Giới thiệu tổng quát Huynh đoàn Đa Minh (8/8)

Phụ Lục :
HUYNH ÐOÀN
GIÁO DÂN ÐA MINH TRONG GIÁO XỨ

1. Người giáo dân và ơn gọi Dòng Ba
2. Về Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh
3. Tinh thần và Đoàn sủng Đa Minh
4. Các phương tiện sống ơn gọi Đa Minh
5. Việc huấn luyện Giáo dân Đa Minh
6. Hệ thống tổ chức và điều hành
7. Chức năng Vị Linh Hướng
8. Phụ lục : Huynh đoàn trong Giáo xứ

Huynh Ðoàn Giáo Dân Ða Minh (HÐGDÐM) hiện đang có mặt tại nhiều giáo phận và các giáo xứ tạo nên một sức sống mới cho Giáo Hội Việt Nam . Chính giáo dân Ða Minh đã là những người tiên phong du nhập Giờ Kinh Phụng Vụ vào đời sống cầu nguyện cộng đoàn của người giáo dân như Giáo Hội tha thiết mời gọi (GL số 1174 § II). Hình ảnh các đoàn viên huynh đoàn nguyện kinh râm ran trong nhà thờ, cùng nhau học hỏi giáo lý, chia sẻ Lời Chúa, đi làm các công tác tông đồ bác ái, đã trở nên quen thuộc trong nhiều giáo xứ. Những đóng góp của người giáo dân Ða Minh trong các sinh hoạt, các cơ cấu tổ chức của nhiều giáo xứ thật đáng trân trọng.

Tuy nhiên bên cạnh những điểm tích cực đó, chúng ta phải khiêm tốn nhận rằng còn nhiều Huynh đoàn đã không hiểu và sống đúng với tôn chỉ của Dòng và ơn gọi của mình nên đã làm cho nhiều người từ các cấp lãnh đạo đến người giáo dân mất thiện cảm với huynh đoàn hoặc làm cho huynh đoàn không thể phát huy năng lực của mình. Vậy qua bài này, chúng ta cùng nhau tìm lại cho đúng vị trí của người giáo dân Ða Minh trong giáo xứ như thế nào ? Chúng ta phải có trách nhiệm nào và có tương quan nào với cha xứ và các thành phần trong giáo xứ ?

ledaudong.jpg

I. MỘT ƠN GỌI TRÊN HAI VAI.

Quy chế HÐGDÐM xác định: “Giáo Dân Ða Minh là những người giáo dân được Chúa Thánh Thần tác động muốn sống ơn gọi của mình theo tinh thần và đoàn sủng Dòng Anh Em Thuyết Giáo, bằng lời tuyên hứa tuân giữ Luật Sống được Bề trên Tổng quyền Dòng phê chuẩn” (Luật riêng, số 2).

Qua định nghĩa trên, chúng ta lưu ý hai điểm sau:

Trước khi là GDÐM, chúng ta là người giáo dân, do Bí tích Rửa tội, được tháp nhập vào Chúa Kitô làm thành dân Chúa dưới sự lãnh đạo của Giáo Hội mà cụ thể là cha xứ thay mặt Ðức giám mục tại giáo xứ mình.

Thứ đến, để đáp lại ơn gọi của Chúa Thánh Thần, chúng ta xin gia nhập vào Huynh đoàn GDÐM để nhờ đoàn sủng và tinh thần Dòng Anh Em Thuyết Giáo, sống trọn vẹn thiên chức Ki-tô hữu. Nói cách khác, chúng ta là những người sống trong bậc giáo dân nhưng muốn tham dự vào đoàn sủng của Dòng Giảng Thuyết do thánh Ða Minh sáng lập để nên thánh theo lời mời gọi của Chúa và Giáo Hội.

Như vậy, là người GDÐM, chúng ta phải chu toàn hai trách nhiệm: Trách nhiệm của người giáo dân trong giáo xứ, Trách nhiệm của đoàn viên với Huynh đoàn và Dòng.

Do đó, để các sinh hoạt của Huynh đoàn trong giáo xứ được hài hòa, tốt đẹp, chúng ta không thể quên trách nhiệm người giáo dân của mình trong giáo xứ, đồng thời biết phát huy sự trưởng thành của người giáo dân theo tinh thần canh tân của Công Ðồng Vatican II và được cụ thể hóa qua Giáo Luật và Tông huấn Kitô hữu giáo dân.

II. GIÁO DÂN ÐA MINH PHÁT HUY ƠN GỌI GIÁO DÂN CỦA MÌNH ÐỂ PHỤC VỤ GIÁO HỘI.

Sau Công Ðồng Vatican II, ơn gọi người giáo dân được tái khám phá. Qua Bí tích Rửa tội, họ được tháp nhập vào chức Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Ðức Kitô và được mời gọi đem Tin Mừng đến với muôn dân (Mc 16, 15). Mỗi người giáo dân cần ý thức phẩm giá của mình trong Giáo hội cũng như lãnh nhận trách nhiệm đóng góp phần vụ mình với Giáo hội trong việc mở mang Nước Chúa. Giáo Luật cho phép người giáo dân có quyền tự do thiết lập và điều khiển các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức (GL số 215), có quyền cổ võ và đảm đương hoạt động tông đồ (GL 216) (Xc. Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 29). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng hàng giáo sĩ vẫn là những vị lãnh đạo giáo dân. Người giáo dân luôn cần đến các ngài hỗ trợ, hướng dẫn và huấn luyện để giúp sống trưởng thành về đạo lý, đời sống thiêng liêng và công tác tông đồ trong môi trường sống của mình.

Ðối với Huynh đoàn giáo dân Ða Minh:

– Căn cứ vào tinh thần và hướng đi của Công Ðồng Vatican II,

– Căn cứ vào bộ Giáo luật 1983 qui định việc thành lập và tổ chức các hiệp hội giáo dân,

– Căn cứ vào truyền thống đã có từ ngày thành lập Dòng về việc qui tụ và tổ chức cho người giáo dân tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng,

Tổng hội Avila 1986, đã canh tân tổ chức và sinh hoạt của Dòng Ba bằng việc ban hành Bản Luật các Huynh đoàn Giáo Dân Ða Minh (Luật chung) vào ngày 28/01/1987 sau khi được Toà Thánh châu phê ngày 15/1/1987. Qua Bản Luật này, Dòng trân trọng và đề cao phẩm giá của người giáo dân trong Dòng, huấn luyện và đào tạo họ theo cung cách và truyền thống riêng của Dòng, giúp họ thực thi sứ vụ tông đồ của Dòng trong môi trường và hoàn cảnh chuyên biệt của người giáo dân.

Chúng ta có thể nhận ra những nét đặc biệt sau:

Mỗi huynh đoàn do anh/chị Ðoàn trưởng và ban Phục Vụ điều hành và quản trị huynh đoàn (Gl 317 III. LC. 21a, QC, 71)

Một khi thành lập hợp pháp, mỗi Huynh đoàn trong giáo xứ có tư cách pháp nhân chiếu theo luật (Gl 313,304,1; 309).

Huynh đoàn có quyền nhóm họp, bầu ban Phục vụ, thâu nhận đoàn viên, quản lý tài sản của mình và sinh hoạt theo tôn chỉ của Dòng.

Những gì thuộc về tinh thần Dòng của Luật Sống qui định phải được chấp hành theo luật, không ai tự ý sửa đổi.

III. TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG GIÁO XỨ CỦA HUYNH ÐOÀN GIÁO DÂN ÐA MINH.

Quy chế Huynh đoàn GDÐM trong chương 2, mục 4 khi đề cập đến việc thi hành sứ vụ tông đồ đã quy định rõ: “Anh chị em hãy thực hiện công tác tông đồ ngay trong Giáo hội địa phương, nhất là trong môi trường giáo xứ như cộng tác với các linh mục, tu sĩ và các thành phần dân Chúa trong việc xây dựng và phát triển giáo xứ về tinh thần cũng như vật chất. Sự cộng tác đó còn phải mở rộng đến giáo hạt, giáo phận và hơn nữa đến với Hội thánh toàn cầu (xc. GL. 209; KTHGD. 28,29; QC, số 31).

Như vậy, quy chế huynh đoàn ấn định cho chúng ta rõ giáo xứ là môi trường đầu tiên mà GDÐM phải có trách nhiệm thực hiện sứ vụ. Ðó là Giáo Hội địa phương mà chúng ta có nhiệm vụ phải góp phần xây dựng ngày một tốt đẹp.

Vì là dân Chúa, là chi thể Chúa Ki-tô, giáo dân Ða Minh chúng ta thi hành ba chức vụ Ngôn sứ, Tư tế và Vương giả để phục vụ giáo xứ theo tinh thần và đoàn sủng của Dòng qua những việc cụ thể sau:

– Là ngôn sứ, chúng ta cộng tác vào việc rao truyền Lời Chúa bằng việc thăm viếng, tạo tinh thần thân hữu với những người không thiết tha hoặc không thiện cảm với đạo hay còn ở ngoài Giáo hội Chúa để đem họ trở về với Chúa. Ðược tham gia vào đoàn sủng giảng thuyết của Dòng, chúng ta phát huy chức năng ngôn sứ của người giáo dân qua việc thực hiện các công việc mà chúng ta thường đọc trong kinh “Thương linh hồn bảy mối”. Ðó là “lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội”. Ðây là những công việc mà giáo dân Ða Minh ít nhiều đều có thể làm được cả nếu biết để ý quan tâm.

– Là tư tế, ngoài việc tích cực tham dự các lễ nghi Phụng vụ, chúng ta nhiệt thành tham gia một số công việc chuẩn bị cho việc phụng vụ như giúp lễ, đọc sách thánh, hát thánh ca, giữ nhà thờ … giúp nhau giữ gìn và làm phong phú đời sống tâm linh.

– Là vương giả, trước hết chúng ta làm chủ bản thân: luôn nhớ đến phẩm giá cao quí của mình diệt trừ các nết xấu và cố gắng tập luyện các nhân đức; làm chủ trần thế: nhìn nhận giá trị của vật chất để biết sử dụng theo đúng ý Chúa, không để vật chất thống trị tinh thần, không làm nô lệ cho tội lỗi và vật chất. Cuối cùng chúng ta nỗ lực làm cho trần gian thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô, bằng chính đời sống chứng nhân giữa trần gian, bằng việc phục vụ mọi người trong tinh thần bác ái và yêu thương. Ngoài ra, người giáo dân Ða Minh còn giúp coi sóc tài sản giáo xứ, đóng góp ý kiến, vật chất, tham gia vào các đoàn hội từ cấp giáo xóm, giáo họ đến giáo xứ.

Ngày nay ai cũng thấy rõ bất cứ giáo xứ nào cũng có rất nhiều công tác tông đồ cần sự đóng góp tích cực của người giáo dân. Người giáo dân Ða Minh, với sứ vụ của mình, phải tích cực góp phần vào đó không phải vì mưu cầu danh vọng, chức tước hay địa vị cá nhân nhưng chỉ vì nhận ra được nhu cầu tông đồ trong giáo xứ mà ơn gọi Ða Minh thúc bách chúng ta phải đảm nhận. Người giáo dân Ða Minh có tinh thần tông đồ truyền giáo là người sẵn sàng đảm nhận những công việc mà người khác ngại ngùng không dám đảm nhận cũng như sẵn sàng nhường những công việc mà người khác ưa thích.

Tuy nhiên, trong tinh thần hiệp thông của Hội thánh, việc thực hiện công tác tông đồ của người giáo dân Ða Minh không chỉ có tích cách cục bộ trong giáo xứ mình, nhưng còn được mở rộng đến giáo hạt, giáo phận và hơn nữa đến với Hội thánh toàn cầu như Giáo Luật số 209 ấn định : “Mọi tín hữu buộc phải luôn luôn duy trì sự hiệp thông với Hội thánh, kể cả trong đường lối hành động. Họ phải chuyên cần chu toàn mọi trách nhiệm đối với Hội thánh toàn cầu cũng như đối với Hội thánh địa phương mà họ trực thuộc chiếu theo luật” (xc. Tông huấn KTHGD. 28,29)..

IV. LIÊN HỆ GIỮA HUYNH ÐOÀN ÐA MINH VỚI CÁC THÀNH PHẦN TRONG GIÁO XỨ.

  1. Cha xứ

Trước hết, chúng ta nên nhớ rằng: Trong mỗi giáo xứ, cha xứ là vị điều hành các đoàn thể cũng như chịu trách nhiệm về mọi sinh hoạt thiêng liêng trong giáo xứ. Huynh đoàn được thành lập trong giáo xứ nên phải tuân theo sự lãnh đạo của cha xứ. Huynh đoàn không thể tự quản như một đơn vị Dòng tu.

Với tính cách giáo dân, chúng ta tuân theo tất cả những gì ngài dạy bảo, vì ngài thay mặt Ðức giám mục lãnh đạo giáo xứ.

Với tính cách là giáo dân Ða Minh: trong những sinh hoạt huynh đoàn, chúng ta phải tuân giữ những điều Quy chế ấn định Huynh đoàn thỉnh ý cha xứ trong các công việc cụ thể sau đây:

Khi muốn thành lập một huynh đoàn, phải có Ngài giới thiệu lên cha Giám Tỉnh Dòng và Vị Thường Quyền địa phương (QC 56, I).

Cùng với Dòng, thỉnh nguyện cha xứ làm linh hướng, hoặc xin ngài ủy cho một linh mục hoặc tu sĩ nam nữ khác làm linh hướng hay trợ úy (QC 84,I).

Hằng năm huynh đoàn phải trình sổ sách chi tiêu lên cha xứ đại diện Vị Thường quyền (GL 319, QC 104,I).

Tham khảo ý kiến cha xứ trước khi bỏ phiếu cho tuyển sinh tuyên hứa (QC 45).

Bàn hỏi với cha xứ trước khi đề cử các chức vụ trong ban Phục vụ (QC 97,I)

Nên bàn hỏi với Ngài trong việc điều hành và phát triển ơn gọi (QC 71,II).

Ngoài ra, trong một số sinh hoạt Huynh Ðoàn, vị Ðoàn trưởng hay Ban Phục vụ phải liên hệ với Ngài trong một số công việc sau:

  1. Xin ngài chỉ định về nơi sinh hoạt, giờ giấc nguyện kinh ở nhà thờ, họp mặt hàng tháng.
  2. Xin phép ngài khi đi học tập, huấn luyện, làm việc tông đồ ngoài giáo xứ.
  3. Mỗi khi huynh đoàn có tổ chức huấn luyện, tĩnh tâm, nếu có mời giảng viên ngoài đến giảng dạy, phải xin phép ngài trước.
  4. Mỗi khi huynh đoàn tổ chức hành hương, làm công tác tông đồ bác ái nơi xa, phải thỉnh ý ngài trước.
  5. Với hội đồng giáo xứ
  6. Xét về phương diện cơ cấu tổ chức giáo xứ, huynh đoàn cũng như là một đoàn thể trong giáo xứ nên phải lãnh nhận các công tác do Ban hành giáo phân công.
  7. Khi Huynh đoàn tổ chức các cuộc lễ nên trao đổi với Hội đồng Giáo xứ và mời họ tham gia.
  8. Với các đoàn thể khác
  9. Phải có những tương quan mật thiết, giúp đỡ, tuơng trợ.
  10. Không nên lôi kéo các thành viên của đoàn thể khác vào Huynh đoàn (trừ khi họ tự nguyện).

V. KẾT LUẬN:

Ðược gia nhập vào HÐGDÐM, đó là một hồng ân CTT ban để giúp ta phát huy phẩm giá và chức năng của người Kitô hữu trong việc phục vụ Hội thánh theo tinh thần và đoàn sủng của một Dòng có truyền thống tông đồ hơn 8 thế kỷ qua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn nhớ mình là một giáo dân trong giáo xứ nên có những trách nhiệm và bổn phận phải chu toàn và chu toàn một cách tích cực hơn các giáo dân khác. Ai nại cớ vì là giáo dân Ða Minh nên thiếu sự tôn trọng quyền hành của cha xứ, không tham gia các sinh hoạt chung của giáo xứ, tự tôn mình hơn các đoàn thể khác hoặc tự tách mình làm một “ốc đảo” riêng thì quả thật người đó làm tổn thương không lường cho Giáo Hội, cho Dòng và cho giáo xứ..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *