Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Gr 28,1-17 (năm chẵn), Ds 11,4b-15 (năm lẻ), Mt 14,13-21
Bài đọc 1 (năm chẵn): Gr 28,1-17
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
Một ngày trong tháng năm, năm thứ tư triều Xít-ki-gia-hu, vua Giu-đa, ngôn sứ Kha-nan-gia, con ông Át-dua, người Ghíp-ôn, nói với ông Giê-rê-mi-a trong Nhà Đức Chúa, trước mặt các tư tế và toàn dân rằng : “Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau : Ta sẽ bẻ gãy ách của vua Ba-by-lon. Còn hai năm nữa, Ta sẽ đem về nơi này mọi đồ dùng trong Nhà Đức Chúa, mà Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, đã lấy ra khỏi nơi này đưa sang Ba-by-lon. Cả Giơ-khon-gia, con của Giơ-hô-gia-kim, vua Giu-đa và tất cả những người Giu-đa bị lưu đày sang Ba-by-lon, chính Ta sẽ dẫn chúng về nơi đây, – sấm ngôn của Đức Chúa -, vì Ta bẻ gãy ách của vua Ba-by-lon !”
Bấy giờ ngôn sứ Giê-rê-mi-a trả lời ngôn sứ Kha-nan-gia trước mặt các tư tế và toàn dân đang đứng trong Nhà Đức Chúa. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói : “A-men ! Ước gì Đức Chúa làm như thế ! Ước gì Người thực hiện các điều ông vừa tuyên sấm, và đưa các đồ dùng trong Nhà Đức Chúa cũng như tất cả những người lưu đày từ Ba-by-lon trở lại nơi này. Nhưng xin ông lưu ý đến lời tôi sắp nói cho ông và cho toàn dân nghe đây : Các ngôn sứ có trước tôi và ông từ ngàn xưa đã tuyên sấm về nhiều xứ sở và vương quốc hùng mạnh, là sẽ có chiến tranh, tai ương và ôn dịch ; còn ngôn sứ nào tuyên sấm có bình an, thì chỉ khi nào lời ngôn sứ ấy ứng nghiệm, ông mới được nhìn nhận là ngôn sứ được Đức Chúa thật sự sai đến !”
Bấy giờ ngôn sứ Kha-nan-gia tháo cái gông ra khỏi cổ ngôn sứ Giê-rê-mi-a và bẻ gãy. Rồi ông Kha-nan-gia nói trước mặt toàn dân rằng : “Đức Chúa phán như sau : Cũng giống như thế này, hai năm nữa, Ta sẽ bẻ gãy cái ách của Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, không còn để nó đè trên cổ mọi dân tộc.” Sau đó ngôn sứ Giê-rê-mi-a bỏ đi.
Nhưng, sau khi ngôn sứ Kha-nan-gia bẻ gãy cái gông mà ông đã tháo ra khỏi cổ ngôn sứ Giê-rê-mi-a, có lời Đức Chúa phán với ông Giê-rê-mi-a rằng : “Hãy đi nói với Kha-nan-gia : Đức Chúa phán như sau : Ngươi đã bẻ gãy những cái gông bằng gỗ, thì hãy làm những cái gông bằng sắt thế vào ! Quả thật, Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau : Ta sẽ quàng một cái ách bằng sắt vào cổ tất cả các dân tộc này, khiến chúng phải làm tôi Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, và chúng sẽ làm tôi nó. Ngay cả những giống vật ngoài đồng, Ta cũng trao cho nó.”
Khi ấy, ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói với ngôn sứ Kha-nan-gia : “Ông Kha-nan-gia, hãy nghe đây, Đức Chúa chẳng hề sai ông, thế mà ông lại làm cho dân này tin vào điều dối trá. Bởi thế, Đức Chúa phán như sau : Này, Ta sẽ bứng ngươi ra khỏi mặt đất : Ngay năm nay, ngươi sẽ phải chết vì ngươi đã hô hào nổi loạn chống Đức Chúa.”
Ngôn sứ Kha-nan-gia đã chết vào tháng bảy năm ấy.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 14,13-21)
13 Khi ấy, được tin ông Gio-an Tẩy Giả chết, Đức Giê-su xuống thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.
15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người : “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” 16 Đức Giê-su bảo : “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” 17 Các ông đáp : “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá !” 18 Người bảo : “Đem lại đây cho Thầy !” 19 Sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn khoảng chừng năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
Tấm lòng nhân ái (05.08.2024)
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Trình thuật hóa bánh ra nhiều cho chúng ta thấy tình cảnh rất khó khăn mà dân chúng đang gặp phải. Đó là cơn đói mệt lã khi họ đi theo Chúa Giêsu. Đứng trước vấn đề này, các môn đệ đã chọn giải pháp giải tán đám đông, còn Chúa Giêsu thì chạnh lòng thương và Người đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ngày hôm nay, có rất nhiều anh chị em cần sự giúp đỡ của chúng ta. Đứng trước nhu cầu của họ, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, tỏ lòng nhân ái và làm một cái gì đó cho họ. Giờ đây, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về hai điểm sau đây:
1. Chúa Giêsu thể hiện lòng Nhân Ái
Khi đọc và suy gẫm bài Tin Mừng này, chúng ta dễ dàng cảm nhận sâu xa lòng nhân ái của Chúa Giêsu. Người trông thấy đám đông mệt lã vì phải đi bộ; những người đau yếu bệnh tật; những người tội lỗi; những người đói khát, cô đơn và buồn sầu. Chúa Giêsu không chỉ là trông thấy, mà còn là cảm nếm nỗi đau khổ của dân chúng. Người đau với nỗi đau của họ, khổ với cái khổ của họ, hay nói cách khác, Chúa Giêsu đã hoàn toàn đồng cảm và mang lấy nỗi khổ của họ.
Lòng nhân ái đã thúc đẩy Chúa Giêsu đi đến hành động là “chữa lành các bệnh tật của họ”. Thật thế, trên suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, đi đến đâu là Chúa Giêsu thi ân giáng phúc đến đó. Tình Yêu của Người không có sự lựa chọn, nhưng dành cho hết mọi người “Tôi còn những đoàn chiên khác không thuộc ràn này” (Ga 10,16). Lòng nhân ái của Chúa Giêsu dành cho hết mọi người, trong đó có mỗi người chúng ta, là những người mỏng giòn và yếu đuối. Hành động sau cùng và tột đỉnh nhất của lòng nhân ái Chúa Giêsu chính là cái chết trên thập giá.
2. “Chính anh em hãy cho họ ăn”
Chúa Giêsu biết rõ các môn đệ bất lực trong việc cho dân chúng ăn no, nhưng Người vẫn ra lệnh cho các ông lo cho họ ăn. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ cũng là mệnh lệnh dành cho mỗi Kitô hữu ngày hôm nay.
Là Kitô hữu, chúng ta không thể vô cảm, vô tâm, vô can đối với biết bao nỗi đau buồn, thất vọng của anh chị em xung quanh mình. Để nên giống Đức Kitô, chúng ta cần phải làm triển nở tấm lòng nhân ái và trắc ẩn như Người, nhất là đối với anh chị em đau khổ trong thân xác cũng như trong tâm hồn.
Dẫu biết rằng chúng ta cũng giống như các môn đệ, đều cảm thấy bất lực và thiếu khả năng. Nhưng chính sự hiện diện của chúng ta trong nỗi khổ của tha nhân, đôi khi sẽ mang lại cho họ niềm hy vọng và niềm an ủi. Chúng ta không thể bù đắp hết cho họ những thiếu thốn và mất mát, nhưng sự chia sẻ của chúng ta sẽ làm vơi đi những gánh nặng trong đời họ. Sự đồng hành và gần gũi của chúng ta sẽ làm cho họ vơi đi những mặc cảm do nghèo đói gây ra.
Mỗi người chúng ta hãy là nhịp đập của trái tim Chúa, là cánh tay nối dài của Chúa, để từ đó phát sinh lòng nhân ái của Người cho tha nhân. Thể hiện lòng nhân ái là phải chấp nhận từ bỏ và đau thương mới có thể trao ban. Trao ban không hẳn là mất đi, nhưng đó là phương thức tốt nhất để sở hữu những gì mình đã cho đi. Sở hữu lớn lao nhất đó là sự sống trong Nước Trời, bởi lẽ chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39).
Chúng hãy cầu xin Mẹ rất thánh của chúng ta, Mẹ là người đầu tiên đón nhận lòng nhân ái của Chúa Giêsu vào trong cung lòng của mình. Mẹ sẽ dạy cho chúng ta biết cách đón nhận và trao ban tình yêu của Đức Kitô, Con Mẹ cho những người chung quanh.
Cộng tác với ơn Chúa để lan toả tình yêu (07.08.2023)
“Ngước mắt lên trời, Đức Giêsu dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ, còn các môn đệ trao cho dân chúng.”
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay tường thuật phép lạ hoá bánh ra nhiều. Qua sự kiện này, chúng ta nhận thấy được tấm lòng của Chúa Giêsu: “Ngài trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ”, rồi sau đó còn giảng dạy và làm phép lạ cho họ có bánh ăn. Chúng ta hãy nhớ trong trình thuật Tin Mừng, không một ai trong đám đông xin Chúa hãy cho mình ăn; sáng kiến làm nên phép lạ này đều xuất phát từ tấm lòng của Chúa Giêsu. Ngoài ra, phép lạ này cũng tiên báo về Bí tích Thánh Thể mà sau này chính Chúa sẽ thiết lập. Và cuối cùng, nó vẽ lên một viễn cảnh về Giáo Hội; nơi đó, Chúa Giêsu ở giữa, các Tông đồ ở kề bên Ngài, còn dân chúng thì ở chung quanh các ngài.
Qua phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta bài học về sự chia sẻ. Thật vậy, thế giới hôm nay không thiếu của cải nhưng thiếu sự chia sẻ nên con người ta vẫn còn đói, còn khát. Kế đến, Ngài cũng muốn dạy chúng ta biết nhìn nhận vai trò của ơn Chúa. Ơn Chúa có thể làm được mọi sự nếu con người biết cộng tác. Thật thế, năm chiếc bánh và hai con cá làm sao có thể đáp ứng được nhu cầu cho năm ngàn người đàn ông, ấy vậy mà nhờ ơn Chúa cùng với sự cộng tác của con người (đem lại đây cho Thầy, chính anh em hãy cho họ ăn), số bánh và cá ít ỏi đó đã hoá nhiều để nuôi cả đám đông chục ngàn người ăn no nê, đã thế khi thu lại còn được mười hai giỏ đầy bánh vụn.
Để phép lạ xảy ra, ngoài yếu tố lòng tin, thì sự cộng tác của con người – dù chỉ là nhỏ bé thôi – lại là điều kiện không thể thiếu để ơn Chúa có thể sinh hoa kết quả nơi chúng ta và nơi những người xung quanh. Điều đó cũng có nghĩa là ơn huệ của Thiên Chúa ban cho nhân loại vẫn thường qua trung gian người này hay người khác. Có lẽ, Thiên Chúa không bao giờ hiện ra để cứu giúp người nghèo đói đang ở bên cạnh chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta là những trung gian để qua đó, người anh em nghèo khổ của mình có cơm ăn áo mặc. Như vậy cũng có thể nói, chúng ta đón nhận được ơn Chúa qua người khác, và ngược lại, họ đón nhận được ơn Chúa qua trung gian là chính chúng ta.
Ở cuối phép lạ hoá bánh ra nhiều, người ta thu nhặt lại những mẩu bánh vụn. Mặc dù trong phép lạ người ta được cho ăn dư dật nhưng họ không được phép phung phí. Đây là điều chúng ta phải lưu ý: Thiên Chúa ban cho con người với lòng rộng lượng nhưng sử dụng phung phí của Chúa ban là điều không phải phép. Ân ban rộng rãi của Chúa và cách sử dụng khôn ngoan của chúng ta phải đi đôi với nhau. Điều này cũng có nghĩa là, chúng ta chẳng những không được hoang phí những của cải vật chất, mà còn phải biết đón nhận và trao tặng những ân huệ Chúa ban cách tốt đẹp nhất.
Thế giới hôm nay xem ra dư thừa của ăn, giàu tiện nghi và người ta đua nhau hưởng thụ. Thế nhưng thực chất bên cạnh sự hào nhoáng đó là một sự khao khát khôn nguôi về hạnh phúc đích thật của cuộc sống. Bởi những nụ cười tươi nở trên môi xem ra như để che dấu một sự thật đau lòng, đó là mối tương quan giữa con người với nhau không còn là mối dây huynh đệ, nhưng chỉ còn là những tính toán lợi lộc ích kỷ, hình thành một lối sống vô cảm và cuộc sống rơi vào một khủng hoảng mới – đói khát tình người. Người Kitô hữu chúng ta có trách nhiệm xoa dịu cơn đói khát này và làm cho con người thời nay được no thoả bởi đời sống nhân đức theo Tin Mừng của chúng ta.
Lạy Chúa, nhân loại ngày hôm nay đang đắm chìm trong rất nhiều đau khổ: bệnh tật, chiến tranh, đói khát thể xác,… Xin nuôi dưỡng hết thảy mọi người không chỉ về phần xác, nhưng còn cho họ được hưởng dùng những phương dược thần linh, ngõ hầu chúng con đủ sức vượt qua bao thăng trầm của cuộc sống. Xin cho chúng con biết thực tình chia sẻ với những anh chị em túng nghèo và quảng đại ban phát tấm bánh đời mình cho tha nhân mà không toan tính thiệt hơn. Amen.
Joston
Vì lòng Chúa bao la (01.08.2022)
Ngày 01.08: Lễ Nhớ Thánh An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
“Ngước mắt lên trời, Đức Giêsu dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ, còn các môn đệ trao cho dân chúng.”
Tin Mừng hôm nay tường thuật lại diễn biễn sau khi ông Gioan Tẩy Giả bị chém đầu. Khi Chúa Giêsu nghe được hung tin ấy, Người đã lánh ra đến một chỗ hoang vắng riêng biệt để tránh sự ra tay tàn ác của tiểu vương Hê-rô-đê khi ông ta nghĩ rằng ông Giêsu này là ông Gioan đã từ cõi chết trỗi dậy. Chúa Giêsu thừa hiểu số phận của Gioan cũng chính là số phận của Người, Người nghĩ đến cái chết của chính mình mà cái chết của Gioan đã báo trước. Nhưng vì giờ của Chúa chưa đến, nên Người đã lánh mặt đến nơi hoang vắng, một phần để thoát nạn, một phần để thầy trò tâm tình sau những ngày miệt mài thi hành sứ vụ Chúa Cha giao phó, cũng có thể vì quá đau xót trước sự ra đi của người anh họ, mà Người cần yên tĩnh để khóc thương và cầu nguyện.
Nhưng Chúa Giêsu không ở yên một mình được, đám đông dân chúng rất cảm phục những lời khôn ngoan và đầy uy quyền của Chúa, nên khi nghe biết Chúa bỏ đi, họ đã tìm đến với Chúa để nghe Người giảng. Họ lắng nghe một cách say mê, quên cả khái niệm thời gian, quên cả việc ăn uống, nên khi chiều đến ai nấy đều cảm thấy đói. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương, nên không những nuôi dưỡng linh hồn họ bằng Lời Hằng Sống, mà còn nuôi họ về phần thân xác khi cho họ ăn bánh và cá no nê cùng yêu thương chữa lành các bệnh tật trong dân.
Cũng như bao phép lạ khác mà Chúa đã thực hiện, phép lạ hóa bánh ra nhiều này cần có lòng tin và sự cộng tác của con người, vì thế Chúa đã truyền cho các môn đệ: “Đem lại đây cho Thầy”, và “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các môn đệ đã tin và thực hiện theo những gì Chúa bảo, và phép lạ đã xảy ra, bánh và cá hóa ra nhiều, ai nấy đều được ăn no nê. Con số đám đông có thể lên đến chục ngàn người, một con số rất lớn so với số lượng bánh và cá ban đầu, đã thế khi thu lại những phần dư được tận mười hai giỏ đầy.
Thật bao la tình yêu thương của Chúa dành cho con người. Chúa không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, nam nữ, có đức tin hay không, nô lệ hay tự do, thông thái hay ngu đần,… tất cả đều được Chúa quan tâm chăm sóc. Người truyền cho đám đông ngồi xuống trên cỏ và họ được cho ăn no nê. Nhờ kẻ đã đưa cho Người chút ít, chỉ chút xíu thôi dâng cho Người, đủ cho Người tạ ơn Chúa Cha để làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho đám đông hưởng dùng dư dật. Một bài học vô cùng quý báu: nếu chúng ta đặt niềm tin nơi Chúa, cộng tác với Chúa bằng khả năng và những gì mình có, cùng với ơn Chúa, chính Chúa sẽ làm phép lạ để đảm bảo cho những mưu ích của chúng ta, và có khi chúng ta được dư tràn ơn thiêng của Người nữa.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy khôn ngoan nhận biết “giờ ấy” đã đến hay chưa để tránh sự nguy hiểm do kẻ thù gây ra. Bên cạnh đó, chúng ta phải tin tưởng vào quyền năng tuyệt đối nơi Chúa Giêsu. Bởi khi lòng thương xót của Chúa đụng chạm đến chúng ta, thì chúng ta được no đầy ơn thiêng của Người. Và cuối cùng, chúng ta phải biết chia sẻ với những anh chị em nghèo về thể xác lẫn tinh thần; luôn tìm cách chữa trị vết thương thể xác và tâm linh cho anh chị em mình, vì Chúa không chấp nhận việc chúng ta yêu thương hình thức, yêu nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải có hành động cụ thể và kịp thời.
Lạy Chúa Giêsu, phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều đã thể hiện tình yêu thương của Chúa dành cho con người là vô bờ bến. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết rung động trước nỗi khốn khổ của anh chị em xung quanh, biết chung tay góp sức nhằm làm cho cuộc sống của họ bớt khổ hơn. Nhưng trước hết, xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan để biết điều nên làm và điều không nên hoặc chưa nên. Amen.
Joston
Cộng tác và phép lạ (02.08.2021)
Khi Đức Chúa phán với ông Abraham hãy hiến tế đứa con trai duy nhất của mình cho Thiên Chúa, lúc sắp sát tế thì ông đã thấy phép lạ là thiên thần hiện ra ngăn không cho ông sát tế (St 22, 1-19).
Khi tiệc cưới Cana sắp hết rượu thì Đức Mẹ Maria nói với Những người giúp việc, Người bảo gì cứ làm theo. Người giúp việc đã múc đầy các lu nước và phép lạ đã xảy ra. Nước hoá thành rượu ngon (Ga 2, 1-12).
Đức Giêsu bảo : “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Một câu nói mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các tông đồ là phải cộng tác vào việc cho người đói ăn, người khát uống. Dù là một sự cộng tác rất nhỏ, như thánh tông đồ đã chỉ biết rằng có một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng nói hãy mang cho Chúa và sẽ thấy Lòng Xót Thương của Chúa như thế nào. Chính Lòng Xót Thương mà Thiên Chúa luôn chạnh lòng đến con người Chúa đã dựng nên.
Lòng Xót Thương của Chúa Giêsu đã được thể hiện qua phép lạ Thánh Thể Chúa hằng ngày. Chắc chắn một điều rằng: Những ai cộng tác với Mình Máu Thánh Chúa Giêsu hằng ngày sẽ có một đời sống tốt lành như Chúa Giêsu và không bao giờ đói khát. Cộng tác với Mình Thánh không phải là trực tiếp ăn thịt của Chúa Giêsu, mà chính là đón nhận Chúa vào trong lòng mình và sống như Chúa dậy, người ấy sẽ luôn nhìn thấy phép lạ của Chúa trong cuộc đời mình.
Chạnh lòng thương, Chúa luôn chạnh lòng thương đến con người mà tại con người không nhìn thấy, không cộng tác với Lời Chúa dậy. Họ chỉ nhìn thấy những giàu sang phú quý, những vật chất hiện tại, những khổ đau từng ngày mà không nhìn thấy những hồng ân của Thiên Chúa, nên không nhìn thấy Chúa luôn chạnh lòng với họ.
Cộng tác với Chúa bằng chính đời sống đức tin với việc làm của mình sẽ thấy được Chúa đang chạnh lòng thương.
Sợ hãi việc đạo đức, biếng nhác việc thờ phượng, ươn lười lòng yêu mến thì có khác nào dân Israel xưa, khi được ăn no nê thì có Chúa, khi gặp khốn khổ thì than trách, và phản bội thờ bò vàng.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc đời của con cũng đã nhiều lần con cộng tác với Chúa là để cầu mong được ăn no nê cái thân xác mà không nghĩ sự no thoả linh hồn, nên rất nhiều lần con đã tỏ ra chán nản và thất vọng. Nhưng Chúa vẫn luôn chạnh lòng thương con nhiều lắm, mỗi khi con nghĩ về sự khốn khó tủi nhục đã qua đi, con mới nhận ra hồng ân chạnh lòng của Chúa đối với con, “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).
Hư Vô
Tấm bánh đời mình (05.08.2019)
“Mọi người đều ăn no” (Mt 14, 20)
Từ phần ăn bé nhỏ của một em bé quảng đại và tín thác, Chúa Giê-su làm phép lạ bánh hóa ra nhiều để lo cho cả đoàn người theo Chúa ai cũng được ăn no mà trở về nhà. Và cũng từ chỉ một Thánh Thể Chúa Giê-su quảng đại, hiền lành khiêm nhượng, mà Người đã nuôi sống chúng ta và bổ dưỡng cho chúng ta có sức mà về đến quê trời. Chúa đã bẻ tấm bánh đời mình ra mà nuôi sống chúng ta thế nào, thì Ngài cũng muốn chúng ta sống bí tích thánh thể giữa đời bằng cách bẻ tấm bánh đời mình ra mà nuôi sống nhau như vậy.
Huynh Đoàn Đa Minh của chị thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội, trí thức và bình dân, giàu nghèo không phân biệt giai cấp. Với vai trò là trưởng, chị đặc biệt quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn của các thành viên, cụ thể những lúc gia đình họ gặp hoạn nạn…, chị mời gọi những ai có khả năng kinh tế, cùng chung tay góp tiền để nâng đỡ sẻ chia trong tình yêu thương huynh đệ chân thành, giúp nhau bằng tất cả lòng bác ái theo gương Chúa Giêsu, âm thầm khiêm tốn, không phô trương lộ liễu “ Tay trái làm không cho tay phải biết”, để người nhận được bình an vui vẻ tránh mặc cảm tự ti.
Chính từ đó Huynh Đoàn của chị ngày càng phát triển cả về nội lực và nhân tố, bởi cách sống quảng đại với hết mọi người, biết nhạy bén chia sẻ cơm áo gạo tiền cho nhau, biết chia sẻ niềm vui sống tin mừng bình an cho nhau. Đã rước lấy Thánh Thể Chúa thì cũng phải mặc lấy tình yêu Thánh Thể mà thi thố tình yêu thương ấy đối với mọi người. Chính việc sống bí tích thánh thể giữa đời mới là bảo đảm cho chúng ta phần rỗi đời đời, nhớ đến Lời Chúa nói về ngày quang lâm: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…”. Chỉ có người sống bí tích thánh thể là bẻ tấm bánh đời mình ra nuôi sống người khác, mới được vào Nước Thiên Chúa hưởng hạnh phúc thiên thu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chia sẻ sự sống của chúng con cho anh chị em mình, nhất là những người nghèo khổ vì lòng yêu mến Chúa, biết yêu như Chúa đã từng yêu con, một tình yêu vô vị lợi.
BCT
Tấm bánh cho người nghèo, là tấm bánh cho chính Thầy (01.08.2016)
1 Tháng Tám Thánh Anphong Liguori (Thánh Anphongsô -1696-1787)
1. Ghi nhớ:
Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” (Mt 14, 17)
2. Suy niệm:
“Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá” tức là bánh của người nghèo, một tượng trưng của sự đóng góp, giúp đỡ của mọi người được xuất phát từ trái tim hay cái tâm ý chí của mình, để thực hiện một phép lạ vĩ đại, ở đây Thiên Chúa đòi con người biết sống trao ban để từ đó phép lạ được thực hiện qua từng công việc. Trên ngàn vạn nẻo đường, Thiên Chúa luôn chờ đợi và Ngài đi tìm sự đóng góp của con người qua hình ảnh quảng đại từ tâm, chỉ cần một ánh mắt, một chút cảm thông, một chút sẻ chia với người cùng khốn hay bệnh tật hoặc người bị bỏ rơi không nơi nương tựa, cũng đủ để Ngài thực hiện phép lạ.
Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta là một mẫu gương tuyệt vời về tấm lòng quảng đại và tình thương vô bờ mà Thiên Chúa đã gửi đến cho nhân loại. Sinh thời, những bước chân ra đi không mệt mỏi của Mẹ đã chữa lành cơn khát yêu thương của biết bao nhiêu người đau khổ bệnh tật. Mẹ đã nói rằng “vấn đề không phải chúng ta cho đi bao nhiêu, mà chúng ta đặt tình mến vào việc cho đi đó bao nhiêu”. Đó chẳng phải là ý muốn mà Thiên Chúa đòi hỏi con người phải trao ban đi bằng hết cả lòng mến của mình sao? Hình ảnh Mẹ Têrêsa là mẫu gương “năm chiếc bánh và hai con cá”, chỉ cần một nụ cười cảm thông cũng đủ cho bao người ấm lòng khi nhắm mắt.
Hình ảnh “ năm chiếc bánh và hai con cá” của mọi người cũng là sự cho đi, một chút chịu đựng quên mình hay bỏ đi sự kiêu căng tự phụ, sự tha thứ cho kẻ thù, có thể hy sinh thời gian, sức khỏe tiền bạc cho bao người đang cần sự rộng mở của tôi. Hình ảnh cuối cùng trong cuộc đời của mình, là tôi biết từ bỏ chính mình để đi tìm Thiên Chúa trong cuộc sống trần gian này. Trong cuộc sống nhiều lúc có những việc tôi làm không thành công hay thất bại, bởi vì tôi không đủ tình yêu, hay lòng nhiệt thành hăng say, như tục ngữ có câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy sống biết yêu thương, biết cho đi bằng sự hy sinh đóng góp dù là nhỏ nhoi nhất thì Thiên Chúa luôn hiện diện ngay trong cuộc sống đời thường, ngay trong gia đình cha mẹ con cái biết đóng góp trách nhiệm của mình, ngay từ cuộc sống Huynh đoàn, Giáo xứ, và cả xã hội thì chắc chắn phép lạ Thiên Chúa sẽ xảy ra từng việc, từng giờ, từng ngày trong đời sống hiện tại hôm nay.
3. Bài hát:
Tấm bánh cho người nghèo, là tấm bánh cho chính Thầy
Thầy không quên bao giờ, Thầy sẽ ban nước Trời
Tấm áo cho người nghèo, là tấm áo cho chính Thầy
Thầy không quên bao giờ, Thầy sẽ ban nước Trời
Chén mắm cho người người nghèo, là chén mắm cho chính Thầy
Thầy sẽ quên bao giờ, Thầy sẽ ban ơn nước Trời
(Bài ca sinh hoạt, xin chia hai bè)
4. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin cho chúng con một tấm lòng từ tâm, một trái tim rộng mở trong yêu thương đến mọi người, để đón nhận tình yêu và phép lạ của Thiên Chúa luôn hiện diện trong đời sống chúng con. Amen.
M.Liên
Siêng năng tham dự Thánh Lễ và rước lễ (03.08.2015)
Ghi nhớ: “ Ai nấy đều ăn và được no nê ” . (Mt 14,20).
Suy niệm: Phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi sống đám đông dân chúng ngày xưa là hình ảnh của Bí tích Thánh Thể ngày nay. Ai đến với Chúa sẽ được Ngài nuôi dưỡng cách no đầy. Chính Ngài đã nói: “ Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào ” (Ga 10,10). Nơi Chúa, không ai bị bỏ rơi, bị đối xử phân biệt hay bị thiếu thốn điều gì. Đặc biệt, những ai đang túng thiếu và đau khổ hãy đến với Ngài để tìm được sự no thoả và niềm an ủi sâu xa tận trong tâm hồn: “ Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn xem, cho biết Chúa thiện hảo dường bao; Phúc cho ai tìm nương tựa Ngài ” . Do đó chúng ta hãy năng lãnh nhận Bí Tích Thánh thể nguồn sống muôn đời.
Sống Lời Chúa: Siêng năng tham dự Thánh Lễ và rước lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con không ngừng khao khát Chúa trong cuộc sống hằng ngày, vì Chúa là nguồn sống của chúng con. Amen.