Thánh Ða Minh đã sống với anh chị em một cách đơn sơ chân thành, người hết tình yêu thương mọi người, nhưng không phải là một tình thương ủy mị, xuê xoa những lỗi lầm, bao che, nhân nhượng hoặc nhát đảm khi sửa dạy. Trái lại, tình yêu thương của thánh Ða Minh la một tình yêu mến tích cực, yêu thương và muốn cho anh chị em mỗi ngày nên trọn lành hơn.
Trong lãnh vực điều hành Dòng, thánh Ða Minh đã qui định rằng chính Tổng hội dòng là nơi nắm giữ quyền bính tối cao. Khi Tổng hội ra quyết nghị nào, ngài luôn tuân phụ và cũng muốn anh em tuân phục như vậy. Ngài không chấp nhận thái độ lơ là, coi thường những quyết nghị chung không hợp với mình. Chân phước Jourdain de Saxe thuật lại rằng : “những gì người suy nghĩ trước mặt Chúa là nên làm, thì người giữ vững ý định, đến một khi đã bàn luận chính đáng và tuyên bố điều gì, thì họa hoằn lắm, hoặc không bao giờ chấp nhận thay đổi”.
Trong bức thư cha gửi cho các chị em Dòng Prouille, chúng ta đọc được lòng yêu thương của cha đối với chị em : “vì cha không thể nào giúp đỡ tài chính cho các con nên cũng không muốn làm nặng lòng các con …”, nhưng cũng đầy tính cách cương quyết để giúp anh chị em sống thánh thiện : “từ trước đến giờ các con không có nhà hẳn hoi để có thể tuân phục đúng như kỷ luật của Dòng; nhưng từ giờ phút này các con không có lời bão chữa nữa vì đã có nhà cửa hẳn hoi, giúp cho việc tuân theo kỷ luật được dễ dàng”.
Cũng vậy đối với mỗi người, cha Ða Minh vừa rất cảm thông với những yếu đuối của mỗi người, nhưng cha nâng đỡ, khuyến khích và thẳng thắn đề nghị với anh chị em điều gì ngài cho là phải làm. Với cha Apiza de Milan, khi vị này còn là tập sinh, cha Ða Minh sai Apiza đến Plaisande để giảng thuyết, vị này viện lẽ khả năng yếu kém từ chối. Nhưng cha Ða Minh với lời lẽ ngọt ngào, đã thuyết phục Apiza, ngài nói: “Hãy vững tâm ra đi, vì Thiên Chúa ở với con, Ngài sẽ đặt vào môi miệng con những lời con phải giảng”. Ðối với những người sai lỗi, cha nghiêm khắc sửa chữa lỗi lầm, “nhưng ngài ra hình phạt với vẻ dịu dàng và lời nói hiền từ khiến anh em ai cũng vui lòng chịu hình phạt” (nhân chứng Ventura de Véronne)
Tình yêu thương của cha Ða Minh đối anh chị em vừa hiền lành, dịu dàng như một người mẹ, nhưng cũng vừa cương quyết, thẳng thắn như một người cha. Ngài cảm thông với những khó khăn của mỗi người, ngài yêu thương từng người một, như những con người cụ thể có hoàn cành và tâm tình riêng biệt, bởi thế cha dễ dàng chuẩn chước cho anh em, khích lệ những người nhát sợ và biết chờ đợi anh em tự nhận cách thế phải sống của mình. Tuy nhiên, cũng chính tình yêu thương đó thúc bách ngài thẳng thắn sửa lỗi cho anh em, đưa ra những việc phải làm và nói lên tiếng nói của Chúa cho anh chị em. Ðó không là một lòng thương hại đầy uỷ mị, tình cảm, đó cũng chẳng phải là những suy nghĩ lạnh lùng, áp đặt mà là một tình yêu đích thực của trọn vẹn con người, vừa yêu thương nồng nàn, vừa sáng suốt chín chắn, vừa cảm thông, vừa quí mến, nhưng cũng khôn ngoan vững mạnh. Một tình yêu thương tích cực như thế không thể bằng lời nói với những lời an ủi, mà còn phải sửa dạy, không chỉ làm cho anh chị em vui vẻ, nhưng còn thêm sức mạnh để hăng hái tiến bước. Ta có thể nói được đó là một tình yêu thương mang tính chất cứu độ.
Vâng ! thực sự chúng ta tin rằng thánh Ða Minh đã đón nhận được tình thương yêu của Chúa, ngài được chìm ngập trong tình yêu của Chúa mỗi khi cầu nguyện, dâng thánh lễ…; vì vậy, điều ngài tỏ bày với anh chị em cũng chẳng là điều khác hơn chính tình yêu của Chúa mà ngài đã được đón nhận sung mãn. Tình yêu thương của thánh Ða Minh thực sự là thể hiện tình yêu của Chúa, nên nó cũng mang tính cách tích cực, và đưa dẫn tới ơn cứu độ như Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó.