Trộm được bảo vật của nhà thờ mang về nhà, kẻ gian lại mang trả lại chân thành xin lỗi

1. Trộm được bảo vật của nhà thờ mang về nhà, kẻ gian lại mang trả lại chân thành xin lỗi

Cha Jarek Raczak là cha sở của nhà thờ Thánh Giuse ở quận Podgórze của Kraków, là ngôi nhà thờ quý vị và anh chị em đang xem thấy đây cho biết hôm thứ Sáu 18 tháng Sáu, một tên trộm đã trả lại di vật của một vị thánh người Ba Lan sống ở thế kỷ 19, là người đã truyền cảm hứng cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và xin lỗi vì đã lấy bảo vật này.

Ngôi nhà thờ ở miền nam Ba Lan này, cũng đã thông báo trên trang Facebook của mình vào ngày 18 tháng 6 rằng di tích của Thánh Albert Chmielowski đã được trả lại an toàn.

Cha Jarek Raczak cho biết: “Hôm nay, ngay trước 7 giờ sáng, thánh tích bị đánh cắp của Thánh Albert đã trở lại đền thánh của chúng ta. Thủ phạm vụ trộm đã đích thân đến gặp chúng tôi và xin lỗi về tình huống này. Tạ ơn Chúa! Cảm ơn anh chị em vì những lời cầu nguyện!”

Giáo xứ đã báo cáo vụ trộm vào ngày 11 tháng 6 và kêu gọi trên Facebook “Chúng ta hãy cầu nguyện để thủ phạm hoán cải và ăn năn”.

Trong một bản tin ngày 13 tháng 6, giáo xứ nói với anh chị em giáo dân: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo với anh chị em rằng thứ Ba tuần trước sau 9 giờ sáng, một di vật của Thánh Albert đã bị đánh cắp khỏi Bàn thờ Các Tông đồ của Lòng Thương Xót”.

Thánh Albert Chmielowski

Thánh Chmielowski – được biết đến với cái tên là Thầy Albert sinh ra trong một gia đình quý tộc giàu có vào năm 1845. Ngài bị thương ở tuổi 18 khi tham gia một cuộc nổi dậy chống lại lực lượng Nga. Chân của ngài bị cắt cụt trong tình trạng không có thuốc mê.

Ngài theo học nghệ thuật và trở thành một họa sĩ nổi tiếng ở Kraków. Nhưng cảm thấy có một lời kêu gọi giúp đỡ những người cần giúp đỡ, ngài đã từ bỏ thế giới nghệ thuật, gia nhập Dòng Ba Đa Minh và lấy tên là Albert.

Năm 1887, ngài thành lập Dòng Ba Anh em hèn mọn, Những người tôi tớ của Người nghèo, thường được gọi tắt là dòng Anh em Albert. Năm 1891, ngài thành lập các Nữ tu Albert. Cả hai chi nhánh đều dành để phục vụ người nghèo và người vô gia cư.

Thầy Albert qua đời vào ngày Giáng sinh năm 1916.

Năm 1949, vị Giáo hoàng tương lai Gioan Phaolô II đã viết một vở kịch về Thầy Albert có tên là “Vị Thầy của Chúa chúng ta”. Vở kịch đã được dựng thành phim vào năm 1997, do Krzysztof Zanussi làm đạo diễn.

Vị Giáo Hoàng người Ba Lan kể lại rằng khi đang cân nhắc về ơn thiên triệu, ngài đã lấy cảm hứng từ quyết định rời bỏ thế giới nghệ thuật của Albert để sống một cuộc đời phục vụ triệt để.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên chân phước cho Thầy Albert vào năm 1983 và tuyên thánh cho ngài sáu năm sau đó, vào ngày 12 tháng 11 năm 1989. Ngày lễ của ngài là ngày 17 tháng 6.


Source:Catholic News Agency

2. Truyền Chức Linh Mục tại Giáo Phận Tây Ban Nha sau gần 11 năm không có ơn gọi nào

Vị linh mục mới được thụ phong đã dẫn lời Thánh Gioan Vianney, Cha Giải Tội thành Ars: “Tôi đã phủ phục bản thân, ý thức về sự hư vô của mình để nảy sinh một linh mục đời đời”.

Hôm 20 tháng 6, Đức Cha César Franco của Giáo phận Segovia, Tây Ban Nha, đã bày tỏ niềm vui vô hạn của mình khi phong chức linh mục cho thầy Álvaro Marín Molinera. Ngài xúc động cho biết lần cuối cùng ngài phong chức cho một linh mục tại giáo phận này là cách đây hơn một thập niên, chính xác là 11 năm. Thật vậy, lần phong chức linh mục cuối cùng cho một linh mục triều trong giáo phận là vào ngày 4 tháng 7 năm 2010.

Hôm 5 tháng Sáu, Đức Cha Franco cũng đã phong chức linh mục cho một tu sĩ trẻ dòng Claretian.

Gia đình, bạn bè và đông đảo các linh mục, phó tế trong giáo phận cũng đến tham dự lễ truyền chức tại nhà thờ chính tòa.

Cha Marín, 27 tuổi, được phong chức phó tế vào tháng 10 năm 2020, và được đào tạo tại Đại học Ávila và Đại học Giáo hoàng Salamanca.

Theo tờ báo El Adelantado de Segovia, tân linh mục giáo phận đã chọn phương châm của mình là “Tôi có thể làm mọi điều trong Đấng củng cố tôi”.

Trong bài giảng tại Thánh lễ truyền chức, Đức Cha Franco nói rằng “chức tư tế mang đến cho linh mục thẩm quyền đối đầu với sự dữ, nhưng để làm được điều này, vị linh mục ấy phải noi gương mầu nhiệm thập giá trong cuộc sống của mình”.

Vị giám mục nhấn mạnh rằng để thi hành chức vụ, “linh mục không thể là một kẻ hèn nhát, không tin cậy vào Chúa Kitô hoặc sống đức tin một cách tầm thường”, và vì vậy ngài khuyến khích Cha Marín đặt tất cả sức mạnh của mình trong Chúa Giêsu Kitô.

Vị linh mục mới được thụ phong đã dẫn lời Thánh John Vianney, Cha Giải Tội thành Ars: “Tôi đã phủ phục bản thân, ý thức về sự hư vô của mình để từ đó nảy sinh một linh mục đời đời”.


Source:Catholic News Agency

3. Lên tiếng bênh vực Giáo Hội, một linh mục Canada bị hăm dọa lấy mạng

Cha Owen Keenan, một linh mục ở Mississauga, Ontario, phía tây Toronto, dâng thánh lễ trực tuyến hàng ngày tại Giáo xứ Chúa Cứu Thế Giàu Lòng Thương Xót đã trở thành một nạn nhân bị công kích trên các phương tiện truyền thông và bị hăm dọa lấy mạng vì dám bảo vệ Giáo Hội trong vụ các trường nội trú dành cho người bản địa.

Trong bài giảng của ngài vào Chúa Nhật tuần trước, Cha Owen Keenan đã đề cập đến vụ tìm thấy các ngôi mộ vô danh tại trường nội trú Kamloops, ở British Columbia, nơi những người da đỏ báo cáo rằng họ đã phát hiện ra hài cốt của 215 trẻ em trong những ngôi mộ vô danh vào cuối tháng Năm.

Trong bài giảng, ngài nói rằng:

“Hai phần ba đất nước này đang đổ lỗi cho Giáo Hội, mà chúng ta yêu mến, về những thảm kịch xảy ra ở đó. Tôi cho rằng một con số tương tự phải cảm ơn Giáo Hội vì những điều tốt đẹp đã được thực hiện ở những trường học đó, nhưng tất nhiên, câu hỏi đó không bao giờ được đặt ra và chúng ta thậm chí không được phép nói rằng có những điều tốt đã được thực hiện ở đó”.

Cha Keenan cũng nói trong bài giảng của ngài rằng mặc dù Giáo Hội nên xin lỗi vì đã tham gia vào “dự án tồi tệ của chính phủ”, nhưng người ta cũng nên đợi để tìm ra ai đã được chôn cất tại Kamloops và lý do tại sao họ chết trước khi “đưa ra phán quyết cuối cùng”.

Theo Cha Keenan, phát hiện này là “rất đáng buồn” và là biểu tượng cho “thảm kịch vẫn đang diễn ra của các chính sách do chính phủ Canada đề ra đối với người bản địa”.

Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.

Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Nhưng, cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.

“Chúng ta không biết những đứa trẻ đó chết như thế nào. Chúng ta không biết, chúng ta không thể biết, liệu họ có chết nếu ở nhà hay không”.

Trong khi kêu gọi những lời cầu nguyện và hòa giải, ngài cũng nói “Nhiều người đã có những trải nghiệm rất tích cực về các trường nội trú. Nhiều người đã được chăm sóc sức khỏe và giáo dục và có những trải nghiệm rất tốt về sự phục vụ của Giáo Hội”.

Để huy động lực lượng chống Cha Keenan, CBC Canada viết:

“Trong cùng một bài giảng, Keenan chỉ trích các trường Công Giáo treo cờ Tự hào trong tháng này, nói rằng Giáo Hội hy vọng họ sẽ thể hiện ‘lòng can đảm’ bằng cách trưng bày một cây thánh giá hoặc Thánh Tâm Chúa. Ông mô tả lá cờ Tự hào là ‘giấy phép cho sự hoang dâm đương đại’ thay thế cho các biểu tượng Công Giáo”.

Đây là một fake news. Trong bài giảng của ngài, Cha Keenan chỉ đề cập đến vấn đề trường nội trú của người da đỏ.


Source:CBC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *