Ða Minh chẳng nói gì mấy về Giáo Hội, nhưng qua cách sống và công việc của ngài, chúng ta có thể đọc thấy lòng yêu mến Giáo Hội của ngài còn rõ ràng hơn cả những lời nói. Cũng như người con của một gia đình, khi bôn ba trong cuộc đời, chẳng mấy khi nói đến người cha, người mẹ và anh chị em mình, nhưng tất cả những lao tâm lao lực để tìm kiếm đồng tiền không gì khác hơn là để nuôi sống gia đình, và người ta có thể nhìn thấy mục đích này trong mọi hành động của người đó.
Nói rằng thánh Ða Minh là con người của Giáo Hội, nhiều người tưởng rằng điều đó có nghĩa là thánh Ða Minh là linh mục, là tu sĩ, là con người đặc biệt của Giáo Hội theo nghĩa chật hẹp. Thật ra, mỗi người Kitô hữu, khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, đều là con người của Giáo Hội. Dấu ấn bí tích Thánh Tẩy làm cho họ trở thành con cái Chúa, đồng thời cũng làm cho họ trở thành phần tử thực thụ của gia đình Giáo Hội, của dân Thiên Chúa. Dấu ấn này, một mặt, là dấu ấn không thể xóa nhòa, như đứa con không thể chối bỏ bà mẹ đã sinh ra mình. Tuy vậy, mặt khác, dấu ấn Thánh Tẩy không phải là cái gì cố định, không phải là một vật gia bảo có thể thay thế cho tất cả những nỗ lực sống. Làm con cái Chúa và là phần tử của Giáo Hội, điều đó không phải chỉ do một lần lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy là xong; nhưng còn là một sức sống kêu gọi và thúc đẩy người Kitô hữu luôn trở thành một người con cái Chúa, con Giáo Hội mỗi ngày đích thực hơn, thành một người con “hiếu thảo” hơn. Con người vừa vẫn luôn là con của cha mẹ, vừa mỗi ngày mỗi trở thành con cái đúng nghĩa hơn của cha mẹ mình.
Thánh Ða Minh đã là con người của Giáo Hội như mỗi người Kitô hữu chúng ta đã là con người của Giáo Hội. Nhưng hơn nữa, ngài đã trở thành con người của Giáo Hội một cách trọn vẹn : ngài cảm nhận được ơn gọi xây dựng Giáo Hội từ khi còn sống ở gia đình và ngài đã hiến dâng cả cuộc đời để đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội; ngài đã cất bước ra đi đến với con người mà vẫn canh cánh tiền đồ của Giáo Hội trong tim; ngài đã đau nỗi đau và vui niềm vui của Giáo Hội; ngài đã cảm nhận nhu cầu của Giáo Hội như ngọn lửa thúc bách lên đường; ngài đã chọn vị thế đứng bên trong Giáo Hội để canh tân Giáo Hội thay vì đứng bên ngoài để chỉ trích … Tất cả điều đó làm cho khuôn mặt của thánh Ða Minh luôn in đậm những đường nét của Mẹ Giáo Hội, y hệt như một người con mang nét mặt của mẹ mình; và chính nhờ dấu ấn đó đó, thánh Ða Minh và Dòng ngài thiết lập mới có thể trở nên một cây đại thụ trong khu vườn Giáo Hội; rồi nhờ bén rễ thật sâu trong mảnh đất đó, Dòng mới có thể vươn dài cành lá đến những “vùng đất” còn xa xôi, lạ lẫm của cuộc sống nhân sinh.
“Là con người của Giáo Hội”, đó không phải chỉ là một niềm tự hào, hoặc tệ hơn, được coi như là một bảo đảm cho ơn cứu độ của riêng mình. “Là con của Giáo Hội” thiết yếu còn là nhận lãnh trách nhiệm đối với Giáo Hội, là chu toàn sứ mạng của Giáo Hội trong gia đình, trong giáo xứ, trong huynh đoàn, trong làng xóm.