Ngày 15 tháng 1 Thánh Phanxicô Ca-pi-lát

Ngày 15/01

Thánh Phanxicô Ca-pi-lát

Franciscus de Capillas

(1607-1648)

Tất cả vì Tin Mừng

Trong Tông thư “Năm đời sống thánh hiến” ban hành ngày 21/11/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một trong những mục tiêu cho những người sống đời thánh hiến như sau: “Câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra trong năm nay là: chúng ta có để cho Tin Mừng chất vấn không; Tin Mừng có phải là ‘sổ tuỳ thân’ cho cuộc sống hằng ngày và cho những lựa chọn của mình không… Đọc Tin Mừng không thôi thì chưa đủ (mặc dù việc đọc và học luôn cần thiết), suy gẫm cũng chưa đủ (và chúng ta cần thích thú suy gẫm mỗi ngày); Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy làm cho Tin Mừng thành hiện thực, hãy sống lời của Chúa”.

Trong phút cầu nguyện này, chúng tôi xin gởi đến quý vị một nhân chứng sống động của Tin Mừng, một nhân chứng cách đây gần 400 nhưng không hề xưa cũ trước câu hỏi của Đức Thánh Cha và trước nhu cầu của Giáo Hội, một mẫu gương đời sống chứng tá Tin Mừng cách tuyệt vời. 400 năm qua thánh Phanxicô Ca-pi-lát với lối thực hành Tin Mừng sống động, ngài được coi là vinh quang của Giáo Hội và là niềm tự hào của Dòng Thuyết Giáo.

Phanxicô Ca-pi-lát sinh ngày 14 tháng 8 năm 1607, tại Tây Ban Nha; năm 17 tuổi, ngài gia nhập Dòng Đa Minh. Ngài là một trong những nhà truyền giáo được diễm phúc tử đạo, ngài là vị tử đạo tiên khởi trong số 120 vị Tử Đạo ở Trung Quốc.

Khi còn là một phó tế, Thầy Phanxicô Ca-pi-lát tình nguyện lên đường truyền giáo ở Philippines. Một thời gian ngắn sau đó thầy được thụ phong linh mục. Thầy coi thời gian ở Philippines như một giai đoạn chuẩn bị cho sứ mệnh ở Trung Quốc. Tháng 3 năm 1642 ngài đến tỉnh Phúc Kiến, ngài bắt tay vào công việc truyền giáo cho nhân dân Trung Quốc ngay. Ngài đã rất thành công trong việc thành lập một huynh đoàn Dòng Ba Đa Minh tại đây, một huynh đoàn có thể hỗ trợ cho việc truyền bá Tin Mừng của ngài và các anh em.

Những năm sau đó, nơi Cha Phanxicô Ca-pi-lát đến, đạo Công Giáo bắt đầu rơi vào giai đoạn bị bách hại cách gay gắt. Ngày 13 tháng 11 năm 1647, khi Cha Phanxicô Ca-pi-lát đi ban các bí tích sau cùng cho một người bệnh ở Fogan trở về, ngài đã bị bắt.

Khi bị bắt, Cha Phanxicô Ca-pi-lát được đưa tới nhà tù tồi tệ nhất, bị tra tấn rất dã man… Vì có sẵn tâm hồn tông đồ và đời sống khổ hạnh nên khi gặp bách hại, cha không một lời kêu than… Phản ứng của cha trong những lúc bị tra tấn là nâng cao đời sống tinh thần, hướng lòng lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh và cầu nguyện.

Khi ở trong tù, cha đã viết: “Tôi ở đây với các tù nhân khác và chúng tôi đã làm thành một lớp học. Tôi dạy họ về Tin Mừng của Chúa. Tôi không quan tâm về việc ra khỏi đây vì ở đây tôi biết tôi đang làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Những người cai tù không cho tôi thức đêm để cầu nguyện; vì thế, tôi dậy sớm và ngồi cầu nguyện trên giường. Tôi sống ở trong tù với niềm vui lớn, không hề có bất kỳ lo lắng nào, vì tôi biết rằng tôi ở đây vì Chúa Giêsu Kitô”.

Ngày 15 tháng 1 năm 1648 Cha Phanxicô Ca-pi-lát đã bị kết án tử hình. Ngày 01 tháng 10 năm 2000 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong ngài lên hàng hiển thánh.

Quả vậy, giữa thế giới người ta đề cao những tiện nghi và những nhu cầu vật chất; giữa thế giới mà những giá trị của sự hy sinh nhiệm nhặt ít được quan tâm, đôi khi sự hy sinh ấy lại bị cho là lỗi thời không cần thiết; giữa thế giới mà người ta tìm cách ra khỏi tù hơn là nghĩ đến sống chứng tá Tin Mừng ở trong tù. Mẫu gương của thánh Phanxicô Ca-pi-lát thật đáng cho chúng ta noi theo. Ngài không chỉ suy niệm Tin Mừng, không chỉ đọc Tin Mừng, nhưng ngài sống và làm cho Tin Mừng sống động.

Lạy Chúa, cuộc sống của chúng con không thiếu những trái ý, những bất lợi. Xin cho niềm vui thuộc trọn về Chúa chi phối và hướng dẫn chúng con trong tư tưởng, lời nói và mọi chọn lựa của chúng con. Xin cho chúng con yêu thích tử đạo hằng ngày, yêu thích tìm những hạt ngọc hy sinh trong những mảnh đất gai góc của cuộc sống chúng con.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *