Video: Ngày Ngày Với Mẹ – Tháng 11

Ngày 30: Đức Mẹ Genesta – Genoa, Ý

Để đáp lại sứ điệp của thiên thần, Đức Maria chỉ thưa rằng, “Tôi là nữ tì Thiên Chúa.” Đức khiêm nhượng là căn bản đời sống của Mẹ. Đó là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Không may, nhân đức này thường bị hiểu sai. Khiêm nhượng không đòi chúng ta phải trở thành một cái thảm chùi chân. Khiêm nhượng không có nghĩa là phải bò lết phải phủ phục một cách tự tình với một ý thức tự ti mặc cảm. Như thế không phải là nhân đức. Cốt yếu của đức khiêm nhượng là sự thật. Sự thật về giá trị của chúng ta. Đức Maria đã không chối phăng lời chào, “Kính chào Bà Đầy Ơn Phúc.” Mẹ đã chấp nhận giá trị của mình. Thánh Thomas định nghĩa nhân đức khiêm nhượng là “cuộc theo đuổi hợp lý về sự hiện hữu của bản thân.”

Đức Maria đã chấp nhận giá trị bản thân và công nhận những điều tốt nơi Mẹ. Đồng thời, Đức Maria cũng nhìn nhận mọi giá trị của Mẹ đều phát xuất từ Thiên Chúa. Mẹ đã tuyên xưng: “Đấng Toàn Năng đã làm nơi tôi những điều kỳ diệu.” Cuộc sống chúng ta phải là “một bản tuyên ngôn lệ thuộc” vào Thiên Chúa về mọi điều tốt lành chúng ta có và mọi việc tốt đẹp chúng ta làm. Đó là sự thật.

… Nguyện cho linh hồn các tín hữu đã ly trần, nhờ lòng thương xót Chúa, được vào chốn nghỉ ngơi bình an. Amen.

Albert J. Nimeth, O.F.M.

Ngày 29: Đức Mẹ Triều Thiên – Palermo, Ý

Ngày trước, lịch phụng vụ coi hôm nay là ngày lễ kính thánh Saturninus, một vị thánh xa lạ với chúng ta. Một điều đáng kể khác, hôm nay là ngày từ trần của một tu sĩ thánh thiện dòng thánh Phanxicô nổi tiếng về lòng sùng mộ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đó là thánh Francis Anthony. Ngài được tôn phong chân phúc vào năm 1951.

Hơn một thế kỷ trước khi Đức Mẹ hiện ra rại Lộ đức và xưng mình là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, tu sĩ Francis Anthony đã vận động cả thị trấn Lucera ở miền Apulia hằng năm làm một tuần cửu nhật dâng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngài đã qua đời vào một ngày trong tuần cửu nhật, năm 1742.

Vị thánh này khi còn nhỏ thường được gọi “Nhóc tì.” Chúng ta không có gì tốt hơn dành cho rất nhiều “nhóc tì” trên quê hương chúng ta cho bằng lòng sùng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và một sự ý thức rằng có một sự hiệp thông các thánh, mà trong đó có Mẹ Maria.

… Xin ban cho con một đêm an lành và một cái chết thánh thiệng khi những ngày của con chấm dứt.

Raymond, O.C.D.

Ngày 28: Đức Mẹ Walsingham – Anh

Đức Maria hiện diện trong đời sống Công Giáo. G.K. Chesteron đã viết, “Chúng con kính chào từng bức một trong hàng ngàn bức tượng của Mẹ.” Một ngàn lẻ một ngôi đền thánh khắp các lãnh thổ Giáo Hội tôn vinh những tước hiệu phong phú của Mẹ, biểu trưng cho các quốc gia, các chủng tộc, và văn hóa làm nên cộng đồng Công Giáo.

Từ Đức Mẹ Walsingham ở Anh quốc đến Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico; từ những bức ảnh thánh nạm trân châu ở Nga đến các hình ảnh Đức Mẹ Đen ở Uganda và Biafa; từ những đền thánh cổ điển như Lộ đức và Fatima đến các tượng đài ven đường tại Quebec, Ba Lan và Áo… tất cả đều phản ảnh một đức tin, một lòng sùng kính và một niềm xác tín Công Giáo lâu đời về Mẹ Thiên Chúa.

Nơi Mẹ Maria, trong mọi giai đoạn lịch sử, người tín hữu nhìn thấy dung mạo Thiên Chúa được rạng sáng hơn. Mẹ Maria dành dụm cho chúng ta tất cả những gì là cao quí và tốt đẹp nhất. Đấng Toàn Năng đã làm những điều kỳ diệu cho Đức Maria, và đến lượt mình, Đức Maria cũng tiếp tục làm những điều kỳ diệu cho những ai tôn nhận Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Đấng Hằng Cứu Giúp các tín hữu.

… Lạy Chúa, con xin phó thác hồn con trong tay Chúa.

Lm. Clifford Stevens

Ngày 27: Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ – Hội Con Đức Mẹ

Có nhiều biểu tượng nhắc chúng ta nhớ đến Đức Mẹ. Nhiều đặc ân đã được ban cho những ai đeo ảnh vảy Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ và những dấu hiệu khác đã được làm phép để tôn vinh Đức Mẹ Đồng Trinh. Mỗi dấu hiệu tự nó chẳng có ý nghĩa gì, nếu như tư tưởng và hành vi của chúng ta không hướng về Đấng cao sang, tinh tuyền, rạng rỡ, quí yêu và thân thương nhất, Đấng luôn luôn đợi chờ những lời kinh tha thiết và những thỉnh nguyện khẩn khoản của chúng ta. Khi tâm hồn chúng ta đầy tràn lòng mến yêu và tôn trọng Đấng là Hiền Mẫu của mọi người, không nỗi phiền sầu hoặc nhu cầu cấp thiết nào mà lại bị làm ngơ.

Lạy Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ, chúng con mời Mẹ hãy đến với cuộc sống chúng con. Lạy Mẹ Dấu Yêu, chúng con đi tìm tình yêu của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Suốt bao nhiêu năm qua, bao lần thần thế cầu bầu của Mẹ đã được minh chứng. Nhờ những nỗ lực của Mẹ, chúng con kiếm tìm lòng tin đặc biệt và sự ủi an dịu hiền của Mẹ, để Chúa Giêsu có thể đổ đầy ơn thánh cho cuộc sống chúng con.

… và tỏ lòng thương xót cho các tội nhân.

John Julius Fisher

Ngày 26: Đức Mẹ Miền Đồi Núi – Đồi Esquilin, Ý

Năm 1917, nhân loại khắp thế giới chìm đắm trong tang thương. Đức Mẹ đã hiện ra với các trẻ tại Fatima vào các ngày 13 hằng tháng, bắt đầu từ tháng Năm. Tuy nhiên, trừ ra ngày 13 tháng Tám, bởi vì khi ấy các trẻ bị bắt cóc và bị giam tại Ourem. Đức Mẹ đã hiện ra sau khi các trẻ được thả ra, tại Valinhos, vào ngày 19 tháng Tám.

Fatima là một địa điểm khiêm tốn. Khung cảnh núi đồi tăng thêm vẻ đẹp cho miền đất tràn đầy sự đơn sơ và chân lý. Các hiện tượng trời cao minh chứng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria đã ban cho các trẻ những lời khuyên về tương lai. Sứ điệp Fatima lan truyền xa rộng, vượt qua các biên cương nước Bồ đào nha. Bao tín hữu hành hương tuốn đến từng đoàn lũ. Fatima đã được coi là đền thánh danh tiếng nhất của Mẹ Maria trên thế giới, một địa điểm phụng tự.

“Người ta phải cải thiện đời sống và nài xin ơn tha thứ tội lỗi. Họ không được xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì Người đã chịu xúc phạm quá nhiều rồi.” Đó là sứ điệp của Đức Mẹ. Sứ điệp ấy không những kêu gọi chúng ta sám hối tội lỗi quá khứ, mà còn lấy đức tin mà cải hóa, đoạn tuyệt hoàn toàn với tội lỗi, bởi vì tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa Toàn Năng và làm cho Người phải cay cực.

… Giờ đây Mẹ lại nghe lời chào của sứ thần

Marie Layne

Ngày 25: Đức Mẹ Tảng Đá – Fiezoli, Tuscany

Đại thi hào William Wordsworth đã nhìn nhận Đức Maria là “niềm tự hào duy nhất của bản tính sa đọa của chúng ta.” Tuy không phải là tín hữu Công Giáo, nhưng ông đã biết Đức Maria là người cao trọng nhất đã được Thiên Chúa tạo thành. Từ rất lâu trước khi có các phong trào đấu tranh cho phụ nữ, Giáo Hội đã tôn vinh Đức Maria là vị thánh cao sang nhất trên thiên quốc.

Nếu Thiên Chúa đã giáng thế dưới hình hài một tôi tớ và thụ tạo, thì tại sao Mẹ Người lại không thể vươn lên thành một Nữ Vương? Và quả đúng như vậy. Nếu người ta đã đến gặp các Tông Đồ để xin nói cho họ về Chúa Kitô, thì chúng ta càng phải đến xin Mẹ Maria nói cho chúng ta về Chúa Kitô hơn nữa.

Từ ban đầu, Thiên Chúa đã muốn đồng hành với nhân loại trên địa cầu này, nhưng nhân loại đã khước từ. Vì vậy, Thiên Chúa đã tìm một đường lối khác. Người đến với một thiếu nữ tại thôn nghèo Nazareth, và qua một sứ thần, Người đã ngỏ ý muốn đến trần gian một lần nữa – qua Đức Maria. Toàn thể trời đất đều lặng chờ câu đáp của Đức Maria. Con người đầu tiên đã nói “không” với Thiên Chúa, còn Đức Maria đã thưa lên lời “xin vâng” mau mắn. Vậy tại sao chúng ta lại không yêu mến Mẹ Maria bằng trót cả tâm hồn? Chính nhờ Mẹ Maria mà chúng ta đã được hợp nhất một lần nữa với Thiên Chúa, Cha của chúng ta.

… mà vẫn còn đồng trinh.

Lm. Rayley Myers

Ngày 24: Đức Mẹ Montserrat – Tây ban nha

“Đức Trinh Nữ Rất Thánh là khí cụ đặc tuyển trong chương trình của Cha Trên Trời để trao ban và giới thiệu Con Dấu Yêu Người cho thế gian” – Đức Pius XII.

Qua các thời đại, lòng đạo đức Công Giáo đã dâng kính Đức Maria nhiều tước hiệu. Các vị thánh như Bernard và Alphonsus đã ca ngợi Đức Maria trong niềm hứng khởi thi ca. Tuy nhiên, chỉ một mình Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria một tước hiệu vượt trên bất cứ tước hiệu nào nhân loại có thể nghĩ ra – Mẹ Thiên Chúa. Giáo Hội đã long trọng tuyên tín điều ấy bằng một từ duy nhất: Theotokos – Đấng-Sinh-Ra-Thiên-Chúa.

Nhiều thế kỷ trước đây, các cuộc tranh đấu nhân quyền vẫn không thiếu những chiến sĩ hết mình vì sự nghiệp nâng đỡ kẻ khốn cùng. Những sự kiện này thường được liên đới với lòng sùng kính Đức Maria. Nổi bật nhất là “Morenata,” một bức tượng Đức Mẹ Đen tại đan viện Biển Đức ở Catania, Tây ban nha.

… Mẹ đã hạ sinh Đấng Cứu Độ Chí Thánh,

Lm. Charles Dollen

Ngày 23: Đức Mẹ Nhà Teutonic tại Jerusalem; Dòng Hiệp Sĩ Teutonic

Bảng gia phả Chúa Giêsu trong Phúc Âm thánh Matthêu làm chúng ta kinh ngạc vì bao gồm cả những phụ nữ ngoại bang, xác nhận dân ngoại cũng là một phần trong ý định của Thiên Chúa. Bà Tamar, một phụ nữ Canaan mồi chài. Sau đó là bà Rahab, một gái điếm thành Jericho. Rồi bà Ruth hiền lành, người Moabite, sống theo các tập tục Do Thái. Bà Bethshba, mẹ của vua Salomon, được kể vào hàng vương giả. Sau cùng là một thiếu nữ Do Thái, đó là Đức Trinh Nữ Maria. Lời Fiat của Đức Maria đã xác nhận lời của thánh Phaolô: Thiên Chúa đã tiền định “cho những ai Người biết trước sẽ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử của đoàn em đông đúc.”

Đức Trinh Nữ đã đi qua các trang Thánh Kinh với một nét cao quí đơn sơ, tinh tế với nhu cầu của tha nhân.

Sử gia Jacques Bossuet có lần đã viết: “Thiên Chúa – Đấng đã ban Chúa Giêsu Kitô qua Đức Maria – không hề thay đổi đường lối, cung cách hoặc chương trình của Người. Đức Maria là Mẹ của Đầu nên cũng là Mẹ của các chi thể.” Là niềm vui của Thiên Chúa Cha, là ái thê vẹn tuyền của Chúa Thánh Thần, Đức Maria còn là nhà tạm của Chúa Con….

… Giữa lúc thiên nhiên kinh ngạc,

Marion Egan

Ngày 22: Thánh Omer Thành Lập Hiệp Hội Đức Mẹ Dâng Mình – Năm 1841

Trong tâm trí Thiên Chúa, từ muôn thuở Đức Maria đã có một vị trí trong công trình cứu độ. Từ muôn đời, Đức Maria đã được tiền định làm Mẹ của Đấng Cứu Thế. Vì vậy, Mẹ đã được gìn giữ khỏi mọi tì vết nguyên tội, được ban những ân sủng ngoại nhiên, và được đặc ân chia sẻ một cách cá biệt vào đau khổ và cái chết của Chúa Kitô.

Vào ngày 21 tháng 11 năm 1964, Đức Phaolô VI đã được 2500 giám mục tham dự công đồng Vatican II hoan hô nhiệt liệt khi ngài long trọng tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội – tức là Hiền Mẫu tinh thần của chúng ta.

Công đồng tái xác nhận lòng sùng kính của chúng ta đối với Đức Maria bằng những lời này: “Hãy coi trọng các việc đạo đức và những việc hướng về Mẹ Chí Thánh đã được Giáo Hội chuẩn nhận qua nhiều thế kỷ.” Chúng ta tôn vinh Đức Maria bằng việc cầu nguyện với Mẹ và tin tưởng vào sự phù trợ của Mẹ, cũng như noi gương các nhân đức của Mẹ.

… Xin cứu giúp những kẻ sa ngã cố gắng trỗi dậy.

Maurus Fitzgerald, O.F.M.

Ngày 21: Đức Maria Dâng Mình Trong Đền Thánh

Đây là ngày lễ khiến chúng ta phải tưởng tượng. Đức Maria lên mấy tuổi khi dâng mình trong đền thờ? Tại sao Đức Maria lại dâng mình? Đức Maria đã làm những gì trong đền thờ? Các Sách Ngoại Kinh đã trả lời tất cả những vấn nạn như thế. Nhưng những câu trả lời ấy có được bao nhiêu giá trị?

Mầu nhiệm Đức Maria dâng mình trong đền thờ chính là mầu nhiệm chúng ta phải sống. Khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, chúng ta cũng được dâng hiến vào đền thờ là Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Ở đó, chúng ta phải sống như Đức Maria đã sống trong đền thờ Cựu Ước, “ẩn khuất, khiêm nhượng và yêu mến.” Đức Maria đã sẵn sàng trước sứ mạng trọng đại, ngay cả khi Mẹ thực hiện lời cầu nguyện của toàn nhân loại và cho toàn nhân loại. Đó cũng là công việc đức ái của chúng ta ở đời này. Điều này sẽ sửa soạn cho chúng ta “dâng mình” trong đền thờ vinh quang Chúa, tức là thiên đàng.

Mọi người hãy luôn luôn nhớ rằng: chúng ta không thể lên thiên đàng một mình!

… Lạy Sao Biển, xin đến cứu giúp chúng con. Raymond, O.S.C.O.

Ngày 20: Đức Mẹ Bảo Vệ – Bologna

Người ta thường than thở về việc cầu nguyện như thế này: “Ôi, tôi biết mình nên cầu nguyện lắm chứ, và giả như nhớ được thì tôi cũng đi cầu nguyện. Nhưng mà lúc nào tôi cũng quên đi mất.”

Một lần nọ, tôi đã gặp một viên trung sĩ, người đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Anh ta lúc nào cũng bực bội vì điều lệnh quân đội buộc các binh sĩ phải nghiêm chào tất cả các sĩ quan. Mỗi khi phải chào thượng cấp, anh ta quyết định thầm thĩ một lời kinh ngắn dâng lên Đức Mẹ. Một ngày kia, anh ta cho tôi biết:

“Thưa cha, cha sẽ ngạc nhiên về cách con luyện được một tập quán cầu nguyện. Việc chào các ông lớn bây giờ không còn nữa, nhưng tập quán cầu nguyện thì vẫn duy trì.”

Việc chào của người lính kia có thể dễ dàng áp dụng vào công việc thường nhật của bà nội trợ như rửa bát đĩa, trả lời điện thoại, quét nhà cửa – cho đến công việc sắp chữ của người thợ in – cho đến hành vi đốt một điếu thuốc lá… Peter J. Muldoon, Crusade of Prayers.

… Cửa Thiên Đàng hằng mở,

Quyển I, số 1, tạp chí My Daily Visitor, 2.1957

Ngày 19: Đức Mẹ Tin Mừng

Gần đến Mùa Vọng trong phụng vụ, chúng ta thấy Đức Maria đang cầu nguyện. Mẹ mở rộng lòng với Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria một sứ mạng, một nhiệm vụ trọng đại Người chưa từng ban cho một ai.

Sứ thần Gabriel cất tiếng: “Kính chào Bà Đầy Ơn Phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà.” Cho đến thời điểm ấy, Đức Maria chưa hề biết gì về sứ mạng Thiên Chúa dành cho Mẹ. Tuy nhiên, Đức Maria vẫn sẵn sàng trước bất kỳ ý định gì của Thiên Chúa. Các chương trình của Thiên Chúa vượt xa những ước vọng táo bạo nhất của Mẹ.

“Đấng Muôn Thuở đã ngỏ lời với Người Hèn Mọn Khôn Ngoan hãy đón tiếp Đấng Vô Biên vào lòng; Người đã ban các phúc lành, nài xin được làm Con Nhỏ.”

Một bài thơ cổ xưa đã ca lên như thế. Thiên Chúa đã nài xin Mẹ, Người đã đến với Mẹ, Người đã đợi chờ lời đáp của Mẹ.

Ở đây là một bài học cao quí. Thiên Chúa đôi khi cũng chờ mong lời đáp của chúng ta. Thiên Chúa đôi khi cũng chờ đợi một điều gì đó từ nơi chúng ta. Chúng ta phải sẵn sàng trước những ý định của Thiên Chúa.

… Lạy Hiền Mẫu Đấng Cứu Thế của chúng con,

Blase Schauer, O.P.

Ngày 18: Đức Mẹ Chiquinquira – Gần Medellin, Colombia

Lòng yêu mến Mẹ Maria là một phần thiết yếu trong nếp sống Công Giáo, đem lại cho đời sống chúng ta một sự phong phú. Những người ngoại đạo thường chỉ trích các tín hữu Công Giáo tại sao lại yêu mến Đức Maria quá mức như thế.

Thực ra, Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Maria vượt trên mọi vinh dự mà chúng ta có thể dâng kính Mẹ. Chính Thiên Chúa đã đặc tuyển Đức Maria từ muôn đời để làm mẹ của Con Một Người. Nếu như Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Maria như thế, tại sao chúng ta lại không?

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, đã sinh hạ Người, cho Người bú mớm, nuôi nấng Người đến lúc trưởng thành, và đứng bên cạnh thập giá khi Người tử nạn. Vậy tại sao chúng ta lại chẳng yêu mến Mẹ Maria cho được? Và hiện nay, khi chúng ta đến bên Mẹ, xin Mẹ cầu bầu, Mẹ cũng sẽ đưa chúng ta đến gần Chúa hơn như xưa Mẹ đã làm tại Cana.

Kinh Chiều kính Đức Mẹ: Alma Redemptoris Mater…

Dale Francis

Ngày 17: Thành Lập Hiệp Hội Thánh Mẫu Sion – Năm 1393

Đức Maria ắt hẳn phải ngỡ ngàng trước sứ điệp của thiên thần. Đức Maria không giây phút nào nghi ngờ về lời hứa của Thiên Chúa. Đức tin của Mẹ vào Lời Chúa mạnh mẽ đến độ tin Mẹ ngay vào lời báo hầu như bất khả về thiên chức làm mẹ của mình.

Đức tin của Đức Maria cũng phải là đức tin của chúng ta. Thiên Chúa hôm nay vẫn nói với từng người chúng ta. Chúng ta đáp lại như thế nào? Chúng ta có chần chừ, hoặc lịch sự lắng nghe rồi bỏ đi mà không thưa lời “xin vâng” với Người? Đức Maria đã tin vào lời Chúa, và đức tin ấy đã đem lại những kết quả phi thường: Chúa Kitô đã được sinh ra và chỉ cho chúng ta con đường đến cùng Chúa Cha. Chúng ta cũng được mời gọi hãy có một đức tin vào lời Chúa như Đức Maria. Thiên Chúa đã chờ đợi lời đáp của Đức Maria thế nào, Người cũng chờ đợi câu đáp của chúng ta như vậy. Lời đáp ấy sẽ như thế nào?

… Như Chúa đã phán hứa với tổ phụ ta, cho Abraham và dòng dõi ông cho đến muôn đời. – Lc 1:46-55

Robert M. Chabak

Ngày 16: Đức Mẹ, Sức Khỏe Bệnh Nhân – Dòng Thánh Camillô;
Đức Mẹ Ơn Quan Phòng

“Nếu các ngươi bỏ đi sự áp bức, chứng dối và ngôn từ xấu xa nơi các ngươi… (Thiên Chúa) sẽ ban sức mạnh cho các ngươi… và các ngươi sẽ hân hoan trong Thiên Chúa.” Một lần nữa, lời kêu gọi hoán cải lại phát xuất từ ngôn sứ Isaia: hãy từ bỏ những đường nẻo cũ và bước theo đường lối Chúa. Bên cạnh đó là lời hứa chữa lành và hạnh phúc, nhưng không nhất thiết là hạnh phúc ở đời này. Việc Chúa mời gọi Levi trong Phúc Âm cho thấy lời Chúa mời gọi đi liền với đau đớn và thương khó, nghi ngờ và nhạo báng, khinh khi và chỉ trích.

Vào năm 1858, tại Lộ đức, thông qua Đức Mẹ, Thiên Chúa đã nêu lên một bài học cho Bernadette, và qua chị, là cho chúng ta. Đó là lời mời gọi hãy đến với Chúa và bước theo Người. Những dòng nước kỳ diệu và những vụ chữa lành thể lý chính là lời hứa về những vụ chữa lành thiêng liêng cho những ai đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Tuy nhiên, đau khổ và nhạo cười chị Bernadette phải chịu là lời nhắc nhở rằng, việc đón nhận lời mời gọi trước tiên sẽ đi liền với đau đớn, chỉ trích và khước từ.

Lạy Chúa Giêsu, con cần ơn chữa lành của Chúa trong cuộc sống. Xin Chúa giúp con biết đáp lại lời mời gọi của Chúa và đi tìm hạnh phúc của con ở nơi Chúa.

… bởi nhớ lại lòng thương xót Chúa,

Norman Perry, O.F.M.

Ngày 15: Đức Mẹ Pignerol – Savoy, Pháp

Trong một cái tên có không gì nhỉ? Viện đại học Notre Dame được mang tên Đức Maria. Rất lâu trước khi ngôi trường này trở thành một đại học danh tiếng, với một đội bóng lừng danh toàn quốc, đã có một người Công Giáo ngỏ ý hiến tặng một món tiền kếch xù miễn là các giới chức chịu đổi tên cũ và lấy tên ông ta đặt cho ngôi trường. Những vị hữu trách đã từ chối đề nghị hấp dẫn kia. Họ giữ lại tên Đức Mẹ và cờ hiệu của Mẹ. Đức Mẹ đã trả công cho nghĩa cử tốt đẹp kia gấp ngàn lần.

Nếu như người ta yêu mến Đức Maria và thánh danh Mẹ, thì bởi vì Mẹ tiêu biểu cho tất cả những gì Thiên Chúa mong đợi nơi nhân loại. Mẹ là nguyên nhân thành công hùng hồn nhất trước ánh mắt của Thiên Chúa và là đấng thánh đáng mọi người noi gương. Việc Đức Maria đã thực hiện để đáp ứng thánh ý Thiên Chúa không phải là điều chúng ta cũng được trông đợi phải thực hiện, nhưng cung cách Mẹ đáp ứng thánh ý Thiên Chúa đã nói lên thái độ hoàn hảo nhất. Dưới sự hướng dẫn của Mẹ, chúng ta không thể nào lầm lạc.

… Chúa đã săn sóc Israel đầy tớ Chúa,

Louis J. Putz, C.S.C

Ngày 14: Đức Mẹ Hang Đá – Lamego, Tây Ban Nha

Hai chữ “Lộ đức” đã trở thành đồng nghĩa với những cuộc chữa lành kỳ diệu, kết quả của vô vàn phép lạ chữa lành thể lý và tinh thần đã xảy ra tại thị trấn ấy của nước Pháp. Tại đó, Đức Mẹ đã hiện ra cả thảy mười tám lần với thiếu nữ Bernadette và yêu cầu nhiều điều, trong đó có việc kiến thiết một thánh đường.

Đức Maria có những quyền năng khôn lường. Là Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria có thể xin Người ban xuống muôn ơn. Đây là điều Mẹ đã nhiều lần thực hiện tại Lộ đức. Nhưng không chỉ ở Lộ đức mà thôi, Mẹ Maria còn ban những ơn tương tự tại những đền thánh danh tiếng khác được thiết lập để tôn vinh Mẹ ở nhiều nơi trên thế giới. Và hằng ngày, Mẹ vẫn ban ơn cho nhiều người đang sống rải rác trên khắp hành tinh.

Đức Mẹ yêu thương tất cả chúng ta, những người con của Mẹ. Mẹ lưu tâm đến lợi ích tinh thần, thể lý và vật chất của chúng ta. Chúng ta có thể tin chắc những lời chúng ta kêu xin Mẹ sẽ được nhậm lời nếu như chúng hợp với thánh ý Thiên Chúa tiền định cho chúng ta.

… và để người giầu có trở về tay không.

Đức ông Ralph G. Kutz

Ngày 13: Cung Hiến Đan Viện Bec Để Tôn Kính Đức Mẹ

“Ngoài vị trí trong phụng vụ, Đức Mẹ còn được tôn vinh một cách lạ lùng qua những hình thức đạo đức ngoại-phụng-vụ vô cùng phong phú. Một số hình thức này có một lịch sử rất lâu đời. Đặc biệt, chuỗi Mân Côi thánh Đaminh gồm mười lăm chục kinh liên kết Đức Maria với công cuộc cứu độ của Con Mẹ; từ sự kiện Truyền Tin và những biến cố vui tươi của thời thơ ấu và niên thiếu của Chúa Giêsu; trải qua các mầu nhiệm đau buồn của cuộc Thương Khó và Tử Nạn; rồi đến sự kiện Phục Sinh và Thăng Thiên, sai Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ ngày lễ Ngũ Tuần, và cuối cùng là cuộc đoàn tụ Mẹ Con trong mầu nhiệm Đức Maria Lên Trời và được tôn vinh.

“Thật thiếu khôn ngoan khi khước từ kinh Mân Côi mà không chịu thử chỉ vì cho rằng nó phát nguồn từ quá khứ,  toàn lặp đi lặp lại và không phù hợp với tâm thức của người thời đại. Những sự phong phú của kinh Mân Côi mang một giá trị trường cửu” – Thư Mục Vụ về Đức Trinh Nữ Maria của hội đồng giám mục Hoa Kỳ (tháng 11 năm 1973).

Lời cầu nguyện trong thánh lễ hôm nay nài xin: “Ước chi chúng con là những kẻ suy niệm về những mầu nhiệm phép Rất Thánh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria được noi gương các nhân đức phép ấy tuyên xưng và đáng lãnh nhận những phần thưởng được hứa ban.”

… Chúa đã cho người đói khó no đầy ơn phước,

Thomas M. Brew, S.J.

Ngày 12: Đức Mẹ Tháp – Eriburg, Đức

Sự kiện Chúa Giêsu tận hiến cho Thiên Chúa trong Đền Thờ đã đập tan ý niệm hiện thời cho rằng tự do sẽ giải thoát không để chúng ta phải phục vụ một ai và tùy thuộc bất cứ một người nào hoặc vật nào. Đó chỉ là một kiểu nói quanh co. Những người tận tâm nhất với Thiên Chúa và nhiệm vụ mình trên thế giới là những người tự do nhất trong việc phục vụ tha nhân. Để tận tụy với sứ mạng, đòi phải có một sự từ bỏ; và điều này giải thoát chúng ta khỏi chủ nghĩa ích kỷ hằng cầm giữ không cho chúng ta giúp đỡ người khác. Bằng cách từ bỏ bản thân, con người tìm lại được chính mình. Còn nếu bo bo với bản thân, họ sẽ đánh mất tất cả.

Khi đem Chúa Giêsu lên Đền Thờ, Đức Maria và Thánh Giuse biết các ngài đang đưa Người đến với tự do. Các ngài ý thức các ngài đang xác nhận việc hiến thân mà Chúa Giêsu sau này sẽ thực hiện. Sự hiến thân của Chúa Giêsu cho sứ mạng của Người chính là ơn cứu độ của chúng ta, và sự hiến thân của chúng ta có thể cộng tác vào việc cứu độ tha nhân.

…và đã nâng người hèn mọn lên;

Roman Ginn, O.C.S.O.

 

Ngày 11: Đức Mẹ Hiện Ra tại Bồ Đào Nha – Năm 1546

Mục đích của tất cả các họa sĩ là đem một ý tưởng, một khái niệm trong tâm trí để thể hiện ra thế giới bên ngoài. Chúng ta cũng có thể nhìn công trình sáng tạo của Thiên Chúa tương tự như thế. Mỗi người chúng ta đều được tiền định sẽ thể hiện một ý tưởng nào đó trong tâm trí Thiên Chúa; nhưng vì một phần còn tùy thuộc vào ý chí tự do của chúng ta, nên sinh ra những kết quả bất toàn. Tuy nhiên, khi trẻ Maria đến và được dâng hiến trong Đền Thờ, Đấng Nghệ Sĩ thần linh đã nhìn thấy chương trình của Người sẽ được toàn thành mỹ mãn. Với tất cả sự thật, Đức Maria đã nói: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” – một điều hoàn toàn phù hợp với ước nguyện của Thiên Chúa.

Đức tổng thần Gabriel đã trình bày điều này tuyệt vời khi lên tiếng: “Kính chào Đầy Ơn Phúc.” Không một người nào làm Thiên Chúa hài lòng cho bằng Đức Maria. Mẹ quả thật đã, và vẫn là, một kiệt tác giữa muôn tạo vật của Thiên Chúa. Quả vậy, Con Mẹ rạng ngời hơn Mẹ, vì Người là Thiên Chúa. Trên phương diện tạo thành, Đức Maria còn kém vị thiên thần rốt bét giữa các thiên thần, nhưng ơn Chúa đã nâng Mẹ lên địa vị làm Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần và Các Thánh.

… Chúa đã hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao,

Eugene Boylan, O.S.S.D.

Ngày 10: Đức Mẹ Loreto; Đức Mẹ Niềm Cậy Trông

Đức Maria – Mẹ Đồng Trinh của Chúa Kitô và là Hiền Mẫu của chúng ta – là một dấu chỉ cậy trông vĩ đại cho chúng ta. Mẹ là người duy nhất, ngoài Con Mẹ, đã được lên trời cả hồn xác. Khi chúng ta còn sống trên trần gian và phấn đấu vì phần rỗi, Mẹ Maria là một mẫu gương và sự khích lệ cho mọi người tin rằng Thiên Chúa là Đấng trung tín với lời đã hứa. Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người và ban sự sống muôn đời cho những ai tín trung với Người.

Khi chúng ta chán chường và mỏi mệt trong việc phụng sự Thiên Chúa, thì Mẹ Maria là biểu tượng cho lòng cậy trông. Tuy hoàn toàn sống để phụng sự Chúa, nhưng Mẹ đã bao lần cũng từng mỏi mệt? Tuy nhiên, Mẹ đã tìm được niềm hoan lạc và an ủi nơi Thiên Chúa. Chắc chắn trong khi chúng ta chiến đấu, một lời nguyện vắn tắt dâng lên Mẹ, cầu xin Mẹ cầu bầu cùng Con Mẹ, nhất định sẽ không bị chê chối. Chúng ta có thể vững tin Mẹ Maria sẽ luôn luôn trợ giúp các con cái của Mẹ.

… Đánh tan người kiêu ngạo với những ý nghĩ kiêu căng của chúng.

James M. Nusbaum, S.J.

Ngày 9: Đức Mẹ Almudena – Madrid, Tây ban nha

Tháng Mười Một đem đến cho chúng ta một cơ hội để hồi tâm về tình yêu và lòng sùng kính đối với Mẹ Maria.

Nếu muốn có một lòng sùng kính vững vàng đối với Mẹ Maria, chúng ta phải cần những gì? Phải chăng là một vốn kiến thức sâu xa về thần học? Không hẳn như thế, bởi lẽ đã có những học giả Thánh Mẫu học không phải là “những người con của Mẹ Maria.” Ngược lại, có không ít những linh hồn hèn mọn, thậm chí còn thất học, nhưng lại sở hữu được bí quyết về lòng yêu mến Mẹ Maria.

Vậy thì điều gì mới thật sự cần thiết? Trên cơ bản, đó là một khát vọng khiêm nhượng và chân thành muốn hiểu biết Đức Maria là một người mẹ. Lòng yêu mến Mẹ Maria phải là ước ao và là mục tiêu cầu nguyện của chúng ta. Rồi những điều khác hỗ trợ sẽ là: ý thức về sự hiện diện của Mẹ, đọc và tìm hiểu về Mẹ, noi gương Mẹ, sống lệ thuộc vào Mẹ, nói về Mẹ, và tận hiến cho Mẹ.

Chúng ta sẽ nhận ra khi nào chúng ta đã tìm thấy Mẹ Maria! Mẹ sẽ không bao giờ làm chúng ta bẽ bàng.

… Chúa đã ra tay uy quyền

Đức hồng y John J. Carberry

Ngày 8: Đức Mẹ Hy Vọng

Từ giây phút được đầu thai trong cung lòng Đức Maria, Chúa Giêsu đã hoan hưởng hạnh phúc hưởng kiến. Mặc dù sống một cuộc sống trần gian, nhưng trần gian của Chúa Giêsu đã là một thiên đàng, bởi lẽ Người luôn luôn được nhìn thấy Chúa Cha, diện đối diện. Vì thế, linh hồn Chúa Kitô đã không có nhân đức cậy trông.

Đức cậy là phần-chìm-bị-đất-phủ-lấp của gia tài thiên đàng. Chúa Giêsu ngay từ đầu đã chiếm hữu được Chúa Cha, do đó, đức cậy của Mẹ Maria là đức cậy hoàn thiện nhất chưa từng được ban cho bất cứ linh hồn nào!

Giáo Hội xưng tụng Đức Maria là Nguồn Cậy Trông lành thánh. Mẹ là mẫu gương cao cả về niềm tin tưởng hoàn hảo nơi Thiên Chúa. Lạy Nữ Vương, nguồn sức sống, nguồn an vui, nguồn cậy trông của chúng con! Sau cuộc đời này, xin cho chúng con được xem thấy Chúa Giêsu, quả phúc của lòng Mẹ.

… Hằng bao bọc những người kính sợ Chúa.

Patrick Peyton, C.S.C.

Ngày 7: Đức Mẹ Nữ Quyền

Đối với Đức Maria, biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên những người tụ họp tại nhà Tiệc Ly là sự kiện Người ngự xuống trên Mẹ lần thứ hai. Khi suy gẫm điều này trong mầu nhiệm thứ ba mùa Mừng của chuỗi Mân Côi, chúng ta còn có thể nghi ngờ Đức Maria là một người được đặc tuyển nữa hay không?

Trong thời đại phong trào giải phóng phụ nữ thường sa vào những cực đoan quá khích. Ngày nay, tấm gương Đức Trinh Nữ Maria là một hải đăng ngời sáng giữa biển cả phong ba. Đức Maria đã thụ thai và sinh hạ Hài-Nhi-Thiên-Chúa.

Mẹ đã dưỡng dục Người, đã khích lệ Người trong sứ mạng công khai, đã đứng dưới chân thập giá, đã tin tưởng Người sẽ phục sinh; và khi được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Mẹ đã qui tụ Giáo Hội non trẻ để xúc tiến các nỗ lực truyền giáo.

Thật là một sự nghiệp cao quí! Thật là một cuộc đời hấp dẫn! Lạy Đức Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin hãy là tấm gương cho mọi phụ nữ khắp nơi!

… Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia,

Edwin R. Mc Devitt, M.M.

Ngày 6: Đức Mẹ Fourviere

Thái độ sẵn lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa là chìa khóa cho trọn cuộc sống của Đức Maria. Thái độ ấy làm cho Đức Maria vui tươi làm người thừa tác và cộng sự trong công cuộc cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Thái độ ấy cũng làm cho Đức Maria trở nên Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ tinh thần của tất cả chúng ta. Thiên Chúa cần Đức Maria. Người cũng cần chúng ta.

Chúa Giêsu chỉ có một Người Mẹ duy nhất. Nhưng Chúa cần nhiều linh hồn cưu mang Người – để Người có thể hiện diện và hoạt động một cách thể lý khắp nơi trong thời đại của chúng ta và mọi thời đại khác.

Trước sứ điệp truyền tin, câu trả lời của Đức Maria là lời xin vâng không trù trừ: “Xin hãy nên trọn nơi tôi theo lời ngài truyền.” Mọi sự xảy đến với Mẹ và qua Mẹ sau đó đều là hệ quả của thái độ phó thác toàn thân cho thánh ý Thiên Chúa. Trước lời truyền tin thánh ý Thiên Chúa dành cho chúng ta, câu trả lời của chúng ta sẽ làm chúng ta trở nên như Đức Maria – sẵn sàng và vô điều kiện. Nếu thế, Chúa Con có thể đến một lần nữa – trong và qua chúng ta.

… Và danh Người chí thánh.

Felician A. Foy, O.F.M

Ngày 5: Thành Lập Hiệp Hội Đầu Tiên tại Đại Học Dòng Tên ở Roma

Lòng thành thực sùng kính Đức Maria sẽ dẫn đến việc noi theo các nhân đức nổi bật trong đời sống của Mẹ. Đức khiêm nhượng, đức tin, đức vâng phục thánh ý Thiên Chúa, đức trong sạch: tất cả đều tuyệt vời. Những nhân đức này rất cần thiết và sẽ hiện diện giữa thế giới ngày nay nếu như các môn đệ của Đức Maria biết đưa chúng vào đời sống của họ.

Lòng thành thực sùng kính sẽ thôi thúc chúng ta coi sứ mạng của Đức Maria như sứ mạng riêng của mình. Đức Maria đã cho Chúa một thân xác để hoạt động giữa chúng ta. Nhiệm vụ chúng ta là đem Chúa Kitô đến sống một lần nữa bằng cách để cho Người sử dụng các tài năng của chúng ta hầu đẩy mạnh những thành quả của công trình cứu chuộc.

Để đạt được những mục tiêu ấy, chúng ta cần phải giữ kỷ luật và biết tự chủ. Như vậy, chúng ta cũng làm được một triều thiên dâng kính Đức Nữ Vương, với mỗi hành vi là một hạt ngọc lấp lánh. Khi những quả bom cám dỗ tấn công, chúng sẽ lăn lóc vô hại dưới chân chúng ta, bởi vì Đức Maria sẽ ở bên cạnh chúng ta với sức mạnh và quyền năng có thể đè bẹp những thế lực sự dữ.

… Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại,

Albert J. Nimeth, O.F.M.

Ngày 4: Đức Mẹ Cảng Youis – Milan, Ý

Đức Maria rất giống chúng ta trên nhiều phương diện. Song thân của Mẹ đã đưa Mẹ vào trần thế, giống như cha mẹ của các bạn và cha mẹ của tôi. Cuộc sống Đức Maria, trước và sau khi kết hôn với Thánh Giuse, hoàn toàn giống như cuộc sống của hàng ngàn phụ nữ đang sống ngày nay – xét theo tất cả những dáng vẻ bề ngoài.

Lạy Chúa, con phải thường xuyên tự nhắc mình rằng Chúa muốn con trở nên một vị thánh! Nhiệm vụ ấy không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng cơ hội thì vẫn có đó. Chúa cũng ban cho con những cơ hội để yêu mến Chúa, như đã ban cho Mẹ Chí Thánh. Xin Chúa giúp con biết đặt đời sống Mẹ Maria làm tấm gương cho con noi theo. Mỗi ngày, trong cuộc sống bình thường, Chúa gửi đến những thánh giá để con hiến dâng và các niềm vui để con cám tạ. Xin Chúa giúp con biết nhận ra những điều ấy như Mẹ Maria.

… Vậy từ nay muôn đời sẽ khen tôi có phước;

Lm. John R. Maguire

Ngày 3: Đức Mẹ Rennes

Khi nghe lời ông Simêon tiên báo một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn, Đức Maria có được sự hiện diện đầy an ủi của Thánh Giuse. Thánh Giuse cũng ở bên Đức Maria trong hành trình trốn sang Ai Cập, và trong cuộc tìm kiếm trẻ Giêsu 12 tuổi tại Jerusalem.

Nhưng khi nỗi thống khổ tột cùng xảy đến, Đức Maria đã phải nhận chịu một mình: gặp Con trên đường lên núi Canvê; đứng bên thập giá Con; tháo xác Con khỏi thập giá; và mai táng Con trong mồ đá. Những đau thương này là cái giá Đức Maria phải trả để đem Đấng Cứu Thế đến cho nhân loại.

Các ân sủng và công nghiệp của Chúa Giêsu và Mẹ Maria không ngừng tuôn đổ cho chúng ta qua đôi tay của Mẹ. Qua việc đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu, Đức Maria đã trở thành Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo. Trong niềm đớn đau cùng cực khôn xiết, Đức Maria đã trở nên Hiền Mẫu của Nhiệm Thể Chúa Kitô.

… Vì Chúa đã trông đến sự thấp hèn tôi tá Chúa.

Albert J. Nevins, M.M.

Ngày 2: Đức Mẹ Emminont

Tôi luôn luôn nghĩ về thiên đàng như một chốn nhàn nhã! Thế nhưng, phải chăng thánh trẻ Têrêsa đã không nói rằng thiên đàng là nơi ngài làm việc vì chúng ta hay sao?

Quả vậy, có thể đúng như vậy trong trường hợp Mẹ Chí Thánh, bởi vì tất cả chúng ta – kể cả các linh hồn Luyện Ngục – đều là những người con tốt phúc của Mẹ.

Hôm nay là một ngày lễ của Mẹ Chí Thánh. Ai yêu thương con cái cho bằng người mẹ tốt lành? Ai ân cần chăm chút cho các con cái trong luyện ngục cho bằng Mẹ Maria?

Và nếu có thể, thì tình yêu Mẹ Maria nhất định sẽ gia tăng hơn nữa khi nhìn thấy các con cái của Mẹ biết yêu thương nhau. Vậy, trong cầu nguyện và hy sinh, chúng ta hãy nhớ đến các linh hồn luyện ngục là anh chị em của chúng ta, vì tất cả đều là con cái của Mẹ Maria; chúng ta chắc chắn sẽ được âu yếm trong vòng tay từ mẫu của Mẹ.

… Và lòng tôi hớn hở mừng rỡ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi,

Lm. William Boat

Ngày 1: Lễ Các Thánh

Sự thánh thiện thường được đối chiếu với căn bản, sự thăng tiến và tầm mức thánh thiện của một vị thánh nào đó. Đức Maria được tôn nhận là Nữ Vương Toàn Thể Các Thánh nhờ tình yêu hoàn hảo của Mẹ đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn luôn là nguồn mạch và hứng khởi cho trọn vẹn khối tình yêu của Đức Maria.

Chúa Giêsu là Đấng Thánh, tình yêu Người được phản chiếu hoàn hảo nơi tình yêu của Mẹ Chí Thánh. Tình yêu hoàn hảo của Đức Maria ban cho tất cả những ai khốn cùng và tội lỗi; không tội nhân nào lại bị Mẹ lãng quên hoặc ghét bỏ.

Đức Maria, Nữ Vương Toàn Thể Các Thánh, cùng với những người con ưu tuyển của Mẹ, ôm ấp toàn thể nhân loại – thuộc mọi tín ngưỡng, quốc gia, chủng tộc và thế hệ. Tầm mức dài rộng khối tình thiêng liêng của Mẹ Maria không thể nào đo lường được.

Kinh Magnificat: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,…

John Julius Fisher


***

QUA MẸ MARIA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU là chủ đề chính của hợp tuyển tuyệt vời này, gồm các bài viết và tư tưởng thiêng liêng về Đức Trinh Nữ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta. Với 366 bài suy niệm hằng ngày của các văn sĩ, tác giả và học giả hàng đầu thế giới, Ngày Ngày Với Mẹ Maria đem đến những đề mục hay nhất tuyển lọc từ sưu tập 25 năm của tập san My Daily Visitor (Khách Mỗi Ngày của Tôi). Ở đây, chúng tôi chỉ xin đan cử một số cộng tác viên: Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, Dale Francis, Đức Hồng Y John Carberry, Đức Hồng Y Richard Cushing, Đức Pius XI, Eileen T. Duffy và cha Patrick Peyton. Một điểm đặc biệt nữa là “Lịch Thánh Mẫu” với 366 tựa đề riêng biệt qui về Đức Mẹ Maria, và được cẩn thận liên kết với mỗi đề mục. Ngày Ngày Với Mẹ Maria đem đến cho độc giả một nhãn giới tân kỳ hấp dẫn về văn chương Thánh Mẫu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *