Châm ngôn Thánh Bônaventura (1221-1274)
15 Tháng Bảy
Thánh Bônaventura
(1221-1274)
Thánh Bônaventura – một tu sĩ Phanxicô, một thần học gia, một Tiến Sĩ Hội Thánh – vừa uyên bác và vừa thánh thiện. Vì nét linh đạo luôn luôn thể hiện nơi con người và văn bản của ngài, nên lúc đầu ngài được gọi là Tiến Sĩ Ðạo Ðức; nhưng trong các thế kỷ gần đây ngài được gọi là Tiến Sĩ Thánh theo gương “Cha Thánh” là Thánh Phanxicô, vì ngài sống tinh thần đích thực của một tu sĩ Phanxicô
Vào năm 1257, ngài được chọn làm bề trên Dòng khi mới ba mươi lăm tuổi và đã thành công trong việc hòa dịu các xáo trộn trong Dòng vì những bất đồng nội bộ. Ngài rất có công với Dòng và đã viết lại tiểu sử của Thánh Phanxicô. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê IV bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của York, nhưng ngài xin đừng ép buộc phải chấp nhận vinh dự ấy. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X đã buộc ngài phải chấp nhận một vinh dự cao hơn, đó là chức Hồng Y và Giám Mục của Albanô.
Một trong các người bạn danh tiếng của Bônaventura là thánh Tôma Aquinô. (Chúng ta đã mừng lễ kính thánh Tôma Aquinô hôm 28 tháng Giêng.) Lần kia, thánh Tôma hỏi thánh Bônaventura tại sao lại viết được những ý tưởng cao siêu như thế. Thánh Bônaventura liền dẫn người bạn của mình tới bàn làm việc. Thánh nhân chỉ vào cây Thánh Giá lớn đặt ở trên bàn và nói với Tôma: “Chính Người đã nói cho tôi biết mọi sự. Người là Thầy dạy duy nhất của tôi!”. Lần khác, khi viết tiểu sử của thánh tổ phụ Phanxicô Assisi, Bônaventura tỏa ra đầy lửa nhiệt tình đến nỗi thánh Tôma phải thốt lên: “Chúng ta hãy để cho một vị thánh ghi chép về một vị thánh!”. Thánh Bônaventura vẫn luôn sống khiêm nhường ngay cả khi các tác phẩm ngài viết làm ngài nổi tiếng.
Năm 1265, đức thánh cha Clêmentê IV muốn đề cử Bônaventura giữ chức tổng giám mục. Bônaventura khiêm tốn từ chối. Đức thánh cha tôn trọng quyết định của Bônaventura. Tuy nhiên, Bônaventura đã chấp nhận làm bề trên tổng quyền dòng Phanxicô. Thánh nhân đã đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này trong suốt 17 năm. Đến năm 1273, đức chân phước giáo hoàng Grêgôriô X đã đặt Bônaventura lên chức hồng y. Đức thánh cha gởi hai sứ giả thuộc giáo triều tới gặp Bônaventura. Đến nơi, các vị gặp thấy thánh nhân đang làm việc với những chiếc chậu rửa lớn. Hôm đó là tới phiên thánh nhân lau chùi xoong chảo. Hai sứ giả của giáo triều Rôma kiên nhẫn đợi chờ Bônaventura rửa xong chiếc nồi cuối cùng. Rồi sau khi Bônaventura rửa sạch và lau khô tay, họ long trọng trao cho ngài một chiếc mũ đỏ lớn, tượng trưng cho chức vụ mới của ngài.
Hồng y Bônaventura đã giúp đỡ rất nhiều cho đức thánh cha, là người đã triệu tập Công đồng Lyon II năm 1274. Thánh Tôma Aquinô đã mất khi đang trên đường tới dự Công đồng, nhưng thánh Bônaventura thì đã tham dự. Ảnh hưởng của Bônaventura tại Công đồng rất lớn.
Vào sáng ngày 15 tháng Bảy 1274, trong khi Công Ðồng Lyon II đang khai diễn, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X và các giáo phụ trong Công Ðồng đã phải bàng hoàng khi nghe tin Ðức Bônaventura từ trần. Một người chép sử vô danh đã ghi lại cảm tưởng về ngài: “Một người uyên bác có tài hùng biện, và thánh thiện ngoại hạng, ngài nổi tiếng về sự nhân từ, dễ làm quen, hòa nhã và giầu lòng thương người. Với tất cả các đức tính ấy, ngài được Thiên Chúa yêu dấu và thực sự là một con người. Trong tang lễ của ngài, nhiều người đã nhỏ lệ, vì Thiên Chúa đã ban cho ngài một ơn sủng, đó là bất cứ ai biết đến ngài đều quý mến ngài một cách chân thành”.
Năm 1482, đức thánh cha Sixtô IV đã tôn phong Bônaventura lên bậc hiển thánh. Đến năm 1588, đức thánh cha Sixtô V tôn tặng ngài danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.
Lời Trích
“Hạnh phúc thì không gì khác hơn là vui hưởng sự Toàn Thiện, và vì sự Toàn Thiện ở trên chúng ta, nên chúng ta không thể có hạnh phúc nếu không vượt lên trên chính mình. Tự sức mình, chúng ta không thể siêu thoát nếu không có sự trợ giúp của quyền lực siêu nhiên mà quyền lực ấy đã hạ xuống thấp để nâng chúng ta lên. Dù đời sống nội tâm của chúng ta có tiến bộ như thế nào, điều đó không ích gì cho chúng ta nếu nỗ lực ấy không được sự trợ giúp từ trên cao. Thiên Chúa sẵn sàng cứu giúp những ai tìm kiếm với tâm hồn khiêm tốn và thành khẩn; điều này thực hiện được qua sự chân thành cầu nguyện.
“Như vậy, cầu nguyện là nguồn gốc của mọi hành trình tiến đến Thiên Chúa. Do đó, mỗi người chúng ta hãy trở về với đời sống cầu nguyện và thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con trên con đường của Chúa, để con có thể bước đi trong chân lý của Ngài'” (Thánh Bônaventura).