Vào năm 1987, Trung Quốc đang ở trong thời kỳ cai trị khắc nghiệt của Mao Trạch Đông. Vì thế chính quyền không bao giờ chấp nhận các linh mục, đặc biệt, các linh mục nước ngoài bị nghi ngờ là tay sai của phương Tây. Khi đặt chân đến Thượng Hải, cha Lawrence Flynn ngay lập tức nhận ra rằng tình hình đất nước châu Á đang rất phức tạp. Hơn nữa, cha là người Mỹ và chiến tranh lạnh vẫn chưa kết thúc. Cha trở thành một linh mục hoạt động âm thầm của “Giáo hội hầm trú” trong nhà nước cộng sản. Rất nhanh chóng cha nhận ra rằng hoạt động mục vụ công khai không thể thực hiện được, vì mọi người đã biết cha là linh mục.
Trước hoàn cảnh khó khăn này, cha Lawrence tham gia dạy tiếng Anh ở trường học. Qua quan sát ban đầu cha nhận ra rằng ở đây rất thiếu linh mục và các giáo viên cũng thiếu, chính vì vậy cha mới được chấp nhận làm giáo viên. Dần dần cha nhận được sự kính trọng của ban giám hiệu nhà trường và họ đã mời cha dạy thêm môn lịch sử và văn hoá Kinh Thánh. Nhân cơ hội này, cha Lawrence đã tìm cách loan truyền tinh thần Kitô cho các học sinh. Sự nhiệt tình của linh mục người Mỹ đã làm cho các sinh viên phấn khích và họ thường ở lại sau các buổi học để hỏi thêm những vấn đề liên quan đến bài học và các đề tài khác.
Ngoài thế hệ trẻ siêng năng học tiếng Anh và ưu thích học hỏi, cha Lawrence còn xúc động khám ra đời sống đức tin kiên vững của những người Công giáo Trung Quốc lớn tuổi. Những người này đã giữ vững đức tin trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc Cách mạng Văn hoá trong 30 năm. Khi thái độ của nhà cầm quyền đối với tôn giáo bớt cứng rắn hơn, những người Công giáo lớn tuổi này mới được học hỏi và biết những tiến triển của Giáo hội hoàn vũ, đặc biệt là những cải cách của Công đồng Vatican II. Đối với nhiều người Công giáo Trung Quốc lớn tuổi, những người đã giữ vững đức tin trước mọi khó khăn, việc không cử hành Thánh lễ Latinh và những tiến triển của phụng vụ dường như là một điều không thể hiểu được.
Một ảnh hưởng khác của chế độ Trung Quốc đối với Giáo hội Công giáo trong thời kỳ đóng cửa là: trong nhiều thập kỷ Giáo hội không thể đào tạo chủng sinh, vì thế khi tình hình dịu lại Giáo hội đã phải làm rất nhiều việc. Không lâu sau khi cha Lawrence đến, tân Giám mục của Thượng Hải, Đức cha Aloysius Jin Luxian, đã đề nghị vị linh mục truyền giáo tham gia giảng dạy tại chủng viện đã mở cửa trở lại sau 45 năm. Cha Lawrence đồng ý ngay và nhiệt thành dấn thân. Một linh mục đã được cha giảng dạy khẳng định: “Thậtt không quá lời khi nói rằng cha Lawrence đã phải lòng người Trung Quốc”.
Để hỗ trợ công việc tái thiết Giáo hội, theo cha Lawrence, giảng dạy thôi thì chưa đủ, cần phải cho Giáo hội địa phương hoà nhập với Giáo hội hoàn vũ, nâng tầm và mở rộng kiến thức, vì thế cha đã tìm kiếm các học bổng cho Giáo hội Trung Quốc và nỗ lực thiết lập một cầu nối hữu nghị giữa quê hương của cha và Trung Quốc mà cha coi như quê hương thứ hai. Trong bối cảnh không có các giáo sĩ địa phương để đào tạo các chủng sinh mới, cha đã tìm cách đưa những người trẻ mong ước trở thành linh mục đi học ở nước ngoài. Với chương trình này, vào năm 1993, một nhóm đầu tiên 18 sinh viên từ khắp nơi trên đất nước đã có thể đến Hoa Kỳ theo học.
Với sự hỗ trợ của các hồng y và giám mục Hoa Kỳ, Dự án Nhà giáo dục và Nhà đào tạo Trung Quốc đã ra đời. Khoảng 45 sinh viên Trung Quốc – chủng sinh, phó tế, linh mục và nữ tu – đã đến Hoa Kỳ để được đào tạo từ năm 1991 đến năm 1994.
Sau một cuộc đời dấn thân truyền giáo, cha Lawrence W. Flynn qua đời vào ngày 09/7/2022 tại New York, hưởng thọ 93 tuổi. Tại lễ tang lễ của cha, nhiều bạn bè và người thân, đặc biệt những người Trung Quốc, đã quy tụ để cầu nguyện cho cha.
Trong dịp này mọi người quen biết cha nhắc lại cuộc đời cùng những kỷ niệm về cha với lòng kính trọng và cảm phục.
Cha Lawrence gia nhập Hiệp hội Truyền giáo Hải ngoại của Hoa Kỳ ở tuổi 20, nhưng sau 5 năm, cha rời trường này và đến trường Boston theo học tại đây và nhận bằng tiến sĩ. Sau đó, cha tham gia giảng dạy tại các trường trong và ngoài nước, phục vụ trong quân đội ở nước ngoài, phục vụ trong Dịch vụ Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ và làm việc trong ngành ngoại giao. Dấu chân của cha đã lan rộng khắp châu Âu, châu Phi và châu Á, như Đức, Pháp, Congo, Việt Nam, Maroc và Ấn Độ. Cha đã tích lũy kinh nghiệm ngoại giao và kinh nghiệm phục vụ xã hội phong phú. Mãi đến năm 1981, ở tuổi 53 cha mới cảm nhận lại ơn gọi linh mục.
Ngay khi thụ phong linh mục, cha đã được bề trên gửi đến Trung Quốc. Và từ đó cha đã sống và cống hiến cuộc đời cho Giáo hội Trung Quốc.