang tính kỹ thuật số rất nặng, nên nó phải nối kết với kỹ thuật này”.

Nguyên tắc thứ hai hướng dẫn Văn phòng thư ký mới là tông truyền và đơn giản: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn đem Tin Mừng đến toàn thế giới”. Nguyên tắc thứ ba đòi phải “hết sức thận trọng trong việc quản lý các tài nguyên kinh tế”.

Đức Ông Viganò nhấn mạnh rằng văn phòng thư ký đặc biệt chú ý tới cách tiền bạc được quản lý và đã tiết kiệm cho Tòa Thánh 3.000.000 euros. Nó thực hiện được một sự tiết kiệm đáng kể (với lợi ích phụ về sinh thái) bằng cách chấm dứt thói quen in các bản tin báo chí hàng ngày, thay vào đó, đã gửi bản tin cho các nhà báo bằng email. Đức Ông cho hay “Đây không phải chỉ là trường hợp giảm chi phí mà thôi mà còn là tôn trọng khái niệm phụ đới, vốn là một thành phần trong học thuyết xã hội của Giáo Hội”.

Ngài cho hay trong mấy thập niên gần đây, “các Giáo Hội địa phương đã phát triển các cơ cấu truyền thông của riêng mình, và chúng ta phải tương tác với họ theo tinh thần phụ đới chứ không bao giờ thay thế họ. Chúng ta phải hỗ trợ họ bất cứ cách nào chúng ta có thể để họ có thể làm tốt công việc của họ”.

Đức Ông Viganò chịu trách nhiệm trực tiếp đối với bộ phận biên tập của Văn phòng thư ký, nơi theo ngài, “chúng tôi đang xây dựng một cơ sở tạo nội dung tập trung” theo “mô hình kinh doanh của Disney”, nghĩa là sản xuất các nội dung có thể được chia sẻ bởi các cơ sở truyền thông khác nhau và được cung cấp qua nhiều diễn đàn đa dạng. Ngài nói rằng “Một số người cười mỉm đối với ý tưởng của mô hình này, nhưng chúng tôi tin rằng nó cung cấp một cách thế hoạt động rất hữu ích và thiết thực, có thể thi hành được ở đây”.

Cơ sở tạo nội dung này sẽ giám sát việc sản xuất chung các tin tức tổng quát và nội dung cho các phương tiện truyền thông và hoạt động biên tập cho các ngôn ngữ chính. “Chúng tôi hy vọng rằng tới Lễ Phục Sinh, chúng tôi sẽ có một cổng thông tin mới cho tất cả các hoạt động khác nhau, với phần mềm mới cho diễn đàn đa truyền thông gồm bản văn, hình ảnh, video và tin tức [kỹ thuật số âm thanh (digital audio)], cũng như podcast”.

Một đơn vị dịch thuật thống nhất hiện chưa có trên nghị trình của Văn phòng thư ký, nhưng các tài nguyên của nó sẽ được gộp vào trong cơ cấu thống nhất mới để đảm bảo việc dịch thuật nhanh chóng mọi tài liệu chính. Ngài nói thêm rằng các bản dịch nhanh chóng sẽ bao gồm tiếng Trung Hoa và tiếng Ả Rập, vì tầm quan trọng ngày càng tăng của các ngôn ngữ này đối với sứ mệnh của Giáo Hội.

Ngài nhấn mạnh rằng chỉ có “các bản dịch chính thức” các diễn văn của Đức Giáo Hoàng là sẽ được phát hành từ Phủ Quốc Vụ Khanh mà thôi.

Bộ phận kỹ thuật của Văn phòng thư ký chịu trách nhiệm việc quản lý tổng hợp các diễn đàn và các dịch vụ kỹ thuật cần thiết cho các hoạt động truyền thông. Nó cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các dịch vụ mới và theo kịp các cập nhật kỹ thuật hoàn cầu. Nó cũng sẽ chịu trách nhiệm các cuộc phát sóng phát hình trực tiếp mọi biến cố về Đức Giáo Hoàng từ lãnh thổ Vatican.

Đây là “độc quyền” của Đài Phát Thanh và và Đài Truyền Hình Vatican, nhưng một ấn bản (feed) sẽ được cung cấp cho các phương tiện truyền thông quốc tế, Đức Ông Viganò nói thế. Ngài biết nhiều về nỗ lực này từ ngày còn đứng đầu Trung Tâm Truyền Hình Vatican. Lúc ấy, ngài đã có tiếng quốc tế trong vụ đạo diễn việc quay phim cảnh Đức Bênêđíctô XVI rời khỏi Vatican hồi tháng Hai năm 2013.

Phòng báo chí của Văn phòng thư ký là bộ mặt công cộng của Vatican đối với thế giới, chịu trách nhiệm phân phối các thông tin chính thức liên quan đến Đức Giáo Hoàng và các hoạt động của Tòa Thánh.

Theo Đức Ông Viganò, người phát ngôn của Vatican, Ông Greg Burke, và vị phó của ông, là Paloma Garcia Ovejero, “luôn luôn sẵn sàng có mặt”. Ngài cho biết việc bổ nhiệm một giáo dân và, lần đầu tiên trong lịch sử, một nữ giáo dân như là người phát ngôn của Tòa Thánh quả là “một bước nhảy vọt có phẩm chất”.

Cả hai nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, tiếng nói của 80 phần trăm thế giới Công Giáo.

Tìm cách đẩy mạnh khả năng của nó, Đức Ông Viganò đã tăng thêm nhân viên cho phòng báo chí; bây giờ nó có 22 nhân viên. Phòng này, thường đóng cửa lúc 2 giờ chiều, giờ Roma, đã tăng giờ làm việc thêm 5 tiếng nữa để trả lời các thắc mắc của giới truyền thông. Ngài hy vọng cuối cùng dịch vụ này sẽ còn làm việc tới tận 10 giờ đêm, giờ Rome, “để đáp ứng nhu cầu của những người ở bên kia đại dương”.

Nhưng ngài không dự tính việc phủ sóng 24 tiếng và 7 ngày. Điều này “là lý tưởng, nhưng hiện nay, không thể có được vì tài nguyên có giới hạn”.

Vũ Văn An

5. Một linh mục Việt Nam viết thư cho tổng thống Trump xin “nhường” quốc tịch Mỹ cho một người Syria tị nạn

Trong một diễn biến đáng kinh ngạc, một linh mục Công Giáo Việt là người đã chạy trốn cộng sản sang Mỹ sau chiến tranh Việt Nam đã viết thư cho Tổng thống Trump xin “nhường lại” quốc tịch Mỹ của ngài để ông Trump có thể trao cái quốc tịch ấy cho một người tị nạn Syria, trong số những người bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ theo một sắc lệnh gây nhiều tranh cãi của Tổng thống liên quan đến Syria và sáu quốc gia Hồi giáo khác.

Cha Nguyễn Hoài Chương, một thành viên của dòng Salêdiêng, cũng nói ông Trump rằng ngài sẽ yêu cầu bề trên của mình cho phép sang làm việc mục vụ tại một trong bảy quốc gia trong danh sách bị cấm.

Trong thư viết cho tổng thống, cha Chương, đang làm mục vụ cho cộng đồng Việt ở Los Angeles và điều hành một trung tâm thanh niên Công Giáo ở đó, viết: “Vâng! Tôi là một người tị nạn. Tôi là một người Mỹ và tôi đã đóng góp cho nước Mỹ tuyệt vời này theo cách riêng của tôi trong 42 năm qua kể từ khi tôi được cấp quy chế tị nạn tại đất nước tuyệt vời này. Nhưng bây giờ, tôi muốn từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ của tôi và yêu cầu tổng thống ban nó cho một người tị nạn Syria”

“Tôi chắc chắn rằng họ, cũng giống như tất cả những người tị nạn khác, sẽ không lãng phí món quà của cuộc sống này. Ngoài ra, tôi tin rằng cùng với con cháu của họ, họ sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại”.

Bức thư đã được đăng hôm thứ Sáu 10 tháng 2 trên tạp chí Công Giáo Commonweal bởi Peter Steinfels, một trí thức và là ký giả kỳ cựu trong chuyên mục tôn giáo của tờ New York Times. Một người bạn của Steinfels đã gửi bức thư này cho ông.

Bức thư đề ngày 27 tháng Giêng, ngày bắt đầu năm mới Âm Lịch, một thời gian của hy vọng và các lễ lạc kỷ niệm, như cha Chương ghi nhận.

Nhưng cũng vào đúng ngày đó ông Trump đã ký sắc lệnh ngăn chặn những người tị nạn từ 7 nước như là một phần trong kế hoạch “cấm” người Hồi giáo vào Hoa Kỳ – một động thái mà ông tin sẽ giữ cho Hoa Kỳ được an ninh và tránh được các cuộc tấn công khủng bố.

Các nhà phê bình lưu ý rằng người tị nạn gần như không bao giờ phạm vào các tội tấn công khủng bố và , như CNN ghi nhận, “thủ phạm chính của các vụ tấn công khủng bố lớn chủ yếu lại chính là các công dân Hoa Kỳ được sinh ra tại Mỹ hoặc có quyền cư trú hợp pháp vĩnh viễn từ các nước không nằm trong lệnh cấm này.”

Một tòa án phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết nói lệnh cấm của Trump là trái hiến pháp và chính quyền được báo cáo là đang tìm cách đưa vụ này ra Tòa án tối cao hoặc sửa đổi lại sắc lệnh với hy vọng nó sẽ được những tòa án thấp hơn cho phép.

Khi cha Chương đọc sắc lệnh này, ngài đã viết cho tổng thống, “lòng tôi nặng trĩu”

Cha Chương đã trình bày với tổng thống những chi tiết cuộc hành trình gian khổ của ngài khi rời Việt Nam vào năm 1975, cùng với hàng trăm ngàn “thuyền nhân” khác, khi cộng sản chiếm được miền Nam Việt Nam sau khi Mỹ rút lui.

Cha mẹ của cha Chương đã đưa các con, ở độ tuổi từ 6 đến 21, ra đi trên một chiếc thuyền chật chội không có thuyền trưởng, với một ít thức ăn và nước uống. Một tuần sau đó, dưới sự hộ tống của các lực lượng hải quân Hoa Kỳ, họ đã đến một nơi an toàn ở Phi Luật Tân. Hàng trăm ngàn người khác đã bị chết đuối khi cố gắng thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam.

Cha Chương viết: “Trở thành một người tị nạn là một lựa chọn bất đắc dĩ khi người không còn lựa chọn nào khác”.

Sau đó, cha Chương kể lại cách thức ngài đến được Hoa Kỳ, trở thành một linh mục và cống hiến cuộc sống cho việc xây dựng một đất nước đã mở rộng vòng tay với ngài và những người khác.

Bây giờ, cha Chương nói ngài sẵn sàng nhường lại quyền công dân của mình cho một người tị nạn khác, nếu ông Trump cho phép.

Cho đến ngày thứ Bẩy 11 tháng Hai, Tòa Bạch Ốc vẫn chưa có thư trả lời cho cha Chương. Các quan sát viên cũng không biết liệu việc “nhường lại quyền công dân” này có khả thi hay không theo luật pháp Hoa Kỳ.

Source: Crux: Vietnamese refugee priest to Trump: Give my citizenship to a Syrian

6. Hội đồng hồng y công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với con người và huấn quyền của Đức Phanxicô

Theo tin của Cindy Wooden, thuộc Catholic News Service, ngày 13 tháng Hai, sau một số thách thức công khai đối với giáo huấn và thẩm quyền của Đức Phanxicô, các thành viên của Hội Đồng 9 Hồng Y do chính ngài thành lập, nhân dịp phiên họp thứ 18, đã bày tỏ “sự ủng hộ hoàn toàn” của các vị đối với việc làm của ngài.

Thực vậy, theo một bản tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Hồng Y người Honduras, Oscar Rodriguez Maradiaga, phối trí viên của Hội Đồng, khởi đầu phiên họp, với sự hiện diện của Đức Phanxicô, đã cam đoan với Đức Giáo Hoàng rằng các Hồng Y “hoàn toàn ủng hộ con người và huấn quyền của ngài”.

Bản tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay việc ủng hộ hoàn toàn này đã được đưa ra “liên quan tới các biến cố gần đây”.

Tuy Bản Tuyên Bố không cho biết đó là những biến cố nào, nhưng nó được công bố chỉ vài ngày sau khi một ấn bản giả của nhật báo Tòa Thánh là L’Osservatore Romano được gửi qua điện thư cho các giới chức Tòa Thánh và một tuần lễ sau khi các bích chương được phát hiện trên các bức tường quanh Thành Phố Rôma chỉ trích ngài về các hành vi liên quan tới Hội Hiệp Sĩ Malta và một số nhóm khác. Nó cũng xuất hiện một vài tháng sau ngày Đức Hồng Y người Mỹ Raymond L. Burke và ba vị Hồng Y đã về hưu công khai tỏ ý hoài nghi đối với giáo huấn của ngài trong chương 8 của Tông Huấn “Amoris Laetitia”.

Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga, nhân danh Hội Đồng, cũng đã cám ơn Đức Giáo Hoàng về cung cách ngài đã giải thích cho các giới chức Vatican hay về việc làm của Hội Đồng đối với việc cải tổ Giáo Triều.

Gặp gỡ nhân viên Giáo Triều trước Lễ Giáng Sinh năm rồi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: việc cải tổ được động viên bởi ý nguyện nhằm làm cho các văn phòng trung ương của Giáo Hội tập chú vào việc chia sẻ Tin Mừng, thỏa mãn các nhu cầu của tín hữu cách tốt hơn và trợ giúp Đức Giáo Hoàng trong thừa tác vụ phục vụ Giáo Hội và thế giới của ngài.

Dịp đó, ngài nói rằng “Chúng ta không thể chỉ đơn giản hài lòng với việc thay đổi nhân viên; chúng ta cần khuyến khích việc canh tân thiêng liêng, nhân bản và chuyên nghiệp nơi các nhân viên của Giáo Triều. Việc cải tổ Giáo Triều không cách chi có thể thi hành được chỉ bằng việc thay đổi nhân sự, một điều chắc chắn sẽ diễn ra và sẽ còn tiếp tục diễn ra, nhưng còn bằng sự hoán cải nơi các con người nữa. Tiếp tục huấn luyện là điều không đủ; điều chúng ta cũng cần và cần hơn hết là tiếp tục hoán cải và thanh tẩy. Không có sự thay đổi não trạng, các cố gắng trong việc cải tiến thực tế sẽ vô ích”.

Ấn bản giả của L’Osservatore Romano

Về các bích chương phản đối Đức Phanxicô, chúng tôi có đề cập tới rồi, cách nay chừng một tuần, trên VietcatholicNews. Riêng về ấn bản giả của L’Osservatore Romano, tờ báo chính thức của Tòa Thánh, theo tập san Crux, thì đây là một ấn bản hài hước, cho rằng Đức Giáo Hoàng đã trả lời cả “không” lẫn “có” cho các câu hỏi của các vị Hồng Y “dubia” (hoài nghi) về chương 8 của Tông Huấn “Amoris Laetitia”.

Ấn bản giả này đề ngày 17 tháng Giêng, với hàng chữ lớn ở ngoài bìa là “Ngài Đã Trả Lời!”. Tờ bìa cũng có thêm hàng chữ “Ước mong lời nói của các con sẽ là có (nói) có, không (nói) không” ám chỉ đoạn Tin Mừng Mátthêu trong đó Chúa khuyên “Hãy để chữ ‘không’ của con là ‘không’, và chữ ‘có’ của các con là ‘có'”. Hơn nữa trong các giới ở Rôma, ai cũng biết Si Si No No (có có không không) là một ấn phẩm nhỏ của Trung Tâm Công Giáo Thánh Piô X Nghiên Cứu Chống Bè Duy Hiện Đại của Nhóm Lefèbre chỉ trích các cải tổ Hậu Vatican II.

Tạp chí Crux cho hay giọng điệu của ấn bản giả này không có gì là trịnh trọng, trái lại có tính hài hước nhiều hơn, mặc dù có vài chỗ được kể là hài hước đen như khi nó nói tới một đức ông lăn đùng ra chết vì nghe các câu trả lời của Đức Giáo Hoàng.

Thí dụ, câu hỏi thứ nhất 4 vị Hồng Y đặt cho Đức Giáo Hoàng là liệu “sau tông huấn ‘Amoris Laetitia’, việc giải tội và rước lễ, trong một số trường hợp, có thể ban cho các người ly dị hiện đang sống trong một cuộc kết hợp mới và vẫn tiếp tục sống theo kiểu vợ chồng hay không” được ấn bản giả cho hay Đức Giáo Hoàng đã trả lời cả “có” lẫn “không” với lời giải thích trích từ một bài giảng của ngài ngày 15 tháng Mười Một năm 2015: “Tôi lấy câu hỏi này làm của mình. Tôi tự hỏi: ‘Bữa Tiệc Ly là cùng đích của cuộc lữ hành hay là một khích lệ để tiến bước? Có những câu hỏi mà chỉ ai trung thực với chính mình và với một ít ánh sáng thần học mà tôi hiện có, phải trả lời như nhau, anh em thấy đó’. Và từ đó, anh em chấp nhận các hậu quả. Đây là một câu hỏi mà mỗi người phải tự trả lời”.

Còn câu hỏi thứ tư, trong đó, 4 vị Hồng Y hỏi rằng liệu sau tông huấn “Amoris Laetitia”, hoàn cảnh hay ý hướng có thể biến đổi một “điều xấu từ trong nội tại” thành một điều tốt về phương diện chủ quan hay không, thì ấn bản giả cho rằng Đức Giáo Hoàng đã trả lời cả “có” lẫn “không” bằng cách trích dẫn nhiều câu vắn tắt (one-liner) đã trở thành nổi tiếng của ngài như “Tôi là ai mà dám phê phán?” (28/6/2013), “Tôi không pha mình vào” (17 tháng Hai, 2016). “Nhưng nếu tiến sĩ Gaspari, một người bạn vĩ đại, chửi mẹ tôi một câu, ông ta hẳn sẽ phải đợi một cú đấm! Nhung đây là chuyện bình thường! Bình thường mà!” (15 tháng Giêng 2015). “Thiên Chúa không hợp tình hợp lý? Đúng, Người không hợp tình hợp lý với Con của Người, Đấng mà Người sai đi vác thập giá” (15 tháng Mười Hai, 2016).

Ngoài bài chính như trên, còn 5 bài khác, 2 bài với các phản ứng của Đức Hồng Y Walter Kasper và của Cha Antonio Spadaro. Dưới tựa đề “tôi xụp qùy gối”, Đức Hồng Y Kasper được ấn bản cho là đã nói như sau: “Tôi thú thực, qùy gối có hơi khó chịu một chút, nhưng đây là cách duy nhất phải làm khi đọc thấy các câu trả lời làm dịu lòng của Đức Thánh Cha đối với các vị Hồng Y đa nghi”.

Cha Spadaro thì được ấn bản giả cho rằng đã đưa ra câu “tuyên bố có tính lịch sử: Sau các câu trả lời này, 2 cộng 2 quả là 5”. Có ý nhắc lại một câu hót (tweet) của Cha hồi tháng Giêng năm ngoái.

Một bài khác nói về Đức Ông Pio Vito Pinto, vị hiện đứng đầu Tòa thượng thẩm Roman Rota, người không lâu trước đây nói rằng Đức Phanxicô rất có thể cất mũ Hồng Y của bốn vị đa nghi. Nói sai, nhưng có lẽ cố ý, khi gọi Đức Ông là “Hồng Y”, ấn bản giả nói vị này lăn ra chết khi nghe các câu trả lời của Đức Phanxicô sau khi nói “những lời cuối cùng” này: “rõ ràng hơn điều này là các bạn sẽ chết”.

Hãng tin Associated Press tường trình rằng chủ bút tờ L’Osservatore Romano, Giovanni Maria Vian, không lúng túng chi cả về ấn bản này “chúng tôi chỉ buồn là cách xếp bài dở hơn của chúng tôi”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *