QUY CHẾ
HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH
VIỆT NAM
CHƯƠNG IV : TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH
MỤC 1 : CƠ CẤU TỔ CHỨC
- §I. Huynh đoàn giáo dân Đa Minh là hiệp hội của các Kitô hữu giáo dân sống giữa đời, thông dự vào đoàn sủng của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, dưới sự lãnh đạo của Tổng hội và Bề trên Tổng quyền. (x. GL 303, 312, 315 và QL 19a).
§II. Các huynh đoàn trong Tỉnh dòng, gọi chung là Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam, được đặt dưới sự lãnh đạo của tỉnh hội, Bề trên Giám tỉnh, và vị đặc trách với tư cách là đại diện của Bề trên Giám tỉnh. (x. GL 129 §1; QL 20 a và b).
- Mỗi huynh đoàn được sinh hoạt theo tính cách riêng dưới sự điều hành của đoàn trưởng và ban phục vụ, và với sự hướng dẫn của vị linh hướng. (x. GL 317 §3; QL 21).
Các huynh đoàn trong Tỉnh dòng liên kết với nhau nhờ cơ cấu tổ chức huynh đoàn các cấp :
1.Trong giáo xứ, có (các) huynh đoàn;
2.Trong giao hạt, có (các) liên huynh;
3.Trong giáo phận, có ban phục vụ huynh đoàn giáo phận;
4.Trong Tỉnh dòng, có ban phục vụ huynh đoàn tỉnh.
MỤC 2 : LUẬT ĐIỀU HÀNH
- §I. Được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn và dựa vào luật Hội thánh, các huynh đoàn trong Tỉnh dòng được điều hành :
1.Vừa theo Quy luật Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh, những chỉ thị của Tổng hội và Bề trên Tổng quyền;
2.Vừa theo Quy chế Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam, các chỉ thị của tỉnh hội, Bề trên Giám tỉnh và vị đặc trách.
§II. Ngoài ra, mỗi huynh đoàn, liên huynh, ban phục vụ huynh đoàn giáo phận và ban phục vụ huynh đoàn tỉnh còn có nội quy sinh hoạt riêng.
- §I. Quy chế Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam, do ban phục vụ huynh đoàn tỉnh soạn thảo và được thông qua trong phiên họp toàn thể, bao gồm những quy tắc liên quan đến mục đích, đời sống, huấn luyện, tổ chức, điều hành và quản trị tài sản. (GL 304; TB 1987, số 6)
§II. Quy chế phải được Bề trên Giám tỉnh, cùng với ban cố vấn tỉnh dòng phê chuẩn và công bố để có hiệu lực thi hành. (x. GL 304 §1; TB 2007, II).
69 §I. Nội quy huynh đoàn, do ban phục vụ soạn thảo với sự đồng ý của quá bán số đoàn viên huynh đoàn, bao gồm những quy định cụ thể cho việc điều hành, sinh hoạt và quản trị tài sản mà Quy chế dành cho huynh đoàn tự xác định.
§II. Sau khi đã tham khảo ý kiến vị linh hướng và ban phục vụ cấp trên liên hệ, nội quy phải được linh mục chính xứ chấp thuận.
- Nội quy liên huynh, ban phục vụ huynh đoàn giáo phận và ban phục vụ huynh đoàn tỉnh, do ban phục vụ liên hệ soạn thảo và được thông qua trong phiên họp toàn thể, bao gồm những quy định về việc điều hành, các sinh hoạt chung, quản trị tài sản và những vấn đề khác.
§I. Sau khi đã tham khảo ý kiến ban phục vụ huynh đoàn giáo phận, nội quy liên huynh phải được vị linh hướng liên huynh chấp thuận.
§II. Sau khi đã tham khảo ý kiến ban phục vụ huynh đoàn tỉnh, nội quy ban phục vụ huynh đoàn giáo phận phải được vị đặc trách huynh đoàn giáo phận phê chuẩn.
§III. Nội quy ban phục vụ huynh đoàn tỉnh phải được vị đặc trách huynh đoàn tỉnh phê chuẩn.
- Miễn chuẩn lề luật :
§I. Cấm mọi miễn chuẩn những điều khoản của Quy luật và Quy chế liên quan đến Luật Chúa, Giáo luật và những luật ấn định những yếu tố thiết yếu làm nên các định chế hay các hành vi pháp lý. (GL 86; TB 2007, III)
§II. Nếu Quy chế không nói rõ cách khác,
- Bề trên Giám tỉnh có thẩm quyền miễn chuẩn không thời hạn cho từng huynh đoàn, ban phục vụ hoặc đoàn viên những điều khoản của Quy luật hay Quy chế. (x. TB 2007, III)
- Vị đặc trách huynh đoàn tỉnh có thẩm quyền miễn chuẩn không thời hạn cho từng đoàn viên những điều khoản của Quy luật hay Quy chế, không dành riêng cho Bề trên Giám tỉnh.
- Vị đặc trách huynh đoàn giáo phận có thẩm quyền miễn chuẩn có thời hạn cho từng đoàn viên những điều khoản của Quy luật hay Quy chế.
- Quyền miễn chuẩn điều khoản nội quy thuộc thẩm quyền đã phê chuẩn nội quy đó.
- Đoàn trưởng, với ý kiến của vị linh hướng, có thể miễn chuẩn những trường hợp Quy chế dành cho, và những điều khoản của nội quy huynh đoàn.
72. Giải thích Quy chế : Thẩm quyền giải thích chính thức Quy chế thuộc về Bề trên Giám tỉnh.
73. Tu chính Quy chế : Để những điều khoản của Quy chế được tu chính có giá trị pháp lý, cần phải:
- Ít là một phần ba số ban phục vụ huynh đoàn giáo phận kiến nghị lên ban phục vụ huynh đoàn tỉnh;
- Được thông qua trong phiên họp toàn thể của ban phục huynh đoàn tỉnh;
- Được Bề trên Giám tỉnh phê chuẩn, với sự đồng ý của ban cố vấn tỉnh dòng.
MỤC 3 : HUYNH ĐOÀN
- Mỗi huynh đoàn, khi được bề trên cao cấp của Dòng, do đặc ân Toà thánh, thành lập chiếu theo quy tắc Giáo luật và Quy luật Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh, thì được nhìn nhận là hiệp hội công và có tư cách pháp nhân. (x. GL 301 §3, 312, 313 ; QL 20a)
- §I. Bắt đầu thời kỳ dự tuyển, tuyển sinh được đăng ký vào một huynh đoàn, gọi là nhập tịch, và được hưởng mọi ơn ích thiêng liêng của Dòng khi còn sống cũng như khi đã qua đời.
§II. Kể từ khi tuyên hứa, anh chị em là đoàn viên chính thức của huynh đoàn với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ.
§III. Ai không đủ điều kiện để gia nhập huynh đoàn có thể được nhận làm thân hữu và được hưởng các ơn ích theo nội quy của huynh đoàn đó.
A.Thành lập
76. §I. Để thành lập một huynh đoàn, đòi phải có:
1.Đơn xin chấp thuận thành lập của tối thiểu mười lăm thỉnh nguyện viên, giữ nguyên điều kiện ở số 43 và số 48 §I.1, với sự giới thiệu của linh mục chính xứ và sự chấp thuận của Đức Giám mục giáo phận (x. Mẫu 1);
2.Đơn xin thành lập của các thỉnh nguyện viên gửi Bề trên Giám tỉnh (x. Mẫu 2);
3.Văn thư thành lập của Bề trên Giám tỉnh.
§II. Văn thư thành lập được linh mục chính xứ công bố trước sự hiện diện của các thỉnh nguyện viên và đại diện ban phục vụ cấp trên liên hệ. (x. Mẫu 17)
Biên bản công bố được lập thành hai bản với chữ ký của vị công bố và hai nhân chứng, một bản gửi về vị đặc trách huynh đoàn giáo phận và một bản lưu trong hồ sơ huynh đoàn. (x. Mẫu 3)
- Nếu huynh đoàn có quá đông thành viên hoặc địa bàn quá rộng, ban phục huynh đoàn có thể xin tách huynh đoàn theo quy tắc thành lập ở số 76, với sự đồng ý của các thành viên sẽ được tách ra cho huynh đoàn mới.
- Khi có lý do rất nghiêm trọng, sau khi đã tham khảo với những thẩm quyền liên hệ, đức Giám mục Giáo phận hoặc Bề trên Giám tỉnh có quyền giải tán huynh đoàn thuộc lãnh vực thẩm quyền của các ngài (x. GL. 320 §2 và 3).
B. Điều hành
79.§I. Đoàn trưởng và ban phục vụ nhận lãnh trách nhiệm điều hành huynh đoàn. (x. GL 317 §3; QL 21a).
§II. Việc điều hành chính yếu nhắm đến công ích và phục vụ anh chị em trong đức ái; vì vậy, đoàn trưởng và ban phục vụ hãy cố gắng chu toàn trách vụ được trao phó.
- §I. Thông thường, ban phục vụ và đoàn trưởng được bầu cử theo luật (x. QL 21b).
Trường hợp huynh đoàn mới thành lập, ban phục vụ và đoàn trưởng sẽ do Bề trên Giám tỉnh hoặc vị thừa uỷ của ngài chỉ định. (x. GL 317 §1)
§II. Nhiệm kỳ của ban phục vụ là bốn năm, tính từ ngày đoàn trưởng ký nhận chức vụ.
§III. Khi ban phục vụ hết nhiệm kỳ, đoàn phó vừa mãn nhiệm sẽ là xử lý thường vụ, nhưng không được thay đổi điều gì quan trọng. Nhiệm vụ chính của vị này là tổ chức bầu cử.
- §I. Ban phục vụ huynh đoàn phải có tối thiểu là năm người, tối đa là bảy người, với các chức vụ: đoàn trưởng, đoàn phó, thư ký, thủ quỹ, phụ trách học tập, phụ trách tông đồ, phụ trách giới trẻ.
§II. Chức vụ phụ trách có thể được những người giữ chức vụ khác kiêm nhiệm.
§III. Trừ đoàn trưởng và đoàn phó, những người giữ chức vụ khác có thể có phụ tá, với sự đồng ý của ban phục vụ.
- §I. Ban phục vụ có nhiệm vụ :
1.Chấp thuận việc thu nhận tuyển sinh và cho tuyên hứa;
2.Chấp thuận đoàn viên tạm ngưng sinh hoạt dài han, chuyển tịch và nhập tịch;
3.Soạn thảo kế hoạch và triển khai công tác huynh đoàn, đặc biệt việc tông đồ và huấn luyện;
4.Thỉnh nguyện vị linh hướng huynh đoàn;
5.Thi hành những nhiệm vu khác mà Quy chế đòi buộc.
§II. Ngoài ra, ban phục vụ phải :
- Tham vấn ý kiến các vị hữu trách trong việc điều hành huynh đoàn;
- Cộng tác với hội đồng mục vụ giáo xứ và các đoàn thể khác trong các việc chung của giáo xứ và giáo phận. (GL 328)
Nhiệm vụ của từng thành viên trong ban phục vụ
- Đoàn trưởng có nhiệm vụ :
1.Cùng với ban phục vụ điều hành huynh đoàn;
2.Triệu tập và chủ toạ các buổi họp của huynh đoan và ban phục vụ;
3.Cổ võ đời sống huynh đệ, quan tâm đến mọi anh chị em trong huynh đoàn, đặc biệt những anh chị em gặp khó khăn hay đau yếu;
4.Thâu nhận tuyển sinh và nhận lời tuyên hứa (x. QL 16 và 17). Vì lý do quan trọng, đoàn trưởng có thể ủy quyền này cho người khác và từng lần.
84.Đoàn phó có nhiệm vụ :
1.Cộng tác với đoàn trưởng trong việc điều hành và thay thế khi đoàn trưởng vắng mặt, nhưng không có quyền thu nhận tuyển sinh và nhận lời tuyên hứa, trừ phi được đoàn trưởng ủy quyền;
2.Tổ chức các lễ nghi phụng vụ, các cuộc tĩnh tâm va các buổi cầu nguyện chung;
3.Giới thiệu và cổ võ ơn gọi giáo dân Đa Minh;
85.Thư ký có nhiệm vụ :
1.Ghi chép biên bản các buổi họp của huynh đoàn và ban phục vụ;
2.Cập nhật sổ danh bạ;
3.Lưu giữ các hồ sơ, sổ sách của huynh đoàn;
4.Phụ trách thông tin liên lạc.
86.Thủ quỹ có nhiệm vụ :
1.Quản lý tài sản và thực hiện sổ thu chi của huynh đoàn rõ ràng và cẩn thận;
2.Báo cáo tình hình tài chính hằng tháng và tổng kết cuối năm cho ban phục vụ.
87.Phụ trách học tập có nhiệm vụ :
1.Cùng với ban phục vụ soạn thảo và thực hiện kế hoạch học tập cho từng giai đoạn huấn luyện;
2.Giúp anh chị em trong huynh đoàn, nhất là các tuyển sinh, hiểu về Luật sống và tinh thần Dòng;
3.Tường trình tinh thần học tập của các ứng viên cho ban phục vụ có cơ sở bỏ phiếu thau nhận hoặc cho tuyên hứa;
4.Khuyến khích mọi thành viên tích cực tham gia những buổi học hỏi;
5.Quản lý và lo liệu cho huynh đoàn có tài liệu học tập;
6.Cùng với đoàn phó tổ chức cac nghi lễ phụng vụ.
88.Phụ trách tông đồ có nhiệm vụ :
1.Cùng với ban phục vụ soạn thảo và thực hiện kế hoạch tông đồ;
2.Cổ võ anh chị em tích cực thi hành sứ vụ chung;
89.Phụ trách giới trẻ có nhiệm vụ :
1.Cùng với ban phục vụ soạn thảo kế hoạch huấn luyện và sinh hoạt cho giới trẻ;
2.Cùng với phụ trách học tập tổ chức các khóa huấn luyện cho giới trẻ;
3.Cùng với đoàn phó giới thiệu và cổ võ ơn gọi giáo dân Đa Minh nơi giới trẻ;
4.Điều hành các sinh hoạt và công tác của giới trẻ.
Việc bổ sung chức vụ
- §I. Khi khuyết đoàn trưởng,
1.Nếu nhiệm kỳ ban phục vụ còn trên sáu tháng, trong vòng một tháng, dưới sự chủ toạ của đoàn phó, ban phục vụ bầu lại đoàn trưởng mới. Sau đó, ban phục vụ tiến hành việc bổ sung thành viên theo quy tắc §II.1.
2.Nếu nhiệm kỳ ban phục vụ còn dưới sáu tháng, thì đoàn phó sẽ giữ quyền đoàn trưởng cho tới hết nhiệm kỳ.
§II. Khi khuyết chức vụ khác,
- Nếu nhiệm kỳ ban phục vụ còn trên sáu tháng, trong vòng một tháng, ban phục vụ phải chọn người bổ sung vào ban phục vụ và có thể sắp xếp lại các chức vụ cho thích hợp.
- Nếu nhiệm kỳ ban phục vụ còn dưới sáu tháng, thì một thành viên của ban phục vụ sẽ kiêm nhiệm chức vụ ấy. Cấm đoàn trưởng và đoàn phó kiêm nhiệm chức vụ thủ quỹ hoặc thư ký.
§III. Ban phục vụ phải thông tri cho linh mục chính xứ và vị linh hướng biết, trước khi tiến hành bầu lại đoàn trưởng hoặc chọn người bổ sung vào ban phục vụ.
Bãi nhiệm chức vụ, ban phục vụ và chỉ định ban phục vụ mới
- §I. Trong trường hợp chính đáng và vì công ích, đức Giám mục Giáo phận hoặc Bề trên Giám tỉnh, hoặc vị thừa ủy của các ngài có thể bãi nhiệm từng chức vụ hoặc toàn ban phục vụ, sau khi đã tham khảo những thẩm quyền liên hệ. (x. GL 318).
§II. Quyền chỉ định ban phục vụ mới thuộc về Bề trên Giám tỉnh hoặc vị thừa ủy của ngài.
C. Sinh hoạt
92.Mỗi huynh đoàn buộc phải có những sổ sách ghi chép sinh hoạt của huynh đoàn và ban phục vụ: sổ danh bạ, sổ thân hữu, sổ chi thu, sổ biên bản, sổ văn thư, sổ ân nhân, sổ tông đồ bác ái và sổ tài sản.
93.Khi bàn thảo những công việc có giá trị pháp lý, cuộc họp phải có mặt quá bán số người được triệu tập và quyết định đưa ra phải đạt được quá bán số phiếu, không tính các phiếu bất hợp lệ và các phiếu trắng.
Huynh đoàn
94.§I. Hằng tháng, huynh đoàn phải có buổi hội họp định kỳ để bàn thảo những công việc chung của huynh đoàn. (x. Mẫu 16)
§II. Ban phục vụ mời vị linh hướng tham dự, ban huấn từ và cử hành nghi thức sám hối cho huynh đoàn. (x. Nghi thức 3)
§III. Nội dung của buổi hội họp phải được ghi vào sổ biên bản.
- Khi có lý do chính đáng không thể tham dự buổi họp hằng tháng được, đoàn viên phải báo cho đoàn trưởng biết.
- §I. Nếu đoàn viên vắng mặt buổi họp hằng tháng sáu lần liên tiếp mà không báo cho đoàn trưởng, ban phục vụ phải tích cực động viên, nhắc nhở. Nếu đương sự vẫn tiếp tục vắng thêm ba tháng nữa, thì được kể là rời bỏ huynh đoàn cách bất hợp pháp, và do đó mất mọi quyền lợi trong huynh đoàn.
§II. Nếu muốn sinh hoạt trở lại với huynh đoàn, đương sự phải xin ban phục vụ và phải chịu kỷ luật sám hối do ban phục vụ chỉ định, như thực hành một số việc thiêng liêng, nhận một vài việc hãm mình hay làm đôi ba việc công ích; hơn nữa, đương sự sẽ mất quyền bầu cử một năm kể từ khi được nhận sinh hoạt trở lại.
- §I. Khi có lý do chính đáng, đoàn viên muốn tạm ngưng sinh hoạt huynh đoàn trong vòng một năm, phải làm đơn xin ban phục vụ. Ngoài thời hạn trên, phải có sự chấp thuận của vị đặc trách huynh đoàn giáo phận.
§II. Kể từ khi được phép tạm ngưng sinh hoạt huynh đoàn, đương sự sẽ mất quyền bầu cử cho đến khi trở lại sinh hoạt thường xuyên.
§III. Trong thời gian tạm ngưng sinh hoạt huynh đoàn, đoàn viên hãy cố gắng, bao nhiêu có thể, chu toàn bổn phận của mình theo Luật sống. Nếu tạm ngưng sinh hoạt vì lý do cư trú, thì đoàn viên có thể xin sinh hoạt với huynh đoàn nơi mình tạm cư.
Sinh hoạt chi
- §I. Vì lợi ích của các thành viên và để cho việc họp mặt hằng tháng được dễ dàng, huynh đoàn nên tổ chức thành các chi theo khu vực, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, v.v… (Avila 85b). Nếu huynh đoàn có một trăm đoàn viên trở lên, thì phải tổ chức thành chi để thuận tiện cho việc bầu cử.
§II. Mỗi chi phải :
- Có tối thiểu sáu thành viên;
- Đề cử ra chi trưởng và chi phó;
- Có những hội họp định kỳ để cầu nguyện, học tập và bàn thảo những công việc chung.
§III. Nếu huynh đoàn có giới trẻ, phải lập chi giới trẻ, tuổi của thành viên không quá bốn mươi.
- §I. Trường hợp đặc biệt, ban phục vụ có thể xem xét và xin vị đặc trách huynh đoàn giáo phận cho chi được miễn chuẩn họp mặt hằng tháng theo huynh đoàn để họp mặt theo chi; nhưng tối thiểu ba tháng một lần, phải họp chung huynh đoàn.
§II. Riêng chi giới trẻ nên họp mặt hằng tháng theo chi, nhưng ba tháng một lần phải họp chung huynh đoàn.
§III. Ban phục vụ nên cử thành viên đồng hành với các chi trong các buổi họp hằng tháng, đặc biệt với chi giới trẻ.
Ban phục vụ
100.§I. Ngoài những nhiệm vụ nói ở số 82, ban phục vụ còn phải :
1.Họp mỗi tháng ít là một lần, để duyệt sổ sách và các kế hoạch, đồng thời lên chương trình cho buổi họp mặt hằng tháng của huynh đoàn;
Nội dung và quyết định của cuộc họp phải được ghi vào sổ biên bản;
- Hai tháng trước khi mãn nhiệm, báo cáo tổng kết sổ sách, tài sản trước huynh đoàn.
§II. Trong các buổi họp của ban phục vụ,
- Các thành viên chính thức phải có mặt;
- Các phụ tá nói ở số 81 §III và các chi trưởng nói ở số 98 §II có thể được mời tham dự, nhưng không có quyền biểu quyết.
D. Chuyển tịch, rời bỏ, khai trừ, nhận trở lại huynh đoàn
101. §I. Khi thay đổi nơi cư trú hoặc vì một lý do chính đáng, đoàn viên có thể xin chuyển tịch sang một huynh đoàn khác. (x. Mẫu 13)
§II. Trường hợp không thể chuyển tịch, đoàn viên phải xin vắng dài hạn theo quy tắc số 97 §I.
- §I. Vì lý do nghiêm trọng, đoàn viên có thể xin tháo lời tuyên hứa. Thủ tục xin tháo lời tuyên hứa phải theo đúng hướng dẫn chung.
§II. Người được tháo lời tuyên hứa có thể được nhận trở lại vào bất cứ huynh đoàn nào và bắt đầu từ thời kỳ tìm hiểu, nhưng trước đó phải có sự chấp thuận của ban phục vụ và có sự đồng ý của Bề trên Giám tỉnh hoặc vị thừa ủy của ngài.
- §I. Khi đoàn viên phạm lỗi và gây gương xấu nghiêm trọng, ban phục vụ có bổn phận khuyến cáo và sửa lỗi thích hợp theo nội quy huynh đoàn, nhưng phải theo tinh thần đức ái của Tin Mừng. (x. Mt 18,15-17)
§II. Nếu sau nhiều lần sửa lỗi mà đương sự vẫn cố chấp, thì phải tiến hành thủ tục khai trừ theo đúng hướng dẫn chung.
§III. Sau khi bị khai trừ, nếu đương sự quyết tâm cải thiện đời sống và đã chắc chắn sửa sai, thì có thể được nhận trở lại vào bất cứ huynh đoàn nào từ thời kỳ tìm hiểu, giữ nguyên điều kiện ở số 102 §II.
104. Việc nhận trở lại huynh đoàn sẽ bất thành, nếu người xin gia nhập giấu không cho biết trước đây đã xin tháo lời tuyên hứa hoặc bị khai trừ khỏi huynh đoàn. (TB 2007, VI §2.)
MỤC 4 : LIÊN HUYNH VÀ BAN PHỤC VỤ CÁC CẤP
A.Thành lập
105.§I. Để thành lập liên huynh đòi phải có :
- Đơn xin thành lập liên huynh của đại diện các huynh đoàn liên hệ, với ý kiến của thẩm quyền địa phương, đệ lên Bề trên Giám tỉnh (x. Mẫu 14);
- Văn thư thành lập của Bề trên Giám tỉnh.
§II. Văn thư thành lập được linh mục quản hạt công bố, trước sự hiện diện của các ban phục vụ huynh đoàn thuộc liên huynh và đại diện ban phục vụ cấp trên liên hệ. (x. Mẫu 18)
Biên bản công bố được lập thành hai bản: một bản gửi về vị đặc trách huynh đoàn giáo phận một bản lưu trong hồ sơ liên huynh. (x. Mẫu 3)
- Nếu một liên huynh có nhiều huynh đoàn, hay địa bàn quá rộng, ban phục vụ liên huynh, sau khi tham vấn vị đặc trách huynh đoàn giáo phận, có thể xin tách liên huynh theo quy tắc thành lập ở số 105, với sự đồng ý của các huynh đoàn sẽ được tách ra cho liên huynh mới.
- §I. Để thành lập ban phục vụ huynh đoàn giáo phận đòi phải có :
1.Đơn thỉnh nguyện thành lập ban phục vụ huynh đoàn giáo phận của đại diện các ban phục vụ liên huynh, với ý kiến của đấng Bản quyền Địa phương, đệ lên Bề trên Giám tỉnh;
2.Văn thư chấp thuận của Bề trên Giám tỉnh.
§II. Văn thư chấp thuận được vị đặc trách huynh đoàn giáo phận công bố trước sự hiện diện của các ban phục vụ liên huynh và đại diện ban phục vụ huynh đoàn tỉnh. (x. Mẫu 18)
Biên bản công bố được lập thành hai bản: một bản lưu trong hồ sơ ban phục vụ huynh đoàn giáo phận, một bản gửi về ban phục vụ huynh đoàn tỉnh. (x. Mẫu 3)
B.Điều hành
108.Ban phục vụ các cấp
- Gồm ban phục vụ liên huynh, ban phục vụ huynh đoàn giáo phận, ban phục vụ huynh đoàn tỉnh;
- Nhận lãnh trách nhiệm điều hành sinh hoạt chung của cấp mình.
109§I. Thông thường, ban phục vụ các cấp nhận nhiệm vụ do bầu cử cho nhiệm kỳ bốn năm.
§II. Trường hợp liên huynh và ban phục vụ huynh đoàn giáo phận mới thành lập, ban phục vụ sẽ do Bề trên Giám tỉnh hoặc vị thừa uỷ của ngài chỉ định. (x. GL 317 §1).
- §I. Các chức vụ và việc bổ sung chức vụ của ban phục vụ các cấp tương tự như quy tắc các số 81 và 90.
§II. Việc bãi nhiệm chức vụ hoặc ban phục vụ và chỉ định ban phục vụ mới như quy tắc số 91.
111.Nhiệm vụ của ban phục vụ các cấp là :
1.Cổ võ sự hợp tác giữa các huynh đoàn và các cấp;
2.Tham vấn ý kiến các vị hữu trách liên hệ về các việc chung của huynh đoàn;
3.Soạn thảo và triển khai các kế hoạch sinh hoạt;
4.Giám sát các sinh hoạt của cấp dưới, nhất là việc bầu cử;
5.Tường trình thường niên cho ban phục vụ cấp trên liên hệ.
6.Các chức vụ trong ban phục vụ các cấp có nhiệm vụ tương tự như nhiệm vụ của các chức vụ trong ban phục vụ huynh đoàn, trừ những quy định ở các số 83.4 và 87.3. (x. các số 83 – 89)
C.Sinh hoạt
113.Ban phục vụ các cấp buộc phải có những sổ sách như huynh đoàn. (x. số 92)
114.§I. Giữ nguyên số 93,
- Ban phục vụ liên huynh và ban phục vụ huynh đoàn giáo phận phải :
– Họp thường kỳ ít là hai tháng một lần;
– Họp toàn thể ít là sáu tháng một lần.
- Ban phục vụ huynh đoàn tỉnh phải :
– Họp thường kỳ ít là ba tháng một lần;
– Họp toàn thể ít là một năm một lần.
§II. Trong phiên họp toàn thể,
- Ngoài thành phần ban phục vụ, còn có các trưởng và phó ban phục vụ cấp dưới liên hệ. Các vị này được xem là thành viên chính thức và có quyền biểu quyết.
- Không kể những nhiệm vụ do Quy chế đòi buộc, cũng cần phải duyệt xét lại các công việc đã làm và quyết định kế hoạch sinh hoạt cho giai đoạn mới.
§III. Trong các phiên họp, không kể vị đặc trách liên hệ, các vị đặc trách khác, phụ tá các chức vụ trong ban phục vụ và các chuyên viên có thể được mời tham dự, nhưng không có quyền biểu quyết.
- §I. Trong nhiệm kỳ của mình, ban phục vụ huynh đoàn giáo phận cùng vị đặc trách huynh đoàn giáo phận phải :
1.Thăm viếng các huynh đoàn trong giáo phận;
2.Gặp gỡ các ban phục vụ liên huynh.
§II. Trong nhiệm kỳ của mình, ban phục vụ huynh đoàn tỉnh cùng vị đặc trách tỉnh phải gặp gỡ các ban phục vụ huynh đoàn giáo phận.
MỤC 5 : VỊ LINH HƯỚNG VÀ ĐẶC TRÁCH
A.Vị linh hướng
116§I. Mỗi huynh đoàn phải có một vị linh hướng. Vị này sẽ
- Hướng dẫn huynh đoàn về các vấn đề đạo lý và đời sống tâm linh (x. QL 21c);
- Thay mặt Bề trên Giám tỉnh nhận lời tuyên hứa của đoàn trưởng; trường hợp ngăn trở, có thể ủy quyền cho một linh mục hay một tu sĩ khác;
- Chủ sự nghi thức thâu nhận và tuyên hứa của các đoàn viên. (x. QL 16 và 17)
§II. Thông thường, huynh đoàn thỉnh nguyện linh mục chính xứ làm linh hướng.
§III. Đơn thỉnh nguyện linh hướng được gửi lên Bề trên Giám tỉnh để Tỉnh dòng có văn thư thỉnh nguyện chính thức với vị linh hướng. (x. Mẫu 4)
- §I. Mỗi liên huynh phải có một vị linh hướng. Vị này hướng dẫn liên huynh về đạo lý và tư vấn về những vấn đề sinh hoạt chung của liên huynh.
§II. Ban phục vụ liên huynh thỉnh nguyện
- Linh mục quản hạt làm linh hướng, nếu địa giới liên huynh là giáo hạt;
- Linh mục chính xứ làm linh hướng, nếu địa giới liên huynh là giáo xứ.
§III. Cách thức thỉnh nguyện tương tự như quy tắc của số 116 §III. (x. Mẫu 15)
- Trường hợp linh mục chính xứ hoặc Linh mục quản hạt không nhận làm linh hướng, với ý kiến của các ngài, ban phục vụ có thể thỉnh nguyện một linh mục hoặc tu sĩ nam nữ khác.
- Nếu thỉnh nguyện một tu sĩ Đa Minh làm linh hướng, phải có sự chỉ định của Bề trên Giám tỉnh hoặc vị thừa ủy của ngài. (x. QL 21c)
- Khi vị linh hướng thuyên chuyển nhiệm sở hoặc không thể thi hành chức vụ, ban phục vụ liên hệ làm đơn thỉnh nguyện vị linh hướng mới.
B.Vị đặc trách và ban đặc trách
121.Vị đặc trách huynh đoàn tỉnh, là đại diện Bề trên Giám tỉnh, lãnh đạo các huynh đoàn trong toàn Tỉnh dòng,
1.Do tỉnh hội chỉ định, sau khi tham khảo ý kiến của ban phục vụ huynh đoàn tỉnh (QL 20b);
2.Có nhiệm kỳ theo tỉnh hội;
3.Là thành viên ban phục vụ huynh đoàn tỉnh với đầy đủ quyền hạn theo luật, trừ quyền bầu cử và thụ cử. (TB 2007, IV §3)
122.Vị đặc trách huynh đoàn giáo phận là đại diện Bề trên Giám tỉnh,
1.Do vị đặc trách huynh đoàn tỉnh đề cử và được Bề trên Giám tỉnh chỉ định;
2.Với quyền hạn và nhiệm vụ theo sự xác định của Bề trên Giám tỉnh;
3.Là thành viên ban phục vụ huynh đoàn giáo phận với đầy đủ quyền hạn theo luật, trừ quyền bầu cử và thụ cử.
123.Các vị phụ tá đặc trách huynh đoàn
1/Do vị đặc trách liên hệ đề cử và được Bề trên Giám tỉnh phể chuẩn;
2.Cộng tác với vị đặc trách liên hệ.
124.§I. Ban đặc trách huynh đoàn gồm :
1.Vị đặc trách tỉnh là trưởng ban;
2.Các vị nói ở số 122 và 123.
§II. Nhiệm vụ của ban này là giúp vị đặc trách huynh đoàn tỉnh trong việc lãnh đạo các huynh đoàn trong Tỉnh dòng :
- Soạn thảo những hướng dẫn thi hành Quy luật và Quy chế;
- Đề ra đường hướng và kế hoạch huấn luyện căn bản và thường xuyên cho đoàn viên;
- Quan tâm cổ võ các huynh đoàn thi hành sứ vụ theo đoàn sủng của Dòng.
§III. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, ban đặc trách có thể được phân chia thành các uỷ ban chuyên trách.
- §I. Bốn tháng trước khi khai mạc tỉnh hội, vị đặc trách giáo phận phải tường trình cho vị đặc trách tỉnh về tình hình huynh đoàn trong giáo phận.
§II. Ba tháng trước khi khai mạc tỉnh hội, vị đặc trách tỉnh phải tường trình cho Bề trên Giám tỉnh và tỉnh hội về tình hình huynh đoàn trong Tỉnh dòng. (SHC 356. 20)
***
+ Quy luật Huynh đoàn Đa Minh Thế Giới
+ Quy chế Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam phần I
+ Quy chế Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam phần II