Covid-19 bùng phát mạnh ở Nam Kinh, lan sang 15 thành phố khác

1. Covid-19 bùng phát mạnh ở Nam Kinh, lan sang 15 thành phố khác

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trích dẫn các nguồn tin của Bộ Y Tế Trung Quốc, cho biết Covid-19 đang bùng phát ở Giang Tô (Jiangsu, 江苏), Nam Kinh (Nanjing, 南京)và đã lan sang 15 thành phố khác, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh

Bộ y tế Trung Quốc cho rằng đây là biến thể Delta của coronavirus. Đây là đợt nhiễm trùng tồi tệ nhất kể từ tháng Giêng, vượt quá đợt xảy ra ở Quảng Đông từ tháng 5 đến tháng 6 và đợt gần đây nhất ở Vân Nam.

Kể từ ngày 20 tháng 7, đã có 167 trường hợp nhiễm bệnh ở Nam Kinh. Dịch bệnh được cho là lây lan từ sân bay quốc tế của thành phố. Sân bay này đã bị đóng cửa vào ngày 27 tháng 7. Hôm 30 tháng 7, 64 trường hợp nhiễm mới đã được ghi nhận, hầu hết là ở Giang Tô. Ngoài ra còn có các trường hợp ở Bắc Kinh, thành phố Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên, hai tỉnh Quảng Đông và Hồ Nam. Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm liên quan đến đợt bùng phát Nam Kinh là hơn 200 người.

Các số liệu chính thức do chính phủ đưa ra thường là rất xa sự thật nên rất thấp so với các nước khác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các nhà chức trách trung ương lo ngại rằng sân bay Nam Kinh đã không thực hiện các biện pháp cần thiết để cô lập những người dọn dẹp được cho là nguồn lây nhiễm.

Để đối phó với những đợt bùng phát mới, giới lãnh đạo Trung Quốc đã ra lệnh thực hiện một cách tiếp cận ‘không khoan nhượng’, với việc cô lập trên phạm vi rộng lớn. Tại Vân Nam, trên biên giới với Miến Điện, Bắc Kinh đã cử hàng nghìn binh sĩ đến kiểm soát biên giới. Người Trung Quốc cũng đã cung cấp các liều vắc-xin chống Covid cho quân đội Miến Điện và cả một số dân quân người dân tộc chống quân đội Miến Điện.


Source:Asia News

2. Cha giảng hăng quá, Đức Tổng Giám Mục phải can thiệp để khỏi xảy ra án mạng

Đức Tổng Giám Mục Albert LeGatt của tổng giáo phận St. Boniface ở Manitoba đã tìm cách đấu dịu sau khi một linh mục cáo buộc một số người da đỏ, từng học trong các Trường Nội Trú dành cho người bản địa, là những kẻ nói dối khi họ nói họ đã từng bị lạm dụng.

Cha sở của giáo xứ St. Emile, ở Winnipeg, Canada là Cha Gerry Sembrano, đi vắng vài ngày. Ngài nhờ Cha Rhéal Forest đến giúp xứ trong thời gian ngài đi vắng.

Tai họa xảy ra trong thánh lễ ngày 10 tháng 7, Cha Rhéal Forest đưa ra nhận định rằng có những học sinh từng học trong các Trường Nội Trú dành cho người bản địa đã nói dối về việc bị các nữ tu lạm dụng tình dục để họ nhận được nhiều tiền hơn.

“Nếu họ muốn có thêm tiền, nhiều hơn số tiền được đưa cho họ, đôi khi họ phải nói dối – nói dối rằng họ đã bị lạm dụng tình dục và, oop, thêm 50,000 đô la nữa. Thật khó nếu bạn nghèo mà không nói dối,” Cha Forest nói.

Cha nói thêm rằng tất cả những người bản địa mà ngài biết trong suốt 22 năm làm việc ở phía bắc đều thích các Trường Nội Trú dành cho người bản địa nơi các nữ tu phục vụ quên mình.

Những điều Cha Rhéal Forest nói có thể không xa sự thật bao nhiêu, nhưng cách ngài trình bày vấn đề quá thẳng thắn và bài giảng lại được đưa lên các mạng xã hội khiến ngài trở thành mục tiêu bị tấn công cường tập của các phương tiện truyền thông thù ghét Giáo Hội.

Ngài thực sự có nguy cơ bị mất mạng khi sống một mình trong một khu vực nóng bỏng.

Đức Tổng Giám Mục của giáo phận Công Giáo St. Boniface của Manitoba nói rằng ngài hoàn toàn không chấp nhận những tuyên bố của một linh mục bao gồm những lời tuyên bố về động cơ của những người bản địa khi đưa ra các yêu sách liên quan đến các Trường Nội Trú.

“Tôi không chỉ xin lỗi, hay hối hận, hay ước gì ngài đã không dùng những từ đó. Tôi muốn nói rất, rất rõ ràng, và tôi hy vọng ngày càng có nhiều người hoàn toàn từ chối suy nghĩ đó”, Đức Tổng Giám Mục Albert LeGatt nói trong một bài diễn văn dài gần 11 phút được đăng trên trang Facebook của tổng giáo phận hôm thứ Năm 29 tháng 7.

“Tôi hoàn toàn phản đối những lời nói của Cha Forest, cũng như những thái độ, cách suy nghĩ và phương pháp tiếp cận đằng sau những lời nói”, Đức Cha LeGatt nói và nhấn mạnh rằng: “Những lời nói của cha ấy đã làm tổn thương sâu sắc đến mọi người.”

Tổng giáo phận cho biết Cha Forest đã bị cấm không được giảng trong các thánh lễ. Tuy nhiên, Cha Forest không bị treo chén. Ngài vẫn có thể cử hành các thánh lễ có công chúng tham dự.

Đức Tổng Giám Mục LeGatt cho biết ngài khuyến khích tất cả những người Công Giáo không chỉ xin lỗi mà thôi về những gì đã xảy ra tại các Trường Nội Trú dành cho người bản địa, nhưng hãy đi xa hơn và cầu xin sự tha thứ.

“Đó là những gì chúng tôi đang nói với First Nation, Métis và những người Inuit,” Đức Cha LeGatt nói. “Xin hãy tha thứ cho chúng tôi”.


Source:CBC

3. Đức Giáo Hoàng bày tỏ lòng thương tiếc trước cái chết của vị Hồng Y cao niên nhất thế giới, một tu sĩ Dòng Tên người Pháp

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lời chia buồn trước cái chết của một vị Hồng Y Dòng Tên, người từng là Hồng Y cao niên nhất thế giới, Đức Hồng Y người Pháp Albert Vanhoye.

Đức Hồng Y Vanhoye qua đời ngày 29 tháng 7 ở tuổi 98, chỉ năm ngày sau sinh nhật của ngài. Ngài được phong Hồng Y vào năm 2006.

Với cái chết này của ngài, Hồng Y Đoàn hiện có 123 Hồng Y cử tri trong số 220 Hồng Y còn sống. Các Hồng Y trên 80 tuổi không còn đủ điều kiện để bầu giáo hoàng tiếp theo trong Cơ Mật Viện.

Có hai vị Hồng Y 97 tuổi là Đức Hồng Y Jozef Tomko, nguyên tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đã nghỉ hưu của Giáo triều Rôma; và Đức Hồng Y Alexandre Cardinal dos Santos, tổng giám mục đã nghỉ hưu của Maputo, Mozambique.

Đức Hồng Y Alexandre Cardinal dos Santos sinh ngày 18 tháng Ba, 1924 tại Zavala, Mozambique. Đức Hồng Y Jozef Tomko sinh ngày 11 tháng Ba, 1924 tại Udavské, Slovakia.

Vị Hồng Y trẻ nhất là Hồng Y Dieudonné Nzapalainga, 54 tuổi, Tổng Giám Mục của Bangui, Cộng hòa Trung Phi.

Trong một bức điện do văn phòng báo chí Vatican công bố ngày 30 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn đến Dòng Tên và tất cả những người thân của Đức Hồng Y Vanhoye. Bức thư của Đức Giáo Hoàng được gửi đến Cha Manuel Morujao, bề trên của tu viện San-Pietro-Canisio ở Rôma nơi Đức Cố Hồng Y sinh sống.

Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài nhớ “với lòng yêu mến và ngưỡng mộ người anh em này, người đã phục vụ Chúa và Giáo hội với sự tận tụy tuyệt vời”.

Đề cập đến những phẩm chất của Đức Cố Hồng Y với tư cách là một học giả Kinh thánh, Đức Thánh Cha bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với “công việc hăng say của Đức Hồng Y Vanhoye với tư cách là một tu sĩ nhiệt thành”.

Ngài là “một đứa con tinh thần của Thánh Ignatius, giáo sư chuyên môn, hiệu trưởng đáng kính của Học Viện Giáo Hoàng về Kinh thánh và là cộng tác viên siêng năng và khôn ngoan của một số cơ quan trung ương của giáo triều Rôma”.

Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh “ tình yêu của ngài” đối với việc rao giảng “được thúc đẩy bởi một ước muốn nhiệt thành là truyền bá Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha đã kết thúc bức thư của ngài với phép lành Tòa Thánh cho tất cả những ai thương tiếc cái chết của Đức Hồng Y Vanhoye và cầu xin Đức Trinh Nữ Maria chào đón người “tôi tớ trung thành này”.

Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đã cử hành tang lễ của Hồng Y Đức Hồng Y Vanhoye vào lúc 11 giờ sáng thứ Bẩy 31 tháng 7 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.


Source:Aleteia

4. Vị Hồng Y cao niên nhất thế giới sẽ cử hành thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế

Sau cái chết hôm thứ Năm 29 tháng 7 của Đức Hồng Y Dòng Tên Albert Vanhoye, là Hồng Y cao niên nhất trong Hồng Y đoàn, Đức Hồng Y Jozef Tomko, người Slovakia, 97 tuổi, trở thành Hồng Y cao niên nhất hiện nay.

Đức Hồng Y Alexandre Cardinal dos Santos cũng 97 tuổi nhưng ngài sinh ngày 18 tháng Ba, 1924, trong khi Đức Hồng Y Jozef Tomko sinh trước một tuần vào ngày 11 tháng Ba, 1924.

Đức Hồng Y Jozef Tomko, nguyên tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, cũng từ là Chủ tịch Danh dự của Ủy ban Giáo hoàng về các Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Ngài được mời cử hành thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 diễn ra tại Budapest, Hung Gia Lợi

Sự kiện này làm nổi bật mối quan hệ tâm linh và thân hữu giữa Giáo hội ở Slovakia và Giáo hội ở Hung Gia Lợi. Đại hội lần thứ 52 đã được lên kế hoạch vào năm 2020 nhưng tình hình sức khỏe toàn cầu trong 16 tháng qua đã buộc các nhà tổ chức phải hoãn lại cho đến tháng 9 năm 2021 này.

Sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô, vào Chúa Nhật ngày 12 tháng 9, tại thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi, để bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế bằng một Thánh lễ trọng thể tại Quảng trường Anh hùng của thủ đô này là một sự kiện ngoại thường. Đức Phanxicô sẽ là vị Giáo hoàng đầu tiên và cho đến nay là vị Giáo hoàng duy nhất chủ trì việc bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế bên ngoài Vatican.

Đại hội Thánh Thể là một cuộc tập hợp các giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và giáo dân để làm chứng về sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, đây là một tín lý quan trọng của Giáo Hội Công Giáo. Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ nhất đã diễn ra tại Lille từ 28 đến 30 tháng Sáu, 1881.


Source:Sismografo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *