Xóm đạo mùa covid

Khi cơn đại dịch Covid kéo đến với mức độ ngày càng nguy hiểm khiến mọi sinh hoạt tôn giáo bị ngưng trệ, các công ty đóng cửa, những khu phố bị cách ly, phong toả, dây rợ giăng đầy làm cho cuộc sống của mọi người trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên trong những thời điểm khắc nghiệt ấy, tình người lại lên ngôi khi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Công giáo cùng chung tay hỗ trợ những vùng đang bị cách ly. Riêng với xóm tôi, từ khi bị phong toả, ngoài những cái “mất”, tôi lại thấy những cái “được” xuất hiện.

Trước kia do bận đi làm, nên hàng xóm ít khi thấy mặt hoặc nói chuyện với nhau, nhưng bây giờ dịch bệnh tới, mọi người buộc phải ở nhà, mất nguồn thu nhập khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Lúc này mới thấy tình làng nghĩa xóm là quý khi “tối lửa tắt đèn” có nhau, nhà này í ới gọi nhà kia “Có ăn rau không, sang chị lấy nhé”, ngay cả dì Sơ sống bên cạnh nhà tôi, nuôi mười mấy em khiếm thị, khó khăn biết bao nhiêu nhưng cũng cầm bọc dưa leo tươi rói sang san sẻ: “Này cầm lấy mà ăn, người ta cho í mà, đừng ngại”, mới sáng sớm đã nghe tiếng anh trưởng xóm gọi cửa giọng sang sảng: “Bà ơi, ra nhận xôi nè”. Cứ cách vài ngày, mỗi nhà lại nhận được một món thực phẩm của các nhà hảo tâm trong xóm gửi tặng, khi thì gói đậu hũ, lúc thì mấy chục trứng, bịch bánh, ký đường, bó rau…Những món quà không đáng là bao nhưng nó quý giá bởi chứa đầy tấm lòng thơm thảo của bà con láng giềng gửi gắm bên trong.

Vậy đó, cái xóm bình thường nhà nào biết nhà nấy nay lại mở toang tấm lòng để nghĩ đến nỗi khổ chung mà đùm bọc, sẻ chia cho nhau. Tuy chỗ nọ chỗ kia giăng dây nhưng không thể ngăn được tình thương mến thương của những người cùng một Cha trên trời. Họ đã thực thi lời Chúa dạy: “Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Ta, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt10,40-42). Nếu ai có việc gì phải trách móc, hờn giận nhau thì nay biết sống khiêm tốn, bao dung hơn, những “rào cản” vô hình cũng biến mất vì những nghĩa cử dễ thương, dễ mến ấy.

Ngoài khía cạnh vật chất, đời sống đạo cũng có những biến chuyển tích cực. Mặc dù không có Thánh lễ, không được đến nhà thờ nhưng tôi vẫn nghe  tiếng thưa, đáp của các gia đình khi họ tham dự Thánh lễ online, tiếng cử hành Lòng Thương Xót lúc 3 giờ chiều, đọc kinh mân côi và suy niệm Lời Chúa buổi tối…Những hoạt động đó giúp những thành viên trong gia đình thêm gắn kết với Chúa và với nhau. Đại dịch Covid giúp mọi người nhận ra cuộc sống này quá mong manh, sự sống và cái chết luôn gần kề nhau, người quen mới gặp hôm qua mà nay không còn nữa. Khi nhận thức điều đó, ta mới thấy cần Chúa hơn, tín thác vào ơn Chúa nhiều hơn, và nhờ ơn Người trợ giúp ta luôn xác tín rằng: con virus kia dù có mạnh đến đâu, cũng không thể thắng nổi quyền năng của Thiên Chúa.

Không chỉ xóm tôi, trên mạng xã hội Facebook, tôi thấy nhiều xóm trong xứ đạo cũng lan toả những những nghĩa cử yêu thương, chia sẻ với nhau từ tinh thần cũng như vật chất. Giáo xứ cũng có những chuyến thực phẩm không đồng, những thông báo lưu ý mục vụ trên trang Fanpage của Giáo xứ để nhắc nhở Giáo dân giữ những bổn phận của người con cái Chúa và hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, buổi tối nhạc Thánh ca được phát trên loa để mọi người thêm tâm tình sám hối, cậy trông…Xóm đạo tuy bị cách ly nhưng tình Chúa, tình người vẫn không phân ly, Đức tin, Đức ái Kitô giáo vẫn luôn toả sáng trong mọi lúc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh.

Covid làm ta mất nhiều thứ, nhưng lại tạo cơ hội để mỗi người nhìn lại và kịp điều chỉnh mình. Đại dịch tuy nguy hiểm thật, nhưng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu với Đức Kitô và hiệp thông, chia sẻ với mọi người xung quanh. Là một người Công giáo, tôi thấy mình thật may mắn vì được làm con cái Chúa, được Người che chở, yêu thương và dìu dắt qua những năm tháng khó khăn của cuộc đời. Vì thế khi cơn đại dịch kéo đến, tôi vẫn luôn cậy trông, phó thác vì nhớ lại câu nói đầy khích lệ của Thánh Phêrô tông đồ: “Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr5,7).

KimMary

XEM THÊM HÌNH ẢNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *