Ngày nay, khi muốn khám phá lại khuôn mặt của thánh Ða Minh, người ta thường ngạc nhiên vì một vị thánh có cá tính như thánh Ða Minh lại ít để lại những dấu chứng trực tiếp về mình. Các chứng nhân đã được sống với ngài đều xác nhân tính cách phi thường và nhân cách năng động của ngài trong cuộc sống cũng như trong cách hành xử đối với Dòng. Cha Guy Bedouelle nói rằng :”Không thể tưởng tượng một con người có tính khí như vậy, một tinh thần siêu nhiêu như vậy mà không để lại sách lề luật hay chúc thư nào … nếu không phải là ngài có quyết định như thế”. Ðiều phỏng đoán này được củng cố hơn nữa nếu chúng ta nhận thấy rằng, trong trường hợp thánh Ða Minh, tuy các thủ bút do chính ngài để lại không nhiều, nhưng các lời chứng của các môn sinh, bạn bè, các nhân chứng trong án phong thánh, các văn kiện chính thức của Giáo hội thì lại phong phú. Thực sự thánh Ða Minh đã sống thái độ ẩn dấu mình đi, như Ðức Maria và thánh Giuse, để cho các giá trị Tin Mừng được rạng sáng.
Chúng ta thấy thánh Ða Minh như luôn muốn đứng về phía sau, ẩn mình đi sau một ai khác hoặc một thể chế, một tập thể, mặc dù thực sự chính ngài đã góp phần một cách tích cực trong công việc. Ở Languedoc, tuy không có một tước vị rõ ràng, nhưng ngài vẫn giữ vai trò thúc đẩy công việc một cách mạnh mẽ, bền bỉ, can trường. Ngài đã không nhận chức giám mục, ngài đã không muốn làm viện phụ trong Dòng mà chỉ là bề trên tổng quyền. Ngay với chức vụ bề trên tổng quyền, khi thấy Dòng đã vững mạnh, ngài cũng đã xin từ chức, và vì anh em phải thuyết phục ngài mới lãnh nhận. Lãnh nhận chức bề trên tổng quyền, nhưng ngài lại muốn xác định quyền lãnh tối cao thuộc về tổng hội, do các giám định viên quyết định và bề trên tổng quyền cũng phải tuân phục quyết định của Tổng hội. Rồi ngài lại muốn truyền giáo ở phương bắc xa xôi, chôn vùi tên tuổi để được lợi cho các linh hồn.
Trong bản Hiến Pháp đầu tiên của Dòng, người ta đã không thấy tên tuổi của ngài rõ ràng, chỉ nhìn thấy những dầu vết tinh thần và chương trình của ngài.
Thực sự, thánh Ða Minh đã không muốn đưa mình ra, coi mình như một cột trụ bất khả thay thế. Ngài trực giác thấy được nhiều vấn đề quan trọng của thời đại và muốn Dòng đảm nhận những trách vụ góp phần xây dựng Giáo Hội, nhưng không vì thế mà ngài trở thành người duy nhất quyết định vấn đề. Ngài luôn bàn thảo với anh em, nêu ra các sáng kiến và khuyến khích anh em đảm nhận trách vụ, để cho mọi công trình đều là công trình của tập thể, của những anh em cùng chủ động và tích cực trong công việc chung.
Thánh Ða Minh đã hết sức tin vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, thì ngài cũng hết sức tin vào anh em. Tin vào Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, thánh Ða Minh cũng biết chắc rằng Thánh Thần cũng tác động một cách hữu hiệu trong những người khác nữa.
Chúng ta không có được bộ sách mà thánh nhân đã bán đi mất. Biết đâu trong đó cũng những ghi chú, những suy nghĩ có thể giúp ta hiểu rõ hơn tư tưởng, tâm tình của ngài. Nhưng thánh Ða Minh đã bán bộ sách đó để lấy tiền giúp những người nghèo. Chúng ta đã mất đi một sử liệu quí giá, nhưng chính việc bán sách đó, tự nó đã nói lên trọn vẹn con người của Ða Minh rồi : tất cả vì Thiên Chúa và vì con người . Sau này ngài còn muốn bán cả chính mình để cứu những người lạc giáo muốn trở lại. Thái độ “bán mình”, hy sinh chính mình, xóa mờ đi như vậy đã cho thấy Ða Minh luôn muốn sống tinh thần của Ðức Maria, của thánh Giuse, của Gioan Tẩy Giả :”tôi phải nhỏ đi để Ngài nổi bật lên” (Ga 3,30). Ðó là thái độ đích thực của người môn đệ Chúa.
Người môn đệ Chúa phải hiểu mình là người phục vụ cho Chúa Kitô chứ không phải để làm vinh danh mình. Thánh Ða Minh sống điều đó một cách thật tế nhị, ngài muốn tự che khuất mình đi để cho các giá trị Tin Mừng được tỏa sáng.