Đã nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không (09.12.2023 – Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Is 30,19-21.23-26, Mt 9,35 – 10,1.6-8

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 9,35 – 10,1.6-8)

9 35 Khi ấy, Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

10 1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

6 Đức Giê-su sai các ông đi và chỉ thị rằng : “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”

Đã nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không (09.12.2023)

Trong Tin Mừng Mathêu Chúa Giêsu có năm bài giảng. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu cho bài thứ hai, “bài giảng về Sứ Vụ Truyền Giáo”.

Chữa bệnh, làm cho kẻ chết sống lại, người phong được sạch, xua trừ ma quỷ là bốn dấu chỉ của Đấng Thiên sai, như Isaia đã loan báo cho dân Israel khi bị lưu đày biết. Khi ông Gioan Tẩy giả sai các môn đệ đến xin Chúa Giêsu xác nhận Ngài có phải là Đấng Messia mà toàn dân đang mong đợi không, Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách nêu những việc Ngài đã làm như ngôn sứ Isaia đã tiên báo về Đấng Messia :“người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy , kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7,22).

Chúa Giêsu chính là Đấng Messia, Đấng Thiên Sai đến để cứu độ nhân loại.

Sau một thời gian đi rao giảng Tin Mừng, chữa mọi bệnh tật và xua trừ ma quỷ, danh tiếng của Chúa Giêsu đã đồn ra khắp xứ. Người đi đến đâu dân chúng cũng lũ lượt theo người. Chúa Giêsu nhìn đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn”.

Những người theo Chúa Giêsu vất vả mệt nhọc về thể xác vì bệnh tật ốm đau, tinh thần bấn loạn bất an vì bị quỷ ám. Họ là những người bệnh và thân nhân đem người bệnh đến với Chúa. Tất cả họ mệt nhọc khổ sở vì nắng nôi, đói khát, chen lấn; đồng thời họ cũng lạc lõng bơ vơ vì thiếu mục tử chân chính chăn dắt, dẫn đường cho họ trong đời sống.

Tinh cảnh của họ như những con chiên trong chương 34 sách Êdêkien mô tả : những con chiên có mục tử, nhưng những mục tử chỉ biết khai thác họ đến bần cùng và sẵn sàng bỏ mặc họ khi hoạn nạn : “nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao ? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi làm thịt ; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh ; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành ; chiên bị thương, các ngươi không băng bó ; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về ; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. (Ed 34,3-5).

Thấy tình cảnh dân chúng như vậy nên Chúa Giêsu đã rất thương họ. Ngài đã nêu gương cho các môn đệ là phải biết chạnh lòng thương dân chúng vất vả lầm than và đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến với họ.

Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy tình trạng của dân chúng như lúa chín đầy đồng. đó là điều kiện thuận lợi vì dân chúng đã sẵn sàng để đón nhận Tin Mừng. Ngài dậy các môn đệ phải cầu nguyện xin Chúa Cha sai đi rao giảng.

Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải tiếp nối cùng thực hiện sứ mạng của Ngài, nên Ngài đã lập Nhóm Mười hai, trang bị cho họ sức mạnh của Ngài là đã ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.rồi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Con số mười hai liên tưởng tới mười hai chi tộc Israel và Chúa Giêsu tái lập Israel mới.

Người môn đệ được sai đi không phải chỉ là ra khỏi nơi cư trú, di chuyển đây đó, nhưng là phải ra khỏi con người của mình, là từ bỏ mình mà thực hiện theo ý Chúa để phục vụ tha nhân, đến những chỗ nhiều khó khăn trở ngại để rao giảng, “để lưới người”, như mệnh lệnh của Chúa Giêsu với tông đồ Phêrô : “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.”  (Lc 5,4).

Được sai đi là hồng ân Chúa ban. Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ : Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”. Một lời dặn chí tình. Ngài biết các môn đệ tin ở Ngài và sẽ rất hào hứng khi làm được những dấu lạ phi thường với sức mạnh của Ngài. Khi đó các ông có thể sinh tự mãn, “công thần”, rồi đâm ra kiêu ngạo, đòi hỏi này kia. Lời dặn của Ngài sẽ nhắc nhở các môn đệ nhớ rằng mình chỉ là những đầy tớ của Thiên Chúa, được Chúa ban ơn hậu hĩnh là được Chúa chọn gọi trước. Vì vậy để đền ơn Chúa thì phải biết chia sẻ cho đồng loại những gì Chúa ban. Đó là điều đẹp lòng Chúa

Truyền giáo luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu ở mọi nơi, mọi thời của Giáo Hội, của mọi Kytô hữu. Khi chịu phép Thánh tẩy, người Kytô hữu đã chia sẻ ba chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Giêsu. Ba chức vụ này là nhiệm vụ rao giảng và mở rộng Nước Chúa.

Cánh đồng thế giới ngày nay còn rất nhiều lúa đã chín, nên Giáo hội luôn kêu gọi Ki-tô hữu thực hành truyền giáo bằng đời sống bác ái, dấn thân cho người nghèo, người cô thế cô thân, bằng gương sáng việc thiện giữa thế giới hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chạnh lòng thương trước những người, những hoàn cảnh vất vả lầm than trong xã hội, nhất là những người chưa biết Chúa, để rao giảng Tin Mừng bằng việc phục vụ họ. Xin cho chúng con trở nên chứng nhân cho tình yêu của Chúa bằng cách chia sẻ nhưng không những hồng ân Chúa đã ban cho chúng con với những người chung quanh. Chúng con tạ ơn Chúa. Amen.

Jos. NM Tưởng

Hiệp hành…  (04.12.2021)

Lúc xưa, khi rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh tật cho dân chúng lúc bấy giờ, Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương dân chúng vì thấy họ vất vưởng lầm than không người chăn dắt, như lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Vì vậy, Chúa Giê-su đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng và cũng hãy chữa bệnh, trừ quỷ như Chúa đã làm, bởi lẽ các ông đã được cho không, thì cũng phải cho người khác cách nhưng không như vậy. (x. Mt. 10, 8)

Hôm nay, trước viễn cảnh đầy xáo trộn trong đời sống Giáo hội, trước những bất ổn, bấp bênh của đại dịch SARS-CoV-2, trước những chia rẽ tranh chấp sắc tộc, vùng miền lãnh thổ… Qua Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đang diễn ra, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã mời gọi Giáo hội hãy lên đường Hiệp Hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ. Hãy cùng nhau lên đường hướng tới sự hiệp nhất như Ba Ngôi Thiên Chúa, từ giáo sĩ, tu sĩ hãy tham gia liên đới, cúi xuống, cùng sống, cùng chia sẻ những trăn trở khó khăn trong mục vụ trước những nguy cơ xao nhãng, phai lạt đức tin; trước những tâm thức đố kỵ chia rẽ; trước những căn bệnh vô cảm tâm hồn.

Lạy Chúa, xin cho con biết dấn thân lên đường, hiệp hành cùng anh chị em con trong sứ vụ Giáo dân Đa Minh. Amen. 

CÁT BIỂN

Thợ gặt… (05.12.2020)

Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazone (06/12/2019 – 27/12/2019) đã trôi qua một năm trong tình hình thế giới nhiều biến động. Nội dung tài liệu chung kết của Hội nghị đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm sứ mạng truyền giáo, sự hội nhập văn hóa, hệ sinh thái toàn diện, việc bảo vệ các dân tộc bản địa, nghi thức của khu vực Amazon, vai trò của phụ nữ và các thừa tác vụ mới, đặc biệt là trong các khu vực thiếu việc tiếp cận với Bí tích Thánh Thể.

Có thể nói được rằng, nỗi thương cảm chạnh lòng thương xót của Chúa Giê-su khi thấy dân chúng lầm than vất vưởng trong trình thuật của Tin Mừng hôm nay; đó cũng chính là nỗi trăn trở, lo lắng của các nghị phụ trong Thượng Hội Đồng. Đây cũng chính là thách thức và tiềm năng của cánh đồng truyền giáo mênh mông hiện nay.

Trong Thượng Hội đồng, ĐTC Phan-xi-cô đã đặt vấn đề: “Tôi có thể làm điều gì tốt cho Tin Mừng ?”, đồng thời mong muốn mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng.

Hơn lúc nào hết, những “thợ gặt”, những “tay lưới người” sống vì Tin Mừng hôm nay cần phải đi ra khỏi chính mình. Họ phải cảm nhận được việc ra khơi, để đi vào chỗ nước sâu: không phải chỉ loay hoay trong vùng nước đầm lầy của ý thức hệ, mà là trong vùng biển rộng mở, nơi Thánh Thần Chúa mời gọi họ thả lưới. Họ cũng cần rời bỏ xóm làng quen thuộc, nếp sống êm đềm quanh lũy tre làng thân thuộc, đi đến những cánh đồng hoang, rừng rậm với nhiều khó khăn đang chực chờ họ. Ra khơi, ra đi là để cho những “thợ gặt”, những “tay lưới người” thời nay bị thách thức bởi tính mới lạ của nó, là đáp lại lời mời gọi ra khỏi chính mình và các kế hoạch của mình để Tin Mừng có thể tỏa sáng ở những nơi còn tăm tối với phương cách mới mẻ của nó trong hoạch định, trợ giúp của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho những cánh đồng lúa đức tin ngày càng dồi dào những thợ gặt lành nghề dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sự sống. Amen. 

CÁT BIỂN

Nước Trời đã đến gần… (07.12.2019)

Ngày 07.12 :Lễ Nhớ Thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, TSHT

Thánh Mát-thêu trình bày sứ vụ tại thế của Đức Giê-su hết sức cụ thể và sinh động: Người đi khắp các thành thị, các làng mạc, các hội đường ở xứ Pa-lét-tin để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa trị các thứ bệnh hoạn, tật nguyền. Người đã động lòng trắc ẩn Yêu Thương khi thấy dân chúng lầm than vất vưởng, đau khổ… (x. Mt 9,35-36). Song song đó,  Ngài đã ban cho mười hai tông đồ quyền năng chữa trị các bệnh hoạn tật nguyền, và còn ban cho các ông năng quyền khử trừ ma quỷ; kể cả làm cho kẻ chết sống lại (x. Mt 10,1.8) để tỏ dấu chỉ cho dân chúng nhận thấy Nước Trời đã đến gần.

Để thực hiện được các công việc nói trên quả là nhiệm vụ bất khả thi, quá sức con người; nhưng với quyền năng Chúa ban, các tông đồ tin chắc rằng không gì là không có thể làm được.

Lạy Chúa Giê-su, cứ mỗi lần mừng lễ Giáng Sinh xin cho con thêm xác tín vào tình yêu cao cả của Chúa đối với nhân loại phàm trần chúng con. Amen.

CÁT BIỂN

Vương quốc tình yêu và sự tha thứ (05.12.2015)

Ghi nhớ Lời Chúa: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít,…”

Suy niệm: Thực hiện chương trình cứu chuộc muôn dân, Đức Giêsu bôn ba rảo bước khắp các thành thị, làng mạc miền Ga-li-lê, trước khi vượt qua Sa-ma-ri để đến Giu-đê-a. Người ra đi không mỏi mệt, rao giảng tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền cho con cái Ít-ra-en. Gặp gỡ dân chúng, Đức Giêsu chạnh lòng thương, vì cuộc sống lầm than của họ: Đói nghèo về vật chất vì cơm bánh không đủ no; áo xống không đủ ấm trong những đêm lạnh giá; trên vai còn chứa chất những cái ách nặng nề của những tập tục, truyền thống cha ông để lại- lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác – phát xuất từ những quan niệm sai lạc về lề luật Cựu Ước  mà các nhà lãnh đạo Do Thái giáo áp đặt.

Bên cạnh đó, đời sống của dân chúng còn bị chìm đắm trong nỗi bất công và tủi nhục vì  bị đế quốc Rôma thống trị, càng làm cho cuộc sống thêm cơ cực. Dân Do Thái thời bấy giờ, đang mất dần lòng tin vào giao ước mà cha ông họ là Môsê, các thượng tế và các kỳ mục đã loan truyền. Đức Giêsu xuất hiện, Người đồng cảm với nỗi thống khổ của dân chúng đang khi họ lạc lõng, bơ vơ và mất phương hướng, vì họ  không có người lãnh đạo chân chính dẫn đường. Đức Giêsu  công bố: “Nước Trời đã đến gần…”; Người rao giảng cho họ chân lý, giải thoát họ khỏi lầm lạc và chữa lành khỏi mọi bệnh tật.

Dân chúng đã phần nào nhận ra Đấng Mêsia của Thiên Chúa và đi theo Người. Trước viễn tượng về một cộng đoàn đông đảo những người tin và đón nhận Tin Mừng,  Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Đức Giêsu gợi ý và trao cho các môn đệ trách nhiệm góp phần vào công cuộc cứu rỗi của Người; đó là cầu nguyện để cánh đồng truyền giáo có nhiều thợ gặt nhiệt thành và thu gom về cho Thiên Chúa những bông lúa vàng trĩu hạt. Người quy tụ một dân riêng mới và thiết lập vương quốc của Người: vương quốc tình yêu và sự tha thứ.

Đó chính là Hội Thánh mà ngày nay đã lan tỏa trên khắp hoàn cầu. Hội Thánh ấy được xây dựng trên những nền móng vững chắc là các tông đồ. Đức Giêsu  chọn gọi mười hai môn đệ và ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn, tật nguyền cho những ai tin, và Người sai các ông đi. Mười hai cột trụ của Hội thánh đó là: Anh em ông Si-mon Phê-rô, anh em Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, ông Tô-ma, ông Mát-thêu người thu thuế và một số người khác.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến ơn giải thoát dành cho nhân loại, và sự cần thiết những người “thợ gặt” nhiệt thành, tận tụy cộng tác với Đức Giêsu để xây dựng Nước Trời. Tin mừng cũng nhắc nhở mỗi người ơn gọi: chung tay góp sức trên cánh đồng truyền giáo của Đức Giêsu cho mùa gặt bội thu .

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con cũng như các tín hữu của Chúa ý thức về ơn gọi Kitô Hữu, và tích cực cộng tác với ân sủng của Chúa đã ban cho qua Hội Thánh mà góp phần thu gom các linh hồn về cho Chúa như lòng Chúa mong ước.

Sống Lời Chúa:

  • “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Nỗ lực trở nên nhân chứng cho Tin Mừng và nhiệt thành tham gia việc tông đồ bằng lời cầu nguyện và gương sáng trong đời thường.
  • Tin tưởng, yêu mến và nhiệt thành cộng tác với Hội Thánh, với những người được Thiên Chúa cắt đặt chăm sóc, dẫn dắt dân của Người, để thực thi sứ vụ tông đồ; nhất là ở nơi giáo xứ và đoàn thể mình đang tham dự.

Hữu Thuận

Nhận và Cho (09.12.2017)

Ở mọi thời đại, sự công bằng luôn được con người đặt lên hàng đầu. Người ta muốn mọi thứ phải sòng phẳng vì những thứ liên quan đến vật chất thường nảy sinh những điều rắc rối về tình cảm. Để đảm bảo sự công bằng, người ta đã đặt ra lề luật khiến người ta phải thực hiện theo khuôn khổ nhất định. Tuy nhiên, không phải bất cứ điều gì cũng phải tuân theo công lý vì người ta thường thích “lách luật”. Do đó, cần nhìn nhận sự công bằng ở nhiều khía cạnh khác nhau, đơn cử là việc “nhận”“cho”.

Có những người thích nhận vào nhiều hơn là cho đi vì đối với họ, bản thân mình là trên hết. Những người ấy chỉ muốn tích trữ cho riêng mình càng nhiều càng tốt. Họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để thu vén cho mình nhưng chẳng bao giờ muốn cho đi như họ được nhận. Đó là sự ảnh hưởng vô cùng tai hại của lối sống thực dụng đối với xã hội hiện đại. Lối sống ấy khiến người ta ngày càng ích kỉ, tự cô lập mình với mọi người, chỉ cần bản thân họ sung túc là đủ. Đây là lối sống đáng lên án.

Ngược lại, không ít người muốn cho đi nhiều hơn nhận vào, họ “lách luật” bằng tình cảm, điển hình là các bậc cha mẹ. Tình cảm của các ngài dành cho con cái không thể nào diễn tả bằng lời cho đủ. Họ hy sinh cuộc đời cho đàn con nhưng chưa bao giờ mong chúng đáp trả lại một cách công bằng. Vì sao ư? Xin thưa, vì dù có dùng cả cuộc đời để đền đáp, chúng ta vẫn không thể đáp trả đầy đủ tình cảm ấy của các ngài. Qua đó, ta có thể cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa một cách gần như trọn vẹn vì Người là Cha của tất cả chúng ta.

Bên cạnh đó, cũng có những người là chuẩn mực của sự công bằng, họ chỉ cần nhận lại đầy đủ những gì mình đã cho đi là đủ, không hơn, không kém. Tuy nhiên, đó chỉ là sự công bằng trên lí thuyết, sự công bằng chỉ có thể áp dụng được với thế giới vật chất, vì tình cảm của con người không thể cân đo đong đếm, khó có thể khiến cán cân giữa “nhận”“cho” trở nên cân bằng được. Do đó, dù rất lý tưởng, kiểu công bằng này vẫn chỉ nằm trên lí thuyết mà thôi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta phải cho nhiều hơn nhận như các bậc cha mẹ, cũng không được trở thành những kẻ thực dụng thích nhận hơn cho, nhưng Người muốn chúng ta đem sự công bằng trên lý thuyết đưa vào cuộc sống của mình, trước hết là việc “được cho không thì phải cho không như vậy”. Thoạt nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng thực chất nó lại vô cùng khó khăn, nhất là trong xã hội thực dụng như ngày hôm nay. Ai cũng muốn được cho không nhưng chẳng ai chịu cho đi như những gì họ đã nhận được.

Là những người Công giáo sống giữa một xã hội mà sự thực dụng lên ngôi, chúng ta cần phải tỉnh thức, lắng nghe và làm theo Lời Chúa dạy. Chúng ta phải nhận thức rằng, mình được cho không thì tại sao lại không thể cho không như thế? Dẫu biết nghe theo Chúa là đi ngược với xã hội, trở thành những kẻ khờ dại trong mắt người đời. Tuy nhiên, chính sự khờ dại đó mới có thể cứu rỗi chúng ta giữa trần gian đầy cạm bẫy này. Ước mong sao mỗi người chúng ta biết tự nhận thức được tầm quan trọng của những Lời Chúa dạy, để có thể trở nên những nhân chứng sống động cho tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian này.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài không đòi hỏi chúng con vượt quá sức của mình, Ngài chỉ yêu cầu chúng con việc rất đơn giản: cho không vì đã được nhận không. Xin Chúa hãy ban ơn giúp sức, để chúng con đủ khả năng bước theo con đường Ngài chỉ dạy và truyền rao chân lý ấy cho muôn người, nhất là trong những ngày chúng con đang tỉnh thức trông đợi Ngài đến trong vinh quang. Amen.

Petrus Sơn

Điều cốt yếu: Chúa Giêsu

Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. (Mt 9,36).

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay trình bày những điểm chính yếu trong đời hoạt động công khai của Chúa Giê-su. Ngài đã đi khắp các nẻo đường thành thị hay thôn quê rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, tuyển chọn huấn luyện các môn đệ, ban quyền chữa lành và sai họ đi truyền giáo. Động cơ thúc đẩy sứ vụï của Chúa Giêsu chính là tình yêu Ngài dành cho đám dân chúng “lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt”. Chúa Giêsu thể hiện tình yêu này cách sống động, không mệt mỏi trên từng bước đường truyền giáo. Không có nơi nào Ngài đi qua mà không ghi đậm dấu ấn tình yêu dành cho những người đau khổ, các tội nhân, những người bị gạt ra bên lề xã hội.

Mời Bạn: Nói về tân phúc âm hóa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng: cần phải có một phương án mục vụ đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu: “Không nên phân tán chúng thành quá nhiều những điều phụ thuộc hay phù phiếm mà phải tập trung vào thực tại nền tảng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, với lòng thương xót của Người, với tình yêu của Người và yêu thương anh em như Người đã yêu” (Diễn văn tại Hội Nghị của Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa, 14.10.2013). Như vậy đã rõ cốt lõi của tân phúc âm hóa chính là trở về với tình yêu của Chúa Giêsu: phải cảm nghiệm Chúa Kitô rồi mới rao giảng và dẫn đưa anh em về với Ngài được.

Sống Lời Chúa: Để sống kết hiệp với Chúa Giêsu mật thiết hơn, tôi tham dự Thánh lễ, rước lễ và chầu Thánh Thể.

Cầu nguyện: Hát: “Lạy Chúa xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng…”

Vô điều kiện

“Nước Trời đã đến gần… Anh em đã được cho không, thì hãy cho không như vậy.” (Mt 10,7.8).

Suy niệm: Mùa Vọng là dịp thuận tiện để chúng ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì chúng ta có, những gì được hưởng, để thấy tất cả những điều đó chúng ta đều được “cho không”. Con Thiên Chúa Nhập Thể, đem Nước Trời đến cho nhân loại, chúng ta được hưởng mà đâu cần phải có điều kiện gì (sức khỏe, tài năng, của cải, địa vị …), chỉ có mỗi việc là chúng ta đón nhận Ngài và sống đúng với những gì Ngài đã nói và đã làm, như thế chúng ta đã là công dân của Nước Trời rồi. Ý thức được điều đó, chúng ta cũng hãy bắt chước Ngài để diễn tả hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta. Một hình ảnh “cho không” sẽ lay động biết bao tâm hồn đang trông chờ được thuộc về Nước Thiên Chúa. Vậy là chúng ta đã làm cho “Nước Cha trị đến” từ chính việc cho đi vô điều kiện.

Mời Bạn: Chúng ta đang ở trong Hội thánh, là hình ảnh của Nước Thiên Chúa. Vậy Bạn và tôi đã làm gì ‘nhưng không’ cho Giáo hội, để nhờ đó mà mọi người chưa biết Chúa nhìn thấy hình ảnh của Nước Trời?

Chia sẻ: Sống tinh thần Mùa Vọng, là hãy nỗ lực tự đi tìm những việc ‘không tên’ để diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm “Bạn có gì mà bạn không nhận lãnh” (x. 1Cr 4,7), để sống quảng đại hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa tự nguyện đến với chúng con và đã cho chúng con có thời gian để sống và làm chứng cho giá trị của Nước Trời. Xin thêm lòng can đảm cho chúng con để biết chúng con biết ‘cho đi mà không tính toán’. Amen.