1. Mục tử tốt yêu mến, chăm sóc đoàn chiên và sẵn sàng vác thánh giá
Trong bài giảng Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng Thứ Sáu 18 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên cho các mục tử hãy “yêu mến, chăm sóc đoàn chiên và chuẩn bị mình sẵn sàng vác thập giá,” đừng phung phí thời gian can dự vào đời sống của những người khác.
Lời khuyên của Đức Thánh Cha được rút ra từ Phúc Âm của Thánh Gioan kể lại cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô.
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”
Những lời đối đáp này được lặp lại tương tự như thế đến ba lần. Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu muốn hướng dẫn Thánh Phêrô trên một hành trình tâm lý để thấy mối liên hệ này: yêu mến Chúa nghĩa là “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Và để chăm sóc chiên con của Thầy, người mục tử phải “chuẩn bị chính mình”, phải dám theo theo Thầy sẵn sàng vác thập giá.
Bước đầu tiên để trở thành môn đệ đích thực của Con Thiên Chúa là yêu mến. Đức Thánh Cha nói tiếp rằng chăm sóc và lo lắng cho đoàn chiên Chúa là một phần thiết yếu trong căn tính người mục tử.
Ngài nói:
“Căn tính của giám mục, linh mục chính là một mục tử.”
“Yêu mến Thầy, hãy chăm sóc chiên của Thầy và chuẩn bị mình. Yêu mến Thầy hơn tất cả những gì khác. Hãy yêu mến Thầy hết sức con có thể, nhưng hãy yêu mến Thầy. Đó là những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi các mục tử và tất cả chúng ta. ‘Hãy yêu mến Thầy’. Bước đầu tiên trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa là yêu mến.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng phần số của những ai đón nhận Chúa trọn vẹn là “tử đạo” và “vác thập giá” nghĩa là được đưa đến nơi họ không muốn đến. Nhưng đây là la bàn định hướng cho người mục tử.
“Hãy chuẩn bị cho những thử thách; hãy chuẩn bị bỏ lại sau lưng mọi thứ, để người khác có thể đến và làm những việc khác. Hãy chuẩn bị chính mình cho sự lãng quên trong cuộc đời này. Và họ sẽ mang anh em dọc theo những con đường đầy nhục nhã, đến độ tử vì đạo. Những người ca ngợi anh em, nói tốt về anh em khi anh em còn là một mục tử thì giờ đây sẽ nói xấu anh em, bởi vì người khác đã đến và được ưa chuộng hơn anh em. Hãy chuẩn bị vác thập giá khi người ta mang anh em tới những nơi mà anh em không muốn đến. Hãy yêu mến, chăm sóc đoàn chiên và chuẩn bị chính mình. Đây là tấm bản đồ chỉ đường, là la bàn của một mục tử.”
Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung đề cập đến điều cuối cùng là một cám dỗ phổ biến: đó là ước muốn can dự vào đời sống của những người khác chứ không hài lòng với việc chú tâm vào công việc của mình mà thôi.
“Hãy lo việc của mình đi và đừng dí mũi vào những công việc của người khác. Người mục tử yêu mến, chăm sóc cho đoàn chiên và chuẩn bị chính mình trước những thánh giá…Đừng phung phí thời gian lo những chuyện bao đồng, dù là những đồn thổi liên quan đến Hội Thánh đi chăng nữa. Hãy yêu mến, chăm sóc đàn chiên của Chúa và chuẩn bị mình để đừng sa chước cám dỗ.”
2. Các thị kiến Đức Mẹ hiện ra tại Lithuania và Ba Lan
Kính thưa quý vị và anh chị em.
Như tuần trước Như Ý đã trình bày, mặc dù người Công Giáo không bắt buộc phải tin vào bất kỳ mặc khải riêng nào, ngay cả những mặc khải riêng đã được Tòa Thánh công nhận, các cuộc hiện ra và thông điệp của Đức Mẹ đã được Giáo Hội chấp thuận để cổ vũ lòng sùng kính của người dân địa phương hay toàn thể Giáo Hội phổ quát. Sự chấp thuận này được thực hiện vì lợi ích của các tín hữu, khích lệ họ trên con đường tiến tới sự thánh thiện.
Sau đây là hai thị kiến Đức Mẹ hiện ra tại Lithuania và Ba Lan đã được Tòa Thánh công nhận.
Thị kiến Đức Mẹ hiện ra tại Siluva, Lithuania
Kính thưa quý vị và anh chị em.
Lithuania là nơi có cộng đồng Công Giáo lớn nhất ở vùng Baltic. Hơn 77 phần trăm trong số gần ba triệu cư dân của quốc gia này là người Công Giáo.
Tháng 9 năm 1993, Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm vùng này.
Lithuania rộng 65,300 km2, tức chỉ bằng một phần năm của Việt Nam. Trong tổng số 2,824,000 dân, người Công Giáo chiếm 77.2%, sinh hoạt trong 8 giáo phận trong đó có 2 tổng giáo phận và một giáo phận quân đội. Giáo Hội tại Lithuania có 779 linh mục trong đó có 681 linh mục triều và 79 linh mục dòng; 4 phó tế vĩnh viễn, 145 nam tu sĩ, và 773 nữ tu.
Năm 1608, một nhóm trẻ em mục tử trông thấy một người phụ nữ đang khóc và chặt ôm một đứa trẻ. Đức Mẹ rất buồn vì dân làng đã mất niềm tin Công Giáo. Sau thị kiến này, hầu hết cư dân trong làng đã trở lại với việc thực hành đức tin. Các cuộc hiện ra đã được Vatican công nhận vào ngày 17 tháng 8 năm 1775.
Thị kiến Đức Mẹ hiện ra tại Lezajsk, Ba Lan
Leżajsk là một thị trấn ở đông nam Ba Lan với 13,871 cư dân. Thị trấn này thuộc miền Voivodship từ năm 1999 và là thủ phủ của Quận Leżajsk.
Leżajsk nổi tiếng với nhà thờ và tu viện dòng Thánh Bernadine, được kiến trúc sư Antonio Pellacini xây dựng.
Năm 1578 một người tiều phu tên là Thomas Michalek đã được thị kiến Đức Mẹ trong rừng. Đức Mẹ yêu cầu xây dựng một nhà nguyện tại đây. Mẹ nói rằng, “Ta đã chọn nơi này. Ở đây, Nơi Con Mẹ sẽ được yêu thương và tôn kính và bất cứ ai kêu cầu sự can thiệp của Mẹ, sẽ nhận được ơn lành.”
Vào đầu triều Giáo Hoàng của ngài Đức Thánh Cha Grêgôriô thứ 13 đã đích thân phê chuẩn cuộc hiện ra vào năm 1752 sau khi lịch sử đã chứng minh những điều Đức Mẹ nói cùng ông Thomas Michalek.
Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,
Từ một làng quê hẻo lánh không ai biết đến, sau khi nhà thờ được xây dựng tại nơi Đức Mẹ chỉ điểm cho người tiều phu này, dòng người lũ lượt tuôn đến, biến Lezajsk thành một trung tâm hành hương lớn nhất Ba Lan thời đó đến mức Lezajsk bị Nghị Viện Habsburg sát nhập vào vùng Galicia thuộc Áo. Các cuộc chiến để tranh giành vùng này giữa Ba Lan, đế quốc Áo Hung tàn phá nặng nề vùng này nhiều lần nhưng ngôi nhà thờ vẫn đứng vững.
Trong Thế chiến II, đây là nơi du kích quân chống Đức Quốc Xã hoạt động rất tích cực trong khu vực, và vào ngày 28 tháng 5 năm 1943, người Đức đã bắn chết 43 cư dân của thị trấn.
Bất kể những thăn trầm của lịch sử ngôi nhà thờ vẫn đứng vững và dòng người vẫn không ngớt tìm đến với Đức Mẹ và ban nhiêu ơn lành hồn xác vẫn tiếp tục tuôn trào cho các tín hữu có lòng mộ mến.
3. Cầu xin cho sự hiệp nhất thực sự là mục tiêu của chúng ta
Trong Thánh lễ sáng thứ Năm, 17 tháng Năm, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài về sự hiệp nhất. Một loại là hiệp nhất “đích thực”, và loại kia là hiệp nhất “giả mạo”.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 23:6-11) và bài Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 17:20-26) cho chúng ta thấy hai loại hiệp nhất này.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng một sự hiệp nhất giả tạo đã nối kết những người cùng buộc tội Thánh Phaolô lại với nhau. Nó giả mạo bởi vì nó dẫn đến sự chia rẽ, ngài nói. Những người Sađốc và người Biệt phái lúc đầu đồng tâm hiệp ý với nhau lên án Thánh Phaolô. Nhưng Thánh Phaolô đã lật ngửa lên “tảng đá chia rẽ họ” khi nhận xét rằng ngài bị đưa ra xét xử bởi vì “niềm hy vọng vào sự sống lại từ kẻ chết”.
Nhanh trí và đầy khôn ngoan của Thánh Thần, thánh nhân nói giữa công nghị rằng: “Thưa anh em, tôi là người biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì niềm tin vào sự sống lại”.
Nghe những lời này, sự bất đồng giữa những người tố cáo thánh nhân lập tức bộc lộ, họ bắt đầu tranh luận gay gắt và bất đồng với nhau vì sự hiệp nhất giữa họ chỉ là giả tạo. Bè Sađốc không tin có sự sống lại, cũng chẳng tin vào thần thánh; còn nhóm biệt phái lại tin tưởng tất cả những điều đó.
Trường hợp này cũng như trong Chúa Nhật Lễ Lá, cùng một đám người [đã từng tung hô Chúa] lại biến thành một đám đông cuồng nộ vô danh. Đức Thánh Cha gọi việc này là một “sự khai thác và cũng đồng thời là một sự khinh miệt con người bởi vì nó biến họ thành một đám đông cuồng nộ vô danh. Đây là một yếu tố thường tự lập lại. Chúng ta hãy suy tư về điều này. Trong Chúa Nhật Lễ Lá, mọi người tung hô Chúa: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.” Rồi đến ngày Thứ Sáu sau đó, cũng lại đám dân ấy đã gào lên ‘Đóng đinh nó’. Chuyện gì đã xảy ra? Họ tẩy não mình, và đổi trắng thay đen mọi thứ. Họ đã trở thành một đám đông cuồng loạn chỉ biết hủy diệt.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là một động lực nằm dưới mọi lời lên án, vu khống hay phỉ báng. Ngay cả ở các giáo xứ: “Khi hai hay ba người bắt đầu phê bình người khác và nói sau lưng ai đó. Họ tạo ra một sự hiệp nhất giả tạo để lên án người ta. Họ cảm thấy an toàn khi cùng nhau lên án người khác. Họ lên án người ta trong tâm trí mình trước khi có hành động cụ thể; rồi cuối cùng họ lại lên án lẫn nhau bởi vì họ chia rẽ. Như thế, thói nói xấu người khác là một hành vi giết người bởi vì nó hủy hoại con người, nó hủy hại danh tiếng của họ.”
Chúng ta hãy nghĩ đến sự cao cả mà chúng ta được mời gọi: đó là nên một với Chúa Giêsu và với Chúa Cha. Cùng đích của chúng ta phải là trở nên “những người nam nữ hiệp nhất với nhau, luôn cùng nhau tiến bước trên con đường hiệp nhất, không phải sự hiệp nhất giả tạo hay một sự hiệp nhất không có thực chất chỉ nhằm trỗi vượt hơn người ta, và lên án người khác, không phải sự hiệp nhất nhằm mưu cầu những thứ lợi lộc không phải của mình, những thứ lợi lộc thế gian hủy diệt con người của ma quỷ. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để luôn bước trên con đường của sự hiệp nhất đích thực.”