Tinh thần kỷ luật là một trong những yếu tố nền tảng cầu tạo nên đời sống riêng biệt của Dòng. Tinh thần đó khởi phát từ thánh Ða Minh và được truyền lại trong suốt lịch sử của Dòng, vốn được coi là điều chính Thiên Chúa đã gợi ra và hướng dẫn cuộc sống của Dòng. Tuân giữ kỷ chính là tìm và sống theo Thánh Ý Chúa. Trong sắc lệnh thành lập Dòng, Ðức Hônôriô III đã nêu rõ điều đó : “Thiên Chúa đã không ngừng làm cho Giáo hội thêm phong phú con cái, Ngài đã muốn Giáo Hội thời nay nên giống Giáo Hội thời sơ khai và muốn truyền bá đức tin, nên đã gợi cho anh em cuộc sống khó nghèo và kỷ luật, cùng tận hiến cho việc truyền giảng lời Chúa, loan báo Danh Ðức Kitô, Chúa chúng ta, khắp hoàn cầu”.
Thực sự người ta khó mà ý thức và bền bỉ về điều đó, bởi vì kỷ luật luôn mang những đường lối tương đối do con người lập ra, luôn gắn liền với những con người đang lãnh nhận trách nhiệm áp dụng luật. Nhiều khi kỷ luật có vẻ ngược với những hoàn cảnh phức tạp của cuộc sống. Tính chất con người trong kỷ luật thường bao giờ cũng lộ rõ ra hơn tính chất Thiên Chúa. Những người Nagiarét xưa kia cũng chỉ thấy được Chúa Giêsu là con một bác thợ mộc mà thôi, chính vì vậy mà họ không thể nhìn ra Ngài là vị cứu tinh mà cả dân tộc Israel đang trông đợi. Cũng vậy, khi chúng ta không nhận ra kỷ luật như là những gì diễn tả cách cụ thể ý muốn Thiên Chúa, chúng ta rất khó có thể nhận ra sự hướng dẫn của Ngài trong đời sống của mình. “Tìm thánh ý Chúa” đó là mẫu số chung của mọi người Kitô hữu, nhưng người ta cũng rất dễ lấy ý mình làm ý Chúa, cho rằng phải thế này mới đúng ý Chúa, thế khác thì không được.
Thực sự, ý Chúa không nhất thiết phải là cách thế nào hay cách thế khác, mà là cách thức hướng dẫn tùy ý Ngài để đưa đến mục đích. Nhiều khi Ngài lại sử dụng những đường lối lạ lùng, “kỳ cục” để hoàn thành ý định của Ngài. Bởi thế, điều quan trọng hơn cả vẫn phải là lắng nghe, luôn luôn sẵn sàng đón nhận những nẻo đường hướng dẫn của Ngài. Thiên Chúa vẫn thế, Ngài luôn sử dụng những phương thế thông thường, tự nhiên, có khi “kỳ cục” nữa. Chỉ khi có một sự bén nhạy, một lòng tin tưởng, một tâm hồn chiêm niệm mới nhận ra được Ngài. Ngài vẫn đang ân cần hướng dẫn, chỉ bảo cho ta qua những con người, qua những qui định, kỷ luật có tính con người, qua tập thể, qua cuộc sống. Chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của thánh Ða Minh để học tinh thần kỷ luật của Ngài.