Xin cho con sức mạnh vượt qua những thành kiến khi đi tìm Chúa (24.08 – Lễ Kính Thánh Batôlômêô)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

Ngày 24.08: Lễ Kính Thánh Batôlômêô

Lời Chúa: Kh 21,9b-14, Ga 1,45-51

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 1,45-51)

45 Khi ấy, ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói : “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo : “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?” Ông Phi-líp-phê trả lời : “Cứ đến mà xem !” 47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng : “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người : “Làm sao Ngài lại biết tôi ?” Đức Giê-su trả lời : “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói : “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en !” 50 Đức Giê-su đáp : “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói : “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Xin cho con sức mạnh vượt qua những thành kiến khi đi tìm Chúa (24.08.2024)

 

  1. Luôn đi tìm Chúa. Đọc Thánh kinh là cầu nguyện, là đi tìm Chúa.

Trong Cựu ước, cây nho, cây vả thường được dùng để chỉ Israel. Cây vả Israel có lá to, dầy, rất thích hợp để tạo bóng mát trong những ngày nắng nóng. Người Do Thái thường ngồi dưới gốc cây vả đọc Thánh Kinh và cầu nguyện.

Ngồi dưới cây vả còn là hình ảnh cảnh thái bình thịnh trị thời vua Salomon : “Giu-đa và Ít-ra-en được an cư, mỗi người dưới cây nho và cây vả của mình” (1 V 5,5); nhất là cảnh tiên báo đem lại niềm hy vọng cho Israel khi chinh chiến loạn lạc, vì đó là dấu hiệu thời đấng Messia đã đến : “Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. Mỗi người sẽ ngồi dưới cây vả cây nho của mình, không còn ai quấy phá. (Mk 4,3-4); “Vì này, Ta đang cho tôi tớ mệnh danh là “chồi non” xuất hiện. Ta sẽ cất tội của xứ này đi nội trong một ngày. Ngày ấy – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh – các ngươi sẽ mời mọc nhau dưới bóng cây nho, cây vả.” (Dcr 3,10).

Ông Na-tha-na-en là người Do thái đạo đức, hình ảnh ông ngồi dưới gốc cây vả chứng tỏ ông luôn đọc Thánh Kinh, vì đó là thói quyen của người Do thái. Ông nghiền ngẫm Thánh Kinh để tìm ra ý Thiên Chúa, khi mà dân tộc, đất nước của ông đang trong nghịch cảnh mất tự do, đang bị dân ngoại cai trị.

Ứớc gì mỗi Kitô hữu ngày nay cũng siêng năng đọc Thánh Kinh để tìm Chúa, để đến với Chúa, vì đọc Thánh Kinh là đọc Lời chúa, là cầu nguyện với Lời Chúa. Chúa Giêsu đã dạy : “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,10-11).

  1. Giới thiệu Chúa với người khác.

Ông Phi-líp-phê đã được Chúa Giêsu gọi và nhận ra Người chính là đấng Messia mà toàn dân đang mong đợi. Lập tức ông giới thiệu Chúa với ông bạn Na-tha-na-en.

Na-tha-na-en là người am tường Thánh Kinh, nên khi nghe Phi-líp-phê giới thiệu về Chúa Giêsu, ông đã thấy ngay có những điều chưa ổn :

– Đấng Messia đến thì không ai biết Người xuất thân ở đâu cả (Ga 7,27), còn Đức Giêsu thì Phi-líp-phê đã giới thiệu rõ : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.

– Na-da-rét là một miền quê hẻo lánh chẳng có tiếng tăm gì, làm sao từ đó có cái gì hay được?”

Dù bị bạn mình bài bác ông Phi-líp-phê cũng không tự ái, không nản chí mà vẫn chân thành khuyến khích bạn đến gặp Chúa Giêsu. Rõ ràng đây là thái độ tin cậy, phó thác vào Thầy Giêsu của Phi-líp-phê. Ông tin rằng nếu Na-tha-na-en đến gặp Chúa Giêsu thì Người sẽ làm cho bạn ông cũng tin vào Người như ông đã tin.

Kitô hữu là những người có hạnh phúc lớn lao vì đã được biết Chúa Giêsu, được làm bạn hữu với Người. Xin cho mỗi Kitô hữu ngày nay luôn mau mắn giới thiệu Chúa với những người chung quanh chưa biết Chúa, tốt nhất bằng đời sống chân thật, thánh thiện yêu thương của chính bản thân và gia đình mình.

  1. Vượt qua thành kiến để đến với Chúa.

Na-tha-na-en là người ngay thẳng, ông không nghĩ quấy cho ai nên nghe Phi-líp-phê khuyên mình đến gặp Chúa Giêsu, và dù còn thấy có điều chưa xuôi, ông vẫn đi gặp Người. Và việc gì đến thì phải đến. Chính Chúa Giêsu đã biết rõ và đã chọn Na-tha-na-en trước khi Phi-líp-phê giới thiệu Chúa cho ông.

Khi Chúa Giêsu nói với Na-tha-na-en về ông khiến ông phải ngạc nhiên, đồng thời Người cũng gợi cho ông thấy những điều trùng hợp mà “sách luật và các ngôn sứ” đã nói về Người, về thời đại của đấng Messia đến qua hình ảnh ông ngồi dưới gốc cây vả. Ngay lập tức Na-tha-na-en đã vượt qua thành kiến về xuất xứ từ miền quê Na-da-rét tầm thường của Chúa Giêsu, mà tuyên xưng Người chính là Con Thiên Chúa, là Vua Ít-ra-en!”, vì theo ông thì chỉ có Đấng Messia, chỉ có Thiên Chúa thì mới thấu suốt được mọi chuyện như vậy.

Đức Giêsu còn củng cố niềm tin cho Na-tha-na-en hơn nữa khi Người nhắc đến thị kiến của Gia-cóp về cái thang nối giữa trời và đất có các thiên thần lên xuống trên đó (x. St 28,12). Người cho ông biết cái thang đó chính là Người.

Thành kiến và định kiến được hình thành qua những kinh nghiệm, kiến thức thu nhập trong quá khứ. Con người ta dễ bị những định kiến, thành kiến chi phối trong giao tiếp, xử lý các sự việc trong đời sống. Những thành kiến, định kiến này thường làm hỏng những quan hệ mới vì nó làm cho người ta cố chấp và không muốn thay đổi. Nhìn nhận cái đúng đi ngược với thành kiến là chiến thắng cái tôi kiêu ngạo của bản thân. Việc đó không hề dễ dàng.

Xin cho các Kitô hữu luôn vượt qua những thành kiến khi đến với tha nhân, để lan truyền Tình yêu của Chúa đến với mọi người.

  1. Vun đắp, củng cố Đức Tin.

Na-tha-na-en đã tìm, đã thấy và đã tin Chúa Giêsu. Đức Tin của Na-tha-na-en ngày càng trưởng thành nhờ được Chúa Giêsu trực tiếp dạy dỗ và bản thân ngài tích cực hoàn thiện, đúng với bản chất công chính của ngài, để sau này vị Thánh Tông đồ Batôlômêô – Na-tha-na-en đã sống, đã làm những việc đúng như Thầy Giêsu muốn : Thánh nhân đã đi rao giảng tại Lycôni, Ấn Độ và Armenia. Sau cùng Ngài đã được phúc tử vì đạo vì bị vua Attiges xử trảm vào năm 52. 

Lạy Chúa Giêsu. Khi đọc tiểu sứ các thánh, chúng con luôn muốn bắt chước các ngài để làm những việc như Chúa muốn. Nhưng thực tế luôn lôi kéo chúng con phải làm ngay những việc để thoả mãn các nhu cầu cấp thiết trong đời sống hàng ngày mà quên đi Lời Chúa dặn : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33).

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Tông đồ Batôlômêô, xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan và sức mạnh để có những chọn lựa và quyết định làm đẹp lòng Chúa. Nhờ đó chúng con xứng đáng với Tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Amen.

Jos. NM Tưởng

Cứ đến mà xem (24.08.2023)

Khi Đức Giêsu thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng Ngài gọi các môn đệ và lập nhóm 12 để sau này họ tiếp tục công việc của Ngài. Đây là nền móng để Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh của Ngài, một thành Gierusalem mới từ trời, nơi quy tụ mọi dân tộc như sách Khải Huyền mô tả. Bài Tin Mừng hôm nay là trình thuật Chúa Giêsu gọi ông Na-tha-na-en, còn có tên gọi khác là Ba-tô-lô-mê-ô.

Phi-líp-phê là môn đệ thứ năm được Chúa Giêsu gọi. Ông đã theo Chúa và nhận ra Ngài chính đấng Messia mà các sách Lề luật và Ngôn sứ đã nói đến. Phi-líp-phê là người sốt sắng, ông muốn chia sẻ hạnh phúc này với bạn mình nên ông đã giới thiệu Chúa Giêsu với Na-tha-na-en.

Na-tha-na-en là người Do Thái đạo đức, thường xuyên đọc Thánh Kinh, nên khi nghe Phi-líp-phê giới thiệu Chúa Giêsu người Nazareth chính là đấng Messia, ông đã không tin. Quả vậy Nazareth là một miền quê nhỏ bé hẻo lánh chẳng có tiếng tăm gì. Thánh Giuse khi đưa Thánh gia từ Ai cập về, vì sợ vua Hê-rô-đê (con), nên đã chọn Nazareth hẻo lánh làm nơi định cư để giữ cho Thánh Gia được an toàn. Hơn nữa Thánh Kinh đã nói đấng Messia là dòng dõi Đa-vít và sinh tại Bê-lem mà.

Dù nghĩ thế, nhưng Na-tha-na-en là người ngay thẳng không nghi ngờ ai, nên theo lời Phi-líp-phê mời gọi : “Cứ đến mà xem !”, ông đã đến gặp Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhận xét Na-tha-na-en là người ngay thẳng và ông khi ông thắc mắc tại sao Chúa biết ông, Chúa Giêsu đã trả lới :“Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Như vậy chính Chúa Giêsu đã đến gặp và chọn Na-tha-na-en từ trước, như Đức Chúa đã chọn Giê-rêmi-a làm ngôn sứ :“Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi”. (Gr 1,5).

Trong Cựu ước, cây nho, cây vả thường được dùng để chỉ Israel. Cây vả Israel có lá to, dầy, rất thích hợp để tạo bóng mát trong những ngày nắng nóng. Người Do Thái thường ngồi dưới gốc cây vả đọc Thánh Kinh và cầu nguyện.

Khi Chúa Giêsu nói đã thấy Na-tha-na-en dưới cây vả là đã khen ông đạo đức. Điề đó có lẽ làm cho Na-tha-na-en nhớ đến những đoạn Thánh Kinh liên quan đến cây vả như :

– Mô tả Israel thái bình thịnh vượng dưới thời Salomon : “Giu-đa và Ít-ra-en được an cư, mỗi người dưới cây nho và cây vả của mình.” (1 V 5,5).

– Hoặc khi Israel bị chiến tranh tàn phá, để thắp lên niềm hy vọng cho dân, các ngôn sứ đã loan báo việc Chúa không bỏ mặc dân, triều đại của Đức Chúa sẽ đến, một “Chồi non” xuất hiện để giải thoát cho Israel : “Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. Mỗi người sẽ ngồi dưới cây vả cây nho của mình, không còn ai quấy phá. (Mk 4,3-4).

“Vì này, Ta đang cho tôi tớ mệnh danh là “ochồi non” xuất hiện. Ta sẽ cất tội của xứ này đi nội trong một ngày. Ngày ấy – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh – các ngươi sẽ mời mọc nhau dưới bóng cây nho, cây vả.” (Dcr 3,10).

Qua những tiên báo trong Thánh Kinh, Na-tha-na-en đã nhận ra triều đại Thiên Chúa đã đến và Chúa Giêsu chính là Đấng Messia của thời ấy. Ông đã tuyên xưng Đức Giêsu “chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en !”.

Tuy nhiên, Na-tha-na-en cũng như các môn đệ theo Chúa Giêsu ban đầu chỉ tin Ngài là Đấng Messia chính trị, Ngài đến làm vua israel để giải thoát họ khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma.

Chúa Giêsu còn củng cố lòng tin của Na-tha-na-en khi tỏ ra cho ông thấy một cảnh tượng trong Cựu ước nay đã thành hiện thực. Đó là cái thang bắc từ dưới đất lên tới trời và “trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống.” mà Gia-cóp đã mơ thấy khi ngủ tại Bết-ên (nhà của Thiên Chúa) (St 28,12). Do ông bà nguyên tổ phạm tội, cổng Trời đã đóng lại cho đến khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan bởi Gioan Tẩy Giả, thì tầng Trời mới mở ra. Bây giờ Chúa Giêsu chính là trung gian, là cái thang nối trần gian với Nước Trời, là Đền thờ (nhà) của Thiên Chúa.

Quả thực sau thời gian theo Chúa Giêsu, được chứng kiến những việc lạ lùng Chúa làm, và nhất là được Ngài dạy dỗ, củng cố Đức Tin, Na-tha-na-en đã trở thanh một tông đồ nhiệt thành, hăng hái đi rao giảng Tin Mừng khắp miền Tiểu Á và sang tận Ấn Độ. Theo truyền thống thì Tông đồ Na-tha-na-en – Ba-tô-lô-mê-ô đã tử đạo vì bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages.

Bài Tin mừng hôm nay giúp các Kitô hữu tự truy vấn nhiều điều về Đức Tin và cách sống đạo của mình như : Học hỏi và sống Lời Chúa như Giáo Hội dạy để giới thiệu Chúa cho những người chưa biết Chúa : thực hành một đời sống khiêm nhường, yêu thương và phục vụ tha nhân (GLHTCG 905-906).

Và một điều rất quan trọng là năng đến với Chúa, ở lại với Chúa, gặp Chúa trong cầu nguyện, trong Bí Tích Thánh Thể để cảm nhận niềm hạnh phúc được hưởng hồng ân Chúa chọn từ muôn đời trước, hạnh phúc vì có Chúa, được Chúa yêu thương. Từ đó mới có nguồn năng lực giới thiệu Chúa với mọi người, vì nguồn năng lực đó bắt nguồn từ Tình Yêu của Chúa với người Kitô hữu và lan toả sang người khác.

Các câu chuyện về truyền giáo’

  1. Mẹ Têrêsa Calcutta kể rằng :

“Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem một người hấp hối nằm bên ống cống về, mình mẩy giòi bọ rất hôi thối. Sơ cẩn thận nhẹ nhàng nhặt từng con giòi với vẻ mặt quan tâm và đầy thương mến… Rồi người lạ đến gặp tôi nói: “Thưa mẹ, khi đến đây, lòng con đầy căm hờn của một người vô thần.  Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và cách Sơ ấy đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không khi nào có đủ nghị lực để yêu tha nhân được”.

  1.  Cha S.Hodden thấy một đại úy đến xin học đạo. Khi ngài hỏi lý do, ông trả lời như sau:

“Trong đại đội tôi, có một binh nhì là Kitô hữu. Đêm nọ, anh đi gác về, mình mẩy ướt nhẹp, nhưng trước khi ngủ, anh còn quỳ gối đọc kinh. Ngứa mắt, tôi đá cho anh một cú vào đầu, ngã lăn ra. Nhưng anh ngồi dậy, không nói gì và tiếp tục cầu nguyện. Sáng hôm sau, tôi thấy đôi giày mà tối qua tôi đá anh được đánh bóng láng và xếp ngay ngắn bên giường ngủ. Điều đó làm tôi sững sờ, hổ thẹn và vì thế tôi quyết tâm học đạo”.(*)

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã đến với chúng con, cho chúng con niềm hạnh phúc được sống trong Chúa, kết hiệp với Chúa. Xin dừng để chúng con xa lìa Chúa bao giờ.

Xin cho chúng con biết mau mắn giới thiệu Chúa cho những người chung quanh chúng con chưa biết Chúa để báo đáp hồng ân lớn lao Chúa đã chọn chúng con từ muôn thuở trước.

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Ba-ta-lô-mê-ô Tông đồ, xin Chúa nhậm lời chúng con. Amen.

 (*) Thuật theo cha Nguyễn Vĩnh Sơn SCJ.

Jos. NM Tưởng

Tin vào Chúa (24.08.2022)

“Các anh sẽ thấy trời rộng mở,và các Thiên Thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” (Ga 1, 51)

Vì có niềm tin vào Chúa, nên các vị Tông Đồ ngày xưa mới dám can đảm bỏ hết mọi sự thế gian: Nghề nghiệp,tiền bạc, nhà cửa ruộng vườn, vợ con thân quyến…, để ra đi theo Chúa làm môn đệ của Ngài.

Ngày mùng bốn tháng tám năm 2022 vừa qua. Tôi rất vinh hạnh được cậu cháu mời đến Thánh Đường giáo xứ Đa Minh Ba Chuông dự Lễ Phong chức Linh Mục của các Tu Sĩ Dòng Đa Minh. Cháu đã đi theo tiếng Chúa gọi từ thuở thanh niên, vì có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa chí minh chí Thánh, nên cháu sẵn sàng rời xa gia đình và nhiều lợi lộc trần gian…., quyết tâm bỏ lại tất cả để dấn thân theo Chúa suốt tận mười lăm năm nay, cháu đã được các vị đại diện Chúa trong Nhà Dòng Đa Minh đào tạo huấn luyện…, được học hành đầy đủ các môn triết, thần học cho tới ngày mãn khóa, được tu luyện tài đức khá tròn đầy, đủ trưởng thành cả về tinh thần và thể lý, như một trái cây đã chín mùi, nên tới ngày tháng này mới được Chúa trao Sứ Vụ cao cả trong Thiên chức Linh Mục, để thi hành các trọng trách từ nay, thực thụ như một Tông Đồ, trở nên như hiện thân của chính Chúa là Vị Mục Tử nhân lành.

Vì tin vào quyền phép và lòng nhân lành của Chúa, nên mỗi người Kitô hữu chúng ta mới tuân giữ và sống theo Lời Chúa dạy, nhưng nhiều khi đức tin của chúng ta chưa đủ lớn mạnh, hoặc chưa được học hiểu kỹ lưỡng để am tường Kinh Thánh, từ đó vẫn còn nhiều cá nhân sống sai lầm, bởi “ Vô tri bất mộ” chưa biết thì không yêu mến. Chính vì thế trong Giáo Hội Công Giáo chúng ta, tại các Trung Tâm Mục Vụ,  cả ở giáo xứ, luôn mở các lớp học Kinh Thánh, Giáo luật…, và luôn mời gọi dân Chúa đến học hỏi…

           Lạy Chúa, xin thương ban thêm đức tin còn non yếu cho chúng con, xin canh tân đổi mới cõi lòng , để chúng con luôn cảm nếm được sự bình an và hạnh phúc Chúa ban ngay ở đời này, mỗi khi nhớ đến Chúa và thực thi Lời Ngài dạy. Amen.

BCT

Bổn phận giới thiệu Đức Giê-su cho mọi người (24.08.2021)

Ghi nhớ:

 Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-lip-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới gốc cây vả, tôi đã thấy anh rồi”. (Ga 1, 48).

 Suy niệm:

 Một vị giáo sư nọ, nghe người ta đồn đại là ở trong xứ sở mình có một nhà hiền triết rất khôn ngoan và đầy kiến thức. Vì thế ông tìm đến nhà vị hiền triết để kiểm chứng xem lời mọi người nói có thực sự đúng không?.

Vào nhà vị hiền triết, sau khi mời khách ngồi. Chủ nhà liền pha một bình trà  nóng để tiếp khách. Ông rót nước trà vào ly, nhưng cho dù ly đã đầy nước rồi mà ồng vẫn cứ điềm nhiên tiếp tục rót mãi.  Nhìn thấy sự việc như vậy nên vị giáo sư thầm nghĩ trong lòng rằng: “ Thì ra người mà thiên hạ đồn thổi khôn ngoan, hiểu sâu biết rộng,  thực ra cũng chỉ là một con người hậu đậu, lơ dễnh mà thôi”.

Khi thấy nước đã chảy ra đầy khay, vị khách mới lên tiếng:

– Thưa ngài, tách trà đã đầy và nước đang tràn ra lai láng rồi kìa!

Lúc này vị hiền triết mới dừng tay lại và nó với khách:

– Cũng giống như tách trà này, đầu óc của ngài tràn đầy những văn hóa, kiến thức, tư tưởng và định kiến; Vì thế, nếu như ngài không dốc cạn “ tâm hồn” của ngài thì làm sao tôi có thể nói với ngài về những triết thuyết của tôi được, bởi lẽ, triết thuyết của tôi chỉ dành cho những ai đơn sơ và cởi mở mà thôi!

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính nhớ vị Thánh tông đồ Bartôlômêô còn gọi là Na-tha-na-en. Như bài Tin Mừng hôm nay mà thánh sử Gio-an đã thuật lại là; Ông Phi-lip-phê đã giới thiệu Đức Giê-su cho bạn mình: “Ông Phi-lip-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: Đấng mà sách luật Môse và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp; đó là ông  Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét”. Nhưng khi nghe vậy, với cái nhìn có phần định kiến của mình, ông Na-tha-na-en liền trả lời rằng; Từ Na-da-rét có cái gì mà hay được?  Không chấp nhận ý nghĩ đó. Ông Phi-lip-phê nài nỉ: “ Cứ đến mà xem”. Nên mặc dù Na-tha-na-en có cái nhìn định kiến : “Từ Na-da-rét chẳng có gì hay đâu?” Nhưng vì nể lời giới thiệu của Phi-lip-phê, nên ông đã đến để gặp Thầy Giê-su Na-da-rét và trong cuộc gặp gỡ ấy. Thầy Giê-su đã gieo vào lòng ông một “ấn tượng” thật là đậm sâu qua câu nói: “Trước khi Phi-lip-phê gọi anh, lúc anh đang dưới cây vả thì tôi đã thấy anh rồi.” Qua lời nói đó Na-tha-na-en nhận biết ngay Đấng mình đang được diện kiến là Con Thiên Chúa bởi chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể thấu suốt mọi sự, mới biết được những suy tư lo nghĩ sâu kín trong lòng mình mà thôi! Chính vì thế ông đã tuyên xưng; “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-re-el”. Và Thánh nhân đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy Giê-su.

Tương truyền rằng, sau khi thánh nhân nhận lãnh Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần thì Ngài đã ra đi truyền giáo ở những nơi như: Tiểu Á, Armenia, Mosopotania, Persia, Ấn Độ và Ai Cập. Và cuối cùng, cũng giống như số phận của các Vị Tông Đồ khác (ngoại trừ Gioan) Ngài đã chịu tử đạo trảm quyết tại Armenia.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta rút ra được những bài học.

Thứ nhất. Chúng ta phải có bổn phận giới thiệu Đức Giê-su cho mọi người.

Thứ hai. Chỉ có Thầy Giê-su là Đấng duy nhất bởi trời mà xuống thế gian và về Trời sau khi hoàn tất sứ mệnh Cứu Chuộc nhân loại theo thánh ý Đức Chúa Cha.

Thứ ba. Từ lời mặc khải của Ngài chúng ta biết về Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và Mầu Nhiệm Nước Trời.

Thứ tư. Chúa Giê-su là Đấng nối kết, giao hòa giữa Trời và Đất hay nói cách khác; chỉ bởi Ngài mà nhân loại nhận được ơn tha tội.

Noi gương Thánh Bartôlômêô mà giáo Hội mừng kính hôm nay, chúng ta quyết tâm đi theo Thầy Giê-su đến cùng, cho dù đường đời trần gian có muôn ngàn và gian khó. Vì phần thưởng Nước Trời mà chính Thầy Giê-su đã hứa dành cho những kẻ bền chí theo Ngài đến cùng.

 Cầu nguyện:

 Lạy Chúa Giê-su là Đấng thấu suốt mọi sự. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng: Chỉ có Ngài mới có lời ban sự sống đời đời cho chúng con, để từ ý thức đó, chúng con luôn quyết tâm sống làm sao cho Danh Chúa Cha được cả sáng. Để thực hiện được điều Chúa dạy,  chúng con  sẵn sàng hy sinh,  chiến đấu với chính mình, biết từ bỏ những gì không cần thiết, những gì cả trở.  Hầu sau này xứng đáng hưởng gia nghiệp mà Ngài đã hứa ban là Nước Trời cho những ai trung thành tuân giữ lời Ngài. Amen.

 Sống Lời Chúa:

 Một ngày sống mà không làm được việc tốt thì ngày sống đó trở thành một ngày uổng phí.

 Đaminh Trần Văn Chính.

Ước mơ bay cao (24.08.2020)

Đức Giêsu nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” (Ga 1,50)

Suy niệm: Người Việt Nam dùng hình ảnh cây trúc để làm biểu tượng cho người quân tử, hoa sen để biểu trưng cho sự thanh cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Còn đối với người Do Thái, cây vả tượng trưng cho sự an bình. Cây vả có nhiều cành lá um tùm nên người ta thường ngồi dưới bóng của nó để trầm tư mặc niệm. Hình ảnh Nathanaen hay còn gọi là Batôlômêô ngồi “dưới cây vả” nói lên rằng ông là một con người của suy niệm những mầu nhiệm cao siêu. Đức Giêsu nói cho ông biết rằng chẳng những Ngài nhìn thấu suốt tâm hồn con người, Ngài còn là chiếc thang đưa dẫn con người lên trời. Ông đã giật mình kinh ngạc và thán phục Đấng đọc được những suy nghĩ, những ước mơ đang ngự trị nơi sâu thẳm nhất của trái tim ông. Được Chúa Giêsu thu phục và hứa cho thấy những sự cao cả hơn nữa, ông dành cho Ngài trọn quyền làm chủ vận mạng đời ông.

Mời Bạn: Dâng lên Chúa những ước mơ, những khao khát của bạn, và Chúa thấu suốt những ước mơ, khao khát ấy. Ước mơ lớn nhất, khát khao nóng bỏng nhất phải là đi theo Đức Giêsu để một ngày kia được cùng Ngài lên trời.

Sống Lời Chúa: Quan tâm cầu nguyện cho một người bạn lương dân của bạn, và tìm dịp thuận tiện dẫn đưa người ấy đến với Đức Giêsu là con đường, là chiếc thang dẫn lên trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường chỉ có những ước mơ tốt đẹp cho mình, mà quên cho người khác. Xin Chúa cho tất cả chúng con biết hằng ngày bước theo Chúa trên con đường về quê trời. Amen.

Chân dung Thánh Batôlômêô Tông đồ (24.08.2019)

Trong Tân ước, Thánh Batôlômêô (Hy ngữ: Βαρθολομαῖος, Bartholomaíos; La ngữ: Bartholomäus) chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả xác định ngài với Nathanael (còn viết là Nathaniel), một đàn ông người Cana ở Galilê đã được Philipphê nói cho biết về Chúa Giêsu.

Giáo hội mừng kính Thánh Batôlômêô vào ngày 24-8 hàng năm. Ngày này là ngày các hội chợ truyền thống, như Hội chợ Batôlômêô ở Smithfield (London, Anh quốc) xuất hiện từ thời Trung Cổ, có diễn hài kịch của Ben Jonson.

Thánh Batôlômêô được liệt kê thuộc Nhóm Mười Hai trong các Phúc Âm nhất lãm (Mt 10:1-4; Mc 3:13-19; Lc 6:12-16), và ngài là một trong ba nhân chứng khi Chúa Giêsu lên trời (Cv 1:4, 12-13). Trong Ga 1:45-51, ông Nathanael được giới thiệu là bạn của ông Philipphê. Ông được mô tả là người nghi ngờ về Đấng Mêsia đến từ Nadarét khi nói: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?”, nhưng sau khi ông Philipphê nói: “Cứ đến mà xem!”, ông đã đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khen ông: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1:47). Khi Nathanael hỏi tại sao Chúa Giêsu biết ông, Chúa Giêsu nói: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1:48). Điều mặc khải lạ lùng là Nathanael tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” (Ga 1:49). Chúa Giêsu nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1:50).

Quả thật, Nathanael đã thấy những điều lớn lao hơn. Ngài là một trong các tông đồ được Chúa Giêsu hiện ra trên bờ biển Tibêria sau khi Ngài phục sinh (x. Ga 21:1-14). Lúc đó, họ đã đánh cá suốt đêm mà vô ích. Đến sáng, họ thấy một người đứng trên bờ nhưng không ai biết đó là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã bảo họ thả lưới, họ làm theo và đánh được rất nhiều cá. Rồi Gioan nói với Phêrô: “Chúa đó” (Ga 21:7).

Truyền thống cho biết rằng Thánh Batôlômêô đi truyền giáo ở Ấn Độ, và đã để lại đây cuốn Phúc Âm theo Thánh Matthêu. Các truyền thống khác nói ngài đi truyền giáo ở Ethiopia, Mesopotamia, Parthia và Lycaonia. Ngài tử đạo tại Albanopolis, thuộc Armenia. Truyền thống nói ngài bị chém đầu, nhưng phổ biến hơn là truyền thống nói ngài bị lột da rồi bị đóng đinh ngược. Truyền thống còn cho biết rằng ngài đã hoán cải Polymius, vua của Armenia. Chính người anh em của Polymius là Astyages đã ra lệnh xử tử Thánh Batôlômêô.

Một tu viện nổi tiếng tại Armenia là Tu viện Thánh Batôlômêô có từ thế kỷ 13, được xây dựng ngay tại nơi Thánh Batôlômêô chịu tử đạo là tỉnh Vaspurakan, thuộc Armenia (nay thuộc Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ).

Nghiên cứu của LM A.C Perumalil (Dòng Tên) và Moraes cho thấy rằng miền Bombay thuộc duyên hải Konkan, có thể đây là thành phố cổ Kalyan, là vùng hoạt động truyền giáo của Thánh Batôlômêô. Tác giả Theodorus Lector (thế kỷ 6), xác nhận rằng khoảng năm 507, Hoàng đế Anastasius đã giao hài cốt Thánh Batôlômêô cho thành phố Dura-Europos sau khi được tái phát hiện.

Năm 803, hài cốt ngài được đặt tại Giáo đường Thánh Batôlômêô tại Lipari, một đảo nhỏ thuộc duyên hải Sicily, do Constantinople kiểm soát. Năm 803, hài cốt ngài lại được chuyển tới Beneventum; rồi năm 980, Hoàng đế Otto II của Tòa Thánh đã chuyển hài cốt ngài tới Rôma, lưu giữ tại Giáo đường San Bartolomeo all’Isola. Một phần sọ của Thánh Batôlômêô được chuyển tới Giáo đường Frankfurt, còn một cánh tay của ngài được tôn kính tại Giáo đường Canterbury ngày nay.

Có nhiều phép lạ của Thánh Batôlômêô đã xảy ra trước và sau khi ngài chết, hai phép lạ nổi tiếng xảy ra cho dân thành phố nhỏ tại đảo Lipari.

Theo truyền thống, dân đảo Lipari rước tượng ngài bằng vàng và bằng bạc từ Giáo đường Thánh Batôlômêô đi khắp thành phố. Một lần nọ, khi đưa tượng ngài từ trên đồi xuống thành phố, bỗng dưng tượng ngài trở nên nặng trĩu, không thể đưa đi nơi khác, người ta cố đưa tượng đi nhưng tượng càng nặng hơn, thế là người ta phải đặt tượng ngài tại đó. Hồi thế chiến II, chế độ Phát-xít (Đức/Ý) tìm cách quản lý các hoạt động. Lệnh truyền phải đưa tượng Thánh Batôlômêô đi chỗ khác, tượng lại trở nên nặng hơn. Người ta đành “bó tay” mà thôi!

Lạy Thánh Batôlômêô, xin nguyện giúp cầu thay. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Hãy giới thiệu Chúa cho mọi người (24.08.2018)

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta nghe lại trình thuật Chúa Giêsu gọi các môn đệ; thánh Batôlômêô, hay còn gọi là Nathanael, là người được thánh Philipphê giới thiệu với Chúa Giêsu; mặc dù lúc đầu còn do dự, nhưng khi nghe Chúa Giêsu nói: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối” và “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”, ông đã mạnh dạn đi theo Chúa.

Chúa đến với con, Chúa gọi mời

Hãy đi theo Chúa. Hỡi con ơi!

Dang rộng đôi tay, Ngài che chở

Có Chúa: lòng con thấy rạng ngời

*

Chúa đến tìm con, Chúa ngỏ lời

Bước đi theo Chúa, quyết đi thôi!

Nắm chặt tay con, Ngài an ủi

Mạnh dạn lên nào! Chớ buông lơi

Ơn gọi của người Kitô hữu chúng ta không phải là do chúng ta chọn trước,  mà là hồng ân Chúa ban cách nhưng không cho từng người. Theo thời gian, chúng ta nhận ra và đáp trả lại vì đã được lãnh nhận một ân huệ lớn lao. Đó là phần phúc cho mỗi người chúng ta. Khi tin vào Chúa, chúng ta sẽ thấy được những sự lạ lùng Chúa làm, thấy được vinh quang của Chúa. Do đó, chúng ta hãy biết cảm tạ Chúa. Xin Chúa củng cố niềm tin nơi chúng ta như đã củng cố niềm tin cho ông Nathanael, để chúng ta được hoàn toàn thuộc trọn vẹn về Chúa.

*

Chúa đến cùng con, sáng cuộc đời

Lòng con phấn khởi, gọi: Chúa ơi!

Thế là cất bước đi theo Chúa

Cảm thấy an vui, quá tuyệt vời

*

Chúa đến bên con đúng kịp thời

Khi mà con cảm thấy chơi vơi

Sóng gió cuộc đời đang ập đến

Có Chúa mọi sự cũng qua thôi

Thánh Batôlômêô đã làm chứng cho Chúa phục sinh bằng gương sáng đời sống thánh thiện, đạo đức của Ngài, bằng những lời chân thật, tài lợi khẩu, hoạt bát và những phép lạ Chúa ban cho, Thánh nhân đã đưa được biết bao người ngoại giáo trở về, Ngài đã trở nên giống Chúa Kitô như thánh Phaolô nói : “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Ðức Kitô sống trong tôi ” “Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi”. Chính tình yêu Chúa Kitô thúc đã  bách thánh nhân tiến tới trên con đường loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa.

Hôm nay đi giữa biển đời

Sóng yên, gió lặng , bầu trời trong xanh

Bão giông chẳng dám hoành hành

Gió mưa tan biến, an lành bình yên

*

Chúa luôn sánh bước kề bên

Dìu con bước tới, hướng lên Quê Trời

Con xin đoan hứa một lời

Trung thành theo Chúa cho đời phúc vinh

 Lạy Chúa! Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con một mẫu gương tông đồ là Thánh Batôlômêô.  Xin Chúa cho chúng con biết noi gương bắt chước Ngài, để thực thi sứ mạng tông đồ của mình một cách hăng say nhiệt thành, không chỉ bằng lời nói, mà bằng chính những việc làm cụ thể trong đời sống thường ngày của mỗi người chúng con. Amen!

HOÀI THANH

Chúng tôi đã gặp (24.08.2017)

Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Ở nơi đây Người gặp ông Philipphê và mời gọi ông theo. Với tinh thần “truyền giáo” đặc biệt, ông Philipphê lại rủ ngay ông Nathanaen theo Thầy với lời giới thiệu chứng thực: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét” (Ga 1, 45). Nghe thấy Đấng cao trọng mà xuất thân từ Nadarét, ông Nathanaen chưa muốn tin nên tặc lưỡi đánh giá rằng từ nơi tầm thường ấy thì làm sao có cái gì hay được?

Để bảo vệ niềm tin vào Thầy của mình và để bạn mới thêm háo hức, ông Philípphê bảo cứ đến mà xem. Ông là mẫu gương nổi trội về cách truyền giáo hiệu quả, bài học thiết thực cho chúng con ngày nay. Một khi mình đã được “gặp”, được “thấy” Chúa thì phải vui mừng mở tung cõi lòng mà giới thiệu, chia sẻ, làm chứng cho người khác biết, để cùng tin yêu và bước theo Chúa, cho hương Tin Mừng tỏa lan đến mọi người chúng con có cơ duyên gặp gỡ.

Ông Philípphê dẫn ông Nathanaen đến giới thiệu với Đức Giêsu. Vừa thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, Người liền nói ngay về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1, 47). Một lời đơn sơ, nhưng chứng tỏ Người thấu biết mọi sự trong lòng dạ mình làm ông kinh ngạc hỏi lại: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Người trả lời rằng Người đã “thấy” ông trước khi Philípphê gọi ông cơ! Chỉ nghe lời đó thôi mà lòng tin nơi ông bừng cháy khiến ông ngay lập tức tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” (Ga 1, 49). Đức Giêsu cho biết: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1, 50)Ông đã “thấy” một chút nơi Đức Giêsu và đã tin Người, Người khẳng định ông tin thì ông sẽ còn được “thấy” những điều lớn lao hơn. Vâng, chính đức tin làm cho mọi sự đều có thể được. Biết bao người thoát khỏi bệnh hoạn tật nguyền đã nghe Người khẳng định: “lòng tin của con đã cứu chữa con”.

Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người (Ga 1, 51). Người còn khẳng định các ông sẽ được thấy trời rộng mở, thiên thần của thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người. Nhờ tin vào Con Người mà trời “rộng mở”, cho thấy sự nối kết, Đấng Trung gian giữa trời và đất làm cho thật gần, ta sẽ được gặp gỡ Thiên Chúa là Cha. Những thành phần trong một gia đình của Thiên Chúa, còn có lớp thiên thần “lên lên xuống xuống” tưng bừng nhộn nhịp.

Buổi đầu gặp gỡ Thầy Giêsu của ông Nathanaen, (chính là thánh Batôlômêô tông đồ) chúng ta mừng kính hôm nay thật diệu kỳ và đáng ghi nhớ để đời. Tin Mừng còn kể tiếp khi đến mà xem nơi Thầy đang ở, được trực diện chứng kiến, Thầy có sức hút mê say làm hai ông đã ở lại luôn với Thầy (say mê đến quên đường về). Thánh Batôlômêô khi được gặp gỡ Chúa đã được biến đổi hoàn toàn. Từ người bộc trực nói thẳng suy nghĩ của mình khi nghe xuất xứ của Thầy, ngài trở thành vị tông đồ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho tình yêu Chúa.

Ngài được vinh dự trong hàng ngũ mười hai tông đồ mà thánh Gioan mô tả trong thị kiến nơi bài đọc I: “Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ítraen. Phía đông có ba cửa, phía bắc ba cửa, phía nam ba cửa và phía tây ba cửa. Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên” (Kh 21,10-14).

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra và gặp được Chúa trong thánh lễ, trong Lời Chúa và Thánh Thể, trong các biến cố đời thường và nơi người anh em từng biết đến. Để khi gặp Chúa chúng con lại làm chứng và chia sẻ hạnh phúc cho mọi người mà chúng con được gặp gỡ, cho mọi người đều được Chúa thánh hóa, biến đổi thành môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

Én Nhỏ

Dứt khoát đi theo Chúa (24. 08. 2015)

1.Ghi nhớ: ”Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel ” (Ga 1,49).

2.Suy niệm: Thánh Batôlômêô cũng được gọi là Nathanaen, do Philipphê giới thiệu, thuộc nhóm môn đệ đầu tiên được Chúa gọi đi theo cùng với Gioan, Phêrô và Anrê. Ông là người ngay thẳng, tự phát, sẳn sàng hiến mình dứt khoát làm môn đệ Đức Giêsu. Đó cũng là mẫu gương cho những ai có thành tâm thiện chí muốn dâng mình làm môn đệ Đức Kitô. Qua lời tuyên xưng đức tin của thánh Batôlômêô: “Chính Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel” chúng ta hãy nhận biết, tuyên xưng và cảm tạ những ơn lành của Chúa ban, qua những biến cố trong đời sống hằng ngày.

3.Sống Lời Chúa: Là Kitô hữu, tôi dứt khoát đi theo Chúa và sống theo đường lối của Người.

4.Cầu nguyện: Xin thánh Batôlômêô cầu Chúa cho con, một khi đã nhận ra tiếng gọi của Chúa, biết dứt khoát từ bỏ mọi sự, đi theo Người. Amen.

Anh em nói Thầy là ai?

“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16).

Suy niệm: Câu chuyện Thầy-trò diễn ra trong một khung cảnh riêng tư, ở một nơi chốn khá xa những con người và những sinh hoạt thông thuộc hằng ngày, một khung cảnh thuận tiện để hồi tâm, nhìn lại mọi sự, và để Thầy trò tâm sự, chia sẻ một cách mật thiết với nhau. Chúa Giê-su muốn biết các môn đệ nghĩ Ngài là ai, và Phê-rô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa.” Sự nhìn nhận này thật quan trọng. Ta không biết mức độ xác tín nơi Phê-rô thế nào khi tuyên bố như vậy, nhưng ít ra là ông đã nói lên được sự thật hết sức nền tảng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa! Từ “Ki-tô” tiên vàn không phải là tên gọi mà đó là một từ chỉ chức vụ, chỉ việc làm. Đức Giê-su là Ki-tô, có nghĩa rằng Ngài là Đấng được Chúa Cha xức dầu (Thánh Thần) và sai đến để cứu độ con người và thế giới. Nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Ki-tô có nghĩa rằng nhìn nhận mình cần được Ngài cứu độ, mình hoàn toàn thuộc về Ngài, và Ngài lẽ sống, là thần tượng, là tất cả ý nghĩa của mình.

Mời Bạn: Ki-tô hữu là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng Ki-tô của mình. Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ tin bằng một lời kinh Tin Kính đọc hời hợt, chứ không thực sự say đắm Ngài, không coi Ngài là thần tượng, không để con người và cuộc sống của mình thực sự bị thu hút bởi Ngài, không biến đổi trở nên đồng nhất với Ngài.

Sống Lời Chúa: Cuộc sống Ki-tô hữu của tôi cần có những thời khắc rút vào sa mạc tâm hồn mình, để tĩnh tâm, để đặt câu hỏi và trả lời với Chúa Giê-su: Trong thực tế, Ngài là ai đối với tôi?

Cầu nguyện: Hát “Bỏ Ngài con biết theo ai…”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *