Hiến Pháp Dòng số 41 nói : “Ðể mỗi tu viện trở nên một cộng đồng huynh đệ, mọi người hãy chấp nhận và đùm bọc lẫn nhau như những chi thể của cùng một thân thể. Mặc dầu có khác biệt về tính tình và chức vụ, nhưng bình đẳng trong mối giây liên kết Ðức ái và Lời khấn”. (Xc. Rm 12,10)
Những lời đó, có thể nói được, là đúc kết gần 800 năm lịch sử Dòng, nó phát khởi từ tinh thần của thánh Ða Minh và được gìn giữ cẩn thận qua suốt lịch sử Dòng. Thánh Ða Minh, lúc sinh thời, đã chỉ muốn là người anh em trong cộng đoàn; ngài luôn tín nhiệm, tâm sự, bàn bạc với anh em như một người bạn; ngài tin tưởng, giao trách nhiệm và khuyến khích những anh em nhát sợ. Những khi được sống với anh em, ngài thật sung sướng và hạnh phúc. Trong công hàm tu viện thánh Giacôbê còn ghi lại một kỷ niệm về thánh Ða Minh vào năm 1219 : khi đó cộng đoàn mới có 30 anh em, cha Ða Minh đã ở tu viện suốt một tháng để “chia sẻ hạnh phúc chung sống, chia sẻ kinh nguyện và gặp gỡ”.
Ngoài ra thánh Ða Minh thường đi từ tu viện này tới tu viện khác để tìm hiểu, an ủi khuyến khích từng người, cha lắng nghe và nâng đỡ những người gặp khó khăn, khuyến khích những người sợ sệt, an ủi những người đau bệnh. Ban đêm cha đi đến từng giường để chăm sóc giấc ngủ cho anh em, đắp lại những tấm chăn rơi xuống đất. Ði đến đâu cha thường mua quà cho anh chị em. Có lần cha tặng các chị em ở San Sixto những chiếc thìa bằng gỗ mun mà cha mua từ Tây Ban Nha về.
Khi cầu nguyện cha Ða Minh luôn nhớ tới anh chị em và tha thiết cầu xin cho anh chị em của mình được hưởng ơn cứu độ vĩnh cửu. Truyền thuyết về việc Ðức Mẹ cho cha Ða Minh nhìn thấy anh em trong Dòng được Mẹ che chở dưới áo choàng của Mẹ, truyền thuyết đó cho thấy tấm lòng cha Ða Minh yêu mến anh chị em biết bao. Nhưng hơn hết, cả một cuộc sống thân ái yêu thương anh chị em như vậy được đúc kết một cách tuyệt vời trong những ngày cha sắp qua đời :”Khi biết được mình sắp qua đời, cha ngỏ ý muốn được chôn cất dưới chân anh em” ; xa cách anh em nhưng cha hứa rằng: “Dù qua đi cha sẽ làm ích cho anh em hơn lúc còn sống”. Rồi cha đọc lời “cầu nguyện hiến tế” của mình như chính Ðức Giêsu đã có tâm tình như thế vào lúc sắp chia tay với các tông đồ : “Lạy Cha Chí Thánh, Cha biết con đã hết lòng thực hiện Thánh Ý Cha ; con đã coi sóc, giữ gìn những người Cha đã ban cho con, nay con ký thác họ cho cha, xin Cha gìn giữ và chăm sóc họ”. Cuối cùng cha trăn trối : “anh em yêu dấu, gia sản cha để lại cho anh em là : hãy sống bác ái, khiếm tốn và khó nghèo tự nguyện”.
Quả thật, thánh Ða Minh đã sống như một người anh em trong cộng đoàn, nhưng tấm lòng của ngài yêu thương anh chị em lại quá lớn lao như tấm lòng của một người cha, tấm lòng của một người mẹ, tấm lòng của những người sống cả đời lo cho con cái, cho cả đến khi “sắp hy sinh mạng sống mình” thì vẫn chỉ một lòng lo lắng chăm sóc cho con cái mình mà thôi. Tấm lòng của cha Ða Minh không thể nào không nhắc cho chúng ta nhớ đến tấm lòng của Ðấng mà cha hết lòng yêu mến : Ðức Giêsu Kitô; và không thể nào cho phép chúng ta được dửng dưng hay không hết lòng yêu mến anh chị em mình.