1. Tình hình tổng quát trên thế giới
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tính cho đến chiều thứ Sáu 27 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 24,090 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 532,263 người.
Dịch bệnh đã bùng phát rất mạnh tại Hoa Kỳ. Tính đến sáng thứ Sáu 27 tháng Ba, Hoa Kỳ đã đứng đầu thế giới về các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận với 85,594 trường hợp, trong đó có 1,300 người chết.
Hoa Lục, theo các báo cáo rất phi thực tế của bọn cầm quyền Bắc Kinh đang đứng thứ hai với 81,340 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 3,292 người chết.
Thiệt hại nhân mạng tại Ý ngày càng trở nên rất nghiêm trọng. Tính đến chiều thứ Sáu 27 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 8,215 người, và 80,589 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.
Tình hình tại Tây Ban Nha đã gia tăng một cách đột biến trong những ngày gần đây. Đến nay, đã có 4,365 người chết, nghĩa là vượt qua con số tử vong tại Hoa Lục do Bắc Kinh công bố. 57,786 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận cho đến nay.
Tại Đức, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 43,938 người, trong đó có 267 người chết.
Tại Iran, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 29,406 người, trong đó có 2,234 người chết. Các quan sát viên cho rằng con số nhiễm bệnh và thương vong thực tế tại Iran, đặc biệt là tại thành phố Qom và tại Tehran cao hơn con số báo cáo này rất nhiều.
Tại Pháp, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 29,155 người, trong đó có 1,696 người chết.
2. Coronavirus độc địa vào đến nhà Đức Giáo Hoàng
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Coronavirus đã xâm nhập được đến Domus Sanctae Marthae, là nơi cư trú của Đức Giáo Hoàng. Đức Ông Gianluca Pezzoli, một linh mục 58 tuổi của giáo phận Mantua, hiện đang làm việc cho phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và cư ngụ tại nhà trọ Santa Marta, đã thử nghiệm dương tính với coronavirus.
Giáo phận Mantua đã xác nhận tin tức này với tờ Catholic Herald, nhưng không có thông tin chi tiết về nơi ở và tình trạng sức khoẻ của Đức Ông Pezzoli.
Hôm thứ Tư, tờ Il Messaggero đã báo cáo rằng một quan chức của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cư tại Domus Sanctae Marthae trong nhiều năm đã thử nghiệm dương tính với coronavirus và đã được đưa vào bệnh viện để quan sát.
Tuy nhiên, tờ Il Messaggero trấn an độc giả rằng nguy cơ lây nhiễm cho Đức Giáo Hoàng là không đáng lo ngại và các biện pháp bảo vệ Giáo hoàng Phanxicô đã được kích hoạt.
Trường hợp của Đức Ông Pezzoli đã đưa số người nhiễm coronavirus tại Vatican lên năm người.
Đề cập đến các biện pháp bảo vệ Đức Giáo Hoàng, Il Messaggero cho biết cuộc sống của Đức Giáo Hoàng hiện nay bị giới hạn trong một vài không gian: vào buổi sáng, ngài cử hành thánh lễ một mình trong nhà nguyện với ba thư ký và ăn trưa một mình trong phòng. Ngài vẫn tiếp khách nhưng rất hạn chế và tham dự các cuộc họp trong Dinh Tông Tòa, chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và trình bày bài giáo lý cho buổi tiếp kiến chung hàng tuần giờ đây được truyền hình từ thư viện của Dinh Tông Tòa.
Một số văn phòng của Vatican – bao gồm Phòng Báo Chí Tòa Thánh và các văn phòng khác của bộ truyền thông – đã giảm hoạt động và thực hiện các giao thức làm việc từ xa để các nhân viên có thể làm việc từ nhà của họ.
3. Các tổ chức nhân quyền trên thế giới tiếp tục lên án nhà cầm quyền Ấn
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là các hình thức chà đạp nhân phẩm rất quái lạ của cảnh sát Ấn trong những ngày gần đây sau lệnh cấm không được ra khỏi nhà của Thủ tướng Narendra Modi.
Như chúng tôi đã đưa tin, mặc dù các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng tại Ấn tỏ ý không tán thành, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn đã ra lệnh cho khoảng 1.3 tỷ công dân không được ra khỏi nhà trong vòng 21 ngày, bắt đầu từ nửa đêm 24 tháng Ba.
Trong đoạn video này, quý vị và anh chị em có thể thấy các hình thức nhục mạ cảnh sát áp dụng đối với những người vi phạm. Các nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Ấn nói chính quyền có thể phạt tiền, thậm chí bỏ tù những người vi phạm nhưng các hình thức chà đạp nhân phẩm như quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là khó chấp nhận.
Cho đến nay tại Ấn, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 733 người, trong đó có 20 người chết. Tuy những con số này tương đối thấp nhưng nếu dịch bệnh lan tràn mạnh hơn có lẽ hàng triệu người sẽ phải chết.
4. Mệnh lệnh phải ở nhà có nghĩa là gì đối với những người vô gia cư
Chris Bain, Giám đốc Caritas Anh quốc và xứ Wales, gọi tắt là CAFOD, lên tiếng hoan nghênh lời khuyên của Thủ tướng Anh Boris Johnson, theo đó để tránh cho hệ thống y tế tại quốc gia này, gọi tắt là NHS, khỏi sụp đổ, mọi người nên ở nhà.
Ông Boris Johnson nói trong diễn văn gởi quốc dân đồng bào hôm 24 tháng Ba như sau:
Coronavirus là mối đe dọa lớn nhất đất nước này đã từng phải đối mặt trong nhiều thập kỷ, và không phải chỉ có đất nước chúng ta phải đối mặt với nó. Toàn thế giới đã nhìn thấy những tác động tàn phá khốc liệt của kẻ giết người vô hình này. Tôi e nếu quá nhiều người không khỏe vào cùng một lúc, NHS sẽ không thể đương đầu nổi, có nghĩa là nhiều người có thể sẽ chết vì coronavirus và cả những bệnh tật khác. Bây giờ đã đến tất cả chúng ta phải làm nhiều hơn nữa từ tối nay. Tôi phải cung cấp cho người dân Anh một hướng dẫn rất đơn giản: bạn phải ở nhà.
Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo của CAFOD, tình trạng của những người vô gia cư đang lang thang trên các đường phố hoang vắng là đáng lo ngại: “Chính phủ hình như không nghĩ đến họ. Với các đường phố trống trơn như hiện nay, những người kiếm sống bằng cách bán các tạp chí hay các nhật báo, chẳng hạn, rõ ràng mất đi phương tiện kiếm sống. Nhiều người vô gia cư thường sống tụ tập với nhau, nguy cơ lây nhiễm là rất cao.”
Hiện nay, CAFOD đang cung cấp thực phẩm cho những người bất ngờ rơi vào tình cảnh khó khăn, và đang phải suy nghĩ các phương cách mới làm sao điều hành hiệu quả các hoạt động bác ái trong hoàn cảnh mới này.
Tưởng cũng nên nhắc lại, theo sau thông điệp của Thủ tướng, Đức Hồng Y Vincent Nichols đã lên tiếng ủng hộ và ra lệnh đình chỉ các thánh lễ và đóng cửa các nhà thờ trong tổng giáo phận Westminster đóng cửa ngay lập tức, kể cả việc viếng nhà thờ, hay các buổi giải tội cũng bị hủy bỏ.
Trong một thông điệp gửi đến các linh mục và anh chị em giáo dân, Đức Hồng Y nói: “Tất cả các nhà thờ phải bị đóng cửa, và giữ tình trạng đóng cửa này cho đến khi có lệnh mới. Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều tuân theo chỉ dẫn này, dù đau đớn và khó khăn.”
Cho đến nay, Anh quốc có 11,658 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, trong đó 578 người đã thiệt mạng.
5. Chủ tiệm làm bánh tin rằng niềm tin vào Chúa Phục sinh giúp dân chúng lên tinh thần
Coronavirus đang tàn phá mạnh nước Ý. Trong bối cảnh này hầu hết các cửa tiệm đều đóng cửa theo lệnh của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, công ty bánh kẹo Boella & Sorrisi có trụ sở tại Torino tiếp tục sản xuất trứng Phục sinh như bình thường.
Cô Elena Caprino là người điều hành cơ sở này nói:
“Người dân cần một niềm hy vọng để sống còn. Biến cố Chúa Phục sinh, đánh bại cái chết, là niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta. Vì thế, chúng tôi tiếp tục sản xuất món quà truyền thống của dịp lễ này.”
Thay vì bán ở cửa hàng như thường lệ, cô chất lên một chiếc xe đạp cho một nhân viên giao hàng tận nhà.