Hành Trang 24 : Tuân giữ Kỷ luật là thể hiện lòng mến

http://lh3.googleusercontent.com/-7EDYl-x8068/Vbn7Fz9AjzI/AAAAAAAABCY/_pK08ywwxIc/s1600/dm28.jpgTất cả con đường thiêng liêng của người Kitô hữu, có thể tóm lại : theo Chúa Kitô. Nhưng theo Chúa Kitô là gì ?

Chắc chắn người ta không thể nào bước theo những bước chân của Chúa theo nghĩa đen được; theo Chúa Kitô chỉ có thể là sống theo lời chỉ giáo của Ngài, tuân theo đường lối Ngài đề ra. Như thế, có thể nói được là ước muốn theo Chúa, lòng yêu mến Chúa được thể hiện trong việc tuân giữ đường lối của Ngài, như Chúa đã nói : “Ai yêu mến Ta thì giữ Lời Ta”.

Cũng vậy, là thành viên của Dòng, là con cái thánh Ða Minh, nếu chúng ta thực sự yêu mến Dòng, thực sự yêu mến thánh Ða Minh, chúng ta cũng phải thể hiện lòng yêu mến đó bằng đời sống hợp với Luật Sống của người Ða Minh. Thực sự, tất cả trọng tâm của đời sống kỷ luật chính là lòng yêu mến và một lòng yêu mến đích thức phải được diễn tả ra trong tinh thần vâng giữ kỷ luật.

Nếu tất cả Kitô giáo có thể tóm lại trong lòng mến thì tất cả sinh hoạt của Dòng cũng chẳng phải là gì khác hơn lòng yêu mến, tất cả lòng yêu mến Chúa, yêu mến anh em, yêu mến mọi người. Kỷ luật được soạn thảo ra, có vẻ khô khan, có vẻ bó buộc điều này, điều khác, nhưng tựu trung vẫn chỉ là cách thức diễn tả tình yêu đó. Người thành viên Ða Minh cũng vậy, phải sống tất cả, phải chấp nhận tất cả vì lòng mến, nếu không thì trọng tâm căn bản nhất không còn, những điều gì khác bám vào trọng tâm căn bản là lòng yêu mến đó, cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Như đã nói, thánh Ða Minh muốn con cái giữ kỷ luật trong tinh thần tự do. Khi phải áp dụng kỷ luật, thánh Ða Minh cũng luôn biết biểu lộ tấm lòng thương yêu của một người cha, ngài rất cảm thông với anh em, dễ dàng chuẩn chước trong những trường hợp cần thiết. Cha biết chờ đợi anh em, qua kinh nghiệm cá nhân, tự giải quyết cách sống của mình. Khi cần phải phái anh em đi đâu, kẻ cần tiền thì người trao tiền, người ngần ngại thì ngài khích lệ, ai nhút nhát thì người truyền lệnh …

Thánh Ða Minh đã tự nguyện tuân giữ kỷ luật trong lòng mến; ngài cũng muốn con cái sống trong tinh thần đức ái trong đời sống kỷ luật. Ðời sống kỷ luật như thế không hề mang tính áp chế, khó chịu; nhưng như một bản nhạc hòa điệu, mỗi người giữ vững bè của mình, hòa hợp với lời ca của người khác, làm nên một sự hòa hợp trong tinh thần chung, một mục đích chung, như trong bản Hiến Pháp của Dòng đã viết :

“Lề luật truyền chúng ta đồng tâm nhất trí trong Chúa. Bởi lẽ, cùng sống theo một tu luật, một lời khấn, nên chúng ta phải giữ luật tu trì một lối như nhau. Làm sao việc đồng tâm nhất trí bên ngoài sẽ khuyến khích và biểu trưng sự đồng tâm phải có bên trong”.