25 năm “Hiệp thông – Sứ vụ”

Mỗi người thường hay có mốc thời gian đặc biệt để nhớ lại kỷ niệm nào đó. Những người đang chuẩn bị mừng 25 năm khấn dòng, hồi tâm, nhìn lại quãng đời đã qua để sám hối, tạ ơn, vui mừng và hy vọng.

Với bốn chữ “Hiệp thông – Sứ vụ” đã lược qua cuộc đời mỗi người, khởi đi từ Lời Chúa đến hiện thực cuộc sống.

Cha Gioakim Vũ Xuân Việt Dũng đã chia chủ đề thành hai phần vừa tách biệt vừa liên kết, hòa quyện với nhau vì sống đời thánh hiến để làm gì nếu không phải là theo sát Đức Kitô, sống đức ái hoàn hảo theo đoàn sủng của Dòng? Để được điều này cần hiệp thông với Chúa, với nhau và với chính mình. Hiệp thông là căn tính của Hội Thánh, điều đó giả thiết sự tham gia tích cực của mọi thành viên, với tinh thần đồng trách nhiệm. Sự tham gia đặt nền trên hiệp thông  mà hiệp thông để làm gì nếu không phải là để thi hành sứ mạng Chúa trao?

1. Hiệp thông với Chúa để được sai đi

Từ khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã có một ước mơ hiệp thông họ với Ngài, hình ảnh thật đẹp mà sách Sáng Thế 3,8 kể: ngày ngày Đức Chúa dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày. Một cảnh nên thơ: Chúa và con người cùng gặp gỡ, ta tưởng tượng cảnh hàn huyên thanh bình trong vườn địa đàng, nơi đó chỉ có niềm vui và hạnh phúc. Nhưng rồi không bao lâu, sự hiệp thông đó đã bị phá đổ bởi sự phản bội của con người, miếng ván lỗi lầm cứ trượt dài trên bước chân của họ: từ việc ăn trái cấm đến chuyện huynh đệ tương tàn, việc dựng tháp Babel và cảnh sống trác táng tột độ của thành Xơđom và Gômôra. Khi con người tách khỏi Thiên Chúa thì chỉ còn lại là đau khổ, bất hạnh và chết chóc. Nhưng Chúa luôn tìm phương tiện để nối kết: nếu có tháp Babel, nơi con người bị phân tán, chia rẽ; thì lại có Ngày Hiện Xuống khi Thánh Thần nối kết con người trong ngôn ngữ và tinh thần. Nếu có một Adam – Eva chống lại Thiên Chúa thì lại có Đức Maria và Đức Giêsu vâng tròn thánh ý Chúa Cha. Hiệp thông trọn vẹn nhất là hy tế thập giá của Đức Giêsu khi Ngài nối kết con người với Chúa Cha bằng chính mình và máu Ngài và nối kết họ với nhau trong cùng một tấm bánh, một thân thể là Hội Thánh.

2. Hiệp thông với nhau để cùng thi hành sứ mạng

Một người đạo đức thật là người có Chúa ở trong họ và có chỗ đứng cho anh chị em trong tâm tưởng, nếu mở trái tim cho Chúa ngự thì cũng sẵn lòng để Chúa dẫn anh chị em vào lòng mình. Hiệp thông với nhau bằng cách nào?

Mỗi khi tham dự Thánh Lễ là hành động cụ thể nhất để hiệp thông với nhau. Tại sao ta phải bảo vệ anh chị em, những người ruột thịt của mình khi họ gặp nạn hay chịu bất công, mà trong cuộc sống thường nhật có khi toàn cãi cọ, khó chịu? Chỉ vì họ có liên hệ máu huyết với ta. Còn người khác, anh chị em trong dòng tu thì sao? Chẳng quen biết, không tương quan huyết thống, vậy hiệp thông như thế nào nếu không phải là cùng huyết thống trong Đức Kitô, máu của Ngài đổ ra để ta được sinh ra trong đức tin, máu và thịt của Ngài nuôi ta trong đời sống tâm linh? Cùng ăn, cùng uống một máu, một thịt và được tháp nhập vào Đức Kitô chẳng phải là anh chị em ruột thịt sao?

Hiệp thông trong Lời Chúa, suy nghĩ thêm ta còn thấy lời Chúa nhắc từng hoàn cảnh cho từng người, câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?” trong Lc 10,29 phải đổi lại: “Tôi là người thân cận của ai, tương đương câu khẳng định: Tôi là người thân của tất cả những ai cần đến.  Như vậy Lời Chúa sẽ là “ngọn đèn soi cho con bước” (Tv 108, 105) và nhờ những lời đó mà ta biết sống sao cho đẹp lòng Chúa, đồng thời biết cách đối xử tốt với nhau. Một cộng đoàn sống với nhau bằng tình huynh đệ, sẽ là nhân chứng hữu hiệu cho việc loan báo Tin Mừng. Đời người tu sĩ chẳng có sứ mạng nào lớn hơn việc này!

3. Hiệp thông với chính mình để nhận ra ân huệ Chúa ban

Tại sao lại quay quắt với lỗi lầm, giới hạn, yếu kém, xấu số của mình? Tại sao lại vênh vang, ngạo ngược, đàn áp người khác? Tại sao lại khóc lóc, đau đớn trong những hoàn cảnh xem ra rất đời thường? Tại chưa nhận ra ân huệ Chúa ban, chính sự hiện hữu của ta đã là ân huệ rồi, tất cả còn lại là phụ thuộc. Cần hòa giải với chính mình, hiệp thông với chính mình là đón nhận mình LÀ chứ không phải mình CÓ, hiệp thông trong cái yếu đuối cũng như sức mạnh, trong hạnh phúc và bất hạnh.

Hiệp thông với chính mình là nhận ra những khả năng, giới hạn, biết mình là ai, sống để làm gì. Biết mình và hòa giải với mình chỉ có thể được, khi lấy một mẫu để quy chiếu, đó là chính Chúa. Xét mình trong mối tương quan với Chúa để làm điều Ngài muốn và sống điều Ngài dạy.

Một Phêrô trước kia nhiệt tình, hăng hái tuyên bố “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mc 14, 31), rồi ngay sau đó lại “Tôi không biết người này!” (Mt 26,72). Thì sau khi Chúa phục sinh hỏi về tình yêu dành cho Ngài, ông chỉ khiêm tốn trả lời: “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15). Nếu trước kia các Tông Đồ tranh nhau “chỗ nhất” thì sau đó chỉ tập trung một mục đích chính: rao giảng Tin Mừng. Nếu trước kia lo âu sợ hãi, đóng kín cửa nhà và cửa lòng, thì nay đứng giữa các hội đường làm chứng nhân và chứng từ, chịu bách hại mà “lòng vẫn hân hoan” (Cv 5, 41).

Khi biết mình được yêu thương, được đón nhận thì cũng là lúc hiệp thông với bản thân, với Chúa và tha nhân.

Tạm kết

Nhìn lại quãng đời 25 năm trong đời thánh hiến, với những vui, buồn, thành công, thất bại, yếu đuối… để tạ ơn; tạ ơn không phải vì những cái chông chênh của phận người, nhưng vì tình yêu Chúa dành cho ta và chấp nhận lời mời gọi “ở lại trong tình yêu” của Ngài. Sự nỗ lực ở lại trong tình yêu đó là mối dây giúp ta hiệp thông với Chúa, với nhau và với chính mình, giúp ta hoàn tất sứ mạng yêu Chúa, yêu thương người mà Ngài đã ủy thác cho mỗi chúng ta.

Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.
http://daminhrosalima.net/cac-cong-doan/25-nam-hiep-thong—su-vu-35924.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *