Cố linh mục hiệu trưởng Giuse Vũ Ngọc Tấn, nguyên sáng lập trường, sinh năm 1919 tại Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Cha đã kiến thiết và làm hiệu trưởng trường tiểu học mang tên Thánh Vinh Sơn Liêm với niên khóa đầu tiên 1957 – 1958, ba năm sau nâng thêm bậc trung học từ lớp đệ thất (lớp 6) tới đệ tứ (lớp 9).
Ngày nay trường càng mở mang hơn, từ đổi thành trường cấp 1 Lê Văn Tám rồi tới trường tiểu học Lê Hoàn hiện tại.Vẫn tiếp nối việc quảng bá giáo dục; đầu năm 1967, lần nữa Cha lại xây dựng trên thảo điền gia viên, một ngôi trường trung học bốn tầng khang trang cùng mang tên Thánh Vinh Sơn Liêm với niên học mới 1968 – 1969, từ lớp 6 tới lớp 12.
Cuối năm 1972, do hoàn cảnh khách quan, chức vụ hiệu trưởng được trao cho linh mục Duy Ân Nguyễn Hữu Vịnh cùng đảm nhiệm bởi các sư huynh dòng Thánh Tâm Huế. Sau tháng Tư năm 1975, Cha cố Giuse Vũ Ngọc Tấn về nghỉ hưu vì tuổi cao sức yếu tại Gia Kiệm, Đồng Nai.
Trường trung học Vinh Sơn Liêm được đổi thành trường cấp 3 (phổ thông trung học) Nguyễn Trung Trực tới nay. Cha đã ly trần vào ngày 19/11/1987 tại giáo xứ Hoàng Mai, hưởng thọ 68 tuổi.
Trường được cha cố Giuse Vũ Ngọc Tấn là cha sở tiên khởi Giáo xứ Hoàng Mai xây dựng từ năm 1954 mang tên Thánh Vinh Sơn Liêm với bức tượng Thánh sừng sững oai nghi giữa sân trường.
Sau 1975 trường bị đổi tên thành Nguyễn Trung Trực. Có một điều lạ là dưới chân Thánh Vinh Sơn Liêm luôn có bình hoa tươi và vẫn duy trì cho đến nay.
Điều lạ thứ hai, ai cũng nghe rằng người hiệu trưởng lúc ấy là bà Nguyễn Thị Lan, muốn hạ bệ bức tượng Thánh Vinh Sơn Liêm, bà đã gặp cha xứ Hoàng Mai là cha Vinh Sơn Lê Minh Vọng để trao đổi, sau khi thỏa thuận với bà Lan thì cha ấy ngã bệnh nặng.
Bà Lan đã nhiều lần cho máy cày máy búa vào cẩu, phá, đập tượng Thánh nhưng không sao phá được bức tượng nhỏ bé yếu ớt so với sức cẩu – phá của xe cơ giới. Ngay cả dòng chữ VINH SƠN LIÊM mong manh trước cổng trường, họ cũng không tài nào phá nổi nên vẫn còn đó tấm bảng tôn NGUYỄN TRUNG TRỰC che ốp bên ngoài, với bức tượng Thánh Vinh Sơn Liêm vẫn oai nghi hiện hữu cùng mọi thế hệ con cháu gốc “rau muống” Xóm Mới.
(Phỏng theo lời kể của một cựu HS trường)
-Martinô Gia Lào-