Suy niệm (19.06.2016 – Chúa Nhật XII Thường Niên năm C)

Lời Chúa: Lc 9,18-24

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : “Dân chúng nói Thầy là ai ?” 19 Các ông thưa : “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20 Người lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22 Người còn nói : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” 

1. Tin hay không tin?

2. Nhận diện Đức Kitô

3. Hãy từ bỏ mình

4. Đức Kitô là ai?

5. Thầy là ai?

6. Dấu chứng tình yêu – Thiên Phúc

***

1. Tin hay không tin?

Phêrô đã tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, còn chúng ta, chúng ta có tin Ngài hay không? Hẳn chúng ta còn nhớ lời tiên báo của ông già Simêon: Con trẻ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp phạm. Và sự thật đã được minh chứng qua dòng thời gian.

Đúng thế, Đức Kitô đã chia nhân loại thành hai giới tuyến rõ rệt. Tin hay không tin, kiến thiết hay phá hoại như lời Ngài đã nói: Ai không cùng Ta kiến thiết đó là kẻ phá hoại. Đức Kitô không chấp nhận những thái độ lừng khừng và do dự, những thái độ đi nước đôi và bắt cá hai tay. Vì ngươi không nóng cũng không lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.

Tuy nhiên dầu tin hay không tin, tất cả mọi người đều biết rằng: Ngài không phải là một triết gia như những triết gia khác, lý thuyết của Ngài không phải là một lý thuyết suông, chẳng dính dáng gì đến đời sống con người và tín thư Ngài đã mang lại không thể để con người lãnh đạm được. Trái lại, nó gói ghém một vấn đề hệ trọng nhất của nhân loại, một vấn đề liên quan tới định mệnh của mỗi người chúng ta.

Những người đã đến với Đức Kitô, đã sống với Ngài và vì Ngài là những người cương quyết dành cho Ngài tất cả lòng trung thành không gì lay chuyển nổi. họ đã trung thành cho đến chết, chết dưới nanh vuốt ác thú, chết dưới lưỡi gươm bạo chúa, hay ngã quỵ dưới làn đạn xé thịt. Còn những kẻ không nhận Ngài thì ghét Ngài và nhất quyết không đội trời chung với những ai tự xưng là môn đệ của Ngài.

Và như thế, những sự bách hại không làm cho người tín hữu ngạc nhiên, vì họ nhớ tới lời tiên báo của Thầy mình: Họ đã ghét Thầy thì họ cũng sẽ ghét các con. Họ ghét chúng ta vì chúng ta thuộc về Thầy. Đức Kitô của Đức Kitô luôn bị phản đối, bị bách hại, không phải chỉ bằng gươm giáo súng đạn, mà còn bằng những sự phỉ báng và bài xích. Chính Đức Kitô ngày xưa cũng đã bị vu oan, tố cáo là tên phản quốc, phá luật, phạm đến Thiên Chúa và bạn với bọn tội lỗi và thu thuế. Vấn đề Đức Kitô mãi mãi là một vấn đề thời sự nóng bỏng, làm cho chúng ta phải băn khoăn suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh. Tin hay không tin.

Từ thẳm sâu cõi lòng, chúng ta dường như nghe thấy một thứ tiếng gọi, tuy âm thầm nhưng mãnh liệt, đòi chúng ta phải trả lời dứt khoát, như là bước vào một cuộc mạo hiểm sống chết, bởi vì chính Chúa cũng đã nói: Ai tin Ta sẽ không chết, nhưng sẽ được sống đời đời. Và như thế vấn đề Đức Kitô là một vấn đề luôn quan trực tiếp đến mỗi tâm hồn, và chỉ được giải quyết bằng một cuộc trao đổi của mỗi người trong tin yêu và phó thác.

2. Nhận diện Đức Kitô

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đức Kitô là ai? Đó là câu hỏi sẽ còn làm nhiều người thuộc nhiều thế hệ băn khoăn thắc mắc. Có rất ít người, kể cả những môn đệ thân tín, dù đã quyết tâm theo Người, thực sự hiểu Người cho đúng.

“Mesiah” trong tiếng Do thái và “Kitô” trong tiếng Hi lạp có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu. Là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Là Đấng dân Do Thái mong đợi. Nhưng Đấng Kitô thực sự như thế nào, sẽ sống như thế nào và sẽ làm gì thì vẫn còn trong vòng mơ hồ. Tuy nhiên đa số người Do Thái ước mơ Đấng Kitô đến để khởi đầu một thời kỳ mới, đưa nước Do Thái lên vị trí bá chủ thế giới. Người sẽ trở thành vị Chúa Tể thống trị khắp địa cầu.

Chính vì thế, hôm nay Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu Người cho đúng. Thọat tiên Chúa hỏi các ông về luồng dư luận. Nhất là sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Quả nhiên mọi người đều công nhận Chúa Giêsu là một tiên tri vĩ đại. Nhưng chưa có ai dám quả quyết Người là Đấng Kitô. Chúa hỏi thêm về ý kiến của các môn đệ thân tín. Phêrô đại diện anh em tuyên xưng: “Thày là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu hài lòng về lời tuyên xưng ấy. Tuy nhiên khi tuyên xưng, Phêrô vẫn chưa thật sự hiểu Đấng Kitô có nghĩa là gì. Có lẽ ông còn chịu ảnh hưởng của đám đông nghĩ đến một Đấng Kitô oai nghi, vinh quang và quyền lực. Vì thế Chúa Giêsu đã phải giải thích cho các môn đệ hiểu biết con đường của Người.

Trước hết, Chúa Giêsu “nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai”.Không được nói cho họ biết Người là Đấng Kitô. Vì họ chưa hiểu Đấng Kitô là gì. Họ có thể tôn vinh Người lên làm vua. Như họ đã muốn làm thế sau khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Như thế là sai đường lối của Chúa. Và có thể làm hỏng kế họach của Chúa.

Sau đó Chúa bày tỏ cho các môn đệ biết con đường thực sự mà Đấng Kitô phải đi là con đường đau khổ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Đó là con đường tủi nhục. Con đường khổ nạn. Con đường chết chóc. Nhưng sau tủi nhục sẽ đến vinh quang. Sau khổ nạn sẽ là hạnh phúc. Sau chết chóc là phục sinh. Đó không phải là con đường vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhỏ hẹp thiêng liêng. Nhưng đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực.

Rồi Chúa nói với các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Muốn theo chân Chúa, các môn đệ không thể đi con đường nào khác con đường của Chúa. Phải đi vào con đường hẹp để dẫn đến Nước Trời. Đi vào con đường đau khổ để đến vinh quang. Vượt qua cái chết để đến sự sống.

Bây giờ ta đã hiểu Đấng Kitô thực sự là gì. Bây giờ ta đã hiểu con đường của Đấng Kitô phải đi là con đường nào. Và ta cũng đã hiểu muốn theo Chúa ta phải đi vào con đường nào. Nhận diện Đấng Kitô đã khó. Đi vào con đường của Người còn khó hơn. Ta hãy xin Chúa ban cho ta được sức mạnh để đi theo con đường Chúa đã đi. Chính con đường đó dẫn ta đến hạnh phúc đích thực.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Tại sao Chúa cấm các môn đệ tiết lộ Người là Đấng Kitô?

2- Con đường Đấng Kitô phải đi là con đường nào?

3- Các môn đệ Chúa phải đi con đường nào?

4- Qua bài Tin Mừng hôm nay, tôi nghĩ thế nào về con đường Hội Thánh phải đi? Phô trương hay khiêm nhường? Quyền lực hay bé nhỏ?

5- Tôi có quyết tâm đi vào con đường Chúa đã chỉ cho tôi không?

3. Hãy từ bỏ mình

“Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”

Hôm nay Chúa Giêsu cũng lại hỏi chúng ta: “Các con bảo Thầy là ai?” (Lc 9, 20).

Câu trả lời có thể là: Ngài là trái đất, là bầu trời xanh, là đại dương bao la, là bài ca, là cơn gió nhẹ ban mai, là thanh âm và hơi thở củ mọi loài sinh vật, là sự rực rỡ của mùa xuân, là nắng hè ấm áp, là những cơn mưa ngâu, là vẻ đẹp lúc sang thu, là cánh tuyết long lanh mùa đông, là ánh bình minh và hoàng hôn. Ngài là ánh mắt và nụ cười của trẻ thơ, là bàn tay êm ái của mẹ hiền, là cánh tay che chở của người cha, là tình huynh đệ của các anh chị em, là sự âu yếm của ông bà nội ngoại, là sự ồn ào tươi vui của bạn bè, là những lời thì thầm yêu đương, là sự ngây thơ của nụ hôn đầu tiên. Ngài là tiếng cầu cứu của trẻ thơ và người già bị bỏ rơi, là cơn đau sầu khổ của người bệnh, là bác sĩ, là niềm hy vọng, là người khách. Ngài là người bạn, là người yêu, là lối đi, là ánh sáng, là cuộc đời, là lời chúc lành, là bóng hình từ ái của người tu sĩ, là sự dịu ngọt linh thiêng trong bí tích Thánh Thể, là Đấng Cứu Độ của tôi. Và còn bao nhiêu trả lời khác nữa.

Thế nhưng, cảm nghiệm về “Chúa Giêsu là ai” trong cuộc đời của mỗi người rất khác nhau. Trong bài Phúc Âm ( Lc 9, 18-24) Chúa Giêsu hỏi các môn đệ “Thầy là ai” để giúp họ biết “họ là ai” trong tương quan giữa họ với Chúa Giêsu. Khi tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9, 20). Phêrô cũng khẳng định ông là môn đệ của Ngài. Vì thế Chúa mới nói cho các môn đệ biết họ cũng phải đi theo con đường đau khổ giống như Ngài. “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,22-23). Đó là con đường bước theo Thầy Giêsu củangười môn đệ..

Trong bài đọc thứ hai Thánh Phaolô nhắc nhở dân Galát rằng: “Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3, 27). Mặc lấy Đức Kitô, hay mặc lấy chiếc áo trắng rửa tội là mang lấy thánh giá giống như Ngài. Đau khổ của thập giá tự bản chất là hình phạt của tội (St 3, 16-19). Nhưng qua Đức Kitô, đau khổ đã trở nên giá cứu chuộc nhân loại, thập giá trở thành Thánh Giá. Thánh Giá với tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh là một hình ảnh giúp chúng ta ý thức về ý nghĩa của sự đau khổ. Chúng ta giữ thân xác khổ đâu của Chúa Giêsu trên thập giá để nhắc nhở chúng ta đừng quên rằng nhờ sự khổ đau của Chúa Giêsu mà chúng ta được ơn cứu rỗi và cùng chia sẻ sự Sống Lại với Ngài (Ga 1, 4; 1Ga 1, 7). Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cây thập giá còn là một nhắc nhở về lời Ngài dạy bảo chúng ta hôm nay: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9, 23). Thập giá Chúa Giêsu đề cập chính là sự chọn lựa từ bỏ mình để dâng hiến hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa (Rm 6, 13; 12, 1). Từ bỏ những ý kiến, suy nghĩ riêng tư, cả cái tôi kiêu căng, tự ái, ích kỷ, và lòng ham hố danh lợi (Pl 2, 21). “Hãy từ bỏ mình” là con đường tu đức biến đổi đau khổ của thập giá trở thành ơn cứu độ của Thánh Giá mà Chúa Giêsu đã dạy và chết vì yêu thương chúng ta. “Hãy từ bỏ mình” là con đường dài cho đến hơi thở cuối cùng. Con đường đó bắt đầu xem ra có vẻ dễ dàng, nhưng diễn tiến và kết thúc lại vô cùng khó khăn. Để hoàn toàn từ bỏ chính mình như Đức Kitô đã từ bỏ, chúng ta phải học biết cách yêu thương như Ngài đã yêu (Ga 15, 12; Ep 2, 4-6).

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết từ bỏ mọi sự để dứt khoát bước theo Ngài đến cùng. Amen.

4. Đức Kitô là ai?

Qua đoạn Tin mừng vừa nghe, chúng ta thấy Phêrô, đã thay mặt cho nhóm mười hai, tuyên xưng:

– Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Tuy nhiên, biết Chúa Giêsu là Đức Kitô mà thôi chưa đủ, điều quan trọng đó là còn phải hiểu danh xưng ấy theo ý nghĩa nào?

Thực vậy, mặc dầu Phêrô đã tuyên xưng đức tin, nhưng liền sau đó, ông lại tỏ ra chẳng hiểu biết gì về sứ mạng của Ngài, bởi vì vào thời bấy giờ, người Do Thái có những quan niệm rất khác biệt nhau về Đức Kitô. Điều nay cũng dễ hiểu, bởi vì danh từ khó mà phản ảnh đúng về con người.

Chẳng hạn chúng ta có thể gọi một người là tổng thống hay chủ tịch, nhưng trong thực tế, đó có thể chỉ là một tên độc tài tàn bạo, chứ không phải là một nhà lãnh đạo như trong các thể chế dân chủ. Chính các tông đồ cũng đã hiểu lầm về sứ mạng của Đức Kitô. Các ông coi Ngài chỉ là một Đấng cứu tinh trong phạm vi trần tục, sẽ giải thoát dân tộc các ông thoát khỏi ách thống trị của đế quốc La Mã và rồi các ông sẽ được chia chác phần vinh quang, được ngồi bên phải và bên trái, nghĩa là được giữ những chức vụ to lớn trong vương quốc của Ngài.

Ngày nay cũng vậy, không phải tất cả mọi người tuyên xưng Đức Kitô đều hiểu theo cùng một nghĩa và nhất là hiểu đúng cái nghĩa mà Ngài muốn chúng ta phải hiểu. Thực vậy, có quá nhiều những nét huyền thoại đã được tô lên khuôn mặt đơn sơ và khiêm nhường của Đức Kitô, khiến cho nhiều người chẳng còn có thể nhận diện được Ngài nữa. Đức Kitô hôm nay có lẽ đã được tô vẽ bằng những nét vinh quang, siêu việt và cao cả. Ngài đã trở thành một vị thần minh ngự trên chín tầng trời, khác biệt với Đức Kitô của lịch sử.

Rồi chúng ta hiểu thế nào về danh từ “Con Thiên Chúa hằng sống?” Có phải theo nghĩa là thiên tử, là con trời kiểu Trung Hoa chăng? Hay theo kiểu thần thoại? Chúa Giêsu quả thật là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa làm người. Nói cách khác, Thiên Chúa đã muốn tự mạc khải trong chính con người Đức Kitô. Ngoài con người ấy ra, không ai thấy được Thiên Chúa…

Dân Do Thái ngày xưa đã không tin Ngài là Đức Kitô, bởi vì họ không thể tin rằng Thiên Chúa lại hiện thân như một con người bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường: Con của một bác thợ mộc, sống một cuộc đời không có gì đặc biệt ở giữa họ.

Ngày nay trong thực tế, có lẽ nhiều người tín hữu cũng không thể nào tin yêu Đức Kitô, nếu họ gặp Ngài dưới hình dạng một con người tầm thường như vậy. Cứ nhìn các ảnh tượng người ta đã vẽ, đã tạc thì thấy rõ là ai ai cũng chỉ muốn tin nhận một Đức Kitô phi thường và siêu việt. Đức Kitô đối với nhiều người chỉ còn là Chúa, chứ không còn là người nữa.

Chúng ta tin vào một Đức Kitô toàn năng, một Đức Kitô chiến thắng, bởi vì chỉ có Đấng ấy mới có thể đáp ứng những đòi hỏi, những ước mơ không cùng của con người, bù trừ được những thiếu sót mà con người, tự sức riêng, không thể nào giải quyết nổi.

Thế nhưng, sự thật lại không phải là như vậy. Đức Kitô đến không phải để được đề cao, để được tôn vinh, nhưng đến để cùng đi, cùng sống với loài người, trong thân phận của một con người, của một tôi tớ, của một nô lệ. Với trí khôn, chúng ta không thể nào hiểu biết, nhưng với tình yêu, chúng ta sẽ dễ dàng tin nhận.

Phải, chỉ có những người biết yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương, mới có thể nhận biết ngài là Đức Kitô của Thiên Chúa, bời vì Thiên Chúa là Tình yêu và con tim có những ly lẽ riêng của nó.

5. Thầy là ai?

(Trích dẫn từ ‘Manna’)

Suy Niệm

Đám đông bảo Thầy là ai?

Nói chung đám đông coi Ngài là một ngôn sứ đã khuất, nhưng nay sống lại: một Gioan Tẩy Giả, một Êlia hay một ngôn sứ nào khác. Hiểu như thế đã là kính trọng lắm rồi, nhưng tiếc thay lại không đúng, vì Đức Giêsu chẳng phải là người của kiếp trước hiện về…

Hôm nay tôi cũng cần biết người quanh tôi nghĩ gì về Ngài: một nhà cách mạng xã hội? Một nhà cải cách tôn giáo? một người đã dám sống và đã chịu chết, để khai sinh một xã hội bình đẳng và huynh đệ đại đồng?

Có cái nhìn còn khiếm khuyết, nhưng đã là một con đường rộng mở về chân lý.

Các con bảo Thầy là ai? Phêrô trả lời đúng: Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa.

Bản thân tôi cũng phải trả lời câu hỏi trên, sau khi đã theo Chúa một thời gian dài.

Đức Giêsu là một mầu nhiệm không ngừng mở ra và lớn mãi. Ngài không thay đổi, nhưng sau mỗi biến cố, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi con người Ngài.

Ngài vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, nhưng Ngài thường đến với tôi dưới nhiều dáng dấp.

Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi: “Con bảo Thầy là ai?”

Càng lúc câu trả lời càng được thanh luyện.

Tôi sẽ sống dựa trên câu trả lời của mình.

Đức Kitô bảo mình là ai?

Ngài thường định nghĩa mình bằng những hình ảnh cụ thể. Tôi là Cửa (Ga 10,7), là Mục Tử (10,11), là Ánh Sáng (12,46). Tôi là Đường (14,6), là Cây Nho (15,1), là Bánh (6,51).

Định nghĩa nào cũng gắn chặt Ngài với con người.

Cửa để chiên ra vào. Mục Tử để chiên được sống. Ánh Sáng để ta dễ bước đi, Đường để đưa ta đến với Cha. Thân Nho để các cành sinh trái, Bánh để nuôi nhân loại.

Đức Kitô sống cho con người và sống với con người. Ngài nhận mình là Chúa, là Thầy, là Bạn, là Anh Trưởng của mọi người chúng ta.

Ngài nhận mình là Đức Kitô dân Do thái mong đợi.

Nhưng Ngài không giấu ta thân phận của Ngài: phải vượt qua khổ đau và cái chết mới được vào cõi sống.

Đức Kitô bảo tôi là ai?

Kitô hữu là người vác thập giá theo sau Đấng vác thập giá. Chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã đi.

Thân phận Kitô hữu gắn liền với thân phận Thầy mình: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống với Ngài” (2Tm2,11).

Mầu nhiệm Vượt Qua nằm ở trung tâm đời sống Kitô hữu. Vượt qua lớn nhất là vượt qua chính mình mỗi ngày.

Từ bỏ chính mình là để có thể sống cho tha nhân.

Mất mạng sống mình là để tín trung với Chúa.

Ước gì tôi là tôi hơn, khi tôi ra khỏi tôi.

Gợi Ý Chia Sẻ

“Gạt Đức Kitô ra khỏi đời tôi, mọi sự sẽ sụp đổ, giống như một thân xác bị người ta lấy đi bộ xương, quả tim và cái đầu.” Bạn nghĩ gì về câu nói trên của Cha Phêrô Arrupe?

Ở Ấn Độ, nhiều người thích coi Đức Giêsu như một nhà Đạo Sư (Guru). Theo ý bạn, ở Việt Nam, khuôn mặt nào của Đức Giêsu dễ được chấp nhận hơn cả?

Cầu Nguyện

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy không gọi chúng con là tôi tớ, Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ. Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy, vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con những điều riêng tư thầm kín nhất trong tương quan giữa Thầy và Cha.

Hơn nữa, sau phục sinh, Thầy đã gọi các môn đệ là anh em. Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con luôn thi hành ý muốn của Cha để trở nên những người em cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.

Còn Thầy lại hạ mình xuống phục vụ chúng con như người tôi tớ, rửa chân cho chúng con như một nô lệ và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen. 

6. Dấu chứng tình yêu – Thiên Phúc

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Cô Ann Thomas kể lại câu chuyện sau đây: Hôm đó, cô và Betty ghé vào một sạp bán đồ cũ. Ann vừa lôi ra một khay đồ linh tinh, Betty bước tới hỏi: – Có đồ gì đáng giá không? Ann trả lời: – Không, toàn là đồ năm vố thôi.

Đoạn cô bước sang bên cạnh nhường cho Betty vào xem. Betty chăm chú nhìn vào đống lặt vặt, nhặt lên một cây thập giá cũ han gỉ và nói: – Thật khó mà tin được. Tôi đã tìm được đồ quý: cây thánh giá này làm bằng chất bạc xưa.

Cô bạn của Ann đem về nhà lau chùi và đánh bóng cây thập giá. Đây quả là một vật quý.

Về sau, đứa con trai bảy tuổi của Betty tên Bobby cầm cây thập giá lên ngắm nghía hồi lâu. Bỗng nhiên cậu bé òa lên khóc. Betty liền hỏi: – Con sao vậy? Bobby nói: – Con không cầm lòng được khi thấy Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.

Ba người nhìn vào cây thập giá, có ba thái độ khác nhau: một người dửng dưng cho là đồ ve chai, người khác thích thú vì khám phá ra vật quý, còn người khác nữa lại xúc động rơi lệ vì nhận ra Đức Giêsu chịu đau đớn trên thập giá.

Tin Mừng hôm nay kể, Đức Giêsu bất thần hỏi các môn đệ: “Đám đông nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. Nhưng Chúa lại muốn biết suy nghĩ của chính họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Và chỉ một mình Phêrô mau mắn, đầy xác tín thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,18-20)

Phêrô trả lời quá chính xác, các môn đệ khác thở phào nhẹ nhõm vì các ông còn mơ hồ không biết Thầy là ai. Và Đức Giêsu mừng thầm vì công phu dạy dỗ mấy năm trời cũng không đến nỗi đổ sông đổ biển.

Nhưng Đức Giêsu phải xác định ngay rằng Đấng Kitô đây không phải là vị vua chiến thắng muôn nước, bá chủ muôn dân, khôi phục nước Israel, giải phóng nô lệ Rôma, như họ vẫn nghĩ.“Đấng Kitô của Thiên Chúa” sẽ là vị vua chiến thắng tử thần, chinh phục các tâm hồn, khôi phục quyền làm con Chúa, và giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, quỷ ma.

Tuy nhiên, con đường đi đến chiến thắng lại là con đường đau khổ, con đường thập giá: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sống lại” (Lc 9,22). Tất cả những ai muốn làm môn đệ Người, không thể đi con đường nào khác: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23)

Thập giá tuy là một khí cụ độc ác và ô nhục mà con người đã nghĩ ra để hành hạ kẻ khác, nhưng Đức Giêsu lại biến nó thành dấu chứng của tình yêu: Tình yêu vâng phục thánh ý Cha và tình yêu dâng hiến cho nhân loại. Khi nhìn lên thập giá, chúng ta không ngừng nghe vang vọng lời yêu thương ấy. Chính tình yêu đã biến thập giá trở nên nhẹ nhàng, và khổ đau thành nỗi hân hoan.

Chúa đã chết thay cho chúng ta, mặc dầu chúng ta không xứng đáng ơn cao cả ấy, tại sao chúng ta lại không dám chết cho chính mình, từ bỏ tội lỗi để bước theo chân Người?

Chúa đã sẵn lòng chịu mọi đau khổ cực hình thay cho chúng ta, mặc dầu chúng ta ngàn lần bất xứng, tại sao chúng ta lại từ chối hy sinh cho anh em, đang cần sự nâng đỡ ủi an?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”, xin ban cho chúng con ơn can đảm, để chúng con luôn sẵn lòng bỏ mình cho tình yêu.

Xin cho chúng con tìm được niềm vui khi đón nhận mọi gian lao thử thách Chúa gởi đến trên đường đời. Amen. 

***