Phó tế tiên khởi, tử đạo tiên khởi (26.12 – Lễ Kính Thánh Tê-pha-nô)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Ngày 26.12:  Lễ Kính Thánh Tê-pha-nô

Lời Chúa: Cv 6,8-10 ; 7,54-60, Mt 10,17-22

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 10,17-22)

17 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì : 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết ; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”

Phó tế tiên khởi, tử đạo tiên khởi (26.12.2024)

 

“Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha”

Các tông đồ yêu cầu các môn đệ đề cử bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan trong cộng đoàn, để các Ngài cắt đặt họ làm công việc rao giảng Tin Mừng.

Stêphanô có tên trong số 7 người được đề cử. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông” (x. Cv 6, 3-6). Đây là những phó tế đầu tiên trong Giáo Hội. Nhờ ân sủng và quyền năng Chúa, ông Stêphanô khôn ngoan và làm những điều lạ lùng trong dân. (Cv 6, 8). Vì thế, nhiều phe nhóm xã hội ghen ghét, xúi dân vu khống để ông bị bắt. Họ không tranh luận với ông nổi. Lúc bấy giờ, mặt ông sáng lên như mặt thiên sứ, và ông nói với họ: “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7, 55-56). Họ lôi ông ra ngoài thành mà ném đá ông, đang lúc ông cầu nguyện rằng: Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn tôi. Rồi ông quì gối xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi nầy”. Nói xong, ông đã an giấc trong Chúa.

Cuộc sống  tín hữu phải là cuộc  sống chứng nhân  của Tin Mừng. Những người làm cha làm mẹ đích thực là những mục tử chăm lo và dắt dẫn đoàn chiên của mình là các con cái trong gia đình, hẳn phải là những người nêu gương sáng đức Tin, Cậy, Mến Chúa cách toàn hảo nhất.Tin, Cậy, Mến Chúa là cách sống tử vì đạo. Đã Tin Cậy Mến Chúa, thì không thể tin tưởng, cậy dựa, quý chuộng một ngẫu tượng nào khác.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết yêu mến, cầu khẩn và lắng nghe lời công chính của Chúa Thánh Thần, để có thể từ bỏ những điều bất chính, và để có thể biết điều phải nghĩ suy, biết lời phải nói, biết việc phải làm sao cho vinh danh Chúa, sao cho gia đình,xứ sở, làng xóm tràn ngập tình thương của Chúa. Amen.

BCT

Vì danh Chúa  (26.12.2023)

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói với các tông đồ: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt. 10,21)

Bài học máng cỏ Bê-lem, cho thấy:

Chúa giáng sinh, để ta được làm con Chúa. Thế gian ghét bỏ, vì ta không là con của họ;

Chúa giáng sinh, để ta nhận biết Nước Chúa. Thế gian ghét bỏ, vì ta không thuộc về vương quốc thế gian;

Chúa giáng sinh, để dạy ta sống bác ái yêu thương, hiền lành, hiếu thuận, trung tín, hy sinh, quên mình… cho giá trị Tin Mừng. Thế gian ghét bỏ, vì ta sống nghịch lại những giá trị thế gian; chấp nhận thiệt thòi, thua thiệt, thậm chí sẵn sàng mất cả mạng sống mình vì Tin Mừng Cứu Độ, vì hạnh phúc Nước Trời.

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính thánh Tê-pha-nô tử đạo – Người đầu tiên dám chết cho Tin Mừng Nước Trời – để trổ sinh hoa trái cuộc đời Ki-tô hữu; để làm cho danh Chúa cả sáng; để Nước Chúa mau trị đến; và để ngay dưới đất lúc này đây, thánh ý Chúa luôn được thể hiện giống như ở trên trời.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương, biết tha thứ và biết cầu nguyện cho những kẻ luôn ganh ghét, chống đối, hiềm thù con. Amen. 

CÁT BIỂN 

Bình an trong sự bách hại (26.12.2022)

“Không phải chính anh em nói, mà là thần khí của Cha anh em.”

Chúng ta mới mừng lễ Chúa Giáng Sinh ngày hôm qua, dân Chúa vẫn đang tiếp tục cất cao tiếng hát của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Lời ca này như còn đang văng vẳng bên tai, thế mà ngày hôm nay (26/12), thánh Tê-pha-nô là mẫu người sống hết lòng tin theo Chúa Giêsu, thì bình an chẳng đến với ông, trái lại bị nhiều người căm phẫn, họ hùa nhau ném đá cho chết, đó là mẫu người được hưởng sự bình an Chúa Giáng Sinh ban đấy ư? Đúng thế, Chúa Giêsu đã nói với những môn đệ đi theo Ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Do đó, những kẻ ước mơ thứ bình an “rẻ tiền” để hưởng thụ, thì Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,34-36).

Mùa Giáng Sinh, chúng ta nói về Chúa Giêsu là “ánh sáng thật”, Đấng đã đến trong thế gian, là “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Hôm nay chúng ta thấy vị chứng nhân của Chúa Giêsu, thánh Tê-pha-nô, sáng chói trong bóng tối. Các chứng nhân được chiếu sáng bằng ánh sáng của Chúa Giêsu, họ không có ánh sáng của riêng họ, Giáo Hội cũng không có ánh sáng của riêng mình. Giống như mặt trăng không có ánh sáng riêng, các chứng nhân không có ánh sáng riêng, họ có khả năng nhận ánh sáng của Chúa Giêsu và phản chiếu nó. Thánh Tê-pha-nô bị kết tội oan sai và bị ném đá tàn nhẫn, nhưng trong bóng tối của hận thù, trong sự đau đớn khi bị ném đá, Ngài đã làm cho ánh sáng của Chúa Giêsu tỏa sáng: Ngài cầu nguyện cho những kẻ giết mình và tha thứ cho họ giống như Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài là vị tử đạo tiên khởi, một chứng nhân, người đầu tiên của nhiều anh chị em tiếp tục mang ánh sáng vào bóng tối: những người đáp lại cái ác bằng điều thiện, người không nhượng bộ bạo lực và dối trá, nhưng phá vỡ vòng xoáy của hận thù bằng sự hiền lành của tình yêu. Những chứng nhân này thắp sáng bình minh của Thiên Chúa trong những đêm đen của thế giới.

“Kẻ thù của mình chính là người nhà.” Khi ông Tê-pha-nô bị “người nhà” là những người đồng bào lên án, ném đá, tâm tư ông giống hệt Chúa Giêsu, lúc sắp chết ông hướng tâm hồn về đồi Gôn-gô-tha, chiêm ngưỡng Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, và ông đã bắt chước Ngài cầu nguyện cho kẻ hại mình: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con”, sau đó ông kêu lớn: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Như thế nội dung lời cầu nguyện của ông Tê-pha-nô giống hệt lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá, chỉ khác một điều là ông đảo lại thứ tự lời cầu: Chúa Giêsu thì cầu nguyện cho kẻ hại mình trước, sau đó mới phó dâng linh hồn cho Chúa Cha, xem ra như Ngài muốn yêu sách: Nếu Cha không tha tội cho kẻ hại Con, thì Con không dám dâng hồn Con cho Cha; còn ông Tê-pha-nô, vì là phàm nhân nên cần được Thiên Chúa cứu độ mình trước, ông mới có khả năng cứu được người khác, nên ông đã cầu nguyện xin Chúa đón nhận lấy hồn ông trước, sau đó ông mới xin Chúa tha tội cho kẻ hại mình. Chính nhờ ông Tê-pha-nô biết cầu nguyện cho kẻ ác, ông đã thực hành lời Chúa Giêsu đã dạy: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Nhờ ông Tê-pha-nô cầu nguyện cho những kẻ giết mình, nhất là cầu cho Sao-lô, kẻ động viên người Do-thái ném đá ông, Chúa đã biến “sói Sao-lô” thành “bồ câu Phao-lô” đem Tin Mừng bình an đến cho muôn dân. Đó mới thực là phúc bình an Chúa ban cho ai biết dùng “gươm” Chân Lý để chiến đấu.

Việc trở nên nhân chứng của Chúa Giêsu cũng áp dụng cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta biến cuộc sống thành một công trình phi thường qua những cử chỉ bình thường, những cử chỉ hàng ngày. Nơi chúng ta sống, trong gia đình, nơi làm việc, ở mọi nơi, chúng ta được mời gọi trở thành nhân chứng của Chúa Giêsu, dù chỉ bằng cách nở một nụ cười, và tránh xa khỏi bóng tối của những lời bàn tán và đàm tiếu. Khi chúng ta thấy điều gì đó không ổn, thay vì chỉ trích, buôn chuyện và phàn nàn, chúng ta cầu nguyện cho những người đã mắc lỗi và cho hoàn cảnh khó khăn đó. Thánh Tê-pha-nô, trong khi nhận những viên đá của hận thù, đã đáp lại bằng những lời tha thứ, như thế ngài đã làm thay đổi lịch sử, chúng ta cũng có thể thay đổi điều ác thành điều thiện mỗi ngày.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dạy chúng con biết tìm và đạt cho được một đức tin như thánh Tê-pha-nô, dám sống, dám làm chứng cho Tin Mừng dù phải hy sinh mạng sống đời tạm này, nhưng bù lại sẽ đạt được sự sống thật đời đời không ai có thể cướp mất được. Amen.

Joston

Bền chí (26.12.2021)

Bền chí có nghĩa là “bám chặt và giữ vững một mục đích, trạng thái hoặc công trình nào đó bất chấp mọi rở ngại hoặc thất bại”. Điều đó bao hàm việc kiên quyết tiến tới, không thối lui cho dù có gặp phải nghịch cảnh, thì vẫn tỏ ra bền bỉ, kiên trì, không bỏ cuộc.

Thời nay, bền chí đã trở nên một đức tính xa xỉ và hiếm hoi. Nhiều người tin rằng thành công tùy thuộc vào sự may mắn thay vì sự bền chí.

Tin Mừng hôm nay nêu bật tầm quan trọng của sự bến chí trong sự trưởng thành đức Tin. Thánh Phao-lô tông đồ nói: Nếu bất cứ ai Tin thật trong lòng thì được nên công chính, ai dám tuyên xưng ngoài miệng thì sẽ được cứu độ (x. Rm. 10,10). Thánh Gia-cô-bê tông đồ cũng dạy rằng: Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo – luật mang lại tự do –, ai thi hành luật Chúa, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm (x. Gc.1,25).

Qua đó, cho thấy việc sống và giữ đức Tin quả thật không đơn giản chút nào, vì có những lúc ngọn đèn đức Tin của mỗi người chúng ta ra lu mờ hoặc đã tắt ngúm từ lâu bởi do tội lỗi, bởi do tính mê nết xấu, hoặc do bởi những lời dè bĩu, vu khống, xuyên tạc ác ý của người đời… làm cho đời sống Đạo bị lung lay, miệng ta như khựng lại không biết có nên hay có dám tuyên xưng đức Tin của mình nữa hay không. Nhưng Chúa Giê-su hứa rằng: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. (Mt. 10,22)

Những lúc ấy sự bền chí là bí quyết giúp ta vượt qua những trở ngại thường thấy trong đời Kitô-hữu để duy trì đức Tin và đạt tới ơn cứu độ Chúa đã hứa ban cho ta.

Hôm nay, Giáo hội mừng kính Thánh Tê-pha-nô – Vị tử đạo tiên khởi thời Giáo hội sơ khai – thánh nhân vui chịu ném đá cho tới chết để làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để thực hiện chương trình Cứu Độ nhân loại. Suy ngắm cái chết vì Đạo của thánh Tê-pha-nô, cho ta thấy Ơn gọi Ki-tô hữu bao giờ cũng đòi buộc mỗi người chúng ta lội ngược dòng với thế gian, lội ngược dòng với những cám dỗ đến từ chính trong lòng mỗi người.

Lạy Chúa, xin giúp con bền chí trong đức Tin cho đến cùng, vì ai trông cậy vào Chúa thì chắc chắn sẽ không bị thất vọng bao giờ. Amen.

CÁT BIỂN

Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiên báo những cuộc bách hại mà môn đệ Chúa và những người tin theo Chúa sẽ gặp phải. Nội dung này, Tin Mừng nhất lãm (Lc 21,12-19) cũng đã đề cập. Lời tiên báo của Chúa Giêsu đã ứng nghiệm ngay từ thời các Tông đồ, sau khi Chúa về trời. Sau này khi Tin mừng được đem đi tới đâu, thì các nhà truyền giáo và cả những người tin theo cũng bị người đời ghen ghét như vậy. Vì sao thế? Vì ngay đầu Tin Mừng Gioan đã khẳng định Tin mừng của Chúa Kitô là: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối…và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga1,5). Gioan còn viết tiếp trong lời nguyện với Chúa Cha: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha và thế gian đã ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian”. (Ga17,14). Như vậy lời Chúa đã cho ta thấy rõ hai thực thể: “Họ” và “Thế gian” như ánh sáng và bóng tối. “Họ” là những người thực hiện “ lời của Cha”. Mà lời của Cha là Thần linh từ trời cao mà đến nên “thế gian đã ghét họ” như bóng tối không ưa ánh sáng. Lời Chúa cũng làm chia rẽ ngay trong một gia đình. Vì Chúa đã cho mỗi người quyền tự do đi trong bóng tối hay đi theo ánh sáng là quyền của họ. Vì thế mới có cảnh “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết”.

– “Thế gian đã ghét họ” vì họ chẳng giống ai, họ thực thi giáo lý bởi Trời vượt trên mọi giáo lý của người đời. Họ kính mến Thiên Chúa hơn hết mọi sự thế gian và sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Chúa.

– “Thế gian ghét họ”vì họ chỉ biết sợ một Đấng trên hết, duy nhất là Thiên Chúa như Chúa đã dạy họ: “Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn… Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt10,28). Lời dạy chân lý ấy xưa nay như thách thức vua chúa quan quyền, nhất là những nhà độc tài phát xít. Bởi vậy Tin Mừng tới đâu là chạm đến các quan quyền, có máu các Đấng tử đạo đổ ra. Nhưng lời Chúa vẫn không bị tiêu diệt. Người tin Chúa chẳng làm hại được ai vì họ yêu cả kẻ thù. Họ nên muối, men ướp và biến đổi thế giới thành bánh ngon rượu nồng. Dù bị ghen ghét hay trong đau khổ họ vẫn bình an vì lời Chúa hứa: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của thầy mà sức hỏa ngục cũng không thắng được… Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 16,18).

   Lạy Chúa! xin ban thêm cho con niềm vui, Lòng hãnh diện được làm con cái Chúa. Để khi phải thử thách vì mang danh Chúa Kitô, con vẫn được bình an vượt thắng mọi thử thách ấy mà trung thành theo Chúa đến cùng. Amen.

Ngọc Năng (BC)

Bản sao Tình Yêu … 

Biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người chính là một hồng ân đặc biệt. Hồng ân làm cho con người được trở nên con Thiên Chúa; hồng ân làm cho con người được đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô – Hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa Tình Yêu. Một tình yêu tự hiến, tự hủy. Yêu đến độ thí cả mạng sống mình vì người mình yêu.

Hôm nay, mọi Ki-tô hữu được chiêm ngưỡng bản sao tiên khởi của Tình Yêu Thiên Chúa – Thánh phó tế Stê-pha-nô – Cái chết oai hùng của thánh nhân, đã cho thấy ngài đã trở nên giống như Thiên Chúa Tình Yêu. Thánh nhân đã anh dũng đón nhận sự bách hại vì danh thánh Chúa, và luôn tin có Chúa đồng hành để ban Thánh Thần soi sáng và ban sức mạnh làm chứng nhân cho Chúa lúc sống cũng như ngay chính lúc chết.

Lạy Chúa, xin Chúa nâng đỡ sự yếu hèn của con và ban ơn can đảm để con kiên tâm đi theo Chúa cho tới cùng trên con đường trọn lành. Amen.

CÁT BIỂN

Sự trợ giúp của Thiên Chúa (26.12.2016)

1. Ghi nhớ:

“Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí Chúa Cha nói trong anh em” (Mt 10,20)

2. Suy niệm:

Trong niềm hân hoan vui mừng của toàn thể nhân loại đón mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng bài Tin Mừng hôm nay Chúa lại muốn mọi người cách sống làm chứng tá và rao giảng lời Chúa mỗi ngày. Lời Chúa nhắc nhở: “Không phải anh em nói, mà là Thần Khí Chúa Cha nói trong anh em”.

Bị bách hại là số phận của người thừa sai, vì như vậy Nước Trời mới lan tỏa đến được trần gian này. Nhưng giữa các cuộc bách hại, người thừa sai có hai lý do để hãnh diện và niềm tin mãnh liệt của mình: một là hãnh diện vì Thầy mà bị bị bách hại, hai là bị bách hại lại là dịp với lời minh chứng hùng hồn ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và dân ngoại được biết về Thầy của mình. Đứng trước những mưu mô, hay những lý luận cũng như mọi gươm đao và khủng bố của người đời, Chúa Giêsu bảo đảm cho người môn đệ luôn có Thánh Thần của Chúa Cha hỗ trợ.

Vì thế, người môn đệ phải can đảm gạt đi bỏ nỗi lắng lo, kinh hãi hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, thừa sai phải can đảm và kiên trì trong bách hại và khủng bố, do thế Chúa Giêsu nói tiếp: “Anh em chưa đi hết thành của It-ra-en, thì Con Người đã đến”. Đó cũng là điều cho mọi người nhận ra bao giờ cũng có sự chiến thắng khải hoàn của Tin Mừng sau những cuộc gian nan thử thách hay gông cùm tra tấn.

Ngày nay, trong cuộc sống hiện tại mặc dù ở nhiều nơi trên thế giới còn chìm ngập trong chiến tranh nhưng con người vẫn chiến đấu không ngừng, hoặc giữa những bách hại trong đời thường, con người vẫn  cố gắng vượt qua bao cạm bẫy thử thách nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta hãy lấy tấm gương của Thánh STÊPHANÔ tử đạo tiên khởi đã làm chứng bằng lời cầu nguyện, bằng ơn thứ tha cho những gây tổn thương cho mình để sống đời sống chứng tá cho Chúa. Qua đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được Thần Khí Chúa luôn bao phủ và giúp ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống hôm nay.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Hài Đồng! Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm cuộc sống luôn là cõi tạm, để chúng con có một niềm tin vững vàng khi ra đi làm chứng Tin Mừng, Thần Khí Chúa luôn nâng đỡ hộ phù chúng con. Amen.

M.Liên

Chứng nhân của Đấng EM-MA-NU-EN (26.12.2015)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay, thuật lại lời căn dặn của Đức Giêsu với các môn đệ, khi Người sai các ông đi loan báo tin vui Đấng Mê-si-a muôn dân trông đợi đã hiện diện và Người sẽ giải thoát nhân loại khỏi sự thống trị của tội lỗi. Đức Giêsu nói: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt10, 16); anh em “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng… Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy”.

Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, Người là Em-ma-nu en và là Đấng Cứu Độ muôn dân; Người đến thế gian để thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, và Người mời gọi những ai thành tâm tìm kiếm hạnh phúc đích thật cho đời mình, hãy bước theo Người. Con đường Đức Giêsu đi qua, mặc dù có nhiều gian nan, đau khổ nhưng tràn ngập niềm vui, hy vọng, và chung cuộc là vinh quang Nước Trời như lời Thiên Chúa hứa.

Trải qua bao nhiêu biến cố: Giáng sinh, chạy trốn bạo chúa Hê-rô-đê, sống ẩn dật cùng với mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se ở Na-da-rét khoảng ba mươi năm; ba năm cuối đời, Đức Giêsu công khai đi khắp miền Pa-lét-tin rao giảng chân lý cứu độ của Người: “Nước Trời  đã gần đến, anh em hãy sám hối và tin vào Tin  Mừng” để được hưởng ơn cứu độ; Người kết thúc cuộc đời với khổ hình thập giá bởi lòng dạ chai đá và gian ác của con cháu Áp-ra-ham; nhưng sau ba ngày, Người đã vinh hiển sống lại và lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha toàn năng .

Những người đi theo Đức Giêsu, nhất là các môn đệ thân tín được Người tuyển chọn, đã từ bỏ mọi sự, từ bỏ những dục vọng thấp hèn: ích kỷ, kiêu căng, ham hố vật chất – của cải danh vọng, để khiêm tốn đón nhận “lời gieo trong lòng, lời có thể cứu thoát linh hồn”, và họ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho niềm tin của mình vào Người.

Khi sai các môn đệ đi, Đức Giêsu tiên báo số phận của họ và những ai tin mà vâng phục giáo huấn của Người, nhất là các môn đệ (những người gắn bó cả cuộc đời mình với đường lối giáo huấn của Người): “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”. Thật vậy, dân chúng nói chung và giới lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ giận dữ chống đối giáo lý của Đức Giêsu và tìm cách loại trừ Người, bởi lẽ quan điểm sống của họ vốn có xu hướng hướng đến những ích kỉ, tham lam, quyền bính; từ đó phát sinh những hành vi xấu xa: gian ác, bất công, tranh cãi và thù hận, họ dùng mọi thủ đoạn loại trừ những ai ngăn cản vạch trần những lầm lỗi của họ.

Khi Đức Giêsu xuất hiện, Người rao giảng sự thật, chỉ vẽ cho dân Do Thái thấy những điều xấu xa trong cách sống, cũng như những tập tục, truyền thống tuân giữ lề luật Mô-sê cách máy móc, giả tạo mà họ đang thực thi; lập tức Đức Giêsu bị các kinh sư, luật sĩ Do Thái và cả dân chúng phỉ báng, chống đối…kết án và giết chết. Những người tín hữu đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu, họ sống và loan báo giáo huấn của Người cũng chịu chung số phận như vậy; người đời không chấp nhận họ cũng như đã không chấp nhận Đức Giêsu. Bởi thế, chính những người thân trong gia đình, những bằng hữu quen thuộc ngoài xã hội sẽ nộp họ cho những kẻ chống đối Đức Giêsu, để bách hại, giam cầm và loại trừ. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã tiên báo và khích lệ: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.

Hôm nay, Giáo Hội long trọng mừng kính thánh Stêphanô, người tín hữu đã can đảm dùng mạng sống mình mà minh chứng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Theo Sách Công Vụ Tông Ðồ ghi chép lại:  Stêphanô là một người đầy ơn sủng và sức mạnh, đã làm nhiều việc phi thường trong dân chúng. Thánh nhân bị những thành viên của một hội đường người Do Thái, bắt và đưa ra trước Thượng Hội Đồng; họ tranh luận với Stêphanô nhưng không thể địch nổi sự khôn ngoan và thần khí của ngài. Trong phần trình bày, Stêphanô lần lượt nhắc lại sự dẫn dắt của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, cũng như việc thờ tà thần và bất tuân phục Thiên Chúa của dân này. Stêphanô còn vạch trần những tội mà cha ông họ đã làm với các ngôn sứ của Thiên Chúa và đặc biệt tội ác họ đã giết Đấng Công Chính mà cha ông họ hằng trông đợi. Những lời lẽ cương nghị của Stêphanô làm cho họ bẽ mặt; Họ liền xúi giục người khác lên án ngài là lộng ngôn, xúc phạm đến Thiên Chúa; họ giận dữ lôi Stêphanô ra ngoài thành mà ném đá ngài. Stêphanô trở nên nhân chứng tiên khởi của Đức Giêsu Kitô “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay nhắc nhở và mời gọi mỗi người:

Con đường theo Chúa sẽ là con đường đầy chông gai thử thách; bởi chân lý luôn đối đầu với gian tà, xảo quyệt; sự thánh thiện luôn đối đầu với điều xấu và dục vọng thấp hèn. Những ai theo đuổi chân lý cứu độ và kiên trì làm chứng cho sự thật thì sẽ được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa! Chấp nhận đau khổ để từ bỏ dục vọng, tham lam, ích kỷ mà sống theo gương Chúa, chính là con đường dẫn con tới hạnh phúc đích thật. Xin cho con biết kiên vững thực thi giáo huấn của Chúa và can đảm làm chứng nhân cho sự hiện diện của Đấng Em-ma-nu-en giữa lòng đời hôm nay.

SỐNG TIN MỪNG

Can đảm sống và chia sẻ niềm tin vào Đức Giêsu Kitô cho những người xung quanh, nơi môi trường sống và làm việc; bằng gương sáng và đức tin sống động.

ĐỐM LỬA

Tiếng của Chúa Thánh Thần

“Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha nói trong anh em. … Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,20.22).

Suy niệm: Bầu khí, tâm tình và biểu hiện của ngày lễ Giáng sinh không chỉ cho ta nếm cảm hương vị ngọt ngào mà còn đưa ta tới đỉnh cao ơn cứu độ. Đó là đỉnh cao của thập giá, của sự hiến dâng toàn vẹn như chính Chúa Giêsu sẽ thực hiện sau này, cũng như các môn đệ của Ngài phải nếm trải, cụ thể là cái chết của thánh Têphanô, vị tử đạo tiên khởi của Tân Ước. Thần khí của Chúa Cha đã tác tạo hình hài Chúa Con, hướng dẫn các nhà đạo sĩ Đông Phương đến thờ lạy Chúa Con… Thần Khí ấy cũng tiếp tục ban sức mạnh và sự khôn ngoan cho các tín hữu, để họ bền đỗ đến cùng và biết nói những điều Thiên Chúa muốn họ phải nói với thế gian.

Mời Bạn: Tiếng Chúa Thánh Thần vừa ngọt ngào êm dịu vừa có sức mạnh vũ bão, thúc đẩy con người làm những việc phi thường. Hãy lắng nghe để nhận ra tiếng nói của Ngài và mau mắn thi hành trong cuộc sống mỗi ngày.

Chia sẻ: Giữa bao giá trị – thực cũng nhiều mà ảo cũng chẳng ít – đâu là tiêu chí để ta chọn cho mình một quyết định đúng đắn nhất? Chúa Giêsu dạy ta đừng lo, chính Chúa Thánh Thần sẽ làm việc đó, miễn là ta luôn luôn đặt quyền lợi của Chúa, Giáo Hội trước hết và trên hết như thánh Têphanô.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín và nỗ lực thực hiện câu Lời Chúa: “Kẻ nào bền chí đến cùng sẽ được cứu thoát.”

Cầu nguyện: Lạy thánh Têphanô, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con được sức mạnh của Thánh Thần. Nhờ đó, chúng con can đảm thực hành những điều Chúa dạy, ngay cả trong những hoàn cảnh éo le, tăm tối của cuộc sống.

Tác động của Thánh Thần

“Đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10,19-20).

Suy niệm: Tử đạo là lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất vào Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Thánh Tê-pha-nô đã có đức tin và tình yêu như thế, đến mức tận dụng những giờ phút tại pháp trường để rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa. Làm thế nào thánh Tê-pha-nô có đủ can đảm chấp nhận cuộc tử đạo? Ai giúp cho ngài? Chính là Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn đổ trên ngài tràn đầy “Thần Khí và khôn ngoan” (Cv 6,3). Chúa Thánh Thần đã ngự đến trên các Tông Đồ với hình lưỡi lửa, cũng ngự đến trên Tê-pha-nô các tông đồ cầu nguyện và đặt tay trên ông (Cv 6,6). Chúa Thánh Thần đến với Tê-pha-nô cũng là Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, Đấng đã thúc đẩy Tê-pha-nô nhiệt tình loan báo về Thiên Chúa trong cơn khốn khó. Cũng chính Chúa Thánh Thần thúc giục Ki-tô hữu ngày hôm nay trung thành với đức tin, không phải bán thời gian, nhưng là toàn thời gian.

Mời Bạn: Mỗi ngày mới là một cơ hội mới Chúa dành cho bạn thực thi tình yêu của bạn dành cho Chúa. Vậy, bạn sẵn sàng nói về Chúa Giê-su Hài Đồng cho những người chưa biết Chúa không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc hy sinh dâng lên Chúa Hài Đồng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa đã đến với Mẹ Ma-ri-a và Mẹ cất cao lời ngợi khen Chúa. Chúa cũng đến trên thánh Tê-pha-nô, khiến ngài cũng cất lời loan báo về Chúa Giê-su. Nay xin Chúa đến với chúng con, biến đổi chúng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *