1. Phù hoa là chất làm loãng xương linh hồn
Có sự lo lắng đến từ Chúa Thánh Thần và có sự lo lắng đến từ cái tâm gian ác. Khi có tâm gian ác thì bên ngoài là cái hư danh ảo vọng và bên trong là tâm hồn trống rỗng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.
Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc vua Herode lo lắng, sau khi đã giết Gioan Tẩy Giả. Bây giờ Herode lại bất an khi nghe tin về Chúa Giêsu. Herode làm chúng ta nhớ tới cái bất an của vua Herode Cả. Sau cuộc thăm viếng của Ba Vua từ Phương Đông, Herode Cả đứng ngồi không yên vì nghe tin có vị Tân Vương mới sinh tại Bêlem.
Trong linh hồn, có hai loại lo lắng: loại lo lắng tốt đến từ Chúa Thánh Thần để thúc đẩy người ta làm việc thiện, còn loại lo lắng xấu phát sinh từ cái tâm gian ác. Herode Cả đã giải quyết nỗi lo của mình bằng cách giết hại hàng loạt trẻ em.
Những kẻ gây ra tội ác và nuôi dưỡng ác tâm thì không thể sống trong bình an, mà sẽ ngứa ngáy liên tục, và những vết ngứa ấy cứ tiếp tục lan ra… Bởi vì họ đã gây ra điều ác, và tất cả những điều ác thì đều có chung gốc rễ: tham lam, hư danh, kiêu ngạo. Ba cái này là gốc rễ của mọi tội lỗi, và chúng không để cho tâm hồn chúng ta được bình an.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Giảng Viên nói về sự hư danh, ảo vọng, phù vân. Những điều phù phiếm lấp đầy chúng ta. Ảo tưởng về cuộc sống trường thọ, ảo vọng chỉ như bong bóng xà phòng. Cái phù vân không đem lại cho chúng ta ích lợi chân thực. Ích lợi gì cho người làm lụng vất vả và đầy lo lắng? Nếu đó chỉ là những lo lắng về vẻ bề ngoài, trông như thế này, nhìn như thế kia. Lo lắng như thế là phù vân. Nói đơn giản: cái hư danh chỉ tô vẽ cuộc sống. Những tâm hồn đau bệnh như thế, chỉ lo tô vẽ cái vẻ bề ngoài. Cái hư danh, cái phù vân giống như một tâm hồn trống rỗng. Nhìn bên ngoài thì tốt, mà bên trong thì hư hỏng. Cái phù vân làm cho chúng ta sống giả tạo.
Bằng cách nào mà những kẻ lừa đảo lại chiến thắng? Đúng là họ chiến thắng, nhưng cái chiến thắng này là “giả”, là không thật. Chiến thắng này là hư ảo, vì là sống giả vờ, vì là sống cỏ vẻ như, vì là sống vẻ bề ngoài. Đức Thánh Cha nhắc lại lời nói mạnh mẽ của thánh Benado: “Bạn cứ thử nghĩ mà xem bạn là gì chứ? Bạn sẽ là thức ăn cho giun dế. Tất cả những thứ tô vẽ này đều là giả trá, bởi vì rồi đây giun dế sẽ ăn hết, bạn sẽ chẳng là gì.” Tuy nhiên, sức mạnh của hư danh đến từ đâu? Nó đến từ sự tự đắc gian manh, “nó không cho bạn nhìn thấy những sai lỗi, nó che phủ mọi thứ, mọi thứ bị che đậy”.
Bao nhiêu người trông có vẻ như… rất là tốt! Mỗi Chúa Nhật họ đều đi Lễ. Họ giữ những chức vụ lớn trong Giáo Hội. Đó là những gì anh chị em thấy, còn bên trong thì toàn là tham nhũng. Có những người như thế, nhưng cũng có nhiều người thực sự đạo đức thánh thiện. Cái phù vân thường chỉ cho người ta nhìn thấy một phần, còn tất cả sự thật lại hoàn toàn khác. Vậy đâu là chốn an toàn để chúng ta nương náu? Chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh: “Lạy Thiên Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài là nơi chúng con náu ẩn.” Chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” Lạy chúa, xin cứu chúng con khỏi ba gốc rễ của mọi sự dữ: tham lam, hư danh, kiêu ngạo. Và trên hết, xin cứu chúng con khỏi hư danh, vì nó đã gây ra quá nhiều nỗi đau.
2. Tình Thương Ðáp Trả Hận Thù
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong ba ngày từ 18 đến 20 tháng 9 các nhà lãnh đạo các tôn giáo trên thế giới đã tụ họp nhau tại Assisi là quê hương của thánh Phanxicô để cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Nhân dịp này, Như Ý xin gởi đến quý vị và anh chị em câu chuyện Tình Thương Ðáp Trả Hận Thù.
Bà Coretta King, vợ của cố mục sư Martin Luther King, đã ghi lại trong quyển hồi ký của bà như sau:
Martin ra trước cửa nhà. Một cách nào đó, đây là giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời của anh.
Trước đó vài hôm, một quả bom đã được quăng vào nhà. Vợ và con anh suýt bị sát hại. Ðây là thử thách đầu tiên nặng nề nhất mà anh phải chịu đựng. Ðồng thời nó cũng là trắc nghiệm để xem anh có thể sống nguyên tắc Kitô và thuyết bất bạo động mà anh hằng rao giảng không. Anh xuất hiện một cách bình thản trước đám đông người da đen đang sôi sục hận thù.
Khi anh vừa giơ tay lên làm hiệu thì mọi tiếng động bỗng như dừng lại. Anh đã chiếm lĩnh được tâm hồn mọi người, từ những người đứng tuổi đến các bạn trẻ bốc đồng nhất, từ các cảnh sát viên cho đến những người sợ hãi đang đứng nép bên các bậc thang trước cổng nhà.
Với một giọng nói bình tĩnh, nhẹ nhàng, anh khuyên nhủ mọi người như sau:
“Vợ tôi và con gái tôi vẫn bình an. Tôi xin anh em hãy trở về nhà và hãy buông khí giới. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng bạo động. Chúng ta phải yêu thương những người da trắng anh em của chúng ta, dù họ có làm gì cho chúng ta đi nữa. Chúng ta phải làm cho họ hiểu rằng chúng ta yêu thương họ thật sự. Chúng ta phải sống như thế đó: nghĩa là lấy tình thương đáp trả hận thù”.
Lời kêu gọi trên đây của mục sư Luther King và cái chết của ông là một bản sao trung thành nhất của Tin Mừng: đó là Tin Mừng của Ðấng yêu thương và yêu thương cho đến chết trên thập giá..
Kính thưa quý vị và anh chị em.
Vào tù ra khám, bị đòn vọt, trải qua trăm nghìn gian lao khốn khổ do những người không tiếp nhận Tin Mừng gây ra, thánh Phaolô vẫn có thể khuyên nhủ các tín hữu Roma như sau:
“Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻ vui, hãy khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đầu ý hợp. Ðừng qúa cao vọng về mình. Trái lại, hãy biết bỏ mình, chuộng phần yếu kém… Ðừng lấy ác báo ác: điều thiện trước mắt mọi người, hãy cố quan tâm. Hãy sống an hòa với mọi người… Anh em thân mến, hãy sống an hòa với hết thảy mọi người. Ðừng báo oán. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ”.
Ước gì những lời khuyên nhủ trên đây trở thành khuôn vàng thước ngọc trong mọi giao tiếp và gặp gỡ của chúng ta với mọi người.
3. Lời cầu cho hòa bình
Chúng ta hãy cùng nhau quỳ gối cầu nguyện cùng Thiên Chúa của hòa bình. Không phân biệt tôn giáo, chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho tới khi có thể cảm thấy được “sự xấu hổ” về chiến tranh và không “bịt tai” trước tiếng kêu than thảm thiết của những người cùng khổ. Đức Thánh Cha đã diễn tả như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Đây cũng là tinh thần Ngài muốn gửi gắm trong cuộc thăm viếng Assisi hôm nay.
Chiến tranh bom đạn tàn sát con người. Người ta cũng cắt viện trợ nhân đạo đối với người già, trẻ em, người đau bệnh. Những điều này đều là công việc của ác thần. Trước tất cả những điều này, chúng ta cần phải cầu nguyện, ngay cả cầu nguyện trong khóc than, để có được hòa bình. Tất cả các tín hữu cần hiệp nhất với nhau mà tuyên xưng rằng “Thiên Chúa là Thiên Chúa của hòa bình”.
Hôm nay, mọi người nam nữ thuộc mọi tôn giáo sẽ đến Assisi. Không phải là để làm gì: đơn giản chỉ là cầu nguyện, cầu nguyện cho hòa bình. Trong một lá thư gửi cho các Giám mục trên toàn thế giới, Đức Thánh Cha cũng viết “Ngày hôm nay được lập nên để mời gọi tất cả tín hữu Công Giáo, Kitô giáo, những tín hữu thuộc bất kỳ tôn giáo nào và tất cả mọi người thành tâm thiện chí, cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình” bởi vì “Thế giới đang trong chiến tranh!”.
Nếu bây giờ chúng ta bịt tai và ngoảnh mặt làm ngơ trước tiếng than khóc của anh chị em đang đau khổ trong chiến tranh bom đạn, thì khi những điều ấy xảy ra với chúng ta, chúng ta sẽ chẳng thể có lời đáp. Chúng ta không thể bịt tai trước tiếng kêu thống khổ của anh chị em mình đang trong chiến tranh loạn lạc.
Ở một số quốc gia, chúng ta “không thấy chiến tranh”. Một số nơi, “chúng ta sợ các hành động khủng bố”. Ở những nước khác, bom đạn đang ngày đêm dội xuống và “giết hại trẻ em, người già, những người nam và nữ…” Chiến tranh ở đâu xa? Không! Chiến tranh ở rất gần, vì chiến tranh chạm đến từng người. Chiến tranh bắt đầu từ ngay trong cõi lòng mỗi con người.
Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta bình an trong tâm hồn, để chúng ta bỏ đi những gì là tham lam và tranh chấp. Hòa bình! Hòa bình! Để trái tim của chúng ta là trái tim của những con người hòa bình, vì chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, Thiên Chúa của hòa bình. Có vị thần của chiến tranh: những gì gây ra chiến tranh thì là tội ác, đó là thần dữ muốn giết chết tất cả chúng ta.
Đứng trước chiến tranh, không có sự phân biệt về niềm tin tôn giáo. Chúng ta đừng chỉ tạ ơn Thiên Chúa vì có thể “chiến tranh không ảnh hưởng tới chúng ta”. “Vâng, chúng ta tạ ơn Chúa về điều ấy, nhưng chúng ta hãy nghĩ đến những người khác nữa.”
Hôm nay chúng ta không chỉ nghĩ đến những người bị chết bị thương vì bom đạn, mà cả người già và trẻ em không có sự viện trợ nhân đạo. Họ không thể nhận được thuốc men. Họ đói khát, đau bệnh! Bởi vì bom đạn ngăn cản sự cứu trợ. Trong khi chúng ta cầu nguyện hôm nay, cũng thật là dịp tốt để chúng ta cảm thấy xấu hổ. Xấu hổ vì chính những con người, những người anh em của chúng ta có thể gây ra những điều tệ hại ấy. Hôm nay là ngày cầu nguyện, ngày sám hối, ngày khóc than, vì hòa bình. Hôm nay là ngày lắng nghe tiếng kêu van của người nghèo. Tiếng kêu ấy mở con tim chúng ta ra với lòng thương xót yêu thương, và cứu chúng ta khỏi sự ích kỷ.
4. Ánh sáng Đức tin
Hãy giữ vững ánh sáng đức tin và làm cho ánh sáng ấy tiếp tục bừng cháy. Đừng để cho ánh sáng ấy bị che phủ. Đức Thánh Cha nói như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha cảnh báo những hành vi làm lu mờ ánh sáng đức tin, như cạnh tranh trong ghen tỵ, chậm trễ làm việc thiện. Đức Thánh Cha cũng nói, những kế hoạch đen tối thì tựa như “mafia”, và “mọi kiểu mafia” đều đen tối.
Hãy để cho ánh sáng đức tin cháy sáng, bừng cháy trước mặt người đời. Đừng để cho ánh sáng ấy lịm tắt. Đó là ánh sáng mà chúng ta được ban tặng như một món quà, và món quà này làm chúng ta bừng sáng. Quà tặng ánh sáng này, chúng ta nhận được trong ngày chịu Phép Rửa. Ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, và ngay cả cho tới hôm nay, Bí tích Rửa Tội vẫn được gọi là Bí tích Khai tâm, khai sáng linh hồn.
Đừng che giấu ánh sáng này, vì nếu làm như thế, bạn chỉ là “Kitô hữu trên danh nghĩa”. Ánh sáng đức tin là ánh sáng chân thực mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa. Ánh sáng này không phải là loại ánh sáng nhân tạo. Ánh sáng này không bao giờ tàn phai.
Đừng bao giờ quên lãng: việc thiện ngày hôm nay chớ để ngày mai, vì nếu hôm nay không làm thì ngày mai cũng chẳng làm. Khi “đi, rồi trở lại và nói, tôi để dành cho ngày mai”, chúng ta đang che giấu ánh sáng. Đừng làm những kế hoạch đen tối để chống lại người thân cận. Đừng lợi dụng lòng tin của nhau để gây điều ác.
Đừng ghen tỵ tranh dành quyền lực, vì khi làm như thế là che giấu ánh sáng. Cám dỗ quyền lực luôn làm cho người ta đánh nhau, và cám dỗ này nói với người ta rằng “chẳng có gì sai cả”. Khi ấy chúng ta luôn tìm thấy có điều gì đó để tranh cãi. Nhưng sau tất cả tranh cãi giành giật thì anh em không thể sống còn. Tốt hơn là nên cho đi và tha thứ.
Đừng ghen tỵ với những kẻ bạo lực, cũng đừng ghen tỵ với những thành công của họ, vì Thiên Chúa là Đấng công bằng. Đã có lần, chúng ta có chút ghen tỵ như thế. Nhưng hãy nhìn xem lịch sử của bạo lực, lịch sử của việc tranh dành quyền bính. Có một kết cục như nhau là người ta cắn xé nhau. Ghen tỵ, tham quyền… điều này che phủ ánh sáng.
Hãy để cho ánh sáng mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa được giãi sáng, được tự do. Chúa Giêsu nói: Hãy là con cái của ánh sáng chứ đừng là con cái của bóng tối. Anh chị em hãy nhìn xem ánh sáng đã được ban cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa. Đừng che giấu ánh sáng ấy dưới gầm giường, nhưng hãy để ánh sáng lan tỏa. Có nhiều bước để thực hành trong cuộc sống. Có nhiều thứ lạ lùng mà chúng ta thấy rằng, chúng đang che mờ ánh sáng.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Đấng mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa, giúp chúng ta đừng rơi vào những thói quen xấu mà che phủ ánh sáng. Xin Ngài giúp chúng ta, biết để cho ánh sáng mà chúng ta đã lãnh nhận được tỏa sáng. Ánh sáng của Thiên Chúa có những hoa trái rất tuyệt vời: ánh sáng của tình bạn, ánh sáng của hiền hậu, ánh sáng của tin tưởng, ánh sáng của hy vọng, ánh sáng của kiên nhẫn, ánh sáng của tốt lành.
5. Ra khỏi chính mình để loan báo Tin Mừng
Ra khỏi chính mình để loan báo Tin Mừng cho mọi ngõ ngách của thế giới. Đó là lời mà Đức Thánh Cha chia sẻ với các Sứ Thần Tòa Thánh vào sáng nay trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha cám ơn các vị vì các ngài dấn thân với đầy niềm vui và lòng nhiệt thành nơi các quốc gia khác nhau.
Từ dụ ngôn Người gieo giống, Đức Thánh Cha nói về cách thế mà các Sứ thần Tòa Thánh gieo Tin Mừng vào thế giới. Đức Thánh Cha cho biết, đời sống của các vị Sứ thần tựa như ‘cuộc đời của người du mục’ vì nay đây mai đó.
“Khi bạn đã học ngôn ngữ tốt, thì có một cuộc gọi từ Roma và… ‘Ồ, bạn khỏe không?’ – ‘Tốt’ – ‘Bạn biết Đức Thánh Cha không, Người mà bạn rất yêu mến… Người nghĩ thế…’ – Những cuộc gọi ấy thật là êm tai phải không? – ‘… Người đã nghĩ tới bạn vì điều này…’. Và thế là bạn khăn gói lên đường và đến một nơi mới, rời xa bạn bè, rời xa những thói quen, rời xa nhiều thứ mình đã và đang làm… ra khỏi chính bản thân, ra khỏi nơi này và đến nơi khác, và ở đó, một khởi đầu mới.”
“Khi bạn đến một đất nước mới, thì chính bạn – người Sứ thần Tòa Thánh – phải làm một cuộc ‘ra khỏi’ nữa: ra khỏi chính mình để học ngôn ngữ mới, ra khỏi chính mình để đối thoại, để học văn hóa, học cách nghĩ.”
Đức Thánh Cha nói vui: “Ra khỏi chính mình để đến với người khác, thường là chán”, nhưng “ra khỏi bản thân, chính là gieo hạt”, “hạt giống này luôn tốt”. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Có người nói, công việc của anh em quá là chuyên biệt, một loại công việc quản trị” ngay cả “đây là công việc đời quá”. Thế nhưng, tất cả anh em đều biết những gì anh em đã làm cho các linh hồn. Chúa Giêsu nói rằng, chúng ta, những người gieo giống, sau khi gieo hạt thì hãy đi nghỉ, vì chính Thiên Chúa sẽ làm cho hạt giống nảy mầm và sinh trưởng. Cũng như thế đối với các Sứ thần, “Anh em phải ra khỏi chính mình để Thiên Chúa có thể làm cho hạt giống nảy mầm và lớn lên; và anh em phải làm điều này đầu tiên là trước nhà tạm, trong cầu nguyện, trong việc thờ phượng.”
Cho dù có nhiều khó khăn, anh em vẫn khởi sự với niềm vui và lòng nhiệt thành. Đó là “lời chứng vĩ đại”, là “các Sứ thần chỉ thờ phượng Một Đấng ban sự sinh trưởng, Đấng ban sự sống”. Có ba nét ‘đi ra’ của một vị Sứ thần. Thứ nhất là đi ra về thể lý. Đó vác hành lý lên đường, sống du mục. Thứ hai là đi ra về văn hóa, về học ngôn ngữ. Có cuộc điện thoại ‘Vui lòng nói cho tôi’ – ‘Vui lòng nói cho tôi biết bạn đang nói tiếng gì vậy?’ – ‘Tôi nói tốt tiếng Anh, tiếng Pháp, và cũng nói được tiếng Tây Ban Nha…’ – ‘À, tốt lắm, tốt lắm … Nhưng nghe này: Đức Thánh Cha quyết định sai bạn đi Nhật Bản đấy!’ – ‘Nhưng một chữ tiếng Nhật tôi cũng không biết!’ – ‘À, Bạn sẽ học được thôi!’. Cuộc đi ra thứ ba chính là cầu nguyện.
Cám ơn quý anh em là các Sứ thần Tòa Thánh, vì sự phục vụ mà anh em dành cho Hội Thánh, vì anh em luôn sẵn sàng đi ra. Ba cuộc đi ra cũng là ba cách phục vụ Chúa Giêsu và Hội Thánh. Tôi rất ngưỡng mộ anh em, Giáo Hội biết ơn anh em. Xin Chúa ban cho anh em ân sủng của Ngài để anh em tiếp tục “đi ra” theo ba nét trên, đi ra chính bản thân mình.