Nuối tiếc, than trách, xúc động, thương nhớ (27.10.2022 – Thứ Năm tuần XXX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ep 6,10-20 (năm chẵn), Lc 13, 31-35

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 13, 31-35)
31 Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông! “32 Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.
34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! “

Nuối tiếc, than trách, xúc động, thương nhớ (27.10.2022)

Tiếp những lời giáo huấn của Chúa Giêsu với các môn đệ và dân chúng, hôm nay Chúa Giêsu đã lên tiếng:

– Người giận dữ với vua Hêrôđê, người đang  trị vì đất nước: Bởi trước danh tiếng nổi lên của Chúa Giêsu mà vua Hêrôđê đã run sợ. Ông sợ rằng sự có mặt của Chúa sẽ làm cho ngôi vị của ông bị đe doạ chăng? Ông ta muốn loại trừ Chúa ra khỏi vùng đất mình đang cai trị. Vì thế có lẽ ông đã dùng mấy người Pharisêu đến thưa với Đức Giêsu rằng: “Xin ông ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang tìm giết ông”. Chúa thản nhiên trước câu nói ấy. Vì Người là Đấng Thiên Chúa quyền năng, Người muốn làm gì thì làm, ai có thể ngăn cản, cấm cách chống đối Người được?

Chúa đã thẳng thắn, chủ động công bố với Hêrôđê, chương trình hoạt động của Người, và giận dữ gọi vị vua là con cáo, nghĩa là một con người quỷ quyệt: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất”. Chương trình của Người chỉ có làm lương thiện, cứu nhân độ thế, mà vị vua kia và bất cứ ai cũng chẳng thể đem lại cho dân được.

Một cách dán tiếp, Chúa tỏ mình là ngôn sứ và Người còn phải hành trình. Có lẽ khi ấy Người đang ở xa thành Giêrusalem. Các nhà chú giải cho là đang ở Pêrêa phía đông sông Giođan. Vì đỉnh cao công cuộc cứu chuộc nhân loại của Người là chịu chết trên đồi Canvê, cạnh thành Giêrusalem mà Người hằng mong mỏi: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được”.

Cuối cùng  khi nhắc đến Giêrusalem, Chúa bùi ngùi…

– Xúc động – thương nhớ: vì bao ngôn sứ được Thiên Chúa gửi đến cho họ vì yêu thương họ, nhưng đều bị họ từ chối mà còn giết đi.

– Nuối tiếc và than trách:  vì bao lần Thiên Chúa tỏ tình mời gọi qua miệng các ngôn sứ, các bậc tổ phụ và cuối cùng là chính Ngôi Hai Thiên Chúa được đến với họ nhưng đều bị họ chống đối làm ngơ. Để rồi họ phải lãnh án công thẳng của Thiên Chúa. Họ sẽ phải xa Chúa ngay từ chốn trần gian này, nước mất nhà tan, làm tôi khắp thiên hạ: “Giêrusalem! Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”.

Giờ đây mỗi người, ta có biết sống hiên ngang, mạnh dạn, vui tươi thực thi Lời Chúa hay lại sợ sệt, lẩn trốn vì những thế lực đen tối cản trở?

Đã bao giờ ta đồng loã với những thế lực gây tội ác để rồi làm con cháu ta bị liên luỵ xấu hổ, bị người đời lên án?

Phát xít Đức – Hitle, một đồ tể tội ác của nhân loại hồi thế chiến thứ hai. Mấy bà con của ông hiện vẫn còn. Vì tủi nhục, xấu hổ, cho dòng tộc, họ tự sống chui lủi giữa những khu rừng vắng bên Mỹ, không muốn để ai biết đến mình. Cho dù họ là thế hệ sau không trực tiếp gây tội ác. Thật thương thay cho họ!

Lạy Chúa! Xin cho con biết tránh xa những vết xe lỗi lầm của bao con người lịch sử ở thế gian này, để con, gia tộc con không bị Chúa than trách mà luôn được Chúa yêu thương ở đời này và mãi mãi đời sau. Amen.

 Giuse Ngọc Năng.

Nỗi lòng của Chúa Giêsu (29.10.2020)

Khi con gái tôi xa nhà du học ở một đất nước khác, cả nhà tất bật chuẩn bị nhiều thứ với hy vọng con sẽ thuận lợi trong môi trường mới, như Thánh Tôma Aquinô từng nói: “Yêu thương ai là mong ước những điều tốt đẹp cho người ấy”. Thế nhưng, thực tế con gái lại muốn tự lập, mọi thứ đảo lộn nhiều lý do đưa ra, thậm chí nơi ở được xem là an toàn rất thuận tiện để đến trường học tập … con cũng không muốn, con tự ý thay đổi địa điểm ăn ở, cha mẹ đành chấp nhận. Thật là con cái chưa hiểu hết tấm lòng thương yêu, lo lắng của những người làm cha, làm mẹ.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hiểu phần nào tâm trạng của Chúa Giêsu khi đến Giêsusalem là khao khát loan báo Tin Mừng cho Dân được Người tuyển chọn, tâm tình Người ấp ủ rất lâu và mong muốn đem ơn cứu rỗi cho con người. Niềm vui chưa kịp đến thì sự thất vọng não nề đến trước, khi có mấy người Biệt phái thưa với Chúa Giêsu: “ Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Vì sao những người Biệt phái, Luật sĩ, Tư tế tỏ ra chống đối và tìm cách loại trừ Chúa, ngay cả vua Hêrôđê cũng vậy?

Phải chăng vì “Tin Mừng được rao giảng trước tiên cho người nghèo” (Giáo Hoàng Bênêđictô XVI). Phải chăng uy danh Chúa Giê-su rất hào hiệp cứu giúp những người bần cùng, bệnh tật, đã làm các nhà quyền lực thời ấy cảm thấy chướng tai gai mắt ? Chúa nhấn mạnh: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng:Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời”.

Tại thành Giêrusalem không có sự đón tiếp Chúa Giê-su: “Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: “ Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến!“. Đây cũng là lời cảnh báo trong tương lai về thành Giêrusalem bị tàn phá và cuộc chiến thắng cuối cùng của Ngài vào thời cánh chung, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.

Tin Mừng hôm nay nhắn nhủ chúng ta, ân sủng Chúa ban cho mỗi người không chỉ là sự sống của đời sống hiện tại mà chính là chúng ta cần vươn đến hạnh phúc vĩnh cửu. Giáo Hoàng Bênêđic tô XVI, 2006  chia sẻ:“Chỉ có Thiên Chúa mới là sự cứu rỗi cho con người. Chúng ta có thể thấy trong lịch sử thế kỷ qua: tại các quốc gia mà người ta loại bỏ Thiên Chúa, thì không chỉ nền kinh tế bị phá hủy, mà nghiêm trọng hơn hết, là các linh hồn bị hủy diệt”.

Lạy Chúa, chúng con tin cậy vào tình yêu thương hải hà của Chúa, Người đã tạo dựng nên chúng con và không ngừng chăm sóc chúng con trong cuộc sống. Xin Chúa giúp chúng con được can đảm sống đức tin giữa xã hội bằng những hành động nhỏ thiết thực với tha nhân để thay những lời chúc tụng và tri ân dâng lên Thiên Chúa.                                               

LHTH

Tình yêu sự sống (31.10.2019)

Trong những ngày qua, cả thế giới đều xôn xao, rúng động, khi chứng kiến một sự việc đau đớn xảy ra cho số 39 người Việt Nam, khi họ bị chết oan uổng trong một “quan tài kim loại di động” (container) ở Anh.

Như mọi người đã biết, cảnh sát của quận Essex, nước Anh ngày 23 tháng 10 vừa qua, khi mở cửa thùng xe đông lạnh của container, họ đã chứng kiến 39 người Việt Nam, tất cả đều là những bạn trẻ tuổi đời trong còn độ tuổi đôi mươi, đã chết chất chồng lên nhau, trong đó có 31 năm và 8 nữ. Các bạn trẻ ấy đều đến từ hai tỉnh miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh, là hai tĩnh chịu nhiều thiệt hại nhất do thiên tai, cũng như nhân tai gây ra. Chứng kiến cảnh tượng đau đớn này, họ đã gục xuống trong tiếng nấc khi còn chưa kịp xác định những người bị nạn là ai.

Những công dân thành phố Luân Đôn dù chưa biết được căn tính và quốc tịch của nạn nhân cũng lặng lẽ đốt lên ngọn nến tiếc thương và tưởng niệm để cầu nguyện cho những bạn trẻ như họ có lỗi với những bạn trẻ đã chết, nhưng thự ra họ chẳng có lỗi gì. Nhưng vì tình người, người ta đã đến nơi có chiếc xe tải chứa những nạn nhân ấy và giờ đây khắp cả nước Anh và các nơi khác, các ngọn nến tiếp tục được thắp lên để cầu nguyện cho các linh hồn của các bạn trẻ xấu số ấy.

Ắt hẳn, họ cảm nhận được nỗi đau vì đây những người giống như mình, là tuổi trẻ, trong tim đầy nhiệt huyết, yêu thương gia đình, muốn dấn thân và muốn có một việc làm để trợ giúp cho gia đình, nhưng những bạn trẻ ấy đã không may mắn như mình, đã không may mắn trên một mảnh đất mà như họ ngay từ lúc sinh ra đã có những điều đáng sống nơi nước Anh của họ.

Chúng ta thấy, dù biết các nạn nhân di cư bất hợp pháp, nhưng cả cảnh sát, những người lãnh đạo quốc gia và toàn thể nhân dân của nước Anh không lên án và chỉ trích, nhưng thay vào đó là sự đau đớn, tiếc thương và cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số này. Họ còn đích thân đến từng gia đình của các nạn nhân ở Việt Nam, để thăm hỏi, chia buồn và thu tập thông tin của từng người con xấu số này.

Cả thế giới đều phải bàng hoàng, đau đớn, đều tiếc thương cho các bạn trẻ. Nhưng ai là người đau đớn nhất? Chính là cha mẹ của các em. Có nỗi đau nào bằng nỗi đau của những người cha người mẹ khi có đứa con của mình phải bỏ xác, phải chết cách đau đớn và tủi nhục nơi đất khách quê người. Có nỗi đau nào cho bằng nỗi đau khi niềm hy vọng đã vụt tắt, chỉ còn lại là một khối nợ không biết chừng nào có thể trả được. Khối nợ ấy là tiền vay nợ nóng nợ nguội, thế chấp đất đai nhà cửa cho ngân hàng, bán mọi thứ có thể bán được để đưa cho con đi. Giờ đây, tiền mất và con cũng mất.

Tại sao, các bạn trẻ phải đánh đổi mạng sống của mình như thế? Tại sao biết nguy hiểm đến tính mạng mà vẫn cứ cố mà đi? Và có những người còn đặt ra câu hỏi: tại sao không lấy số tiền gần bạc tỷ ấy, ở nhà mà buôn bán làm ăn?

Có thể nói, không ai muốn rời bỏ quê hương mà đi lao động khổ sai ở tha hương. Những người rời bỏ quê hương, đến một nơi xa lạ, họ sợ hãi hơn ai hết, họ hiểu rõ sự nguy hiểm đến tính mạng hơn bất kì ai, vì chính bản thân họ trực tiếp đối diện.

Nhưng tại sao họ lại liều mạng đến thế, tại sao bỏ ra tiền tỷ để đi như thế? Những người trong cuộc sẽ trả lời cho chúng ta. Mẹ của em Trà My đã nói trong nước mắt đau thương: “Tôi khuyên con ở nhà lấy chồng, nhưng nó bảo cố đi nốt chuyến này, kiếm tiền trả nợ giúp bố mẹ thoát nghèo đã, rồi tính chuyện lập gia đình sau.”

Qua tin nhắn cuối cùng của em Trà My gửi cho mẹ, mà lúc ấy Mẹ cũng không cầm điện thoại nên không biết, sau một tiếng mới đọc tin nhắn của con, người anh gọi lại thì không còn, chúng ta cũng thấy được câu trả lời qua tin nhắn cuối cùng này: “Con xin lỗi bố mẹ. Mẹ ơi, con đường đi nước ngoài không thành. Con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được.”

Họ rời quê hương để đến nơi đất khách quê người, không phải cái chính là vì tiền mà đến nỗi họ phải đánh đổi số mạng của mình. Nhưng nói cho đúng thì họ rời xa quê hương vì trong lòng họ có một tình yêu và một niềm hy vọng lớn lao: Vì tình yêu gia đình, yêu bố mẹ nghèo khổ, nên phải ra đi, để tìm một công việc, có thêm chút vốn liếng về trang trải cuộc sống và trả nợ cho bố mẹ. Vì hy vọng có một cuộc sống tươi đẹp hơn cho mình và cho những người thân, nên họ phải liều mình ra đi. Chính tình yêu và niềm hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn mà họ vượt qua bao sợ hãi để rời xa quê hương, đến tha hương lạ lẫm. Họ chấp nhận ra đi để tìm kiếm tình yêu, hy vọng và sự sống tươi đẹp. Nhưng người ta đã dập tắt ngọn lửa tình yêu và hy vọng ấy của họ.

Với bao đau thương ấy, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các bạn trẻ xấu số ấy. Thiên Chúa là Tình yêu, chúng ta chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi những ai sống trong tình yêu và hy sinh vì tình yêu. Như thánh Phaolô trong bài đọc I hôm nay đã dạy: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy, vì yêu thương nhân loại, Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đức Giêsu đã xuống thế làm người, để mặc khải tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã phải chịu chết để đền tội thay cho nhân loại tội lỗi.

Đức Giêsu chính là hồng ân vô giá Thiên Chúa ban cho con người, những ai muốn mình được cứu thoát đều phải đón nhận hồng ân đó. Sự độc ác của con người không thể ngăn cản tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Trái lại, Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên yếu hèn, bị khinh chê, Ngài vẫn yêu thương con người và yêu thương cho đến chết trên thập giá.

Tuy nhiên, cái chết của Đức Giêsu không phải là một sự thất bại, bởi vì rồi đây, con người sẽ trở lại nhìn nhận Thiên Chúa. Lời tiên báo của Đức Giêsu hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng hy vọng: “Các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” Đây là lời tiên báo về cuộc chiến thắng cuối cùng của Ngài vào thời cánh chung, khi Thiên Chúa hoàn tất trong mọi sự.

Chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra những giờ phút của ân sủng Chúa đến viếng thăm chúng ta. Xin cho chúng ta luôn cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa và luôn vững bước trong niềm tin yêu như thánh Phaolô đã dạy: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

Bình Minh

Tình yêu thương bao la của Chúa dành cho nhân loại (27.10.2016)

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc có những người đến khuyên Chúa Giê-su lánh đi nơi khác vì Hêrôđê đang tìm giết Ngài. Giữa lúc tính mạng bị đe dọa, Chúa Giê-su vẫn kiên quyết tiếp tục thi hành sứ vụ mang Tin Mừng đến cho muôn dân. Trong mọi hoàn cảnh, Chúa luôn trung thành với sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài.

Người đời khi thấy khó khăn, nguy hiểm thì né tránh. Không ai dại gì đối diện với hiểm nguy, người ta tránh hết sức có thể. Tuy nhiên, Chúa Giê-su Ngài không như vậy, Ngài không theo sự khôn ngoan ấy. Ngài biết lên Jerusalem là sẽ đi vào chỗ chết, là mạo hiểm, là bước vào hiểm nguy, nhưng Ngài vẫn cứ đi, vẫn coi thường âm mưu sát hại của vua Hêrôđê.

Vì yêu mến và muốn chu toàn mọi sự để làm vui lòng Chúa Cha, nên không điều gì có thể làm Chúa Giêsu phải bận tâm, cho dẫu Hêrôđê có mưu mô hiểm độc đến mấy đi chăng nữa, hay thậm chí là cái chết, Ngài cũng chấp nhận nó với trọn vẹn tự do của mình; và vì yêu con người, muốn cho con người được sống, được hạnh phúc, nên Ngài đã tự nguyện đón nhận mọi sự, mọi đe đoạ của cường quyền, mọi trấn áp của bạo chúa cũng không thể bắt Ngài chùn bước. Bởi đối với Chúa “Tình yêu mạnh hơn sự chết”

 

Bao la tình Chúa yêu con

Tình Ngài cao cả mãi còn muôn niên

Thời gian năm tháng triền miên

Ngài thương che chở, thường xuyên giữ gìn

*

Chắp tay khấn nguyện cầu xin

Cho con sống động đức tin rạng ngời

Kính tôn một Chúa mà thôi

Tránh xa tội lỗi, thói đời dối gian

*

Dấn thân, phục vụ vô vàn

Tin Mừng loan báo tràn lan mọi thời

Để cho ý nghĩa cuộc đời

Trong lành, thánh thiện, sáng ngời tỏa lan

*

Tình Chúa luôn mãi đầy tràn

Yêu thương nhân thế, trao ban mãi hoài

Quá khứ, hiện tại, tương lai

Có Chúa hiện diện, xin Ngài đoái thương

 

Khi con người chỉ biết nhìn vào bản thân thì sẽ không nhìn thấy được tha nhân nữa. Chính vì ý nghĩa đó mà Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta ra khỏi chính mình, vươn tới tha nhân như Chúa đã làm gương cho chúng ta khi Ngài không còn nghĩ đến bản thân, nhưng muốn tập hợp tất cả con cái trong tình yêu của Ngài.

Lạy Chúa! Chúa đã đến trần gian để rao giảng về Nước Thiên Chúa cho con người. Nhưng phũ phàng thay, có biết bao nhiêu người đã bịt tai giả điếc làm ngơ trước Lời  của Chúa. Thậm chí có người tìm cách triệt hạ Chúa, thế mà Chúa vẫn tha thiết yêu thương và kiên nhẫn mời gọi mọi người trở về sống trong ân tình của Chúa. Chúa sẵn sàng quên đi bao lỗi lầm thiếu sót của chúng con, và Chúa chỉ muốn một điều là được bảo vệ chúng con trong vòng tay yêu thương của Chúa. Xin Chúa cho chúng con luôn cảm nhận được tình yêu bao la đó, để chúng con yêu mến Chúa nhiều hơn. Lạy Chúa, chúng con biết rằng Chúa yêu thương chúng con như gà mẹ ủ ấp gà con dưới cánh. Xin đừng bao giờ để chúng con trở thành kẻ bạc nghĩa vong ân, phản nghịch chống lại Chúa, nhưng xin cho chúng con luôn là người con chí hiếu, luôn biết vâng phục Thánh Ý Chúa trong suốt cuộc đời của chúng con. Amen.

                                                                             HOÀI THANH

Đáp lại tình yêu Chúa

“Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34)

Suy niệm: Khi hiện ra với thánh nữ Maria Margarita năm 1675, Chúa Giêsu tâm sự: “Đây là Trái Tim đã yêu thương nhân loại không bờ bến, không quản ngại một thứ gì cho đến hơi thở cuối cùng để làm chứng cho tình yêu, nhưng bù lại, Ta chỉ nhận được sự bội bạc qua lòng lạnh nhạt và đôi khi cả sự khinh thường… Nhưng điều làm Ta đau nhói hơn, đó là ngay cả những người mà trái tim đã dâng hiến cho Ta, cũng làm như thế.” Không gì cay đắng, làm quả tim vỡ vụn cho bằng dành trọn tình yêu cho ai đó, nhưng lại bị từ chối và coi thường. Kinh nghiệm đau thương này Đấng Cứu Thế ngày ấy đã trải qua với dân thành Giêrusalem và còn tiếp tục cảm nghiệm với con người cho đến ngày tận thế.

Mời Bạn: Gà con tập họp dưới cánh gà mẹ là hình tượng đẹp về tình yêu Chúa với con người, cũng như tương quan thân thiết giữa con người với Chúa. Ngược lại, gà con không để cho gà mẹ chở che, dẫn dắt là hình ảnh đáng buồn của con người khước từ tình yêu và hạnh phúc Ngài đem lại và vì thế, tự chuốc lấy bất hạnh. Bạn đang sống trong tương quan với Chúa theo hình ảnh nào?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ sửa đổi thói lạnh nhạt, coi thường tình yêu Chúa bằng cách quan tâm đến việc thờ phượng Chúa hơn (dự lễ, đọc Lời Chúa, cầu nguyện…) cũng như tích cực hơn trong các công tác của giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Trái Tim Chúa từng đau nhói nhiều lần vì sự bội bạc, lạnh nhạt của chúng con với Chúa. Xin cho chúng con biết thành tâm tạ lỗi qua tâm tình yêu mến Chúa bằng những việc làm cụ thể mỗi ngày.

Không làm trì trệ thánh ý của Chúa 

Ghi nhớ: “ Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất ”. (Lc 13, 22)

Suy Niệm: Những Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay có cảm tình với Chúa Giêsu nên khi biết tin Hêrôđê muốn bắt Chúa, họ đã trình bày với Chúa và hiến kế giúp Ngài. Thế nhưng, thái độ Chúa Giêsu rất cương quyết, Ngài không vì những đe dọa của thế quyền mà làm trì trệ thánh ý của Chúa Cha. Ngài không để những đau khổ của con người qua đến ngày mai, nên nhiều lần Ngài đã chữa bệnh trong ngày Sabat. Trên thập giá, thân xác đau đớn vì đòn roi, nhưng Chúa Giêsu vẫn một lòng thưc hiện thánh ý yêu thương và tha thứ của Chúa Cha cho tên trộm lành, cho những người đóng đinh Ngài và cho toàn thể nhân loại.

Sống Lời Chúa: Cương quyết thực hiện thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban thần khí của Ngài để soi dẫn con nhận ra sứ mạng của mình trong thế giới này, và cương quyết thi hành sứ mạng đó bất chấp mọi thủ thách , gian khó. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *