Hành Trang 20 : Kỷ luật góp phần giữ vững ơn gọi

http://lh3.googleusercontent.com/-B0QAewGwvEQ/VasfI8Mn2GI/AAAAAAAAA34/EB85xWGUVec/s1600/dm21.jpgKhi thiết lập Dòng, thánh Ða Minh đã muốn lấy các yếu tố của đời sống đan tu, trong đó có kỷ luật tu trì, để bảo đảm cho việc chiêm niệm. Khi đã thành lập Dòng, ngài cũng tha thiết xin anh em giữ kỷ luật. Trong lời khai của thầy Ventura de Verone có câu : “cha Ða Minh giữ cặn kẻ các kỷ luật và cố gắng lo liệu cho các tu sĩ của mình cũng tuân giữ như vậy”.

Trong Tổng Hội đầu tiên của Dòng 1220, khi thấy Dòng đã khá vững mạnh và có đủ khả năng tiến bước trên con đường ngài đã vạch ra, ngài xin từ chức; anh em đã không chấp nhận việc từ chức này. Cha Ða Minh vâng theo ý cộng đoàn, nhưng ngài cũng xác định rằng : khi ngài không còn đủ sáng suốt để điều hành thì cộng đoàn có quyền tố cáo. Cha hứa vâng lời Tổng Hội; và trong Tổng Hội cha vẫn là một thành viên bính đẳng với mọi người. Tổng Hội hội là quyền tối cao của Dòng.

Thật sự Cha Thánh đã để lại một tấm gương sáng về vấn đề tuân giữ kỷ luật chung. Tinh thần đó hiểu rộng cho tất cả phần từ Ða Minh, trong đó, có các thành viên thuộc Huynh đoàn giáo dân Ða Minh, có nghĩa là : theo thánh Ða Minh, kỷ luật góp phần để bảo đảm ơn gọi, bảo đảm tinh thần và sứ vị của Dòng.

Ơn gọi là do Chúa. Chính Chúa là Ðấng nêu sáng kiến cho một cá nhân cũng như một tập thể. Nhưng, như vậy không có nghĩa là con người hoàn toàn thụ động. Ngược lại, để đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, con người phải luôn nỗ lực cộng tác với ơn gọi của Chúa. Hơn nữa, “ơn gọi” không phải là một hình thức sinh hoạt hội đoàn có tính cách nhất thời, trong một giai đoạn nào mà thôi, nhưng là yếu tố làm nên ý nghĩa tất cả cuộc đời. Vì vậy nỗ lực con người để sống ơn gọi cũng phải bền bỉ, vững chắc. Như thế, để theo đuổi một ơn gọi, nhất thiết cần phải có kỷ luật, kỷ luật với cá nhân, kỷ luật đối với tập thể.

Kỷ luật không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện để hướng tới ơn gọi. Vì thế, người ta không giữ kỷ luật chỉ vì kỷ luật, nhưng giữ kỷ luật để giữ vững ơn gọi.

Kỷ luật thường được viết ra với loại văn luật pháp có tính cách gẫy gọn, súc tích nên nếu không biết rõ, người ta dễ quên mất mục đích của kỷ luật. Kỷ luật cũng không phải chỉ là những bản văn qui định võ đoán, nhưng là những cách thức đã được tìm tòi sao cho thích hợp nhất để thể hiện ơn gọi. Mỗi tập thể có những kỷ luật riêng để hướng tới mục đích riêng. Vì thế, không ai tha thiết với ơn gọi mà lại coi thường kỷ luật và chẳng ai có thể hoàn thành ơn gọi mà không áp dụng kỷ luật trong đời sống của mình. Kỷ luật hướng dẫn tâm hồn và hành động của mỗi thành viên, để từng ngày, qua từng giai đoạn, mỗi thành viên được củng cố vững chắc và thực sự trở nên một thành viên hoàn hảo, lý tưởng.