Vatican chính thức loan báo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến Síp và Hy Lạp vào tháng 12

1. Nhiều nỗ lực tạo điều kiện cho Đức Giáo Hoàng thăm Triều Tiên đang được tiến hành

Sau khi Tổng thống Hàn Quốc Văn Tại Dần mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm bán đảo Triều Tiên vào tuần trước, một tổng giám mục nổi tiếng đã chỉ ra rằng Vatican đang nỗ lực thúc đẩy các điều kiện để Đức Giáo Hoàng có thể thăm quốc gia Á Châu này.

Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik), tổng trưởng Bộ Giáo sĩ Vatican và là người gốc Đại Điền (Daejeon, 대전시), Hàn Quốc, nói với các phóng viên rằng “cùng với chính phủ Hàn Quốc, Vatican cũng nỗ lực tạo điều kiện cho Đức Thánh Cha đến thăm Bắc Triều Tiên thông qua nhiều kênh khác nhau”.

Lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài sẵn sàng đến thăm nếu ngài nhận được lời mời chính thức từ Triều Tiên, Đức Tổng Giám Mục cho biết nhận xét của Đức Thánh Cha “nên được hiểu đúng như nó vốn có,” và ngài sẽ không nói rõ thêm về vấn đề này, “vì những suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng đã quá rõ”.

Ngài nói, một chuyến thăm phụ thuộc vào phản ứng của Triều Tiên và nhấn mạnh rằng khi nói đến quan hệ quốc tế, cả hai bên phải tôn trọng lẫn nhau theo cách tiếp cận “cho và nhận”.

Đức Tổng Giám Mục nói, Vatican có thể đóng vai trò trung gian đàm phán giữa hai miền nếu được yêu cầu, và lưu ý rằng Giáo Hội Công Giáo đã có dấu chân ở Triều Tiên thông qua các tổ chức như Cộng đồng Thánh Egidio chuyên về các hoạt động bác ái và xã hội, đồng thời cũng đang giúp đàm phán tiến trình hòa bình ở Nam Sudan.

Một phái đoàn từ Cộng đồng Thánh Egidio đã đến thăm Triều Tiên vào năm 2018 để thúc đẩy các hoạt động nhân đạo tại nước này, cung cấp thực phẩm, thuốc men và thiết bị y tế cho Bệnh viện Nhi Nguyên Sơn (Wonsan, 원산) cùng nhiều hoạt động khác. Họ cũng đã gặp gỡ các nhà chức trách cấp cao trong chuyến viếng thăm.

Lời mời đến thăm Triều Tiên được đưa ra trong cuộc gặp riêng vào ngày 29 tháng 10 giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và tổng thống Văn trong khi ông đang ở Rôma để tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20.

Nhân dịp đó, tổng thống Văn hỏi Đức Giáo Hoàng liệu ngài có cân nhắc việc thăm Triều Tiên để giúp thúc đẩy hòa bình giữa hai quốc gia hay không, và cho rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Bình Nhưỡng sẽ tạo động lực cho toàn bộ tiến trình hòa bình.

Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã đến thăm Hàn Quốc vào năm 2014, cho biết ngài sẽ đi nếu nhận được lời mời từ chính quyền Triều Tiên.

Đây là lần thứ hai tổng thống Văn đề nghị Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Triều Tiên, quốc gia vẫn chưa nhận được chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng.

Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Lý Vịnh Chu (Lee Jong Joo, 이종주) bày tỏ hy vọng với các nhà báo trong cuộc họp báo ngày 1 tháng 11 rằng Triều Tiên sẽ xem xét chuyến thăm, nói rằng, “chúng tôi hy vọng sẽ thấy Triều Tiên phản ứng và bảo đảm cơ hội này để thúc đẩy hòa bình trên Triều Tiên Bán đảo. “

“Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên có thể là một cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy hòa bình và hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên”, ông nói và nhận xét thêm rằng, “Nếu các cuộc thảo luận liên quan giữa Vatican và Triều Tiên có tiến triển, Bộ sẽ nỗ lực để bảo đảm rằng Chuyến thăm của giáo hoàng có thể là cơ hội để đạt được sự đồng thuận quốc tế và thực sự thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”.

Hôm thứ Ba, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, Phác Quý Mỹ (Park Kyung-mee, 박경미) nói với đài phát thanh KBS của Hàn Quốc rằng “nhiều nỗ lực khác nhau đang được tiến hành” để có thể thực hiện chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên, “nhưng rất khó để dự đoán thời gian.”

Trả lời câu hỏi về việc khi nào một chuyến đi có thể xảy ra, Cô Phác nói rằng nó có khả năng sẽ không xảy ra trong mùa đông – kéo dài từ khoảng cuối tháng 11 đến cuối tháng 2 – bởi vì “Đức Giáo Hoàng đến từ Á Căn Đình, một đất nước ấm áp, vì vậy tôi hiểu rằng rất khó cho ngài khi phải đi du lịch vào mùa đông”.

Yêu cầu về một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Văn đang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế cho một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-53, vốn kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, thay vì một hiệp ước hòa bình, có nghĩa là về mặt kỹ thuật, hai quốc gia vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh.

Tổng thống Văn chỉ còn sáu tháng tại vị nữa trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, tin rằng cần phải có một “tuyên bố chấm dứt chiến tranh” để thiết lập lòng tin, bắt đầu các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và bảo đảm một thỏa thuận hòa bình lâu dài.

Tuy nhiên, những người chỉ trích đề xuất này đã lên tiếng lo ngại rằng một tuyên bố có thể làm suy yếu mối quan hệ Mỹ-Hàn và có khả năng làm suy yếu áp lực quốc tế đối với Triều Tiên về các chương trình vũ khí của nước này, với nhiều nhà quan sát lưu ý rằng cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên trong quá khứ đã không tuân theo những điều thỏa thuận trước đó trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh.

“Chuyến thăm Triều Tiên của Đức Giáo Hoàng, người không ngừng cầu nguyện cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, không phải là một sự kiện công cộng mà là một hành động cao cả theo đúng nghĩa của nó,” Cô Phác nói.

Đề cập đến đồn đoán rằng chính phủ đang tìm cách sử dụng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng để lôi kéo các nhà lãnh đạo Triều Tiên đến bàn thương thảo trong thượng đỉnh liên Triều bên lề Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng Hai, Cô Phác nói, “Chúng tôi muốn vấn đề phải được tách biệt, thay vì cứ gắn với tuyên bố kết thúc chiến tranh hoặc Thế vận hội Bắc Kinh”.

Khi ở Rome tham dự G20, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lý Vịnh Chủ đã gặp các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc và Vatican để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Trong các cuộc họp – được tổ chức với Giám đốc Điều hành Cơ quan Lương thực Liên hợp quốc David Beasley và Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện của Vatican –Tình hình lương thực của Triều Tiên đã được đánh giá, và các bên đã thảo luận về cách giải quyết các mối quan tâm nhân đạo tại miền Bắc

Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện cho biết cuộc họp này bao gồm cả những thảo luận về vai trò của Vatican trên cả mặt trận nhân đạo và tiến trình hòa bình.


Source:Crux

2. Giám mục Ấn Độ bị cảnh sát điều tra vì chống lại chiến dịch ‘thánh chiến tình yêu’ của người Hồi giáo

Cảnh sát ở bang Kerala của Ấn Độ đang điều tra cáo buộc chống lại Đức Cha Joseph Kallarangatt của Pala. Họ nói ngài đã thúc đẩy cảm giác thù hận và tạo ra rạn nứt trong xã hội sau khi ngài cáo buộc một số người trong cộng đồng Hồi giáo tham gia vào “cuộc thánh chiến tình yêu và ma tuý”.

Tháng 9 vừa qua, vị giám mục cáo buộc người Hồi giáo nhắm mục tiêu vào các tín hữu Kitô vì dùng hôn nhân để cải đạo họ. Ngài cũng tuyên bố những kẻ buôn bán ma túy Hồi giáo đang tìm cách hủy hoại cuộc sống của những người không theo đạo Hồi thông qua việc sử dụng và mua bán ma túy.

Tòa án sơ thẩm ở Pala đã chỉ đạo cảnh sát điều tra và báo cáo trên cơ sở khiếu nại của một lãnh đạo của Hội đồng Imams toàn Ấn Độ rằng Đức Cha Kallarangatt đã phạm tội kích động cảm giác thù hận giữa các nhóm khác nhau vì lý do tôn giáo.

Các tín hữu Kitô chiếm gần 20% dân số Kerala – dù họ chỉ chiếm 2.3% dân số Ấn Độ nói chung – và bang này được coi là thành trì Kitô Giáo ở Ấn Độ. Người Hồi giáo chỉ chiếm hơn một phần tư dân số, và các chính trị gia Ấn Độ giáo gần đây đã coi “thánh chiến tình ái” trở thành một vấn đề chính trị.

Một số bang ở Ấn Độ đã thông qua luật cấm kết hôn khác đạo sau chiến dịch của Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo của Thủ tướng Narendra Modi chống lại “thánh chiến tình yêu”. Các nhóm theo đường lối cứng rắn của Ấn Độ giáo cáo buộc đàn ông Hồi giáo chuyển đổi phụ nữ theo đạo Hindu sang Hồi Giáo bằng cách kết hôn với họ.

Mặc dù những luật như vậy cũng được sử dụng để ngăn cản các tín hữu Kitô kết hôn với người Ấn Giáo, nhưng nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo đã chuẩn chước cho nhiều người đàn ông Hồi giáo nhắm vào phụ nữ Công Giáo.

Đức Hồng Y George Alencherry, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar có trụ sở tại Kerala, đã triệu tập một ủy ban về hôn nhân liên tôn vào năm ngoái.


Source:Crux

3. Vatican chính thức loan báo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến Síp và Hy Lạp vào tháng 12

Hôm thứ Sáu, Tòa thánh đã chính thức thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12.

Chuyến đi kéo dài 4 ngày đến hai quốc gia Địa Trung Hải sẽ bao gồm các điểm dừng chân ở Nicosia, thủ đô của Cyprus, và Athens, thủ đô của Hy Lạp, cũng như đảo Lesbos của Hy Lạp.

Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Síp từ mùng 2 đến mùng 4 tháng 12 trước khi bay đến Athens vào ngày 4 tháng 12 và Lesbos vào ngày 5 tháng 12.

Đây sẽ là chuyến đi thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Lesbos, còn được gọi là Lesvos, một hòn đảo có trại tị nạn Moria khét tiếng đã bị hư hại trong một trận hỏa hoạn năm ngoái.

Đức Giáo Hoàng đã có chuyến thăm kéo dài một ngày vào năm 2016 cùng với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, nhà lãnh đạo tinh thần của Chính Thống Giáo trên thế giới, để thu hút sự chú ý đến hoàn cảnh của những người di cư trên đảo.

Biểu tượng cho hành trình tông đồ của Đức Thánh Cha tới Hy Lạp là “một con tàu đi qua vùng nước đầy khó khăn của thế giới chúng ta, với thập tự giá của Chúa Kitô làm cột buồm và những cánh buồm của nó được lái bởi gió của Chúa Thánh Thần”, một tuyên bố của Vatican đưa ra hôm 5 tháng 11 cho biết như trên.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ hai đến thăm Síp. Đức Bênêđictô XVI đã tông du đến hòn đảo Địa Trung Hải này vào năm 2010.

Chủ đề chính thức trong chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Síp là “An ủi nhau trong đức tin”. Theo giải thích của Vatican, chủ đề này được lấy cảm hứng từ tên của Tông đồ Barnabas, có thể có nghĩa là con trai của sự an ủi.

Chính thống giáo chiếm đa số ở cả Síp và Hy Lạp. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 72% người dân ở Síp theo Kitô Giáo và 25% dân số theo đạo Hồi.

Các quốc gia Địa Trung Hải cũng được liên kết với nhau vì Thánh Phaolô đã đi đến cả hai nơi. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại rằng Thánh Phaolô đã dừng chân ở Síp và làm phép Rửa Tội cho tổng đốc Sergius Paulus. Thánh Phaolô cũng đã rao giảng trên đường phố Athens.

Theo cơ quan thống kê quốc gia của nước này, ngày nay, Síp có khoảng 11,000 người Công Giáo, và Hy Lạp là nơi sinh sống của khoảng 50,000 người Công Giáo (chiếm 0.5% dân số).

Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa hoan nghênh thông báo về chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Síp, nơi thuộc quyền của ngài với tư cách là Thượng phụ La tinh của Jerusalem.

Đức Thượng Phụ lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ gặp Đức Tổng Giám Mục Chính thống giáo Chrysostomos II, những người Công Giáo địa phương, và một nhóm người di cư và tị nạn khi ngài thăm Síp, ngoài việc dâng thánh lễ tại một sân vận động trên đảo.

“Chúng tôi rất biết ơn và vinh dự bởi chuyến thăm này, nhằm mục đích vừa là một cuộc hành hương vừa là một cơ hội để gặp gỡ,” Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa cho biết hôm 5 tháng 11.

“Đó là cuộc hành hương theo dấu chân của Tông đồ Banaba, vị Tông đồ của các dân tộc, cùng với Phaolô, cha của Giáo hội Síp. Đó là cơ hội để gặp gỡ thực tế Trung Đông tràn vào Địa Trung Hải – và vào Síp – trong thảm kịch về những gia đình tìm kiếm nơi ẩn náu sau chiến tranh, nghèo đói, tranh giành quyền lực và chủ nghĩa bè phái tôn giáo”.

Hành trình tông đồ sẽ là chuyến đi thứ ba của Đức Giáo Hoàng kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Các chuyến đi trước đó của ngài là đến Iraq vào tháng 3; Hung Gia Lợi và Slovakia vào tháng 9.

Đức Giáo Hoàng, năm nay 84 tuổi, đã trải qua cuộc phẫu thuật đại tràng vào tháng 7, đã bày tỏ mong muốn tông du đến Canada, Congo, Hung Gia Lợi, Papua New Guinea và Đông Timor trong năm tới.


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *