Phương cách tiếp cận hiện đại đối với Phúc Âm là kết quả của việc phát triển truyền thuyết, nó có ảnh hưởng thực tế gì để chúng ta dùng Phúc Âm cho lợi ích tinh thần?
Sau đây là câu trả lời của cha Raymond Brown.
Tôi sẽ trả lời bằng một thí dụ cụ thể. Người ta chỉ cần nhìn đến “Sunday Lectionary” (các bài đọc Cựu và Tân Ước trong lễ Chúa Nhật – [không thấy có trong tiếng Việt – chú thích của dịch giả]), là một tổng hợp các bài đọc mà giờ đây được nhiều giáo phái Kitô Giáo chấp nhận theo nghĩa rộng. Trong Giáo Hội Công Giáo La Mã, trước khi tổng hợp này được giới thiệu, người ta nghe cùng 52 đoạn trong các Chúa Nhật hàng năm. Các đoạn này được trộn lẫn mà không phân biệt từ Phúc Âm nào, bởi thế, trong một Chúa Nhật người ta có thể nghe một đoạn từ Mátthêu, và Chúa Nhật khác từ Luca, nhưng ít khi nghe Máccô. Theo kinh nghiệm của tôi là một linh mục, người ta có thể giảng một đoạn tỉ như dụ ngôn người gieo giống mà không bao giờ nhấn mạnh được trích từ Phúc Âm nào. Đó là vì cả người giảng lẫn khán giả đều có ấn tượng rằng khung cảnh nền tảng Phúc Âm không tạo nên sự khác biệt về ý nghĩa của đoạn này – Đức Giêsu nói bằng dụ ngôn, và các thánh sử chỉ là người tường thuật.
Tuy nhiên, trong Sách Bài Đọc Chúa Nhật, các bài Phúc Âm của năm đầu (A) trích từ Mátthêu, năm kế là từ Máccô (B), và năm thứ ba (C) là từ Luca. Phúc Âm Gioan được đọc trong những thời gian đặc biệt, như mùa Chay và Phục Sinh. Sự xếp đặt đó giúp chúng ta nhận biết tầm quan trọng của tính cách địa phương của đoạn Phúc Âm trích dẫn, bởi vì khung cảnh của toàn thể Phúc Âm tăng thêm ý nghĩa cho đoạn trích. Thí dụ, câu chuyện bánh hoá nhiều xảy ra trong cả bốn Phúc Âm; nhưng mỗi cuốn có thể có ý nghĩa khác nhau tuỳ theo lý luận của thánh sử. Có lẽ không phải mọi người rao giảng đều ý thức điều này; tuy nhiên sự xếp đặt của sách bài đọc khuyến khích họ hãy ý thức điều đó.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.com