Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Ngày 27.08: Lễ Nhớ Thánh Nữ Monica
Lời Chúa: Hc 26,1-4.13-16, Lc 7,11-17
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 7,11-17)
Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Đức Giê-su đến gần cửa thành, đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : “Bà đừng khóc nữa !” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng : “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
KIÊN NHẪN VÀ KIÊN NHẪN
Lượt lại một chút về hoàn cảnh cuộc đời thánh Monica. Chính vì hoàn cảnh mà Monica gặp phải nên đã có thể biến ngài thành một người vợ hay cằn nhằn, một nàng dâu chua chát và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào. Khi còn nhỏ, bé Monica đã có lần lẻn vào hầm rượu uống lén rượu. Người đầy tớ gái trong cơn bực bội đã gọi cô là “đồ say rượu”. Từ đó cô quyết sống tự trọng và bền tâm tập luyện nhân đức.Mặc dù cô là một Kitô hữu, cha mẹ cô đã gả cô cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi châu. Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nảy và phóng túng. Ngoài ra thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người và đạo đức.
Thế nhưng rồi ông Patricius, chồng bà, cũng hết sức cộng tác cùng bà trong việc dạy dỗ các con cái. Sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo. Bà cũng thường khuyên bảo các phụ nữ hai điều cần thiết để giữ gìn bình an trong gia đình: Một là luôn nhớ đến lời giao ước hôn nhân mình đã đảm nhận, hai là biết thinh lặng khi chồng nổi nóng. Ông Patricius chết năm 371, sau khi chịu rửa tội được một năm.
Thánh nữ Monica là một phụ nữ giàu những năng lực nội tâm, được khơi dậy một cách mãnh liệt bởi một đức tin sâu xa, nhưng không phải không kinh qua những thử luyện. Bà ít nhất có ba người con vượt qua được ngưỡng cửa ấu nhi. Người con cả, Augustinô Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh). Cha và Mẹ Augustinô đều nhất trí cho con học lớp tòng đạo. Nhưng có lẽ các ngài còn chưa dứt khoát lo cho con được rửa tội ngay. Vào lúc cha chết, Augustinô mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage.
Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình trong thời học đạo, đã đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng, dan díu với một cô gái và không trung thành với thời kỳ học tòng đạo của mình. Bà đã mạnh mẽ từ chối không cho con được tiếp tục sống trong nhà mình vì sự phản bội đó. Cho tới khi, trong một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustinô sẽ trở về với đức tin. Từ đó trở đi ngài quyết sống gần con, ăn chay và cầu nguyện cho con.
Khi 29 tuổi, Augustinô quyết định đi Rôma để dạy văn chương và thuật hùng biện. Một tối kia, Augustinô nói với mẹ là anh ra bến tàu để từ giã bạn bè. Nhưng, anh lại lên tàu đi Rôma. Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo. Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustinô đã đi Milan. Mặc dù việc di chuyển khó khăn, thánh Monica vẫn nhất định bám sát con tới tận Milan.
Ở đây, Augustinô chịu ảnh hưởng bởi một Giám mục, Ðức cánh Monica. Bà Monica chấp nhận lời hướng dẫn của Đức Giám mục trong mọi chuyện và có lòng khiêm nhường từ bỏ các thực hành đạo đức thân quen đã trở thành bản tính thứ hai của bà (xem đoạn trích ở dưới). Bà trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.
Bà tiếp tục cầu nguyện cho Augustinô trong những năm anh dạy học. Vào lễ Phục sinh năm 387, Ðức cha Ambrôsiô rửa tội cho Augustinô và một vài người bạn của anh. Tất cả bọn họ họp thành một nhóm bạn hữu hết sức yêu thương giúp đỡ nhau để sống đạo. Thánh nữ Monica cũng tỏ ra là một người mẹ khôn ngoan, có một ảnh hưởng tốt đối với nhóm. Kinh qua nhóm đó, Augustinô đã có được một kinh nghiệm sống cộng đoàn mà ngài thật sự quí chuộng.
Augustinô và các bạn mình một hôm thảo luận với nhau xem điều gì đem lại cho con người hạnh phúc. Thình lình mẹ Monica tới và tham gia vào cuộc thảo luận. Mẹ đã bộc lộ rõ tất cả chiều sâu tâm linh của mình. Khi cả nhóm nhất trí rằng để được hạnh phúc, thì con người buộc phải có được điều mình ước muốn. Mẹ Monica liền nêu lên một sự phân biệt quan trọng: “Nếu người ấy ước ao có được những điều tốt lành, thì người ấy mới hạnh phúc; còn nếu người ấy chỉ ước ao điều xấu, thì dù họ có được bất cứ điều gì họ ước muốn, nhưng họ vẫn chỉ là con người khốn khổ, đáng thương. Augustinô lập tức công nhận mẹ mình là một triết gia bậc thầy, và ví mẹ với triết gia Cicerô! Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi châu.
Dù không ai để ý tới, nhưng thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustinô, “Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả. Mẹ không biết còn có gì mẹ phải làm tại đây không hay tại sao mẹ còn phải ở lại đây nữa, vì mọi điều mẹ trông đợi ở trần gian này đều đã được hoàn tất?” Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn ghê gớm trong chín ngày trước khi từ trần.
Ngoài thánh Augustinô ra, chúng ta thấy bà còn một người con trai tên là Navigius, đôi khi xuất hiện trong bút tích của thánh Augustinô. Bà còn một người con gái là Perpetua, sau này trở thành bề trên của một tu viện các nữ tu.
Trở về với Tin mừng, trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.
Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: “Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá”. Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết.
Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm “Buồn Nôn”: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả”.
Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.
Xin cho mỗi người chúng ta biết vâng phục Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu đã vâng phục.Lm. Huệ Minh
GIỌT NƯỚC MẮT CỦA MONICA
Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác. Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác. Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái. Giọt nước mắt của thánh nữ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô, người con trai, đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Thánh nữ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho con của thánh nữ là Augustinô ơn cải hóa từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn, ơn làm đẹp con tim: con tim mới, cái nhìn mới.
MỘT CON NGƯỜI
Có một người nữ được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, thánh thiện:tên người nữ ấy là Monica. Monica sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu.Gia đình Monica vốn có truyền thống đạo đức, yêu thương tha nhân,yêu thương người nghèo. Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng. Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo:mỗi bữa cơm Monica thường dành ra một phần cho người đói túng thiếu và Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa. Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình. Cô đã biết biến những phút giây ấy làm phút giây cứu độ cho mình và cho người khác.
Con người đạo đức vẫn thường gặp truân chiên như nhiều người thường nó. Ông Gióp đã là chứng minh hùng hồn cho cuộc đời thánh thiện, nhưng gặp toàn những chuyện thử thách, rắc rối .
Thánh Giuse là người công chính nhưng cũng gặp đắng cay nếu không hiểu được ý Chúa, chắc chắn Người đã đứt gánh giữa đường. Monica cũng nằm trong diện ấy. Năm 22 tuổi,vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quí phái, nhưng tính tình xấu xa,ngang ngược, độc ác và lại hơn Monica cả hai con giáp. Đau khổ nhưng Monica đã chấp nhận ý cha mẹ và âm thầm cầu nguyện cho chồng vì thánh nữ xác tín mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa. Nhờ lòng quả cảm, đức tính khiêm nhường, và nhờ cầu nguyện vững tin vào Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng và sau này bà sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng sau này chính nhờ những giọt lệ thành tâm và nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của thánh nữ, Augustinô đã trở lại và trở nên thế giá, trở nên thánh.
VẪN GIỌT NƯỚC MẮT CỦA MONICA
Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo,đã luôn chứng tỏ bà có Chúa ở cùng.Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc, ngang tàng, ích kỷ. Monica luôn dậy con cái biết mến Chúa, yêu người. Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim, với tâm hồn đầy ắp Chúa. Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút, những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác. Chính cái phút giây bà vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius đã thay đổi đời bà, nghĩa là bà đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ sống, sẽ nhận làm chồng dù rằng bà biết bà sẽ phải đau khổ nhiều, phải hy sinh, phải từ bỏ. Tình yêu Đức Kitô thúc bách bà. Bà đã đi tới cùng, bà đã làm thay đổi chồng, con và biến đổi người con trụy lạc,ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp cho Giáo Hội. Qua những giọt lệ của Monica, qua lời cầu xin tha thiết của bà, monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự để bà có thể nói được như ông già Siméon: ”Giờ đây xin để tôi tớ ra đi bình an…” .
Thánh nữ Monica đã qua đời năm 387 sau khi Augustinô được thánh Giám mục Ambrosiô rửa tội. Thánh nữ được an táng tại Otti. Đức Thánh Cha Martinô truyền đem xác thánh nữ về nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma vào năm 1430.
Lạy Thánh nữ Monica, xin ban cho các bà mẹ công giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức như thánh nữ .
Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người .
Xin cho các bà mẹ công giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
“Mẹ” Monica
Hôm nay tôi muốn được chia sẻ đôi điều với anh chị em, đặc biệt với những ai được mang danh hiệu cao quí là Mẹ.
Khi viết về người Mẹ một nhà văn Pháp đã có những lời diễn tả như thế này: “Bà mẹ không phải như một họa sĩ vẽ cái đẹp lên tranh, không như một nhà điêu khắc chạm hình trong đá, không như nhà văn diễn đạt tư tưởng hay bằng những lời chọn lọc, cũng không như một nhạc sĩ ký thác tâm tình đẹp trong tiếng đàn. “Phận sự của bà mẹ chính là nhờ ở sức Chúa giúp đỡ, hình thành nên trong linh hồn những người con hình ảnh của Chúa trên trời.”
Vâng kính thưa anh chị em
Có lẽ không có lời nào hay hơn thế để mô tả về một người mẹ, một người mẹ rất nổi tiếng trong Giáo Hội mà hôm nay chúng ta mừng kính. Đó là thánh nữ Monica.
Chúng ta chỉ biết Thánh Mônica qua quyển Tự Thuật của người con là Thánh Augustino. Bà sinh khoảng năm 332 ở Tagaste miền bắc Châu Phi, là con trong một gia đình có đạo. Lúc 18 tuổi, bà phải kết hôn với một người ngoại tên là Patricius theo ý của gia đình và sau đó sinh được 3 người con: người con cả là Augustinô. Bà luôn theo dõi sự phát triển của con với niềm vui lẫn âu lo. Bà đã phải khóc lóc vì thấy nơi người con của bà có những dấu hiệu sai lạc về luân lý và tinh thần. Dầu vậy bà luôn luôn lấy tình thương khuyên nhủ con. Sau một thời gian quá dài nhưng chưa chinh phục được người con của mình, bà đã được một vị Giám mục, nói chính xác là thánh Ambrosiô, đã an ủi bà: “Không lẽ một người con đã làm cho bà rơi biết bao nhiêu nước mắt, lại phải hư mãi sao ?”.
Như vậy là chúng ta thấy không những bà đã lo lắng cho chồng để ông được trở lại đạo một năm trước khi ông qua đời, khoảng năm 371. Rồi sau khi chồng mất, bà đã từ Roma theo người con cả Augustino lên tận Milan nơi ông dạy học để ở nơi đây Bà được chứng kiến cảnh con của mình từ bỏ lạc giáo trở về với Chúa, chịu rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh năm 387 dưới sự hướng dẫn và dìu dắt của Giám Mục Ambrôsiô. Sau khi trở lại, Augustinô, em và mẹ đã quyết định trở về Tagaste.
Mùa thu năm 387 cả ba mẹ con từ bỏ Rôma, lên đường về Châu Phi. Chúng ta hãy nghe chính Augustinô thuật lại những giờ sau hết của mẹ mình trên dương thế: “Con không nhớ rõ con đã trả lời làm sao. Nhưng phỏng năm ngày sau, hay hơn một chút, mẹ con ngã bệnh sốt rét. Đang khi nằm bệnh, thì ngày nọ ngài bất tỉnh, không còn nhận ra những người chung quanh. Chúng con chạy tới thì ngài tỉnh lại ngay, nhìn con và em con đang đứng đó; ngài có vẻ tìm kiếm cái gì đó và bảo chúng con : “Mẹ ở đâu thế này ?”
Rồi thấy chúng con buồn sầu và lo sợ, ngài nói: “Các con hãy nhớ chôn mẹ ở nơi đây!’ Con thinh lặng và kìm hãm nước mắt. Nhưng em con nói mấy lời tỏ ý ước ao thấy ngài được chết tại quê nhà hơn là ở tha hương. Nghe thấy vậy, ngài tỏ vẻ không bằng lòng. Ngài quắc mắt nhìn em con, vì nó đã có những tư tưởng như vậy, rồi nhìn con mà nói: “Con xem, nó nói như vậy đó!” Đoạn ngài bảo hai chúng con: “Các con chôn xác này ở đâu cũng được; các con đừng quá lo về việc đó. Mẹ chỉ xin các con một điều, là bất cứ các con ở đâu, các con hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa”. Sau khi cố gắng nói được điều đó rồi, mẹ con ở lặng và cơn bệnh gia tăng, làm cho ngài càng đau đớn. Vậy, sau khi thụ bệnh được 9 ngày, thì linh hồn thánh thiện và đạo đức đó đã lìa khỏi xác: ngài được 56 tuổi còn con được 33 tuổi” đúng tuổi sống trên đời của Chúa Giêsu.
Augustinô đã chôn cất mẹ tại Ostia.
Sau này khi nhớ về cái chết của Mẹ mình Augustinô đã viết: “Con mất mẹ cách đột ngột, nhưng con cảm thấy an ủi khi dâng cho Chúa nước mắt con khóc mẹ. Con dâng nước mắt ấy cầu nguyện cho mẹ con. Nếu ai đoán xét con, phạm tội vì khóc thương một bà mẹ chết đi và tạm thời mắt con không còn trông thấy được nữa, thì con xin họ nhớ rằng chính bà đã khóc than biết bao năm trường để mắt bà được trông thấy con sống lại với Chúa, xin họ đừng nhạo cười con, nhưng xin họ cũng khóc lóc vì tội lỗi con đã phạm trước mặt Chúa. Chúa là cha của tất cả anh chị em chúng con trong Đức Kitô.
Ngày nay xác bà được dời về thánh đường kính Thánh Augustinô tại Rôma.
Vâng đó là cuộc đời của người mẹ thánh. Và sự thánh thiện đã đổ tràn qua người con. Một niềm vui vô cùng lớn lao nhưng là một niềm vui phải trả bằng một giá thật lớn. Rõ ràng một người mẹ nhờ ở sức Chúa giúp đỡ hình thành nên trong linh hồn người con của mình hình ảnh của Chúa trên trời.”
Hình như số phận của những người làm mẹ muốn cho con của mình được thành đạt, thành đạt trong cuộc sống đời thường hay thành đạt trong lãnh vực thiêng liêng đều phải như thế.
Ông Comolet Sue, nhà giáo dục danh tiếng, đã điều tra và kể lại trong bản báo cáo về Hội Hôn nhân Thiên Chúa giáo ở Pháp câu truyện này:
Có lần ông gặp một bà góa. Các con bà giữ đạo sốt sắng và thành công một cách vinh quang trên đường đời. Ông hỏi bà :
– Bà đã làm gì trong công việc giáo dục con cái bà ? Bà đã dìu dắt con bà một cách thực tế như thế nào trong cuộc đời ? Bà đã một mình làm tròn sự nghiệp phức tạp ấy!
Bà trả lời cách gọn gàng, giản dị:
– Tôi không biết.
Ông gặng hỏi:
– Bà giấu đấy chứ ? Các con trai bà đã làm cách nào để tạo được những địa vị danh giá mà đồng thời vẫn là tín đồ đáng nể phục ? Các con bà hình như rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Có bao bà phải thất vọng không … ?
Bà mỉm cười và hỏi:
– Ông có tin tưởng Thiên Chúa không ?
– Chắc là Thiên Chúa cai trị sóng gió, nhưng nếu bà không biết lo liệu thì thuyền cứ chìm.
– Lo liệu phòng ngừa là phải cầu nguyện cho nhiều.
– Không đủ, thưa bà. Bởi chắc không phải lúc nào bà cũng chắp tay quỳ gối trong nhà thờ ?
Bị hỏi dồn, bà nói thiệt:
– Ngày chồng tôi chết, để lại cho tôi mười đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 15 tuổi. Tiền của eo hẹp, nên tôi phải quả quyết… Trước hết là… Là xét lại lương tâm, khi xét mình tôi đã nhận thấy cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình cho tốt hơn, thêm nhiều đức tính tốt hơn nữa. Tôi làm ngay… và cứ thế mà tiến…
– Có thế thôi sao ? Bà còn làm gì hơn nữa cho con bà ?
– Không có gì khác cả, thưa ông. Tôi tự sửa mình và chính Chúa đã đào tạo chúng nó.
Ngạn ngữ của người Roma có câu: “Không ai có thể cho cái mình không có.” Bà Monica thánh thiện cho nên sự thánh thiện của bà đã tràn qua người con.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Kiên tâm bền chí tất sinh hoa quả
Hôm nay Giáo hội mừng lễ Thánh Mônica Thánh nhân sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu trong một gia đình vốn có truyền thống đạo đức,yêu thương tha nhân, nhất là yêu thương người nghèo bất hạnh. Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng. Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo. Mỗi ngày Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa .Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, và cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình.
Năm 22 tuổi,vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quí phái, nhưng tính tình xấu xa, ngang ngược, độc ác .Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo, nhưng qua công việc hàng ngày, thánh nữ đã chứng tỏ bà là người Công giáo tốt lành. Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc, ngang tàng, ích kỷ đã biết ăn năn bỏ đi quá khứ tội lỗi trở lại theo đạo Công giáo.
Monica sinh được ba người con, Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim,với tâm hồn đầy ắp Chúa. Bà luôn dậy con cái theo gương bà biết mến Chúa, yêu người . Thế nhưng,những đứa con, đặc biệt là cậu ấm Augustino, đã sống trong tình trạng tội lỗi từ khá sớm, phạm đủ tệ nạn xã hội, hình như Augustinô theo gien Cha mình nên tập tành ăn chơi sa đọa như thế. Mẹ Monica khóc nhiều lắm.Giọt nước mắt của Mẹ thánh Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô, người con trai đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Mẹ thánh đã cầu nguyện kèm theo khóc lóc van xin. Chúa giúp bà biến đổi người con ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp cho Giáo Hội và người con ấy trở nên một vị
Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Monica, BM các bà mẹ công giáo.
Sự kiên tâm bền chí của thánh nhân trong cầu nguyện là một lời chứng hùng hồn về đời sống đức tin sâu xa của một người nữ trong cương vị là một người mẹ, đáng để các bà mẹ noi gương bắt chước. Thánh Monica đã nếm mùi đau khổ trong việc làm vợ và làm mẹ, nhất là trong việc nuôi dạy người con ngỗ nghịch của mình. Có những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng đức tin đã cung cấp cho thánh nữ sức mạnh, lòng tin tưởng và kiên trì trong lời cầu nguyện cho người con xa Chúa, và phần thưởng cho sự kiên trì đó là ơn trở lại của chồng, ơn hoán cải của con.
Noi gương thánh nữ Mô-ni-ca, hằng ngày mỗi người chúng ta, đặc biệt các bà mẹ hãy cầu nguyện và khuyên bảo những người đang sống trong tội lỗi ở nơi chính gia đình của mình biết ăn năn trở lại với Chúa.
THÁNH NỮ MÔNICA (332-387)
Không có gì cao sang trong cuộc đời bình thường, cũng không phải là “đấng nam nhi” hay “bậc anh hùng hảo hán”. Mônica chỉ là phận gái “liễu yếu đào tơ”, nhưng cuộc đời của người phụ nữ này, đã trở thành tấm gương ngời sáng cho những người phụ nữ khác, đặc biệt là những người vợ, người mẹ trong các gia đình. Dù Mônica không sinh trưởng tại quê hương Việt nam, nhưng ở Thánh nữ chúng ta vẫn thấy đầy chất Á Đông của người phụ nữ đất việt: “Công,Dung,Ngôn,Hạnh” và “Tam tòng, Tứ đức”.
Cuộc đời Thánh Mônica
Thánh nữ sinh tại Thagaste, thuộc Bắc Phi châu vào năm 332 trong một gia đình công giáo. Lập gia đình với ông Patricius, một người ngoại giáo và có được ba người con. Chồng Mônica là một người giàu có, nhưng tính tình nóng nảy và không chung thủy. Người mẹ chồng của thánh nữ cũng gắt gỏng và khó chịu. Patricius thường hay rầy la vợ, vì Mônica hay tỏ ra thương yêu và giúp đỡ mọi người. Dù vậy, thánh nữ vẫn luôn âm thầm hy sinh, kiên trì, chịu đựng trong nước mắt của nguyện cầu. Cuối cùng, Mônica cũng chinh phục được mẹ chồng cùng với chồng, và họ đã trở lại cùng Thiên Chúa. Patricius qua đời năm 371, sau khi đã lãnh nhận Bí tích rửa tội. Hết chồng rồi lại đến con, Augustin học theo tính khí của cha, sống phóng đãng và chạy theo bè rối Manichée, trong chín năm. Mônica theo con để mong ngày con được trở lại cùng Chúa. Những hy sinh của Mônica thật không uổng tí nào. Đêm Phục sinh, ngày 24 tháng tư năm 387, bà vui mừng dự lễ rửa tội cho thánh Augustin. Cuối năm 387, khi mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi châu, thì Thiên chúa đã gọi Mônica về, lúc 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.
Gương thánh nhân
Thánh Mônica lập gia đình và hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa trao ban qua ơn gọi làm vợ và làm mẹ. Làm vợ, ngài hết tình yêu thương và chiều chuộng chồng, tính nết hiền lành và đạo đức đó là bí quyết mà thánh nhân dùng để bảo vệ hạnh phúc gia đình.Làm mẹ,ngài tận tình chăm sóc và giáo dục con cái, nhất là đời sống đạo đức.Nhờ đó mà chồng con đều lần lượt trở lại đạo Chúa. Mônica nên thánh trong một đời sống gia đình, rất bình thường như những gia đình của mỗi người. Điều đó cũng làm cho chúng ta, nhất là các bà mẹ công giáo thử đặt lại vấn đề,tại sao tôi không dùng chính đời sống gia đình của mình để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày? Là một người vợ hay một người mẹ, tôi đã cầu nguyện với Chúa mỗi khi chồng con khô khan, nguội lạnh hay thậm chí mất đức tin…
Lạy Thánh Monica, bổn mạng của giới Hiền mẫu, qua lời bầu cử của Ngài, xin cho các người vợ, người mẹ có đời sống thánh thiện, hiền lành, yêu thương và nhẫn nhục, để hướng dẫn gia đình trong tình thương của Thiên Chúa. Giữa một cuộc sống đầy thử thách, tình trạng chối bỏ sự sống ngày càng lan tràn, giáo dục con cái trở nên đầy thách đố. Xin cho các gia đình luôn biết lắng nghe và thực thi lời dạy của Chúa qua những giáo huấn của Giáo hội. Amen.
Lm. Giacôbê Tạ Chúc